‘Phim chiến tranh Việt có thể xây dựng hình ảnh… soái ca’
Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói: “Sẽ không thể có một bộ phim kiểu như Hậu duệ mặt trời ở Việt Nam. Hình ảnh người lính trên phim Việt có nguyên tắc riêng”.
Tiếp câu chuyện thành công của phim Hậu duệ mặt trời đưa người lính Hàn thành hình mẫu thần tượng mới, trong khi hình tượng người lính trên phim Việt vẫn không thay đổi dù hòa bình đã hơn 40 năm Zing.vnđã phỏng vấn đạo diễn – Đại úy Đặng Thái Huyền.
Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền. Ảnh: NVCC
“Lịch sử cần được đặt ra một cách sòng phẳng”
-Lấy ý tưởng từ truyện ngắn &’Mùi thuốc súng’ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, chị chuẩn bị bắt tay vào dự án phim chiến tranh mới. &’Mùi thuốc súng’ là góc nhìn khốc liệt về người lính thời hậu chiến. Chị dự kiến sẽ xây dựng hình tượng người lính ấy như thế nào?
-Tôi đọc Mùi thuốc súng cùng thời điểm với Người ở bến sông Châu (kịch bản văn học của phim Người trở về). Tôi rất thích câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhưng chính vì sự khốc liệt, khô lạnh của nó mà vẫn cần thời gian suy nghĩ thêm. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, lịch sử cần được đặt ra một cách sòng phẳng. Có thể có sự tàn nhẫn ở trong đó, điều quan trọng là, đạo diễn sẽ kể đến đâu và kể như thế nào. Và tôi có niềm tin ở câu chuyện phim Mùi thuốc súng.
-Nhắc đến hình ảnh người lính trên phim Việt Nam, mới đây có ý kiến cho rằng, chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng nhắc đến người lính, các nhà làm phim vẫn đang quẩn quanh với câu chuyện người hùng, hoặc với sự vật lộn của họ thời hậu chiến, mà vẫn chưa thể có cách khai thác mới hơn. Quan điểm của chị?
-Sẽ không thể có một bộ phim kiểu như Hậu duệ mặt trời ở Việt Nam. Hình ảnh người lính trên phim Việt Nam, dù ở thời bình, vẫn có những nguyên tắc riêng. Phim về quân đội Việt Nam cũng không được phép cường điệu xa thực tế như Hậu duệ mặt trời. Với quan điểm của mình, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên xây dựng hình ảnh người lính gần gũi hơn, đời hơn nữa.
Khi bước ra khỏi rạp chiếu khán giả có sự hài lòng, có sự suy ngẫm về một vài vấn đề trong phim thôi thì tôi cho đó đã là thành công.
Với phim chiến tranh, tôi luôn nói, kể bằng cách nào không quan trọng, có thể là một hình ảnh soái ca, có thể là có cảnh nóng, có thể có hành động… Cứ kéo được khán giả tới rạp và thuyết phục họ xem từ đầu tới cuối một bộ phim lịch sử, cách mạng với sự chú tâm và khi bước ra khỏi rạp chiếu họ có sự hài lòng, có sự suy ngẫm về một vài vấn đề trong phim thôi thì tôi cho đó đã là thành công.
- Nếu các nhà làm phim Việt “liều lĩnh” xây dựng hình tượng người lính thời bình như… &’soái ca’, chị có nghĩ dư luận sẽ phản ứng?
-Phản ứng hay không phải xét trong tổng thể chung của bộ phim, trong cách kể của nhà làm phim, trong cách xây dựng nhân vật… Nếu nhà làm phim chinh phục được khán giả, thuyết phục được họ tin và yêu mến hình mẫu nhân vật trên phim thì dù là hình tượng người lính hay hình tượng của bất kỳ nhân vật nào đi ngược lại với hình mẫu chuẩn mực xưa nay tôi tin sẽ vẫn được công nhận và cổ vũ.
“Tôi sẽ làm phim chiến tranh sốt vé!”
-Chị nói, sẽ không từ bỏ phim chiến tranh, và sẽ quyết chinh phục khán giả với thể loại phim này. Chị đeo đuổi đề tài chiến tranh vì chị có những nỗi ám ảnh?
-Tôi là thế hệ sinh ra sau chiến tranh nên tôi không có sự “ám ảnh” trực tiếp, nhưng công việc làm phim giúp tôi có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều số phận, mảnh đời bước ra từ cuộc chiến nên tôi thật sự bị chinh phục bởi mảng đề tài này. Mặt khác bản thân từ “chiến tranh” đã ẩn chứa trong đó quá nhiều nỗi đau, sự khốc liệt chỉ là các nhà làm phim có muốn khai thác và khai thác tới đâu thôi.
Video đang HOT
Phim chiến tranh Việt Nam xưa nay vẫn luôn bị xếp vào dạng phim kén khán giả, chỉ sản xuất với mục đích chào mừng các dịp kỷ niệm, sau đó sẽ… xếp kho. Ảnh : Đoàn làm phim cung cấp
-Chiến tranh là câu chuyện cần rất nhiều cảm xúc khi kể. Và để bán vé cho những câu chuyện đầy cảm xúc này lại không hề dễ. Lý do gì khiến chị tin rằng, dự án phim chiến tranh sắp tới chị có thể ‘chơi’ sòng phẳng với các phim giải trí trong cuộc chiến phòng vé?
-Lý do ư? Tôi có một chất liệu kịch bản hay và ám ảnh, một ekip làm phim gồm những người anh em đã sát cánh cùng tôi trong những dự án phim quan trọng, có một nhà sản xuất hiểu và tôn trọng tôi… Và chúng tôi là thế hệ những nhà làm phim sinh ra sau chiến tranh, tôi tin là mình có cách kể, cách nhìn nhận đề tài này theo cách nhìn, cách cảm phù hợp với thế hệ mình.
Thêm một lý do từ bộ phim Người trở về, dù phim nhận được đánh giá tích cực từ khán giả và giới chuyên môn, nhưng tôi luôn có cảm giác, phim nhà nước giống như… hàng miễn phí, hàng sale off. Khi nhắc đến phim nhà nước đầu tư, người ta đã có mặc định sẵn rằng, đó là phim không bán được vé, phim sản xuất ra để xếp kho. Tôi khao khát muốn chứng minh rằng, phim chiến tranh cũng có thể sốt vé.
Tôi thực sự khao khát làm được một bộ phim về lịch sử cách mạng mà chạm được vào trái tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
-Phim chiến tranh Việt Nam xưa nay vốn không có sức hấp dẫn với khán giả vì phim làm theo công thức rất cũ là tuyên truyền, khô cứng… Chị sẽ làm gì với dự án phim của mình để có thể gây sốt vé?
-Không phải vì đây là phim làm cho tư nhân, tiêu chí bán vé đặt lên hàng đầu, hay muốn tỏ ra mình là người “nguy hiểm” mà tôi tự đặt ra cho mình một mục tiêu rất hoang đường là “Làm phim chiến tranh sốt vé” đâu. Mà là tôi thực sự khao khát làm được một bộ phim về lịch sử cách mạng mà chạm được vào trái tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Họ – hơn ai hết chính là những người cần phải hiểu, cần phải yêu lịch sử của đất nước mình.
-Điện ảnh thế giới đã chứng minh, đằng sau bất kỳ một cuộc chiến nào cũng có những câu chuyện về nỗi đau rất khủng khiếp. Đôi khi còn là nỗi tổn thương của cả dân tộc. Quan điểm của chị khi đứng trước đề tài về chiến tranh Việt Nam?
-Đúng vậy, như tôi đã nói ở trên, bản thân từ “chiến tranh” và những hệ quả của nó khi cuộc chiến đi qua đã là quá khủng khiếp. Quan điểm của tôi khi đứng trước đề tài này là: làm phim về chiến tranh không phải để đào sâu thêm sự hằn thù, để khơi thêm nỗi đau, để tạo thêm sự sợ hãi… mà nhắc lại để thêm trân quý những giá trị mà hôm nay chúng ta đang được hưởng. Và tôi không đặt ra vấn đề bên nào thắng, bên nào thua mà tôi thường quan tâm tới những nạn nhân chính phải chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh, đó là: Phụ nữ và trẻ em.
Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền, xây dựng hình tượng người lính như thế nào không quan trọng bằng việc, nhân vật ấy có thuyết phục được khán giả không, có được khán giả yêu không… Ảnh : Đoàn làm phim cung cấp
-Điện ảnh với nhiều nước châu Á (như Trung Quốc, Hàn Quốc) là một kênh quan trọng để nhân rộng tình yêu, niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Chị có nghĩ đến sứ mệnh này khi bắt tay vào các dự án phim lịch sử, phim chiến tranh?
-Đúng vậy, đó là một sứ mệnh, một thách thức với tất cả những người làm nghề không riêng gì cá nhân tôi. Tôi chỉ là một hạt nhân nhỏ bé. Và điều bạn nói chính là sự kỳ vọng, mong đợi của toàn xã hội với nền điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên cá nhân một đạo diễn hay một ai đó trong thành phần sáng tác không thể hoàn thành được sứ mệnh đó mà đây là câu chuyện dài với sự chung tay, góp sức của các ban ngành, của các cấp quản lý văn hoá.
Đối với bất kỳ công việc nào không riêng gì công việc làm phim, yếu tố mới lạ, đầu tiên, khởi đầu… cũng luôn phải đối mặt với những luồng dư luận đa chiều, tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên phải biết chấp nhận điều đó vì nếu luôn lo sợ, chọn phương án an toàn thì bao giờ mới có những đột phá, có cái mới. Vậy nên, nếu được lựa chọn, tôi vẫn muốn mình cần phải có dấu ấn mới trong việc xây dựng tác phẩm của mình.
Theo Zing
'Phim Việt cần kể câu chuyện về người lính mềm hơn'
Diễn viên đóng vai Quang trong "Người trở về" cho rằng, phim Việt cần kể câu chuyện về người lính mềm hơn để giới trẻ dễ dàng tiếp cận và cảm nhận.
Liên quan đến những tranh cãi quanh Hậu duệ của mặt trời - bộ phim truyền hình Hàn Quốc về hình tượng người lính xứ sở kim chi thời bình - đang gây sốt toàn châu Á, trong đó có Việt Nam, Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với diễn viên Trương Minh Quốc Thái, người đảm nhận nhiều vai diễn về người lính trong các tác phẩm điện ảnh Việt như Những người viết huyền thoại và Người trở về.
Diễn viên Trương Minh Quốc Thái ghi dấu ấn với 2 vai diễn về người lính trong "Những người viết huyền thoại" và "Người trở về".
Hành trang khi đóng vai bộ đội là lòng yêu nước
- Theo anh, sự xuất hiện của hình ảnh người lính trong các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có ý nghĩa như thế nào trong việc giáo dục lòng yêu nước?
- Tôi nghĩ không chỉ là giáo dục lòng yêu nước mà còn là một cách để giảng dạy về lịch sử cho thế hệ trẻ. Mặc dù chưa tham gia nhiều phim truyền hình có hình ảnh người lính nhưng tôi có may mắn được đóng vai bộ đội trong hai tác phẩm điện ảnh. Và nhờ thế tôi mới thực sự hiểu về người lính - những người sẵn sàng hy sinh mọi thứ để tạo dựng nền hòa bình cho đất nước.
Sự xuất hiện của người lính trên màn ảnh là cách rất tốt để giáo dục tinh thần yêu Tổ quốc và cho giới trẻ biết về hoàn cảnh lịch sử của đất nước cũng như cuộc sống của những người lính trong các giai đoạn khác nhau.
- Từng đóng nhiều vai người lính, khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là gì?
- Đó là những trở ngại về hoàn cảnh xã hội vì tôi không sống trong thời kỳ chiến tranh nên không có bất cứ trải nghiệm nào về lịch sử. Tôi phải tự tìm hiểu để trả lời cho những thắc mắc về người lính trong thời cuộc đó, họ sinh hoạt ra sao, chiến đấu thế nào. Ngoài ra, hành trang quan trọng, không thể thiếu của người diễn viên khi đến với vai người lính là lòng yêu nước, có lòng yêu nước mới có thể diễn thành công hình tượng người lính được.
Nam diễn viên cho biết hành trang quan trọng, không thể thiếu của anh khi đóng vai người lính là lòng yêu nước.
- Kỷ niệm nào anh nhớ nhất khi thủ vai người lính trong phim "Những người viết huyền thoại" và "Người trở về"?
- Mỗi phim có những kỷ niệm khác nhau mà có lẽ suốt đời làm nghệ thuật tôi sẽ không quên được. Với phim Những người viết huyền thoại, đó là hành trình đi khắp mọi miền đất nước, đoàn làm phim phải trải qua 2 cơn bão nhưng may mắn là không gặp bất cứ thiệt hại nào. Những cảnh như tắm suối trước 150 người mà thời tiết thì rất lạnh hay đối mặt 20 quả nổ cách 100m, - chính bản thân tôi còn cảm thấy tức ngực trong các cảnh về chiến đấu - là để lại nhiều kỷ niệm hơn cả.
Nhiều người cứ nghĩ là diễn viên diễn với phông nền xanh, sau đó mới dùng kỹ xảo để ghép cảnh cháy nổ, bom đạn vào nhưng thực tế không phải vậy. Chúng tôi phải diễn với cảnh cháy nổ thật, chỉ có điều người diễn viên phải học cách chai lỳ và không được sợ hãi. Sợ mà vẫn phải thể hiện sự gan dạ, đó mới là tài năng của người diễn viên.
Còn phim Người trở về thì ám ảnh lớn nhất là cái lạnh của mùa đông Hà Nội. Lạnh nhưng lại phải diễn cảnh tắm sông của mùa hè nên bây giờ tôi vẫn không quên được.
Quên đi nguồn cội sẽ "không lớn nổi thành người"
- Gần đây, một bộ phim về người lính Hàn Quốc là "Hậu duệ của mặt trời" đang được giới trẻ Việt Nam yêu thích. Dễ thấy họ xây dựng hình ảnh người lính như những "soái ca ngôn tình" với vẻ đẹp trai, lịch lãm, ga lăng, lãng mạn khác hẳn với cách xây dựng hình tượng người lính của Việt Nam. Anh nghĩ sao về cách làm này?
- Thực ra thì tôi đi làm suốt nên cũng chưa có thời gian để xem Hậu duệ của mặt trời nhưng thông qua mạng xã hội thì tôi cũng biết là bộ phim này đang rất hot và được nhiều người yêu thích. Tôi thấy rằng sự khác biệt trong cách xây dựng hình tượng người lính giữa hai nước là rõ ràng nhưng nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy, một vài phim Việt thời gian gần đây đã bắt đầu làm mềm hình tượng người lính hơn.
Đó là một cách để giới trẻ có thể tiếp cận vì giới trẻ bao giờ cũng thích sự gần gũi và nhẹ nhàng. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần chúng ta kể những câu chuyện về người lính mềm hơn chút thì giới trẻ sẽ yêu thích và dễ dàng cảm nhận.
- Cư dân mạng đang tranh cãi nảy lửa xung quanh việc khán giả Việt Nam "phát cuồng" trước hình tượng những người lính Hàn Quốc như đại úy Yoo Shi Jin, mà quên đi lịch sử đau thương của dân tộc. Quan điểm của anh thế nào?
- Tôi rất tôn trọng ý kiến cá nhân của mỗi người nhưng riêng bản thân tôi thì tôi đồng ý với quan điểm "dân ta phải biết sử ta", phải hiểu gốc tích, lịch sử của Việt Nam. Tôi không phê phán gì nhưng nếu cứ xem phim lịch sử nước ngoài, Trung Quốc, Hàn Quốc mà quên đi sử Việt thì cũng không được. Người mà quên đi nguồn cuội, thì tôi xin mượn một câu hát trong sáng tác của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đó là "không lớn nổi thành người".
Gần đây, tôi thấy nhà nước đầu tư những vở kịch về lịch sử cho sinh viên, học sinh xem. Tôi nghĩ đó là một cách để chúng ta yêu sử Việt và hình tượng người lính Việt hơn. Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, dù chúng ta chưa có những vở diễn, bộ phim gây sốt như Hậu duệ của mặt trời thì chúng ta là người Việt Nam, bắt buộc vẫn phải hiểu lịch sử Việt Nam. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" - ông bà ta đã dạy như vậy rồi.
Nam diễn viên cho rằng "dân ta phải biết sử ta", người Việt phải hiểu sử Việt.
- Có ý kiến cho rằng, nhân vật người lính Việt bị đóng khung trên màn ảnh với một kiểu tính cách, một kiểu số phận mà chưa dám đột phá trong cách xây dựng hình tượng người lính thời bình. Anh có nghĩ vậy?
- Chúng ta bắt đầu làm mềm trong cách kể chuyện nhưng cũng chưa thực sự mềm và quan trọng hơn cả là điện ảnh Việt Nam đang thiếu những kịch bản phim hay, không chỉ phim về người lính. Nói chung để tìm được một kịch bản về người lính thời bình thì vô cùng hiếm hoi.
Ngay bản thân tôi cũng rất muốn được đóng một vai bộ đội thời bình, hy vọng trong thời gian tới, các nhà biên kịch phim sẽ cho ra đời những kịch bản phim hay, hấp dẫn và hướng tới người trẻ.
- Một trong những lý do được cho là khiến "Hậu duệ của mặt trời" gây sốt là sự tham gia của dàn diễn viên vừa diễn xuất tốt vừa có ngoại hình ưa nhìn. Liệu có phải điện ảnh Việt Nam chưa có bộ phim nào gây sốt vì diễn viên chưa hội tu được cả hai yếu tố này, dàn trai xinh gái đẹp thì diễn xuất tệ, còn diễn viên chuyên nghiệp lại chưa trau chuốt ngoài hình?
- Vấn đề bạn đặt ra cũng đơn giản, dễ hiểu và dễ giải thích tôi. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi dàn trai xinh, gái đẹp tham gia một vài bộ phim Việt thời gian gần đây xuất thân từ đâu. Nếu họ xuất thân là người mẫu, ca sĩ, MC và chưa hề được đào tạo về diễn xuất, nghiệp vụ của người diễn viên thì không thể đòi hỏi họ diễn xuất chuyên nghiệp được.
Nếu chỉ mời những người nổi tiếng trên mạng tham gia diễn xuất để khán giả quan tâm thì làm sao diễn xuất của những người đó được đánh giá cao. Còn ở Hàn Quốc thì khác, họ có một công nghệ đào tạo từ khi 12, 13 tuổi để tham gia nền công nghiệp giải trí nên rất khó để so sánh. Hơn nữa, điện ảnh của họ cũng phát triển hơn mình rất nhiều.
Theo Zing
Hãy cứ tin cuộc đời này có 'soái ca' Mẫu đàn ông lạnh lùng, tài giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền, si tình và rất chung tình như &'soái ca' thì thử hỏi có cô gái nào mà không thích? ảnh minh họa Chuyện tình yêu có từ xưa rồi Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội và nhiều diễn đàn xuất hiện những chủ đề bàn tán rất...