Phim 16+ ‘Bầu trời đỏ’ – tình yêu trái ngang thời chiến
Tác phẩm khắc họa tình yêu đẹp của người lính ở hai chiến tuyến nhưng còn có phần cứng nhắc khi thể hiện tâm lý nhân vật.
* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Ciel Rouge (Bầu trời đỏ) do Olivier Lorelle đạo diễn, quay hoàn toàn tại Việt Nam năm 2015. Sinh năm 1963, Lorelle là đạo diễn có tên tuổi của điện ảnh Pháp, từng đoạt giải César “Kịch bản gốc xuất sắc” năm 2007 với phim Indigènes, cũng lấy đề tài chiến tranh.
Bầu trời đỏ có bối cảnh Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp (năm 1946), khi cuộc chiến diễn ra trong rừng núi. Khác phần lớn các phim cùng chủ đề, tác phẩm không mào đầu bằng các trích đoạn dài giới thiệu bối cảnh, lịch sử mà đi thẳng vào hoàn cảnh nhân vật.
* Câu chuyện tình yêu trên non nước Việt Nam
Thi ( Audrey Giacomini) – nữ chiến sĩ Việt Minh trẻ tuổi – vừa bị quân Pháp bắt và đang chịu cảnh tù đày. Tuy nhiên, cô đón nhận hoàn cảnh với thái độ bình tĩnh, không hề sợ hãi mà còn xin người Pháp sách đọc giữa những cuộc tra tấn. Trong khi đó, ngay từ loạt cảnh đầu, khán giả dễ nhận ra sự khác biệt của chàng lính Pháp Philippe (Cyril Descours) với các đồng đội. Philippe có sự do dự, nghi ngờ trong ánh mắt và không sử dụng bạo lực thản nhiên như họ.
Philippe giải phóng cho Thi, sau đó cùng cô đi xuyên rừng để trốn khỏi cuộc chiến. Xuyên suốt cuộc hành trình, cả hai tranh luận về lý tưởng và giá trị sống. Ngôn ngữ ở các đoạn thoại này ngắn gọn, súc tích, đủ để thể hiện lý lẽ của hai bên. Chàng trai Pháp là con một gia đình cộng sản nhưng không hiểu hệ tư tưởng này. Anh chọn cách đi lính để xa nhà, nhưng rồi nhận ra cuộc chiến ở xứ thuộc địa thật vô nghĩa. Còn Thi sinh ra trong gia đình tư sản, học trường Tây ở Hà Nội, nhưng chọn con đường theo Việt Minh, tranh đấu cho dân tộc.
Thi và Philippe trái chiến tuyến nhưng dần phải lòng nhau.
Chàng trai được xây dựng theo chân dung của nhiều người trẻ Pháp trong giai đoạn này. Họ mệt mỏi, hoài nghi và sợ chiến tranh sau Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, Thi là mẫu chiến sĩ cách mạng điển hình, gan dạ và kiên trì với lý tưởng. Trong một cảnh, Thi trả lời Philippe trực diện: “Cuộc chiến của chúng tôi là chính nghĩa, các anh là phi nghĩa”.
Tình cảm dần nảy nở giữa hai tâm hồn như điều tự nhiên. Đạo diễn dành nhiều trích đoạn để mô tả về tình yêu, cách hai người trái chiến tuyến từ từ gần gũi rồi tiếp xúc về xác thịt. Tác phẩm có ba cảnh thân mật, trong đó lần đầu là sự tổng hòa của tình yêu và nỗi sợ hãi bom đạn đẩy hai cơ thể quấn vào nhau giữa trận chiến. Lần thứ hai – lấy bối cảnh hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) – là nơi tình yêu thăng hoa với màn làm tình trên bè của hai nhân vật. Bối cảnh hồ nước xanh nối liền với màu xanh lá của rừng núi xung quanh tạo nên chất thơ cho phần hình ảnh.
Video đang HOT
Bối cảnh hồ Ba Bể là nơi tình yêu hai nhân vật thăng hoa.
Sau đó, hai nhân vật còn có những khoảnh khắc sống cùng nhau giữa rừng núi .Trong cảnh đôi trẻ đang vui đùa, đạo diễn sử dụng một bản nhạc có tiết tấu khá buồn, phản ánh sự vô thường và ngầm báo hiệu cho khán giả rằng cảnh say sưa của đôi trẻ sẽ phải sớm chấm dứt. Cảnh gần gũi thứ ba là khi Philippe đang giằng xé lớn về nội tâm. Người đàn ông lúc này đang hoang mang, xem việc làm tình như cách khẳng định quyền lực. Anh tóm lấy, ép buộc và gần như cưỡng hiếp cô gái.
Trong một phần ba cuối phim, đạo diễn Olivier Lorelle mô tả chiến tranh cũng như tâm lý của chàng lính Pháp có phần thiếu chiều sâu. Nhân vật này đi theo Việt Minh, sẵn sàng quay lại bắn giết đồng bào mình dù phim không đưa ra lý do nào đủ thuyết phục. Khán giả trước đó có thể cảm được sự trăn trở, chán ghét chiến tranh của anh, nhưng đến đây lại có phần khó hiểu bởi chuyển biến quá nhanh của nhân vật. Hình tượng những chiến sĩ Việt Minh ngoài Thi có phần cứng nhắc với những câu thoại đều đều. Tuyến này không có nhân vật nào được khắc họa dày lên để tạo sự phong phú cho câu chuyện.
Một số cảnh bị cắt khiến phim chưa trọn vẹn.
Phim cũng không lý giải tại sao phe kháng chiến có thể tiếp nhận một chàng lính Pháp vào hàng ngũ dễ dàng như vậy. Đạo diễn kết phim lửng lơ với ẩn ý về sự kết nối của tình yêu giữa lúc nguy khốn nhất, nhưng cảnh cuối có thể gây hoang mang cho nhiều khán giả. Ở vài trích đoạn, chất lượng quay phim không tốt, rung lắc nhiều gây cảm giác khó chịu.
Bản chiếu ở Việt Nam cũng bị cắt một số cảnh “ nóng”, có thể gây hụt hẫng cho người xem. Ở trích đoạn hồ Ba Bể, chàng lính Pháp nhẹ nhàng gỡ tóc cho Thi, đang cởi áo thì chuyển cảnh khá thô, gây đứt gãy về nhịp phim. Cả người đẹp gốc Việt Audrey Giacomini và nghệ sĩ Chiều Xuân (giám đốc sản xuất phía Việt Nam) đều nói cảm thấy tiếc khi cảnh này bị cắt. Ở Việt Nam, phim chỉ được dán nhãn C16 chứ không phải C18 (cấm người dưới 18 tuổi).
Bầu trời đỏ khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 27/10.
Theo VNE
Vẻ đẹp thuần khiết của minh tinh đóng cô gái Việt Minh trong phim Pháp
"Bầu trời đỏ" (Ciel Rouge) xoay quanh mối tình giữa một chàng lính Pháp và cô gái Việt Minh tên Thi. Sắm vai nữ chính trong phim là Audrey Giacomini - diễn viên Pháp gốc Việt.
Audrey Giacomini sinh năm 1986. Cô lớn lên ở Val-d'Oise, vùng ngoại ô Paris. Người đẹp có ông là con lai (mang hai dòng máu Pháp - Việt), từng tham chiến trong Chiến tranh Đông Dương.
Bà của Audrey Giacomini là người Việt và từng dạy cô tiếng Việt để đóng phim Sagon, l'été de nos 20 ans. Về nguồn gốc con lai, nữ diễn viên có lần chia sẻ cô cảm thấy khó xử khi thỉnh thoảng bị nhầm là người Trung Quốc. Thậm chí, lúc còn nhỏ, có người còn hỏi cô rằng "Mắt cháu bé thế thì nhìn thế nào?".
Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí của Pháp, Audrey Giacomini tự nhận mình là người sở hữu cá tính mạnh mẽ kiểu phương Tây, nhưng đồng thời vẫn sống nội tâm theo kiểu Á Đông.
Audrey Giacomini là người mẫu chuyên nghiệp từ lúc 4 tuổi. Tuy nhiên, chiều cao 1,58 m là một trở ngại lớn, khiến cô quyết định chuyển hướng làm diễn viên.
Sau khi theo học ngành audiovisual, Audrey Giacomini quyết tâm theo đuổi sự nghiệp diễn viên. Thần tượng của cô là huyền thoại Audrey Hepburn.
Audrey Giacomini thuộc nhóm diễn viên hiếm hoi là con lai tại Pháp. Do đó, cô cho rằng không có nhiều vai diễn phù hợp dành cho mình. Bởi để cô tham gia một bộ phim, nhà sản xuất sẽ phải tìm người sắm vai cha mẹ có chủng tộc tương ứng, trong khi số đông diễn viên của Pháp có da trắng, tóc vàng, mắt xanh.
Bộ phim Mr. Nobody (2009) là bản lề sự nghiệp của Audrey Giacomini. Trong phim, cô sắm vai phiên bản trẻ tuổi của nhân vật chính do Phạm Linh Đan thể hiện.
Tuy khát vai, nhưng Audrey Giacomini sẵn sàng từ chối các vai diễn không phù hợp, có thể gây hiểu lầm về người Việt Nam.
Audrey Giacomini rất thích đi du lịch và đã đến Việt Nam bốn lần. Năm 2015, cô lần đầu tiên ra Bắc để quay phim Bầu trời đỏ. Bộ phim xoay quanh mối tình giữa một chàng lính Pháp và cô gái Việt Minh bị bắt giữ do Giacomini thể hiện. Nữ diễn viên Chiều Xuân sắm vai thứ chính trong phim, đồng thời đảm nhận vai trò nhà sản xuất.
Tuy không hoàn toàn là người Việt, nhưng Audrey Giacomini vẫn có cảm giác gần gũi như ở nhà trong mỗi lần về thăm Việt Nam. Cô rất ấn tượng vì sự phát triển của đất nước và vì cách đối thoại thân mật khác hẳn với xã hội Pháp (đặc biệt là chuyện người Việt sẵn sàng đặt những câu hỏi mang tính riêng tư). Cô hy vọng rằng khi lập gia đình, mình sẽ có cơ hội đưa con về Việt Nam.
Theo Zing
'Bầu trời đỏ' kể chuyện tình giữa anh lính Pháp và cô gái Việt Minh Toàn bộ tác phẩm điện ảnh nghệ thuật lấy bối cảnh thời kỳ kháng chiến chống Pháp của đạo diễn Olivier Lorelle được quay tại Việt Nam, và đã sẵn sàng trình làng khán giả. Bộ phim Mặt trời đỏ lấy bối cảnh thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng thực chất xoay quanh một cuộc tình trái ngang. Năm 1946, chàng trai...