Phim ‘Civil War’ khác xa với nguyên tác truyện tranh
Trên thực tế, cuộc nội chiến giữa các siêu anh hùng trong truyện tranh hoàn toàn khác với những gì diễn ra trên màn ảnh ở “ Captain America: Civil War” (2016).
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung loạt truyện tranh và bộ phim
Trong hơn một tuần qua, Captain America: Civil War là chủ đề điện ảnh nóng nhất trên toàn cầu. Siêu bom tấn chắc chắn chưa hạ nhiệt tại phòng vé bởi nó chỉ ra mắt khán giả Bắc Mỹ và Trung Quốc từ 7/5.
Nội dung bộ phim xoay quanh “cuộc nội chiến siêu anh hùng”, khi giữa Captain America với Iron Man nảy sinh bất đồng về Hiệp định Sokovia nhằm kiểm soát hành vi và trách nhiệm nhóm Avengers.
Từ đó, các siêu anh hùng bị chia rẽ và dẫn đến một cuộc chiến không khoan nhượng. Song, những gì diễn ra trên màn ảnh rất khác so với nguyên tác truyện tranh của Marvel.
Nguyên nhân nổ ra sự kiện Civil War
Ở truyện tranh, nguyên nhân sâu xa của cuộc “nội chiến” bắt nguồn từ một nhóm siêu anh hùng “hạng bét” có tên New Warriors. Trong lúc truy bắt kẻ ác Nitro, họ gây ra vụ nổ làm chết rất nhiều thường dân vô tội. Từ đó, chính phủ ban hành đạo luật bắt buộc các siêu anh hùng phải khai báo danh tính. Sự kiện gây ra cuộc chiến giữa phe ủng hộ và phe phản đối.
Trong truyện tranh, nhóm New Warriors là nguyên nhân sâu xa của sự kiện Civil War. Ảnh: Marvel
Trong khi đó, trên màn ảnh, vai trò “tội lỗi” được chuyển cho phe Captain America. Khi đang truy bắt tên Crossbones tại thành phố Lagos, Nigeria, Scarlet Witch cũng vô tình gây ra cái chết cho nhiều người dân vô tội.
Cộng thêm những tổn thất ở New York, Washington D.C và Sokovia từ những tập phim trước, Liên Hiệp Quốc và 117 quốc gia quyết định thông qua Hiệp định Sokovia, đặt nhóm Avengers dưới một ủy ban kiểm soát.
Trong khi hành hiệp tại Nigeria, Scarlet Witch vô tình gây ra cái chết cho nhiều thường dân vô tội, dẫn đến sự ra đời của Hiệp định Sokovia. Ảnh: Disney
Do hầu hết các siêu anh hùng của Marvel trên màn ảnh đều công khai danh tính, Hiệp định Sokovia và Đạo luật Kiểm soát Siêu nhân trong truyện khác nhau khá xa. Tuy nhiên, nhân tố đẩy những mâu thuẫn giữa Captain America và Iron Man lên cao trào trên phim còn là Bucky Barnes/Winter Soldier.
Trong khi Tony Stark muốn bắt anh vì những tội lỗi gây ra khi còn là mật vụ của HYDRA, thì Steve Rogers lại muốn bảo vệ người bạn thân năm xưa của mình bằng mọi giá.
Thành phần tham gia
Phiên bản điện ảnh của Civil War chỉ gói gọn trong 12 nhân vật, phần đông đều từng xuất hiện ở các tập phim trước (ngoại trừ Black Panther và Spider-Man). Thor và Hulk không tham gia và sẽ chỉ trở lại trong tậpThor: Ragnarok (2017) tới đây.
Số lượng nhân vật trên phim của Civil War còn kém xa so với nguyên tác truyện tranh.
Fantastic Four và X-Men không thể góp mặt vì bản quyền hai nhóm nhân vật trên phim hiện thuộc hãng 20th Century Fox. Có một điều đáng tiếc khi nhân vật phản anh hùng Punisher không được chọn bởi vai trò của anh ở sự kiện Civil War trong truyện tranh là khá lớn.
Video đang HOT
Ở nguyên tác, số lượng nhân vật tham chiến là rất lớn và hầu như toàn bộ các siêu anh hùng của Marvel đều tham gia. Chưa kể, nhóm ác nhân làm lính đánh thuê cho Norman Osborn cũng góp mặt. Song, lần lượt War Machine, Black Widow, Scarlet Witch, Hawkeye và Winter Soldier lại không có mặt trong cuộc chiến sinh tử.
Ragnarok, phiên bản copy của Thần Sấm Thor, không có mặt trong phim. Ảnh: Marvel
Tuy Thor cũng vắng mặt giống như trên phim, nhưng Tony Stark đã nhân bản ra một “Thor giả” lấy tên Ragnarok từ sợi tóc mà Thần Sấm để lại trên Trái đất. Nhân vật quyền năng này đã giết chết người hùng Goliath và khiến cuộc chiến trở nên vô cùng ác liệt.
Vai trò của các nhân vật
Trong phim, phe của Iron Man gồm có Spider-Man, Black Panther, War Machine, Black Widow và Vision. Còn phe của Captain America bao gồm Falcon, Hawkeye, Scarlet Witch, Winter Soldier và Ant-Man.
Tuy nhiên, ở nguyên tác, ngoài các nhân vật không xuất hiện và Falcon vẫn theo phe Captain America, vai trò của các siêu anh hùng còn lại tương đối khác. Black Panther ban đầu không muốn tham chiến, nhưng rồi T’Challa quyết định chọn phe Cap sau cái chết của Goliath.
Ant-Man ở truyện tranh vẫn là Hank Pym và là bạn thân của Tony Stark. Do đó, siêu anh hùng tí hon theo phe Iron Man ngay từ đầu và thậm chí còn giúp Tony xây dựng nên nhà tù dành cho các siêu anh hùng phản đối đạo luật. Cuối cùng, Vision trong truyện lại theo phe Captain America và chính là người giúp phá hỏng bộ giáp của Iron Man.
Spider-Man
Người Nhện trong Captain America: Civil War là một cậu nhóc mới 15 tuổi, lần đầu được tham gia một “phi vụ” thực sự. Do đó, Peter Parker của Tom Holland còn khá ngô nghê, pha chút vụng về.
Spider-Man của Tom Holland có màn trình làng thành công trước khi có một phim riêng mang tên Homecoming vào mùa hè 2017. Ảnh: Disney
Một số fan khó tính đánh giá vai trò của nhân vật chủ yếu là gây cười và tạo tiền đề cho các nhà sản xuất tung ra Spider-Man: Homecoming vào mùa hè 2017.
Còn trong truyện tranh, khi sự kiện Civil War xảy ra, Spider-Man đã trưởng thành. Ban đầu, Peter Parker đứng về phe Iron Man, ủng hộ đạo luật. Chính anh là siêu anh hùng đầu tiên lột mặt nạ, công khai danh tính bản thân.
Spider-Man là siêu anh hùng đầu tiên công khai danh tính bản thân trong sự kiện Civil War ở truyện tranh. Ảnh: Marvel
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những gì chính phủ đối xử với nhóm anh hùng chống đối, Spider-Man quyết định bỏ về phe Captain America và suýt chút nữa bị nhóm đánh thuê của Norman Osborn sát hại nếu như Punisher không xuất hiện.
Baron Zemo
Vai trò của Zemo trong bộ phim Civil War là rất lớn. “Cuộc nội chiến” giữa các Avengers và mâu thuẫn giữa Captain America với Iron Man ở cuối phim hầu hết đều do hắn sắp đặt.
Trong phim Zemo là một lính đặc nhiệm của Sokovia, quyết tâm trả thù nhóm Avengers bởi họ là những người gây ra cái chết cho toàn bộ gia đình hắn trong cuộc đụng độ với Ultron. Toàn bộ kế hoạch của hắn phần nào thành công, khiến nhóm Avengers bị chia rẽ sâu sắc. Đó cũng là điều mà Loki hay Ultron chưa làm được.
Tên Baron Zemo và nhóm ác nhân Master of Evils của hắn trong truyện. Ảnh: Marvel
Trong khi đó, Zemo trong truyện tranh là nhân vật thuộc một gia tộc quyền quý lâu đời của nước Đức với tên đầy đủ là Helmut Zemo. Hắn từng là tay sai cho cả quân Đức Quốc xã lẫn tổ chức HYDRA. Sau này, Zemo trở thành thủ lĩnh của nhóm ác nhân Master of Evils/Thunderbolts và gây ra nhiều sóng gió cho các siêu anh hùng.
Trên màn ảnh, Zemo chưa chết và sự xuất hiện của nhà tù The Raft khiến nhiều fan đồn đoán về sự ra đời của nhóm Master of Evils trên màn ảnh trong tương lai không xa.
Hậu chiến
Trong phim, sau cuộc chiến không khoan nhượng với Tony Stark, Steve Rogers quyết định vứt lại chiếc khiên biểu tượng và bỏ đi cùng Bucky Barnes.
Sau đó, hai người bạn nhận được sự giúp đỡ của Black Panther và đến Wakanda nương náu. Iron Man dường như đã tha thứ cho Captain America khi anh không nghe cuộc gọi của tướng Ross khi Cap đột nhập vào nhà tù The Raft.
Kết thúc của Civil War trong truyện tranh không có hậu giống như trên phim. Ảnh: Marvel
Nhưng kết thúc ở nguyên tác truyện tranh không có hậu như thế. Captain America đang thắng thế nhưng chợt nhận ra nhiều hậu quả tang thương đối với dân thường. Steve Rogers quyết định đầu hàng và quy phục chính phủ khi thấy những trận chiến dần trở nên dần vô nghĩa.
Nhưng ngay lúc đó, tên Crossbones đã ám sát người hùng bằng một phát súng bắn tỉa. Steve Rogers qua đời và Bucky Barnes trở thành Captain America tiếp theo trong một khoảng thời gian dài.
Civil War thường được coi là một trong những tựa đề truyện tranh hay nhất từ trước đến nay của Marvel. Dẫu cốt truyện có nhiều khác biệt, có thể nói bộ phim Captain America: Civil War đã thoát được khỏi cái bóng rất lớn của nguyên tác và trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng hay nhất từ trước tới nay.
Theo Zing
Chris Evans - Người ba lần từ chối làm Captain America
Quyến rũ, thân thiện và ghi điểm qua các pha hành động, tài tử 34 tuổi đến từ Boston, Massachusetts nay trở thành thành viên không thể thiếu của gia đình siêu anh hùng Marvel.
Phải đến cuối tuần này, Captain America: Civil War mới chính thức ra mắt tại khu vực Bắc Mỹ. Nhưng bom tấn đã sớm càn quét một số thị trường quốc tế và thu gần 250 triệu USD sau một tuần trình chiếu.
Đây là bộ phim thứ ba về riêng nhân vật Captain America(đội trưởng Mỹ) kiên định, tình nghĩa, và đánh dấu lần thứ năm Chris Evans hóa thân thành siêu anh hùng với chiếc khiên huyền thoại.
Marvel Studios từng mất ba lần thuyết phục Chris Evans để anh sắm vai Steve Rogers kể từ Captain America: The First Avenger (2011). Ảnh: PopSugar
Trải qua ba phần phim Captain America và hai tập The Avengers, tài tử 34 tuổi đến từ Boston, Massachusetts ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, đặc biệt là những ai hâm mộ dòng phim siêu anh hùng.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng Chris Evans từng có ba lần từ chối vai diễn nổi tiếng nhất trong sự nghiệp bản thân tính đến thời điểm hiện tại.
Trở lại năm 2010, sau hàng loạt cuộc thử vai bất thành, Marvel Studios kiên quyết thuyết phục Chris Evans vào vai Captain America. Nam diễn viên ban đầu từ chối, vì: "Đó là hợp đồng bao gồm 9 phim. Họ nói rằng, nếu loạt phim thành công thì cuộc đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi. Lúc đó, tôi e rằng mình không còn cơ hội nghỉ ngơi và cảm thấy sợ".
Cả Robert Downey Jr. từng gọi điện thuyết phục Chris Evans sắm vai Captain America mà không được. Ảnh: Getty
Đến lần thứ hai, Marvel Studios giảm xuống còn 6 phim, nhưng Chris Evans vẫn nhất mực từ chối, kể cả khi "Người Sắt" Robert Downey Jr. đích thân gọi điện cho anh để nói lý do tại sao nên tham gia Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tới lần thứ ba, người đại diện và cả gia đình tài tử đã buộc anh phải suy nghĩ lại. "Có lẽ đây là điều mà tôi nên làm", Chris Evans hồi tưởng.
6 năm đã trôi qua, vai diễn Steve Rogers/Captain America giúp Chris Evans củng cố tên tuổi và trở thành ngôi sao được yêu mến trên toàn cầu. Người ta nhớ đến anh bởi gương mặt quyến rũ thừa hưởng từ bốn dòng máu Đức, Anh, Italy, Ireland, thân hình tráng kiện với cơ bắp cuồn cuộn, cùng sự hài hước và thân thiện ngoài đời thực.
Cùng với đó, sự thành công về mặt thương mại của các phim Marvel Studios khiến Chris Evans không ngần ngại tuyên bố rằng: "Nếu tôi còn tham gia diễn xuất, thì đó sẽ là các bộ phim của Marvel".
Trước Captain America, tên tuổi Chris Evans từng gắn liền với một siêu anh hùng khác: Johnny Storm/Human Torch trong Fantastic Four. Vai diễn trong hai bộ phim điện ảnh về Bộ tứ siêu đẳng ra mắt năm 2005 và 2007 khiến tài tử lọt vào mắt xanh của nhiều nhà làm phim và thoát khỏi các vai phụ mờ nhạt.
Trước khi đến với thế giới phim Marvel, Chris Evans từng sắm vai một siêu anh hùng khác là Human Torch trong Fantastic Four (2005). Ảnh: Fox
Sau thành công đó, anh thử sức với nhiều dạng nhân vật, từ "tình nhân hờ" trong phim tình cảm The Loss of a Teardrop Diamond (2008), người đàn ông sở hữu siêu năng lực trong phim kinh dị giả tưởng Push (2008), chàng luật sư nghiện ngập trong Puncture (2010), cho tới nhân vật chính yêu cầu chiều sâu tâm lý Curtis Everett trong Snowpiercer (2013).
Chúng hầu hết đều là các phim độc lập, hoặc chỉ được trình chiếu hạn chế tại Bắc Mỹ. Chris Evans từng có lần than thở: "Chẳng ai chịu xem những vai diễn tốt trong các bộ phim nhỏ của tôi".
Với những "bộ phim nhỏ", hẳn công chúng cũng không thể quên Not Another Teen Movie, tác phẩm điện ảnh ra đời năm 2001 và mở cánh cửa cho Chris Evans đến với môn nghệ thuật thứ bảy. Đó là phim hài giễu nhại, nơi tài tử sắm vai một anh chàng "hot boy". Khi đó, Evans mới chỉ 19 tuổi, đang nỗ lực bước chân vào showbiz sau khi giấc mơ trở thành họa sĩ đi vào ngõ cụt.
Dù thế nào, Chris Evans luôn khiêm tốn và chăm chỉ làm việc. Ngay cả khi tham gia các dự án bom tấn đình đám, anh vẫn muốn được thể hiện nhân vật theo cách của riêng bản thân. Nam diễn viên từng cãi nhau với các nhà làm phim khi họ nêu ý tưởng dùng CGI để biến cơ thể anh trở nên còi cọc trong Captain America: The First Avenger, bởi anh muốn tự giảm cân để đóng những phân cảnh đó.
Giờ thì Chris Evans là thành viên không thể thiếu của đại gia đình siêu anh hùng Marvel. Nhưng chính điều đó lại hối thúc anh theo đuổi con đường đạo diễn. Ảnh: Disney
Dĩ nhiên điều đó rốt cuộc không xảy ra, nhưng câu chuyện cho thấy tham vọng cống hiến của Chris Evans với sự nghiệp diễn xuất. Cho đến giờ, các phân cảnh "cơ bắp" của Captain America vẫn không cần "bồi" thêm CGI nhờ hình thể tuyệt vời của nam diễn viên.
Gặt hái thành công trước máy quay, nhưng Chris Evans giờ không còn mấy mặn mà với công việc diễn xuất. Việc phải đóng khung bản thân vào một vai diễn suốt nhiều năm trời, nhất là khi Hollywood ngày càng phụ thuộc vào những bom tấn dài kỳ, khiến "đội trưởng Mỹ" cảm thấy mỏi mệt.
Anh mong muốn trở thành đạo diễn và đã thử sức với bộ phim đầu tay mang tên Before We Go (2014), dự án mà anh sắm cả vai chính. Dù chỉ là một phim độc lập nhỏ được quay trong 19 ngày, phản ứng thu về cũng không mấy tích cực, nhưng Chris Evans khá chắc chắn với hướng đi mới của mình.
Before We Go (2014) là bộ phim độc lập thuộc dòng lãng mạn, xoay quanh chuyện tình giữa hai người xa lạ. Chris Evans vừa làm đạo diễn, vừa sắm vai chính trong phim. Ảnh: Outnow
Anh hài hước chia sẻ về trải nghiệm đầu tiên khi ngồi trên ghế đạo diễn rằng: "Điều kinh khủng nhất là bạn phải ngồi xem lại hoặc cắt dựng những đoạn phim có chính mình xuất hiện. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ lặp lại việc vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên trong cùng một dự án nhưBefore We Go nữa đâu".
Theo Zing
Fan muốn có phim riêng về siêu anh hùng Black Widow Trong số các thành viên nhóm Avengers chưa có phim riêng, nhân vật của minh tinh Scarlett Johansson hiện được người hâm mộ chờ đợi hơn cả. Black Widow, Hawkeye, Vision, Falcon và War Machine là các siêu anh hùng thuộc nhóm Avengers tới nay vẫn chưa có phim riêng. Trong số này, Black Widow bắt đầu xuất hiện từ Iron Man 2...