Philippines: từng bước hồi sinh sau thảm họa
Bất chấp khung cảnh đổ nát, hoang tàn ở những nơi bị bão Haiyan tàn phá ở miền trung Philippines, những dấu hiệu hồi sinh bắt đầu nảy nở nhờ sự kiên cường và thái độ sống lạc quan của người dân nơi đây.
Một nhóm thanh niên chơi bóng rổ giữa khung cảnh đổ nát xung quanh ở đảo Guiuan. Ảnh: THANH TUẤN
Một ngày cuối tuần tại “thành phố chết” Tacloban – nơi thiệt hại nặng nề nhất vì bão Haiyan, người ta bắt đầu nghe tiếng cười đùa từ một nhóm sáu thanh thiếu niên tụ tập chơi bóng rổ ở một khu đất trống. Thật kỳ lạ là giữa khung cảnh đổ nát và hỗn độn xung quanh, những chàng thanh niên da đen nhẻm, tóc bù xù vẫn mải mê chơi thể thao.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Những thanh niên này lục lọi tìm những cây đinh gỉ sét từ những ngôi nhà bị bão đánh sập và dùng nó để đóng giá đỡ bóng. Họ say mê chơi bóng, tán thưởng những pha ném bóng đẹp và trầm trồ tiếc nuối khi quả bóng trượt rổ trong gang tấc. Có lẽ đối với các chàng trai này, cuộc sống vẫn tiếp diễn dù cho siêu bão Haiyan đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người và khiến hàng trăm ngàn người đang trong cảnh màn trời chiếu đất và vật lộn tìm miếng ăn.
Theo ghi nhận của nhà báo Todd Pitman Hãng thông tấn AP, nhiều người dân ở vùng đất chết Tacloban đã nở nụ cười lạc quan khi cuộc khủng hoảng đã dịu bớt và hàng cứu trợ bắt đầu đổ đến đây. Ông cho biết một số người sống sót đã hăng hái bắt đầu cuộc sống mới.
“Tôi cảm thấy buồn cho Tacloban. Nhưng tôi hạnh phúc vì mình vẫn còn sống và tồn tại. Tôi đã mất nhà cửa nhưng không mất người thân” – Elanie Saranillo, 22 tuổi, một trong những khán giả xem trận bóng rổ, trải lòng.
Nhà báo Todd Pitm cho biết ông đã đi tác nghiệp thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản vào năm 2011 nhưng không tài nào nhớ nổi một nụ cười nào từ người dân vùng thảm họa. Theo ông, mỗi quốc gia đều chứng tỏ sự kiên cường của mình theo cách riêng nhưng Philippines vẫn có một vài thứ rất khác biệt mà ông không thể nào hiểu được lý do.
Khi đối phó thảm họa trở thành nghệ thuật
Theo lời kể của nhà báo Todd Pitm, ông và các đồng nghiệp luôn được người dân nơi đây chào hỏi bằng những từ ngữ ân cần. Khi ông hỏi thăm những người gặp trên đường tác nghiệp thì họ đáp “ổn” kèm theo nụ cười.
Nhà báo kỳ cựu của AP cho biết có lẽ thái độ lạc quan của những người mà ông gặp có liên quan đến câu thành ngữ của Philippines “Bahala na” mà tiếng Philippines có nghĩa là “Dù chuyện gì xảy ra, hãy để Chúa trời phán quyết”.
Elizabeth Protacio de Castro, phó giáo sư khoa tâm lý ở Trường ĐH Philippines, cho biết đất nước cô đã ngày càng quen thuộc với những tai ương như siêu bão Haiyan. Cô cho biết mỗi năm có khoảng 20 cơn bão quét qua Philippines cộng với động đất, núi lửa phun trào, tình trạng nổi loạn, và biến động chính trị.
“Đối phó với thảm họa đã trở thành nghệ thuật. Nhưng Yolanda thì khá khác biệt. Nó rất mạnh và chúng tôi không có sự chuẩn bị nào rõ ràng để đối phó” – cô De Castro cho biết.
Nói về những người nghe nhạc hay chơi thể thao dưới đống đổ nát, cô De Castro giải thích: “Đó là một cách để khẳng định cuộc sống đang tiếp diễn. Đó là thái độ sống mà người dân Philippines đã từng thể hiện và họ sẽ tiếp tục duy trì nó”.
“Nhưng điều đó không hàm ý rằng người Philippines là người vô tư lự và không quan tâm đến những thứ xung quanh. Đó là một phản ứng bình thường đối với một tình huống bất thường. Đó là cách họ khẳng định rằng họ đang ổn, bình yên, có thể đối phó [với thảm họa] và cứ để mọi chuyện diễn biến theo tự nhiên…” – cô De Castro giải thích thêm.
Video đang HOT
Cô De Castro còn kể có một số người mất tất cả người thân tâm sự với cô rằng họ nhất định phải học tiếp bởi vì cha mẹ của họ đã đóng học phí cho họ đến cuối năm.
Nhà báo Todd Pitm kể rằng khi ông đang ở trên chuyên cơ C-147 của không quân Mỹ bay từ Tacloban đến Manila cùng với khoảng 500 người bị mất nhà cửa ở Tacloban, ông chứng kiến một hình ảnh vô cùng xúc động.
Ông cho biết khi một nhân viên phi hành đoàn mở bản nhạc bất hủ September của nhóm Earth, Wind, & Fire, khuôn mặt của những người dân di tản trở nên rạng rỡ. Những người đàn ông đung đưa đôi tay trong khi phụ nữ nhịp vai theo lời bài hát.
Anh Michael Opresie đang nướng con heo sữa cho tám miệng ăn trong gia đình. Ảnh: Inquirer
Chuyện con heo sữa
Michael Opresie nở nụ cười khi anh liếc nhìn con heo sữa đang nướng trên đống củi mà anh nhặt đâu đó. Con heo được nướng giữa mùi nồng nặc của những tử thi xung quanh.
Nhưng Opresie không không có vẻ gì nản lòng. Anh thừa nhận mình cảm nhận được mùi thối rữa các xác chết xung quanh nhưng gia đình anh và những người hàng xóm gồm tám miệng ăn đang rất đói và đều trông chờ vào con heo sữa này. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi đang chết đói” – anh nói với tờ Inquirer.
Phía bên kia đường, Hermilito Yapi đang vác một bình nước mà anh và hàng xóm phải dùng hết sức lực để mở van. Anh mang nước tới một căn nhà kho là nơi ở tạm thời của gia đình anh cùng nhiều hàng xóm khác đến từ ngôi làng Milda, trong đó có gia đình của anh Gary Meneses.
Anh Gary nói nhà của anh đã bị bão phá hủy hoàn toàn và đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận cứu trợ.
Yapi và nhiều gia đình khác không ăn uống đầy đủ nhiều ngày nay. Họ nói họ có thể tồn tại bằng cách nấu số rau tồn tại sau cơn sóng bão cao hơn 5m. Nhưng số rau này ngày càng cạn kiệt.
“Giờ chúng tôi chỉ lấp đầy bụng đói bằng số nước này – Yapi nói và chỉ vào bình nước mà anh mới đem tới – Chúng tôi có đun sôi nhưng tôi nghĩ vẫn không an toàn vì xung quanh đây có rất nhiều xác chết”.
Dù cho quang cảnh tuyệt vọng xung quanh, Opresie, Meneses và Yapi vẫn cười đùa và chọc nhau. Khi phóng viên của tờ Inquirer đề nghị chụp hình của Opresie, những người xung quanh cười lớn và trêu anh rằng nên để hình anh lên trang bìa vì anh đẹp trai và là ngôi sao.
Tiếng cười của họ vang dội cả cộng đồng. Meneses nói anh có lý do để vui vì người thân anh vẫn còn. “Đó là cách của người Phillipines chúng tôi [đối phó với thảm họa]. Dù cho cơn bão quét qua nhưng chúng tôi luôn cố gắng mỉm cười” – anh chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ
Siêu bão Haiyan và những con số gây đau đớn
Mười ngày sau khi bão Haiyan đổ bộ tàn phá nhiều khu vực ở Philippines, điểm qua các con số để thấy sức hủy diệt kinh khủng của cơn bão được cho là mạnh nhất trong lịch sử này.
Một người dân xách nước sạch ngang qua khu vực đã bị bão cày nát ở thành phố Tacloban Ảnh: Reuters
Các thống kê này được NBC News tổng hợp từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hiệp Quốc (OCHA) và Cơ quan Quản lý và giảm nhẹ nguy cơ thảm họa quốc gia Philippines (NDRRMC).
Quy mô bão Haiyan
370 dặm (595km): độ rộng của phạm vi ảnh hưởng của bão Haiyan khi quét qua với gió giật lên đến 378 km/g.
6: Số lần bão Haiyan đổ bộ vào Philippines hôm 8/11. Theo Chính phủ Philippines, đầu tiên bão đổ bộ vào thị trấn Guiuan ở tỉnh Đông Samar lúc 4g40 (giờ địa phương), trước khi di chuyển sang thành phố Tolosa (tỉnh Leyte) lúc 7g và đến thị trấn Daanbantayan (tỉnh Cebu) lúc 9g40. Haiyan sau đó đổ bộ vào đảo Bantayan (Cebu) và cuối cùng là Concepcion (tỉnh Iloilo) và Busuanga (tỉnh Palawan).
17 foot (5.1m): Độ cao của bão khi càn quét Tacloban, thành phố lớn nhất ở miền trung Philippines, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
27 inch (68.58 cm): Mực nước mưa cao nhất do Vệ tinh Sứ mạng đo đạc lượng mưa nhiệt đới (TRMM) thuộc NASA đo được ở khu vực phía đông nam tỉnh Leyte trong thời gian bão quét qua.
Cảnh ngổn ngang ở Tacloban. Ảnh: Reuters
Thiệt hại đối vớingười dân
13 triệu: Số người bị ảnh hưởng do bão, theo báo cáo tình huống do OCHA công bố hôm 16/11. Chính phủ Philippines cho biết 9,8 triệu người tại 44 tỉnh, 539 thành phố tự trị và 56 thành phố ở nước này đã bị ảnh hưởng bão Haiyan. Trong số này có 4,9 triệu trẻ em và 1,5 triệu trẻ em dưới5 tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng.
4.200: Số người chết do bão Haiyan theo ước tính của Liên Hiệp Quốc. Con số do chính quyền Philippines đưa ra là 3.637 người, tính đến 16/11.
12.501: Số người bị thương theo ước tính của NDRRMC.
1.186: Số người vẫn đang mất tích sau bão, cũng theo NDRRMC.
3 triệu: Số người mất nhà cửa. Hiện 371.000 người trong số này đang sống tại 1.086 trung tâm di tản và 2,7 triệu người khác vẫn chưa có chỗ ở tạm thời.
2,5 triệu: Số người đang cần cứu trợ về lương thực, theo một dự tính của Liên Hiệp Quốc.
360.000: Số phụ nữ mang thai và cho con bú đang cần các dịch vụ chuyên biệt để sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh.
Thiệt hại về hạ tầng
494.611: Số nhà cửa đã bị siêu bão phá hủy hoàn toàn hoặc làm hư hại, theo NDRRMC.
628: Số trường học bị hư hại sau bão, chưa tính thống kê của hai tỉnh Tây và Đông Samar, theo OCHA.
Cứu hộ và cứu trợ
375.795: Số người đã nhận được lương thực cứu trợ gồm gạo, bánh quy giàu năng lượng và thực phẩm đóng hộp tính đến 15/11, theo số liệu của OCHA.
400.000 gallon (1,5 triệu lít): Số lượng nước sạch mà tàu sân bay USS George Washington của Mỹ có thể sản xuất trong một ngày để tiếp tế cho các nạn nhân.
Gây quỹ
300 triệu USD: Số tiền mà Liên Hiệp Quốc kêu gọi đóng góp cho chương trình hành động vì Haiyan.
81 triệu USD: là số tiền mà cộng đồng quốc tế đã quyên góp cho nạn nhân bão Haiyan ở Philippines. Mỹ đã góp hơn 20 triệu USD trong số này.
14,5 tỉ USD thiệt hại kinh tế
Thống kê ban đầu cho thấy thiệt hại kinh tế do bão Haiyan gây ra đối với Philippines có thể lên tới 14,5 tỉ USD.Các tổ chức quốc tế sẽ cho Philippines vay 1 tỉ USD để tái thiết.
Theo Hãng tin Bloomberg, mới đây Hãng nghiên cứu AIR Worldwide cho biết thiệt hại vật chất, thương mại, nông nghiệp do bão Haiyan gây ra lên tới 14,5 tỉ USD. Các tổ chức thống kê khác cũng cho rằng con số thiệt hại dao động từ 14-15 tỉ USD. Bão Haiyan đã san bằng thành phố Tacloban ở tỉnh Leyte và gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực khác.
Theo Hãng tin AFP, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẽ cho Philippines vay ưu đãi 500 triệu USD để phục vụ nỗ lực tái thiết. "Chúng tôi quyết hỗ trợ Chính phủ Philippines phục hồi, xây dựng lại các khu vực bị tàn phá, giúp người dân Philippines chống lại các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt" - Chủ tịch WB Jim Yong Kim tuyên bố.
Trước đó chính quyền Philippines đã đề nghị WB giúp đỡ. Trong tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã cam kết sẽ cho Philippines vay khẩn cấp 500 triệu USD. Như vậy, Philippines sẽ được vay khẩn cấp 1 tỉ USD.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết ngân hàng này đang phối hợp với chính quyền Manila và các tổ chức quốc tế khác để xây dựng lại cuộc sống của 11 triệu người bị bão Haiyan ảnh hưởng.
Theo Xahoi
Người Việt thoát khỏi Ormoc hỗn loạn Sau bão Haiyan, Ormoc bị tàn phá ít hơn Tacloban nhưng người dân sống ở thành phố này cũng khốn khó không kém. Số người Việt từ Tacloban chạy nạn lên đây, vì thế, phải tiếp tục hành trình sang Cebu. Bên ngoài một điểm rút tiền ngân hàng - Ảnh: Đỗ Hùng Tàu cảnh sát biển lớp San Juan vừa chở đoàn...