Phim “Bụi đời chợ lớn” bị tung lên mạng: Cấm kiểu nửa vời?
Trưa 5-7, mạng xã hội facebook xôn xao với đường dẫn bộ phim “ Bụi đời Chợ Lớn” (bản đầy đủ có thời lượng 127 phút) đã tung lên YouTube. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ, bộ phim này đã lan tỏa khắp cộng đồng mạng.
Và ngay lập tức, với mác “phim bị cấm chiếu” “Bụi đời Chợ Lớn” lập tức hút khách xem online với tốc độ chóng mặt. Sau khi xem xong, ý kiến của người xem cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, việc cấm chiếu hay không cấm chiếu coi như đã trở thành vô nghĩa khi chúng ta mới chỉ siết phim ra rạp, bỏ lửng phim trên mạng ngoài thị trường.
Cấm là đúng?
“Bụi đời Chợ Lớn” xoay quanh 4 nhân vật chính và những số phận của thế giới ngầm, băng đảng tội phạm, thể hiện dưới hình thức bạo lực với những phân cảnh đánh nhau, chém giết liên tục. Khi phim bị rò rỉ trên mạng, cảm giác của hầu hết cư dân mạng khi xem là: Phim kéo người xem vào những cảnh bạo lực liên hồi, không ngừng nghỉ khiến cho người xem đôi khi cảm thấy mệt mỏi, và mạch của những hành động đó nhiều khi biến thành “vô lý”.
Như giải thích của chính đạo diễn Charlie Nguyễn trên mạng xã hội facebook rằng, đây là một bản phim chưa hề hoàn thiện và anh không bao giờ muốn ai xem vì nó là một “món ăn” nấu chưa chín. “ Khoan nói đến việc “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu. Khoan nói đến chuyện ai là thủ phạm đã bị rò rỉ mà không hề nghĩ đến sự tổn thất nặng nề của nhà sản xuất và sự nguy hiểm họ phải đối mặt với pháp luật… Chúng tôi đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức và số tiền bạc tỷ để hoàn chỉnh nó cho khán giả. Vậy mà bây giờ, tôi phải ngồi đây nhìn mọi người xem một bản nháp thật tệ và đánh giá bộ phim dựa trên nó (bản nháp tệ hại đó)” – Charlie Nguyễn viết.
Lý do lớn nhất “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu là có quá nhiều cảnh bạo lực đẫm máu. Theo mạch phim, nội dung các tình tiết cho thấy các băng đảng liên tục truy tìm, thanh toán nhau với hàng loạt những cận cảnh rượt đuổi, đánh đấm và chém giết. Chưa bàn tới việc “Bụi đời Chợ Lớn” có phải là phim hay hay không, nhưng nếu bị yêu cầu cắt gọt chỉnh sửa, thì chỉ có nước cắt hết toàn bộ thời lượng phim.
Trong Quy chế kiểm duyệt phim có nêu rõ: Không cho phép phổ biến những phim có nội dung sau: Dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động miêu tả cảnh đánh, giết người dã man, tra tấn ghê rợn và những hành động khác xúc phạm đến tính mạng và nhân phẩm con người, tàn nhẫn đối với súc vật, mô tả cảnh đầu rơi, cắt từng bộ phận cơ thể con người, mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; không nhằm tố cáo tội ác, không nhằm bảo vệ chính nghĩa, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Video đang HOT
Xét theo quy chế này, “Bụi đời Chợ Lớn” chưa đến mức đánh giết ghê rợn, nhưng nhiều hình ảnh rượt đuổi đẫm máu trải dài suốt phim đã khiến khán giả thấy thực sự “mệt” và đồng tình với quan điểm: Cấm là đúng!
Bụi đời Chợ Lớn lại nóng sau khi bản phim bị rò rỉ trên mạng
Cấm nửa vời!
“Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu đã làm dấy lên không ít tranh cãi. Vì suy cho cùng, tiêu chí kiểm duyệt phim rất chung chung. Người đánh giá dựa trên hoàn cảnh thực tế và dựa vào quan điểm nghệ thuật. Nếu như Hội đồng kiểm duyệt cho rằng phim không cho thấy rõ bối cảnh thời gian, phản ánh không đúng thực tế khi ở Chợ Lớn không có những cảnh chém giết như vậy thì đoàn làm phim lại lý giải rằng: Chúng tôi làm phim dựa trên tiêu chí nghệ thuật, trong đó chú trọng đến những cảnh hành động.
Chuyện của “Bụi đời Chợ Lớn” có gì đó hơi giống với trường hợp của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trước đây khi cho ra tập truyện ngắn mang tên “ Cánh đồng bất tận”. Trong truyện ngắn này, nhà văn có nêu vài chi tiết kiểu như: Gái đĩ dập dìu quanh đê, hay chuyện mấy ông đi bắt vịt để tiêu hủy do bị nhiễm cúm gia cầm nhưng mê mẩn gái đẹp… Chính quyền địa phương ở nơi mà truyện của Nguyễn Ngọc Tư viết đã làm rùm beng, cho rằng nhà văn nữ còn trẻ mà bịa đặt xuyên tạc sự thật, địa phương tôi không có chuyện như thế. Rõ ràng, sai góc tiếp cận: Thực tế hay sáng tạo nghệ thuật đã làm cho nhiều tác phẩm nghệ thuật dù ở thể loại nào cũng gánh những “sóng gió” nhất định.
“Bụi đời Chợ Lớn” không phải là phim duy nhất bị cấm chiếu. Ngay cả những phim được phép chiếu cũng phải cắt gọt. “Bi đừng sợ”, từng giành hai giải trong tuần lễ Phê bình tại LHP Cannes – khi ra rạp trong nước đã bị hội đồng duyệt cắt hết những cảnh “nóng” dù những cảnh này gắn kết chặt chẽ với nội dung. Do vậy, khán giả Việt xem xong cứ lắc đầu “không hiểu phim nói gì”.
Quay lại trường hợp bị cấm chiếu của “Bụi đời Chợ Lớn”, sau rất nhiều tranh cãi, nhiều nguồn báo đưa tin, phim sẽ được công chiếu một buổi duy nhất cho giới truyền thông để báo chí có cái nhìn khách quan hơn về lý do tại sao Bộ VH-TTDL và Cục Điện ảnh cấm lưu hành bộ phim này. Sau đó, vào ngày 7-6, phim chính thức nhận quyết định cấm chiếu vĩnh viễn. Tưởng như đó đã là cái kết sau cùng cho bộ phim ồn ào báo giới, nhưng việc bản phim bị rò rỉ trên mạng đã làm bộ phim nóng trở lại ngay lập tức. Vấn đề đáng nói là bộ phim này đã bị Nhà nước cấm phát hành, việc tung lên mạng như vậy là phạm luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì truyền bá sản phẩm độc hại. Nghi vấn tất nhiên đầu tiên được đặt lên ê kíp sản xuất phim. Diễn viên Jonny Trí Nguyễn đã trả lời báo chí rằng: “ Bản thân chúng tôi và nhà sản xuất hoàn toàn không hài lòng về bản dựng này, nên nếu nói chúng tôi vì cay cú chuyện phim không được phát hành mà tung lên YouTube thì cũng không thể tung một bản phim chưa đạt chuẩn như vậy“.
Ai tung “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm phát hành lên mạng vẫn đang chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng. Nhưng từ chuyện bản phim bị rò rỉ nói lên điều gì? Điều đó cho thấy sự thiếu đồng bộ trong khâu quản lý và kiểm duyệt phim của Cục Điện ảnh. Khâu kiểm duyệt đã không gắn liền với khâu quản lý chặt những bản phim bị cấm chiếu. Chỉ cấm chiếu phim ở con đường “ra rạp” thì hoàn toàn vô nghĩa trước sự nhanh tay của cộng đồng mạng và tốc độ lan truyền chóng mặt của internet. Như vậy, những phim bị cấm chiếu không khác gì cái mác khiến cho phim càng “hot”.
Cần đổi mới đánh giá phim?
Khi “Bụi đời Chợ Lớn” chính thức bị cấm ra rạp, các rạp phim trên toàn quốc đã thay suất chiếu của “Bụi đời Chợ Lớn” bằng bộ phim của Mỹ “ White House Down” (Nhà Trắng sụp đổ). Đây là một trong rất nhiều phim nói về sự thất thủ của Nhà Trắng – biểu tượng quyền lực tối cao của nước Mỹ. Trước đây, cũng có một bộ phim nói về tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi của Mỹ. Sau đó, vụ khủng bố 11-9 đã tái hiện như thật những gì diễn ra trong phim. Tưởng chừng sau vụ 11-9, các nhà kiểm duyệt phim Mỹ sẽ khắt khe hơn với những ý tưởng tấn công, sụp đổ, hay những cảnh đấu súng có tính chất hành động, nhưng không, họ vẫn cho các nhà làm phim sáng tạo.
Ngay cả một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore… những phim hành động của họ cũng có những yếu tố đã vượt ra khuôn khổ trước đây. Nói thế, không phải để so sánh, vì mỗi quốc gia có những đặc thù và hệ thống pháp luật riêng. Nhưng… việc chỉ cấm những phim kích động bạo lực bằng con đường chính thống là chiếu rạp, trong khi ngập tràn các phim hành động, bạo lực có tính chất đẫm máu tràn lan trên mạng (đặt trong tương quan giữa người đến rạp xem phim và người dùng internet để xem ai đông hơn?) thì rõ ràng cái mác cấm coi như vô nghĩa.
Trong bối cảnh điện ảnh trong nước đã có khoảng cách quá xa với thế giới và trong khu vực, nên chăng, cũng cần phải có sự thay đổi để khuyến khích sáng tạo của các nhà sản xuất phim trong nước. Như Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đã nói: “Cần theo thông lệ của thế giới: Phân loại phim chiếu rạp. Dĩ nhiên phim chống lại Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng là phải cấm. Việc phân loại phim tạo điều kiện dễ dàng cho những nhà quản lý điện ảnh cũng như kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ. Luật Điện ảnh cần được bổ sung, chi tiết hóa từng điều khoản, tạo hành lang pháp lý rõ ràng theo hướng ủng hộ những nhà làm phim. Tránh chuyện duyệt phim theo cảm tính”.
Theo PL&XH
Hành vi tung phim "Bụi đời Chợ Lớn" lên mạng bị xử lý ra sao?
Phim "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu tại Việt Nam nhưng vẫn bị tung lên mạng internet. Theo ý kiến luật sư, hành vi này chỉ bị xử lý hành chính chứ không đủ cơ sở để xử lý hình sự.
Sáng 5.7, bản full phim "Bụi đời Chợ Lớn" của đạo diễn Charlie Nguyễn bất ngờ bị tung lên mạng. Bản dựng chưa hoàn chỉnh của phim có độ dài gần 1 tiếng rưỡi xuất hiện trên diễn đàn, sau đó được đưa lên trang YouTube và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Một cảnh trong phim "Bụi đời Chợ Lớn"
Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong vụ việc này có mấy vấn đề liên quan đến mặt pháp lý. Thứ nhất, cần phải điều tra xác định đối tượng nào là người đã tung bộ phim đó lên mạng. Việc này không khó, bởi khoanh vùng lại chỉ liên quan đến những người làm bộ phim này.
Khi tìm ra đối tượng rồi thì họ cũng chỉ bị xử lý hành chính, chứ hành vi trên không đủ cơ sở để xử lý hình sự. Lý do là phim "Bụi đời Chợ lớn" không nằm trong thể loại văn hóa phẩm có nội dung chống phá Nhà nước, cũng không phải văn hóa phẩm đồi trụy, nó chỉ mang tính bạo lực.
Hành vi tung phim lên mạng trên có dấu hiệu vi phạm thuộc quy định tại khoản 6 điều 9 của Nghị định 75/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa: Tàng trữ nhằm phổ biến phim thuộc loại cấm phổ biến hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy. Hành vi này bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
"Phải có tàng trữ thì người đó mới đưa lên mạng được, còn tung lên mạng cũng có nghĩa là phổ biến. Ở đây người vi phạm không chỉ tàng trữ mà đã phổ biến" - LS Tiến nói.
Vấn đề nữa, khi xác định được người tung bộ phim lên mạng, đạo diễn Charlie Nguyễn có thể kiện người đó ra tòa về hành vi xâm phạm bản quyền theo Luật sở hữu. Đây thuộc phần tranh chấp dân sự.
Theo Dân Việt
Có một sự ủng hộ không chiếu 'Bụi đời Chợ Lớn' rất nhẹ 'Bộ phim rất gay cấn nhưng điều để lại trong tôi không nhiều, có chăng chỉ là những màn chém giết lấy dao xẻ thịt', bạn Leng Keng chia sẻ. Jonny Trí Nguyễn trong phim. Đã xem xong Bụi đời Chợ Lớn. Dù mê tít Anh Jonny Trí Nguyễn bao lâu nay. Dù hóng phim từng ngày nhưng bỗng nhiên, ngay lúc này...