“Phim đồng tính của tôi không đáng bị ghét bỏ”
Đạo diễn Nguyễn Lê Dũng đã lên tiếng sau những ý kiến “chê trách” của khán giả đối với bộ phim “ Cảm hứng hoàn hảo” của ông.
Cảm hứng hoàn hảo - bộ phim về đề tài đồng tính đã vấp phải nhiều ý kiến khen chê của dư luận từ khi chính thức ra mắt đoàn làm phim. Sau khi bị hoãn trong 2 tuần vì lí do kiểm duyệt, phim đã được chiếu tại các rạp từ ngày 4/11. Liên quan đến nội dung phim và những phản ứng của dư luận, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn phim về Cảm hứng hoàn hảo.
ĐD Nguyễn Lê Dũng (thứ hai từ phải sang) tại buổi ra mắt phim hôm 3/11
Từ buổi phim ra mắt cho đến khi được công chiếu trước báo chí rất nhiều khán giả vẫn có những dư luận trái chiều về Cảm hứng hoàn hảo khi mà bộ phim khá cụt và mất đi tính cao trào?
Rõ ràng là hai dấu ấn rõ ràng nhất trong phim của mình đã bị cắt rồi và người xem sẽ có đôi chút bị hẫng hụt khi không thấy hiệu ứng của nó. Bản thân tôi là đạo diễn phim cảm thấy rất tiếc nhưng không bảo vệ được tác phẩm của mình. Việc chiếu muộn cũng là vì lí do đó mà đáng lẽ phim phải ra mắt từ ngày 21/10.
Là đạo diễn của bộ phim chắc chắn anh tự cảm nhận được những cảnh quay đó khi ra mắt chắc chắn là sẽ bị cắt tại sao anh không có những thay đổi kịch bản phù hợp hơn để phim được trọn vẹn?
Thực ra tôi vẫn làm những thứ rất nhẹ nhàng đó thôi. Điều mà tôi hướng tới là muốn truyền tải cho khán giả một thông điệp về tình thương của những người chị dành cho em mình xuất phát từ tấm lòng thật sự chứ không phải giả dối. Vì thế chuyện họ hi sinh cho em mình rất bình thường và nó không còn là vấn đề to tát. Cả 4 chị em họ sống cùng nhau từ nhỏ tới lớn và 3 người chị cũng coi em trai mình giống như 1 đứa con gái. Và khi người ta chấp nhận làm điều đó cũng là điều hoàn-toàn-bình-thường xảy ra chứ không phải là cái gì quá khó khăn.
Liệu cách lí giải sự hi sinh của 3 cô chị cho người em trai của mình đã đủ sức thuyết phục khán giả
Nhưng đặt trong vấn đề văn hóa truyền thống của người Việt Nam rõ ràng điều đó không đơn giản?
Tôi hiểu điều đó. Nhưng với bộ phim của mình tôi nghĩ nó cũng không đáng để người ta ghét bỏ. Tôi đã cố gắng để tạo ra nhiều chi tiết cho người xem thấy tình cảm chị em với nhau và khán giả sẽ quên đi cái gọi là thuần phong mĩ tục từ đó chấp nhận bộ phim. Tôi muốn gửi gắm rằng chính gia đình mình là cái nôi thật sự giúp cho người thân của mình. Đơn giản như chuyện khi ra ngoài đường mình có thể hi sinh để cứu giúp một con người xa lạ thì tại sao người trong gia đình mình lại không cứu được mà phải nhờ người khác cứu. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh quan điểm gia đình là phải sống thật sự và hi sinh thật sự.
Với chi tiết 3 cô chị tự nguyện làm mẫu khỏa thân cho em vẽ đó dường như không phải là cách giải quyết duy nhất và trọn vẹn nhất?
Điều này đúng. Nếu như ở ngoài đời mọi người sẽ tìm đủ mọi cách để không có người này sẽ có người khác. Nhưng trong phim cũng cần có sự hư cấu thì nó mới là phim. Nếu mình mang sự thật cuộc sống và bê nguyên xi nó vào phim cũng không phải là cách hay vì có những cái có thể đưa vào và có cái thì không. Tôi muốn mang đến cho khán giả một món ăn nó hơi lạ một chút, quái một chút. Phim ảnh không thể thiếu yếu tố chân thật của cuộc sống nhưng cũng cần có hư cấu 1 chút. Trước khi đưa ra chi tiết này tôi cũng đã đan cài vào các chi tiết: các bà chị đi tìm bác sĩ, đi cúng chùa chùa, thuê 1 cô cave về nhà… để giúp cho em mình nhưng đều không hiệu quả. Có một điều cần nhận thấy đó là bản năng gốc của nhân vật nam chính trong phim từ bé đến lớn chưa bao giờ ra ngoài đường tiếp xúc với những cô bạn gái và chưa bao giờ yêu nên chính những người chị phải là người tạo ra những tình huống đó. Nếu những người chị không làm điều đó thì ai sẽ giúp nó đây và chắc chắn là không có ai. 3 cô chị cũng là những cô gái, cũng có những nét hấp dẫn riêng thì chỉ có họ mới dần dần làm thay đổi em trai của mình.
Cô gái điếm do Thúy Diễm đảm nhận đã cảm hóa và hồi sinh phần đàn ông của nhân vật chính do Thanh Duy thủ vai
Vậy anh có thể lí giải gì về tình yêu của cô gái điếm vì các chi tiết trong phim không hề có sự dẫn dắt để khán giả thấy cô ấy bị chinh phục bởi Hải và hi sinh cho anh ta?
Video đang HOT
Đó là một cô gái làng chơi và cứ có tiền thì làm, điều này ai cũng hiểu được. Nhưng thực sự là con người ai cũng có những sự cảm thông, sự sẻ chia. Chính cô ta đã nói rằng trước nay đàn ông gặp cô ta đều khoái và chỉ có anh chàng này là không khoái cô. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ chính cái lạ của Hải khiến cô ta muốn chinh phục và vô tình lại cảm mến Hải. Chỉ qua 1 đêm ân ái, cô ta tự thấy cảm thông Hải và muốn giúp anh quay trở về với bản năng gốc của đàn ông. Chi tiết cô ta cầm đồng tiền và rưng rưng nước mắt là lúc cô ta nhận thấy mình bị xúc phạm. Sự thú vị là ở chỗ khi Hải đi tự tử thì cô này vô tình trông thấy và muốn cứu anh nhưng không ngờ lại bị tai nạn và sau đó phải đi phẫu thuật thẩm mỹ. Ngay cả khi lành bệnh cô ấy vẫn tìm đến nơi anh này tự tử rồi đi tìm kiếm anh và cuối cùng là gặp anh đang vẽ tại 1 công viên.
Là đạo diễn từ nước ngoài về vậy anh có nghĩ rằng mình đã quá thoáng khi đặt các tình huống kiểu như vậy vào trong phim của mình?
Tôi thừa nhận mình là người có tư tưởng hơi thoáng. Nhưng tất cả mọi chuyện mình hãy suy nghĩ khác một chút đi, nhìn nó tươi đẹp hơn. Với phim nước ngoài thì những cảnh này là điều khá bình thường và họ vẫn chấp nhận nhưng ở Việt Nam vấn đề thuần phong mĩ tục vẫn còn rất khắt khe. Tất nhiên, tôi không có ý đả kích hay bắt mọi người phải hướng theo mình nhưng ít nhất mình cũng phải có cái nhìn rộng lượng hơn. Chuyện chị em yêu thương nhau, hi sinh cho nhau là điều bình thường và điều đó không phải là điều đáng để chê trách.
ĐD Nguyễn Lê Dũng đã vấp phải nhiều ý kiến khen chê từ buổi họp báo cho đến sau khi phim ra rạp
Trong khi những người trong giới thứ ba đang cố gắng để họ được thừa nhận thì bộ phim của anh lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Anh có e ngại khi những gia đình có con em mình bị đồng tính sau khi xem phim họ cũng sẽ cố tìm mọi cách giống như trong phim?
Thực sự đó chỉ là một cách xử lí chủ quan của tôi và tôi không khuyến khích mọi người phải theo mình. Người ta giúp bằng cách gì cũng được nhưng vấn đề đặt ra là gia đình phải là những người giúp đỡ đầu tiên và hãy khoan nhờ những người bên ngoài. Gia đình mới chính là những người giúp được thật sự vì họ là những người hiểu nhất.
Nếu nói phim là chủ quan của bản thân anh thì xem ra lại là sự mâu thuẫn với tính định hướng của điện ảnh cũng như các tác phẩm văn hóa nghệ thuật?
Đúng là điện ảnh có tính định hướng dư luận nhưng có một điều cần nhận thấy là phim ảnh cũng có yếu tố hư cấu đó thôi. Nếu tôi chỉ làm theo những cách rất bình thường thì khi ra rạp chắc chắn sẽ không có ai quan tâm.
Cảm hứng hoàn hảo với 1 kết thúc rất có hậu
Nhưng cũng có nhận xét rằng phim này của anh không có đời?
Không phải là không có đời mà là có một chút đời và một chút hư cấu. Phim không hoàn toàn là đời và cũng không hoàn toàn hư cấu. Tất cả những gì mọi người thấy tôi truyền tải trên phim sẽ có nhiều người không tin nhưng đó lại hoàn toàn là sự thật trong cuộc sống và không phải ai cũng thấy điều đó.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Theo BĐVN
Đặt "Hot boy nổi loạn" và "Cảm hứng hoàn hảo" lên bàn cân
Cùng "đánh vào" đề tài đồng tính, lại ra mắt ở thời điểm gần kề, thế nên không mấy khó hiểu khi "bộ đôi" Hot boy nổi loạn - Cảm hứng hoàn hảo được dư luận gắn mác "đối thủ" và đặt lên bàn cân.
Tính nhân văn: Kẻ tám lạng, người nửa cân
Không thể phủ nhận ngay từ đầu, cả hai đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Nguyễn Lê Dũng đều làm phim với mục đích tốt đẹp. Tuy nhiên cần phải xác định rõ ràng, dù cùng lựa chọn đề tài đồng tính nhưng mục đích của hai người hoàn toàn khác biệt, thậm chí là trái ngược.
"Hot boy nổi loạn" và thông điệp bình đẳng giới
Đối với Hot boy nổi loạn, Vũ Ngọc Đãng cho người xem sự cảm thông với giới tính thứ ba, để từ đó chấp nhận, bao dung họ. Còn với Cảm hứng hoàn hảo, Nguyễn Lê Dũng dường như lại có ý phủ nhận đồng tính thì đúng hơn. Nói đơn giản, nếu Vũ Ngọc Đãng cổ vũ bình đẳng giới thì Nguyễn Lê Dũng muốn "uốn cong thành thẳng".
"Cảm hứng hoàn hảo" có xu hướng phủ nhận giới thứ ba?
Vậy tính nhân văn của Cảm hứng hoàn hảo ở đâu? Trước đây, đạo diễn Nguyễn Lê Dũng đã chia sẻ về điều này. Cảm hứng hoàn hảo tuy đánh vào đề tài đồng tính nhưng thông điệp mà ông muốn truyền tải lại không thuộc vấn đề nói trên. Tình cảm gia đình, nỗ lực vươn lên... mới là điều đạo diễn Nguyễn Lê Dũng hướng đến.
Nội dung: Chuyện dưới đất, chuyện trên trời
Thiên hạ có câu "nói thì dễ, làm mới khó". Mặc dù cùng xuất phát từ ý đồ tốt đẹp nhưng khi bắt tay dựng thành phim thì mỗi người lại có cách thể hiện riêng. Đến đây thì ai hay - ai dở mới chính thức được xếp hạng.
Chuyện của Hot boy nổi loạn rõ ràng là một câu chuyện... dưới đất, với các tình tiết "rất đời". Còn chuyện của Cảm hứng hoàn hảo thì chắc do mải đuổi theo cái toàn mỹ quá nên xa rời thực tế, và thế là "lên mây" luôn.
Trong đời thật, không khó để chúng ta trông thấy những điều rất... Hot boy nổi loạn: những khu ổ chuột xập xệ, những con phố tối đèn - nơi các chàng trai bán mình, những trò lừa bịp, những câu chửi bậy sỗ sàng... Ở đó có những người giống như Lam, Khôi - thành phần bị gia đình và xã hội chối bỏ, những cuộc tình xuất phát từ sự đồng cảm giữa người lạc lối với kẻ cùng đường. Không lấp liếm che đậy, không cố tình tô vẽ đẹp đẽ, Vũ Ngọc Đãng chiếm được sự đồng cảm từ khán giả bởi những điều bình thường, chân thật nhất.
Chuyện "dưới đất"
Thế nhưng, để thấu hiểu được Cảm hứng hoàn hảo thì người xem cần "level" cao lắm. Phải có một "tinh thần thép", "da mặt dày" và một tâm hồn "rộng mở... tan hoang" để chấp nhận những hy sinh cao cả... quá đà của những người chị gái: khỏa thân cho em trai vẽ, thuê đại một cô gái ngoài đường về dụ dỗ em mình, thậm chí dùng chính cơ thể để kích thích bản năng đàn ông trong em...
Chuyện "trên trời"
Thêm vào đó, phim có rất nhiều tình tiết "ảo tung chảo", đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú để liên tưởng ra chất đời thật và ậm ừ "có thể lắm chứ". Đặc biệt, phải có một niềm tin bất diệt thì mới dám tin tưởng việc "uốn cong thành thẳng" cho một chàng thích mặc váy đầm, tô son trát phấn - đây rõ ràng không còn là "gay ngầm" mà đúng hơn là "bóng lộ". Bởi vì đòi hỏi quá nhiều "khả năng cao siêu" như vậy nên khán giả khó lòng đáp ứng được để mà đồng cảm với nhân vật, với bộ phim. Thôi thì chỉ biết kêu lên hai tiếng "bó tay" chứ sao!
Nghệ thuật: Một trời, một vực
Nếu các khung hình trong Hot boy nổi loạn được khen nức nở, cũng như album nhạc phim do Hồ Vĩnh Khoa thể hiện cứ "tằng tằng" lọt vào danh sách nghe nhiều nhất trên mạng, thì chất lượng hình ảnh và âm thanh trong Cảm hứng hoàn hảo lại là cả một vấn đề nhức nhối.
"Hot boy nổi loạn" tuy nghèo nhưng đẹp
Mặc dù chọn toàn bối cảnh sang trọng đẹp đẽ như biệt thự, nhà lầu, khách sạn... nhưng màu sắc tối xỉn trong Cảm hứng hoàn hảo khiến nhan sắc của diễn viên tụt vài bậc. Thêm vào đó, việc hạn chế ngoại cảnh mà cứ luẩn quẩn trong "nhà cao cửa rộng" khiến không gian phim khá ngột ngạt và người xem nhàm chán. Cảnh sắc Việt Nam đa dạng, phong phú là thế nhưng lại không được khai thác chút nào xuyên suốt bộ phim.
"Cảm hứng hoàn hảo" xấu nhưng được cái sang
Về âm nhạc, dám chắc Cảm hứng hoàn hảo không thể tung một album nhạc phim như Hot boy nổi loạn chứ đừng nói đến chuyện ăn khách hay không. Ngoài ca khúc chủ đề được phát đi phát lại mỗi khi nhân vật Hải bỏ nhà đi lang thang thì phim hầu như chỉ sử dụng nhạc nền cho bớt... trống chứ không hề đầu tư, trau chuốt.
Đây là vấn đề không của riêng ai mà thuộc về rất nhiều nhà làm phim Việt. Họ xem thường âm nhạc trong phim mà quên rằng nó là chất xúc tác giúp khán giả hòa mình vào tác phẩm, đồng cảm với nhân vật.
Khán giả chọn "nổi loạn" một cách hoàn hảo hay "hoàn hảo" một cách... loạn tùng phèo?
Sau khi xem Hot boy nổi loạn, tuy còn không ít người bĩu môi trách sao Vũ Ngọc Đãng làm phim... ghê quá đi nhưng phần lớn khán giả đã mở lòng với giới thứ ba. Người xem tiếc cho một tình yêu đẹp còn giới chuyên môn đánh giá: Vũ Ngọc Đãng đã tiến thêm một bước trong cách làm phim nghệ thuật mà vẫn hút "thị trường".
Phim nghệ thuật vẫn đắt khách như thường
Còn với Cảm hứng hoàn hảo, tuy chưa thể khẳng định thành công hay thất bại khi bộ phim chỉ vừa mới ra rạp vài ngày, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây: Ai sẽ là người đồng cảm với câu chuyện của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng? Những người kỳ thị đồng tính - họ sẽ... không xem phim. Những người bao dung với giới thứ 3 - họ thắc mắc: "Đồng tính có xấu xa đến mức phải "bẻ cong thành thẳng" như thế?". Những người trong cuộc - họ cũng chẳng bao giờ đồng tình với việc phủ nhận giới tính. Vậy số lượng khán giả có thể mở lòng đón nhận, đồng cảm với Cảm hứng hoàn hảo là rất ít. Và rõ ràng, giới chuyên môn cũng không thể đánh giá cao một bộ phim điện ảnh có chất lượng hình ảnh và âm nhạc như... phim truyền hình.
Hồi hộp chờ phản hồi từ khán giả
Theo PLXH
'Cảm hứng hoàn hảo' mất... cảm hứng! Không quá kì vọng vào một bộ phim "chất lượng cao", nhưng Cảm hứng hoàn hảo (CHHH) khi ra mắt ngày 3/11, không khỏi khiến người xem cười buồn. Ngay từ khi khởi động, CHHH đã vấp phải phản ứng từ giới truyền thông vì đề cập đến đề tài đồng tính nhạy cảm nhưng hướng xử lí lại vi phạm quy chuẩn...