Philippines vẫn là bạn thân nhưng không quỵ lụy Mỹ
Mỹ vẫn là bạn “thân nhất” của Philippines nhưng Manila muốn thoát khỏi tư tưởng “phụ thuộc và quỵ lụy” và xây dựng mối quan hệ gần gũi với các quốc gia khác, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu ngày 22.10.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay.
Phát biểu của ông Yasay được đưa ra 2 ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố muốn cắt đứt quan hệ với Mỹ, mặc dù sau đó ông Duterte đã lên tiếng với giọng điệu hòa giải hơn.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Yasay nói Tổng thống Philippines đúng là đã khẳng định mối quan hệ với Mỹ không nằm trong lợi ích quốc gia của Philippines.
Tuy nhiên, tuyên bố “cắt đứt” của ông Duterte chỉ có ý nghĩa là thoát khỏi tư tưởng phụ thuộc và quỵ lụy, cả về kinh tế và quân sự, vốn tạo nên hình ảnh “người em bé nhỏ” Philippines đối với Mỹ. Điều này đã kìm hãm sự phát triển và tiến bộ” của Philippines trong một thời gian dài.
Theo ông Yasay, Tổng thống Philippines đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác trong chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh rằng “nếu họ không sẵn sàng hỗ trợ… người Philippines sẽ tự mình quyết định vận mệnh, bất chấp khó khăn”.
Thông điệp của ông Yasay là dấu hiệu mới nhất trong chính quyền Philippines, về việc tìm cách chữa cháy sau khi ông Duterte đưa ra phát ngôn gây sốc ở Trung Quốc.
Ngày 21.10, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez khẳng định nước này vẫn duy trì quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ dù ông Duterte tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với Washington. Theo ông Lopez, ngụ ý của Tổng thống Duterte hiện giờ là tìm cách thoát ra khỏi việc phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ
Philippinese cũng muốn tăng cường hơn nữa các mối quan hệ với Trung Quốc và ASEAN, những nước mà Manila đã có các hoạt động giao thương từ nhiều thế kỷ qua.
Video đang HOT
Đích thân ông Duterte cũng phải thanh minh về câu nói cắt đứt quan hệ khi trở về quê nhà Davao từ Trung Quốc. Theo nhà lãnh đạo Philippiness, phát biểu của ông ở Trung Quốc rằng sẽ “tách rời khỏi Mỹ về cả quân sự và kinh tế” chỉ là muốn chấm dứt chính sách ngoại giao quá lệ thuộc vào Mỹ từ hàng chục năm qua.
Trước khi ông Duterte lên nắm quyền hồi tháng 6, Trung Quốc và Philippines căng thẳng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông còn Manila là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á.
Theo Đăng Nguyễn – Reuters (Dân Việt)
Nỗi đau góa phụ trong cuộc chiến chống ma túy Philippines
Tiếng khóc xé lòng của em bé mới chào đời đã phá tan khung cảnh tĩnh lặng tại một căn lều ở thành phố Pasay, giáp với thủ đô Manila, nơi cậu bé sẽ lớn lên cùng với người mẹ góa chồng.
Harra Kazuo giờ đây sẽ phải chăm sóc con một mình vì người chồng và bố chồng đều bị cảnh sát giết hại trong chiến dịch chống ma túy đẫm máu.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), chỉ hơn 3 tháng trước, cha và ông của em bé đã bị cảnh sát bắn chết. Đối với góa phụ Harra Kazuo thì đây đúng là một cơn ác mộng.
Ngày 6.7, gần đến nửa đêm, 3 cảnh sát có vũ trang - một người mang súng trường đến căn lều của gia đình trẻ ở thành phố Pasay và kéo người chồng Jaypee Bertes (28 tuổi) ra ngoài.
"Ma túy giấu ở đâu? Hãy đưa đây. Có muốn bị bắn chết không?", Harra nhớ lại. Jaypee sau đó được đưa đến đồn cảnh sát cùng người cha, Renato Bertes (49 tuổi) bất chấp những lời van xin.
Đến chiều ngày hôm sau, cả hai người đàn ông đều bị bắn chết. 3 phát đạn xuyên qua quai hàm, cánh tay và bụng của Jaypee trong khi đó ông Renato bị bắn vào đầu, ngực và vai.
Đây chỉ là cái chết của hai trong số hơn 3.700 người bị sát hại trong chiến dịch chống ma túy đẫm máu do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động.
Nhiều người nghi dính líu đến ma túy bị bắn chết ở đồn cảnh sát hoặc ngay trên đường phố mà không hề hay biết. Cảnh sát mật Philippines thường để lại dòng chữ trên thi thể nạn nhân để nhấn mạnh đó là những kẻ buôn ma túy.
Đại đa số người Philippines tháng trước bày tỏ sự hài lòng với chiến dịch chống ma túy, lên tới 76%. Chỉ 11% số người phản đối và những người khác không đưa ra ý kiến.
Bác sĩ giám định thi thể của người bị bắn chết vì nghi là tội phạm buôn ma túy.
Nhưng đối với Harra Kazuo, cô chỉ nhận được nỗi đau và sự bất công. Chồng cô không bao giờ có thể nhìn mặt đứa con mới chào đời. Cô đã phải đơn độc nuôi con 1 mình ngay từ những ngày đầu tiên.
"Tôi tin vào số phận. Một ngày nào đó họ sẽ phải trả giá cho những gì đã gây ra", Harra nói, cho biết hai sĩ quan cảnh sát Alipio Balo và Michael Tomas đã bị buộc tội giết người.
Gia đình Bertes không hề xa lạ với cảnh sát địa phương. Jaypee từng bị bắt giữ trước đó vì tội đánh bạc và tàng trữ ma túy. Cả hai lần đó, Jaypee đều được trả tự do ngay trong vài giờ sau khi hối lộ cảnh sát khoảng 1000 USD.
Harra thừa nhận, chồng cô từng có thời gian buôn ma túy, nhưng người cha của chồng thì không dính líu đến ma túy. Cô nói Jaypee đã có kế hoạch đầu hàng cảnh sát.
Ngoài em bé mới chào đời, Harra còn có hai con gái 2 tuổi và 6 tuổi. Cả hai đều ở trong lều khi cảnh sát tới. "Con tôi đều sợ hãi. Cảnh sát nghi chúng tôi giấu ma túy trong người hai đứa trẻ. Họ kiểm tra tất cả mọi nơi", Harra nhớ lại.
Cảnh sát không tìm thấy ma túy trong nhà, nhưng họ vẫn đưa Jaypee và người cha Renato đi. Harra đã chờ ở ngoài đồn cảnh sát suốt đêm hôm đó. Cho đến sáng sớm, cô được vào thăm chồng và Jaypee nói mình bị cảnh sát đánh đập, gần như không đứng dậy nổi.
Ông Duterte chụp ảnh với một người ủng hộ.
Cuộc gặp chỉ kéo dài 20 phút. Vài giờ sau đó, cả hai đều bị bắn chết. Cảnh sát Philippines nói hai người đàn ông bị bắn vì cố gắng cướp súng. Đây cũng là lý do cảnh sát thường đưa ra để giải thích cho những cái chết trong nhà giam.
Nhưng cách giải thích đó không đủ để thuyết phục Ủy ban Nhân quyền của Philippines. Ủy ban đã giúp đỡ gia đình của những người bị giết hại phi pháp, bao gồm cả trường hợp của Harra.
Chỉ trong 2 tháng sau khi ông Duterte lên nắm quyền, ủy ban đã điều tra 191 trường hợp với 250 nạn nhân. Trong khi 6 năm ông Benigno Aquino nắm quyền, chỉ có 531 trường hợp với 755 nạn nhân thuộc diện cần phải điều tra.
"Đa số trường hợp có sự tham gia của cảnh sát. Nhiều người khiếu nại rằng nạn nhân không hề chống trả khi bị bắn chết", Diana de Leon, người đứng đầu ủy ban cho biết. "Những người này cần phải được ra tòa bào chữa cho bản thân. Hãy để tòa án quyết định xem họ có tội hay không".
Thậm chí một số cảnh sát Philippines còn bán lại số ma túy thu giữ được tại hiện trường để kiếm lời, Diana de Leon nói.
Nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng mà cô trải qua, Harra chỉ có một điều ước: "Tôi muốn đứa con bé bỏng của mình, một ngày nào đó trong tương lai nó sẽ cảm thấy tự hào, vì những gì người mẹ đã làm để đấu tranh cho công lý trước cái chết của cha. Tôi phải chiến đấu vì công lý".
Theo Đăng Nguyễn - SCMP (Dân Việt)
Vì sao Trung Quốc mạnh tay "mua cả châu Âu"? Các nhà phân tích đã nhìn nhận và đánh giá những lý do đằng sau sự bùng phát đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, nơi cung cấp nhiều công nghệ tốt nhất thế giới. Trung Quốc đang rất mạnh tay trong việc mua lại các công ty, tài sản ở châu Âu Các công ty Trung Quốc đang ngày càng mua...