Philippines, Việt Nam có thể mua tàu giá rẻ
Chuyên gia Singapore gợi ý mô hình hợp tác mua sắm quốc phòng đa phương của châu Âu.
Philippines và Việt Nam cần phải hiện diện đầy đủ trên Biển Đông để biến tuyên bố chủ quyền dựa trên luật định thành sở hữu trên thực tế. Muốn thế, hai nước chỉ có một cách duy nhất là tăng cường năng lực hàng hải, cải thiện sức mạnh tuần tra bằng cách tăng số tàu tuần tra và cải tiến thiết bị trên tàu.
Chuyên gia Nah Liang Tuang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore) khẳng định trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 8-10.
Ông ghi nhận dù kém Trung Quốc về sức mạnh hải quân, Philippines và Việt Nam nhận thức rõ không thể để Trung Quốc lấn chiếm dần rồi bao chiếm cả Biển Đông.
Do đó Việt Nam đã đặt mua sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga và hai tàu hộ tống lớp Sigma từ Hà Lan. Còn Philippines mua lại hai tàu khu trục lớp Del Pilar của Mỹ.
Tuy nhiên, sở hữu tàu chiến công nghệ cao có nhiều bất tiện như không thể triển khai tuần tra liên tục, phải sửa chữa cầu cảng phù hợp, phải thử nghiệm tàu nhiều lượt.
Các binh sĩ hải quân Philippines và Mỹ tham gia cuộc tập trận thường niên Phiblex ở tỉnh Zambales (Philippines) trong 12 ngày từ ngày 29-9. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ.
Do đó để khẳng định chủ quyền trên biển, cần có khả năng triển khai thường xuyên tàu tuần tra dù đó không phải là tàu công nghệ cao.
Để mua sắm tiết kiệm nhất, chuyên gia Nah Liang Tuang gợi ý Philippines và Việt Nam có thể tham khảo mô hình hợp tác phát triển, sản xuất và mua sắm quốc phòng đa phương của châu Âu.
Mô hình này đã hình thành từ những năm 1970. Mục đích nhằm tiết kiệm ngân sách, tăng cường tính độc lập, khả năng cạnh tranh và bảo toàn công ăn việc làm trong sản xuất vũ khí với Mỹ.
Trong những năm 1970, Anh, Đức và Ý đã hợp tác sản xuất máy bay Panavia Tornado; còn Anh và Pháp cùng sản xuất máy bay SEPECAT Jaguar.
Đến năm 1991, Pháp, Đức và Tây Ban Nha bắt tay nhau sản xuất trực thăng Eurocopter Tiger. Eurofighter Typhoon là dự án hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu mới nhất (năm 1994) của ba nước Ý, Anh và Pháp.
Năm 2007, Pháp và Ý cho ra đời tàu khu trục lớp Horizon và tàu khu trục đa năng FREMM.
Với các dự án hợp tác này, các nước không chỉ chia sẻ chi phí phát triển mà còn hoàn thành mục tiêu sản xuất vũ khí đúng chuẩn với chi phí rẻ.
Như vậy, Philippines và Việt Nam có thể áp dụng một phần mô hình của châu Âu như sau:
Video đang HOT
Hai nước có thể tìm kiếm hỗ trợ về giá cả từ các nước có nền công nghiệp đóng tàu phát triển và có thiện chí chính trị. Nước đó có thể là Nhật. Mục tiêu này sẽ dễ dàng hơn nếu đơn hàng hai nước gộp lại với số lượng lớn từ 24 chiếc.
Hai nước có thể cùng đặt mua động cơ từ các nước có mong muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài giá cả cạnh tranh, nếu hai nước cùng đặt mua với số lượng lớn thì sẽ được thêm chiết khấu. Nhật và Mỹ là hai nước phù hợp.
Hai nước có thể đặt mua chung các hệ thống hàng hải không mang tính nhạy cảm về an ninh, linh kiện vũ khí, súng máy hạng nặng cũng từ các nguồn như Nhật và Mỹ.
Với cách thức này, Philippines và Việt Nam có thể mua được radar, hệ thống viễn thông, vòi rồng tự động và thậm chí thiết bị quốc phòng cao cấp như thiết bị phát hiện tàu ngầm với giá chấp nhận được.
Lợi ích hữu hình đạt được là Philippines và Việt Nam có thể nâng cao khả năng giám sát vùng đặc quyền kinh tế, ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp trên biển và đối phó tốt hơn với âm mưu xâm nhập. Ngoài ra còn có lợi ích vô hình quan trọng là cải thiện ngoại giao quốc phòng trong khối ASEAN, thiết lập một tạm ước giữa Philippines và Việt Nam về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông để tránh nguy cơ hai bên đối đầu. Riêng Philippines sẽ tự tin hơn rằng có thể tự xây dựng năng lực quân sự chứ không chỉ nhờ vả các nước phát triển.
Theo báo Pháp luật TP.HCM
5 sự thật ít biết về sức mạnh hạt nhân của Pháp (2)
Tên lửa đạn đạo phát triển sau khi có tàu ngầm hạt nhân, không có bộ 3 răn đe chiến lược là các sự thật còn lại về sức mạnh hạt nhân Pháp.
3. Tên lửa chiến lược
Với nước Pháp, tên lửa đạn đạo dành cho tàu ngầm thực tế được phát triển chậm hơn những con tàu. Mãi tới năm 1971, thiết kế tên lửa đạn đạo phóng ngầm (SLBM) M1 mới đi vào trang bị. M1 chỉ mang được duy nhất một đầu đạn MR-41 500 kiloton với tầm bắn đạt 3.000km, độ lệch mục tiêu tối đa có thể lên tới 4km. Thế hệ SLBM tiếp theo là M2 cũng chỉ mang được một đầu đạn đơn khối.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm M51 thử nghiệm.
Đột phá thực sự đến vào năm 1985 khi Pháp thành công với thiết kế tên lửa có thể so sánh với các SLBM của Liên Xô và Mỹ. "Một sản phẩm chất lượng" - tên lửa đạn đạo M4 nặng 35 tấn với khả năng mang tới 6 đầu đạn nhiệt hạch TN70/71 công suất 150Kt có thể tấn công vào các mục tiêu độc lập khác nhau. Tầm bắn của M4A là 4.000km, M4B là 5.000km, diện tích hủy diệt lên tới 20.000km2 và bán kính lệch mục tiêu chỉ còn 400m.
Hiện nay, trên tàu ngầm của Pháp được trang bị 64 tên lửa đạn đạo liên lục địa M45 tầm bắn 6.000km, đấy là thiết kế cải tiến sâu của M4.
Tuy vậy, nước Pháp đang trong tiến trình nâng cấp lực lượng tên lửa hạt nhân trên biển với việc trang bị lại cho tàu ngầm Triomphant tên lửa đạn đạo 3 tầng M51.
Thông số cơ kỹ thuật cơ bản của tên lửa M51
Tầm bắn: 8.000-10.000 km
CEP: 250m
Số lượng đầu đạn hạt nhân: 6-10
Loại đầu đạn: TN75 MIRV 150 kiloton
Trọng lượng 56 tấn
Chiều dài 13m
Đường kính: 2,35m
Giá thành: 12 triệu Euro/quả
Quá trình thay thế hoàn tất cũng đồng nghĩa với việc 4 tàu ngầm hạt nhân của Pháp mang tối thiểu 384 đầu đạn nhiệt hạch. Nếu xét kho dự trữ có số đầu đạn tương đương 5-10% số đầu đạn đang trực chiến thì Paris đang sở hữu ít nhất khoảng 420 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, vào năm 2008, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy tuyên bố nước này sẽ cắt giảm kho vũ xuống ngưỡng dưới 300 đầu đạn hạt nhân. Tất cả số đầu đạn này đều có thể nhanh chóng chuyển sang trang thái sẵn sàng nếu có chỉ thị khẩn cấp. Riêng các tên lửa trên tàu ngầm sẽ khai hỏa sau 10 phút nhận được lệnh.
4. Không duy trì "bộ ba hạt nhân"
Trong chiến tranh Lạnh, nước Pháp từng có một lực lượng hạt nhân đầy đủ. Nói cách khác là một lực lượng hạt nhân 3 thành phần: đường không, đường biển và mặt đất như Liên Xô và Mỹ.
Lực lượng hạt nhân mặt đất của họ khá đáng nể với đầu đạn 15-25 kiloton hoặc tên lửa đạn đạo 2 tầng đặt trong giếng phóng trên mặt đất S3 (nặng 25,8 tấn, tầm bắn 3.500km, mang đầu đạn TN 61 1,2 megaton). Đây là những tên lửa được phát triển trên nền tảng tương tự tên lửa M-20. Pháp đã từng triển khai khoảng 18 tên lửa S-3 với mục tiêu được mặc định là lãnh thổ Liên Xô.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa S3 đã bị loại biên chế.
Tuy nhiên, sau năm 1991, tình hình thế giới có nhiều thay đổi cộng với lý do kinh tế. Vì vậy, chính sách hạt nhân của Pháp cũng đã thay đổi. Lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được ưu tiên tối đa - Paris coi đây là "xương sống" lực lượng hạt nhân chiến lược.
Trong khi đó, các đơn vị tên lửa đạn đạo mặt đất đã bị xem xét giảm bớt , các tên lửa S-3 được dư định thay thế bằng tên lửa M5 hoặc M45. Nhưng cuối cùng, lực lượng này bị loại bỏ hoàn toàn năm 1996.
5. Vũ khí hạt nhân chiến thuật
Ngoài vũ khí chiến lược, Pháp cũng có vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đó là 60 tên lửa hành trình không đối đất tầm trung ASMP có trong biên chế của không quân. Hải quân cũng được trang bị 10 tên lửa loại này, ngoài ra còn khoảng 20 tên lửa trong kho dự trữ.
Việc phát triển tên lửa từ cuối những năm 1960 từng bị gián đoạn do vấn đề kinh phí. Tên lửa không đối đất ASMP trực chiến từ năm 1986.
Thông số kỹ thuật cơ bản
Tầm bắn: 80-300km
Tốc độ hành trình: Mach 2
Tốc độ tối đa: Mach 3
Chiều dài : 5,4m
Sải cánh: 1m
Trọng lượng: 900kg
Đầu đạn: TN-81 300 kiloton
Đầu thập kỷ này, tên lửa ASMP bắt đầu được cải tiến lên chuẩn ASMP-A với tầm bắn tăng lên tới 450-600km. Độ sai lệch tối đa của tên lửa được yêu cầu ở mức 10m. Nhà sản xuất đang cố gắng đạt được chỉ tiêu này.
Tên lửa hạt nhân chiến thuật ASMP dưới bụng tiêm kích Rafale.
Tên lửa mới được trang bị cho những tiêm kích đa năng thế hệ 4 Rafale. Các máy bay này cũng được Pháp độc lập phát triển trong sự không hài lòng của cả Mỹ và một số cường quốc châu Âu khác. Rafale có thể cất cánh trên tàu sân bay Charles de Gaulle, đồng nghĩa với phạm vi hoạt động của tên lửa hạt nhân chiến thuật ASMP-A sẽ được mở rộng và linh hoạt hơn đáng kể.
Hiện nay, các lực lượng vũ trang Pháp trang bị hơn 120 máy bay Rafale. Tàu sân bay Charles de Gaulle có thể mang tối đa 40 chiếc Rafale-M. Đây là một "bệ phóng" để cùng một lúc khai hỏa 90 tên lửa ASMP-A, tạo ra đòn tấn công có sức hủy diệt trên 15 Megaton.
Theo Kiến Thức