Philippines từ bỏ ý định mua vũ khí Trung Quốc vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông?
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, Trung tướng Noel Clement đã trả lời trước giới báo chí về câu hỏi liệu Philippines sẽ từ bỏ ý định mua vũ khí của Trung Quốc do hai nước đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, Trung tướng Noel Clement, cho hay, dù xảy ra căng thẳng ở Biển Đông nhưng Philippines không hy vọng bùng nổ “chiến tranh nóng” giữa lúc Manila nhiều lần gửi công hàm phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm lãnh hải.
Quân đội Philippines tập trận. (Ảnh: AP)
“Tôi không cho rằng, tình hình đang dẫn tới khả năng xảy ra một cuộc xung đột thực sự nghĩa là xảy ra bắn nhau. Tôi cho rằng có đủ cơ chế để thi hành nhằm ngăn chặn chuyện này xảy ra”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Tướng Clement.
Đặc biệt, Tướng Clement phủ nhận thông tin quân đội Philippines phản đối việc mua vũ khí của Trung Quốc, giữa lúc hai nước xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
“Chúng tôi vẫn chưa chọn được sẽ mua vũ khí quân sự gì từ Trung Quốc”, ông Clement chia sẻ.
Khi được hỏi vì sao Philippines chậm trễ trong việc đưa ra quyết định còn Trung Quốc đã mời chào mua vũ khí từ năm 2016, ông Clement cho biết Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà quân đội Philippines có thể mua vũ khí.
Video đang HOT
“Chúng tôi phải xác định cụ thể loại vũ khí dù là của Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác xem có phù hợp với những yêu cầu mà các lực lượng vũ trang Philippines đặt ra hay không. Do đó, không có chuyện chúng tôi ngăn cản việc mua vũ khí từ Trung Quốc, mà thay vào đó nhóm kỹ thuật của chúng tôi sẽ đưa ra gợi ý cho chương trình hiện đại hóa quân sự”, ông Clement nói thêm.
Trong khi đó, mới đây, Philippines đã ký kết một thỏa thuận với Mỹ để mua máy bay Gulfstream G280 thế hệ mới có giá trị khoảng 38 triệu USD để phục vụ hoạt động di chuyển của Tổng thống. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chuyển giao máy bay Gulfstream G280 cho Philippines vào năm 2020.
Sau khi lên nhậm chức Tổng thống Philippines vào năm 2016, ông Rodrigo Duterte đã nhanh chóng thi hành chính sách “xoay trục sang Trung Quốc” nhằm thu hút hàng tỷ USD từ phía chính quyền Bắc Kinh để phục vụ chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Philippines đang ấm dần lên, dư luận Philippines đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Manila quên đi vấn đề khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trước sự hung hăng và bành trướng từ phía Trung Quốc. Để xoa dịu dư luận, chính quyền của Tổng thống Duterte đã không ít lần gửi công hàm cho phía Trung Quốc nhưng việc làm này dường như không có tác dụng.
Gần đây, sóng gió ngoại giao giữa Bắc Kinh và Manila nổi lên sau khi nhiều báo cáo cho biết các tàu hải cảnh Trung Quốc đang “bủa vây” khu vực quân đội Philippines hiện diện trên Biển Đông mà cụ thể là khu vực bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bộ Quốc phòng Philippines cũng đã lên tiếng xác nhận về sự xuất hiện ngày càng đông của các tàu hải cảnh Trung Quốc trong khu vực bãi Cỏ Mây.
“Nhiều báo cáo có nhắc tới sự hiện diện của không chỉ các tàu cá, tàu dân quân mà cả tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây. Việc của chúng tôi là tiến hành tuần tra hàng hải thường xuyên để xác định và kiểm tra những thông tin trên. Ngay khi chúng tôi chứng minh được thông tin chính xác, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có biện pháp phản đối theo con đường ngoại giao phù hợp”, Tướng Clement cho biết.
Trước câu hỏi về việc số lượng tàu Trung Quốc đã giảm hay chưa sau công hàm phản đối được Philippines gửi đi hồi tuần trước, ông Clement cho hay các tàu Trung Quốc vẫn hiện diện hàng ngày trong khu vực, nhưng số lượng tàu đang giảm dần do nhiều yếu tố như biển động hoặc phụ thuộc vào “ý định của Trung Quốc”.
Hồi tháng trước, Bộ Quốc phòng Philippines gửi báo cáo lên Quốc hội về việc các tàu Trung Quốc ngăn cản hoạt động tiếp tế cho nhóm thủy thủ đóng quân trên con tàu mắc cạn BRP Sierra Madre.
Kể từ năm 2013, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện giám sát ở khu vực khá gần với bãi Cỏ Mây, nơi tàu hải quân BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn vào năm 1999.
Manila từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động ngăn cản và không cho các tàu tiếp viện của hải quân Philippines chuyển hàng hóa cho thủy thủ trên tàu BRP Sierra Madre.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet
Mỹ tập trận ở biển Đông, Philippines, Nhật phản đối Trung Quốc
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ngày 6/10 thông báo, tàu chiến, máy bay thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và nhóm tàu đổ bộ Boxer vừa bắt đầu tập trận ở biển Đông, trong khi Philippines phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này.
Tàu sân bay Ronald Reagan và tàu tuần dương Chancellorsville ở biển Đông. Ảnh: U.S. Navy.
"Các chiến dịch của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì an ninh và ổn định khu vực. Sự hiện diện của chúng tôi phản ánh cam kết của chúng tôi đối với các giá trị mà chúng tôi chia sẻ với nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực. Chúng tôi sẵn sàng răn đe những ai thách thức các giá trị chung này", chuẩn đô đốc George Wikoff nói.
Đợt tập trận bao gồm các hoạt động tấn công trên biển, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ trước các khí tài tấn công nhanh, phối hợp trên biển, bắn đạn thật, phòng không và chống tàu ngầm, báo Mỹ Star Tribune đưa tin ngày 7/10.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan gồm phi đội Air Wing FIVE, các tàu tuần dương lớp Ticonderoga mang tên lửa dẫn hướng, các tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn hướng. Nhóm tàu đổ bộ Boxer gồm một tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio, một tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry và đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 11.
Philippines ph ản đối sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc
Philippines mới đây ra công hàm phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt gần một bãi cạn hiện do Philippines quản lý, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. thông báo trên Twitter.
Giới chức quân sự Philippines nói rằng, các tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Philippines, tiến sát bãi Cỏ Mây ở biển Đông. Một quan chức Philippines nói với hãng tin Mỹ AP rằng, tàu Trung Quốc hay ngăn cản tàu Philippines tới tiếp tế lương thực, nước uống và thuốc chữa bệnh cho binh sĩ Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây.
Ngoài bãi Cỏ Mây, Trung Quốc cũng tăng tàu tới bãi cạn Scarborough và bãi cạn Luconia (do Malaysia kiểm soát). Trung Quốc tăng cường tuần tra 3 bãi cạn này vì họ đã hoàn thành các cảng thuộc các căn cứ không quân, hải quân ở đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Nhật Bản khẳng định, Trung Quốc tiếp tục chi nhiều tiền cho các lực lượng vũ trang mà không công khai, minh bạch, tập trung vào các lực lượng hải quân, không quân, tên lửa và hạt nhân.
Theo Sách trắng, Trung Quốc "đang tiếp tục quân sự hóa, mở rộng, tăng cường các hoạt động trên biển và trên không bằng cách triển khai máy bay". "Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng cách gây sức ép, dọa dẫm để tạo sự đã rồi", Sách trắng viết.
Theo TPO
Báo Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông Báo Sakai có bài viết khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính. Báo Sakai, một tờ báo lớn và có uy tín hàng đầu tại khu vực Kansai ở miền Trung Nhật Bản, vừa có bài viết khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính, đồng thời chỉ trích hành...