Phim cũ và món lạ trên màn ảnh truyền hình
Nhiều bộ phim cũ như “ Cổng mặt trời”, “ Người đàn bà yếu đuối”, “Hoàn Châu cách cách”, “ Tân Dòng sông ly biệt”… đã được chiếu lại, thu hút sự quan tâm của khán giả.
Dù phát đi phát lại nhiều lần nhưng Cổng mặt trời vẫn được khán giả yêu thích.
Phim cũ hay hơn phim mới
Mặc dù phim truyền hình mới vẫn sản xuất, lên sóng đều đặn nhưng có một thực tế đáng buồn là rất ít phim tạo được ấn tượng tốt. Sự xuất hiện của Cầu vồng tình yêu, Những đứa con của biệt động Sài Gòn hay gần đây là Bí mật Tam giác vàng không đủ sức “chống đỡ” cho những bộ phim truyền hình Việt đang ngày càng đuối về nội dung lẫn hình thức. Vì vậy, nhiều kênh truyền hình đã chọn giải pháp “xài” lại đồ cũ nhằm đảm bảo rating.
Bộ phim Cổng mặt trời đình đám năm 2009 từng “cày” nát nhiều đài, tưởng sẽ nhàm chán nhưng khi được HTV7 phát lại trong khung Phim Việt cuối ngày vẫn còn rất “hot”, được khán giả lấy làm đề tài bình luận trên các trang mạng xã hội. Sau đó không lâu, SCTV14 lại phát sóng bộ phim này.
Tiếp nối Cổng mặt trời, Phim Việt cuối ngày của HTV7 giới thiệu một tác phẩm cũ hơn – Người đàn bà yếu đuối. Tuy không thu hút bằng Cổng mặt trời nhưng bộ phim này vẫn có một lượng khán giả khá tốt, xem để gợi nhớ lại hình ảnh của Trương Minh Quốc Thái, Chi Bảo, Kim Ngân, Kim Khánh… của 12 năm trước.
Ngoài ra, những bộ phim thành công trước đây như Tình khúc mùa thu, Kính thưa Ô sin, Gọi giấc mơ về… cũng trở lại sóng truyền hình với mức độ dày đặc.
So với phim Việt, lượng phim nước ngoài “tái chiếu” trên màn ảnh nhỏ các đài truyền hình còn “dữ dội” hơn. Trong hai tháng 3 và 4, kênh SCTV9 đã khai thác lại 3 bộ phim “cũ rích” của TVB gồm Thâm cung nội chiến, Cảnh sát tài ba và đặc biệt là series 4 phần của Hồ sơ trinh sát, vẫn rất ăn khách.
Phiên bản Hoàn Châu cách cách do Triệu Vy đóng luôn giữ được “độ nóng” dù đã cũ.
Video đang HOT
Đáng nói hơn cả là kênh SCTV Phim tổng hợp đã thắng to khi chiếu lại 2 phần của bộ phim Hoàn Châu cách cách. Câu chuyện của nàng Tiểu Yến Tử do Triệu Vy đảm nhận lại có dịp “dậy sóng” trong các fan yêu thích tác phẩm nổi tiếng này khi có cơ sở “ném đá” phiên bản Hoàn Châu cách cách mới do nữ diễn viên trẻ Lý Thạnh đóng.
Vừa kết thúc Hoàn Châu cách cách, SCTV Phim tổng hợp lại tung tiếp Tân Ý Thiên đồ long lý với diễn xuất của Ngũ A Ca – Tô Hữu Bằng đảm nhận vai Trương Vô Kỵ. Phim này trước đó không lâu đã xuất hiện trên SNTV. Song song đó trên kênh Phụ nữ & gia đình (TVF), khán giả có dịp gặp lại dàn diễn viên chính của Hoàn Châu cách cách trong phim Tân Dòng sông ly biệt. Đồng hành cùng Tân Dòng sông ly biệt trên TVF là bộ phim Nhất đỏ nhì đen do Hãng ATV (Hong Kong) sản xuất. Cuộc đời của chàng thần bài trẻ tuổi Thạch Chí Khang cũng vừa chiếm sóng SCTV9 trước đây không lâu…
Tân Dòng sông ly biệt đang chiếu lại trên TVF.
Không chỉ phim Việt, mà với phim nước ngoài, nhiều khán giả nhận định những tác phẩm cũ vẫn hay hơn phim mới. Vì vậy, bất cứ lúc nào bật ti vi, bạn cũng có thể được xem Bao Thanh Thiên, Hồng lâu mộng, Tây du ký, Lực lượng phản ứng, Bằng chứng thép…
Món lạ đang quen miệng
Mặc dù chưa thể cạnh tranh nhưng sự xuất hiện của những bộ phim truyền hình đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… đang được công chúng Việt chú ý.
Sóng VTV9 vốn chỉ phát phim Trung Quốc, Hàn Quốc đã thành công khi chiếu Mãi mãi bên nhau – một bộ phim truyền hình dài 72 tập của Ấn Độ. Câu chuyện, bối cảnh, tính cách, nền văn hóa khác biệt của đất nước Ấn Độ đã trở thành điểm hấp dẫn khán giả Việt.
Phim Ấn Độ Mãi mãi bên nhau.
Để tạo nét riêng cho chương trình chiếu phim của mình, 2 kênh TodayTV và SNTV dành một thời lượng khá nhiều cho những tác phẩm của những quốc gia này. Từ đó, nhiều bộ phim hấp dẫn của truyền hình Thái Lan và Philippines được người xem yêu thích như Lâu đài cát, Tình yêu đam mê, Nấc thang danh vọng, Hoa hồng của quỷ, Chuyện tình lọ lem, Lưới tình catwalk, Thiên đường có em, Lốc xoáy tình yêu…
Sau Trò đùa của số phận và Vũ điệu hoang dã, TodayTV và SNTV đang giới thiệu 2 bộ phim từng tạo nên những cơn sốt khi phát sóng ở Philippines. Đó là Mãi yêu với ngôi sao Coco Martin và Sao đổi ngôi với Kylie Padilla – nữ diễn viên trẻ đang rất được hâm mộ tại thủ đô Manila.
Mãi yêu và Sao đổi ngôi là 2 bộ phim Philippines hiện đang thu hút khán giả trên TodayTV và SNTV.
Không chỉ độc quyền trên TodayTV và SNTV, những bộ phim đến từ Thái Lan và Philippines cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các kênh truyền hình khác.
Đã nhiều năm quen với món kim chi của Hàn Quốc hay món há cảo của Trung Quốc nên khi nếm món tom yam (cà ri) của Thái Lan hoặc món thịt adobo của Philippines, khán giả Việt cảm thấy lạ, thích thú khám phá thêm. Và bây giờ, những món lạ này đã bắt đầu trở nên quen miệng.
ANH DƯƠNG – KHANH KHANH
Theo Infonet
Phim Việt 2012: Thảm họa đạt đến 'đỉnh'
Phim điện ảnh đua nhau ra rạp nhưng chất lượng không tốt, phim truyền hình rớt giá thảm hại và một liên hoan phim quốc tế gây chú ý dư luận nhờ... một khách không mời có sở thích khoe thân.
Đã đi gần hết năm 2012, nhìn lại hoạt động của phim Việt trong năm qua, những ai là khán giả quan tâm đến tình hình phát triển của điện ảnh-truyền hình trong nước sẽ tiếp tục lắc đầu, buồn nhiều, vui ít. Dưới đây là 3 mấu chốt chính khiến làng phim chưa thể sáng sủa thêm.
Thảm họa điện ảnh đạt đến "đỉnh"
Bộ phim Nàng men chàng bóng đã nhận những lời chỉ trích nặng nề nhất.
Mặc dù sự xuất hiện của Scandal và trước đó là Thiên mệnh anh hùng - những tác phẩm điện ảnh chất lượng của đạo diễn Victor Vũ hay Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh xoa dịu phần nào sự u ám của màn ảnh Việt chiếu rạp nhưng hiệu quả của nó vẫn không thể làm mất "dư vị" của những lời chỉ trích nặng nề dành cho "siêu phẩm nhảm" mang tên Nàng men chàng bóng của đạo diễn Võ Tấn Bình.
Nàng men chàng bóng được xem là "đỉnh điểm" của thảm họa phim Việt với kiểu làm phim câu khách, rẻ tiền và không thể nào "cảm" được. Tuy được đầu tư chi phí cao, có những cảnh quay đẹp nhưng những yếu tố đó vẫn không đủ để khán giả, giới báo chí bớt đi sự khắt khe trong việc đánh giá, bình phẩm tác phẩm này.
Vì Nàng men chàng bóng quá "nổi bật" nên vô tình "giảm án" cho những bộ phim khác cũng "xứng đáng" liệt vào danh sách "Thảm họa phim Việt" năm qua như Ranh giới trắng đen hay Gia sư nữ quái.
LHP quốc tế được hâm nóng nhờ màn khoe thân của... khách không mời
Nhờ Hồng Quế, khán giả trẻ biết đến LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai.
Chuyện LHP điện ảnh dù quốc tế hay quốc nội ở nước ta được tổ chức ra không dành cho khán giả là chuyện này đã cũ, hay có thể gọi là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng cứ sau mỗi kỳ LHP, người ta lại chạnh lòng vì khán giả gần như đứng ngoài "cuộc vui". Từ LHP Việt Nam, đến giải Cánh diều vàng hay mới đây là một LHP mang tầm quốc tế với danh xưng LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai đều diễn ra một cách trầm buồn.
So với lần trước, LHP quốc tế Hà Nội năm nay đã ít nhiều được dư luận khán giả quan tâm hơn, nhưng đáng tiếc, sự chú ý không đến từ cách tổ chức, những ngôi sao nước ngoài bước trên thảm đỏ hay một bộ phim "gây chấn động" nào đó. Mà nói một cách chính xác và thẳng thắn, nếu không có chiếc váy xuyên thấu của Hồng Quế - vị khách không mời mà đến, có lẽ chẳng khán giả nào - nhất là các bạn trẻ vốn vẫn xem phim mỗi ngày, biết rằng có một LHP "đẳng cấp quốc tế" đang diễn ra tại chính nơi mình sinh sống.
Phim truyền hình "rớt giá"
Nhiều bộ phim truyền hình lên sóng, rồi kết thúc một cách lặng lẽ, chẳng gây được hiệu ứng gì (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Việc đẩy mạnh số lượng phim Việt trên sóng truyền hình đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim tung hoành với mấy chục đầu phim nhiều tập ra đời mỗi năm. Khán giả được thưởng thức nhiều món ăn từ những nhà làm phim trong nước, thay vì cứ ăn mãi những món kim chi của Hàn Quốc hay bánh bao của Hong Kong, Trung Quốc.
Thế nhưng, chính vì ưu ái "người Việt xem phim Việt" mà thời gian gần đây, sóng truyền hình xuất hiện hàng loạt những bộ phim kém chất lượng, nội dung sơ sài, quay nhanh quay ẩu với những câu chuyện na ná nhau, sạn nhiều hơn... ăn cơm độn.
Nếu như trước đây, mỗi năm vẫn có một, hai bộ phim truyền hình tạo được dư luận tốt thì trong năm qua, thật khó để tìm một phim khiến khán giả phải tranh luận, bình luận xôn xao với những chủ đề dài hàng trăm trang trên các trang web phim ảnh. Thậm chí, để "hút" người xem, bộ phim Thời gian để yêu phải dùng đến "chiêu" kêu gọi khán giả nhắn tin dự đoán tình huống tiếp theo với giải thưởng là những chiếc iPad sành điệu. Tuy nhiên, cách làm tích cực này vẫn không thể giúp bộ phim "hot" như mong đợi của nhà sản xuất. Riêng bộ phim Cầu vồng tình yêu, dù được yêu thích, song sức lan tỏa không rộng, không tạo "sốt" như Cổng mặt trời, Gọi giấc mơ về, Bỗng dưng muốn khóc... của mấy năm trước.
Đã có rất nhiều bài phân tích, phê bình sự "rớt giá" của phim truyền hình Việt, nhưng nhìn chung, sở dĩ phim Việt trên màn ảnh nhỏ mất sức hút chính vì kiểu làm phim "ăn xổi ở thì" và thái độ "làm cho xong" của cả nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên.
Kịp nhận ra điều đó nên mới đây, các đài truyền hình bắt đầu đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế đưa lên sóng những tác phẩm "nửa vời", kém chất lượng. Hy vọng với tình hình này, năm 2013 tới đây người xem được thưởng thức nhiều bộ phim hay, hấp dẫn đúng nghĩa.
ANH DƯƠNG
Theo Infonet
Phim truyền hình Việt xuống dốc? Không chỉ hiếm hoi phim có đề tài nông thôn được làm hấp dẫn, hầu hết phim truyền hình Việt đã và đang phát sóng thời gian gần đây cũng rơi vào tình trạng thiếu phim hay nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, có đến cả ngàn tập phim của hơn 30 bộ phim được lên sóng nhưng số phim xem được...