Philippines tranh cãi vì kế hoạch đưa dân quân ra Biển Đông
Nhiều quan chức Philippines tranh cãi về kế hoạch triển khai dân quân trên Biển Đông do lo ngại leo thang xung đột và nguy cơ biến tướng lực lượng.
Tư lệnh hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo hôm 13/10 thông báo kế hoạch triển khai hai đại đội dân quân với quân số 240 người ra Biển Đông nhằm “phản ứng với Trung Quốc và lực lượng dân quân biển của họ”.
Phó đô đốc Barcado cho biết dân quân biển sẽ hoạt động theo mô hình Đơn vị Địa lý Lực lượng Vũ trang Công dân (CAFGU) của lục quân, được trang bị xuồng cao tốc và súng trường, chịu sự quản lý của Bộ tư lệnh miền Tây và Bộ tư lệnh miền Bắc quân đội Philippines. Ngoài bảo vệ ngư dân, họ cũng có nhiệm vụ trinh sát, do thám và thu thập tin tức tình báo để phục vụ hoạt động của quân đội.
Tuy nhiên, ý tưởng này đang vấp phải nhiều phản đối từ giới lập pháp và ngư dân Philippines.
Ngư dân Philippines hoạt động tại bãi cạn Scaborough năm 2017. Ảnh: Reuters.
Nghị sĩ Antonio Trillanes, cựu sĩ quan hải quân, cảnh báo kế hoạch này có thể làm tăng nguy cơ bùng phát xung đột quân sự, trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng. “Dân quân biển sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng”, ông nói, cho hay mối lo ngại hàng đầu là khả năng mất kiểm soát lực lượng này, dẫn tới tăng “nguy cơ tính toán sai lầm, có thể châm ngòi cho chiến tranh nóng”.
Trillanes cũng cho rằng khi không được kiểm soát tốt, dân quân biển có thể dễ dàng biến tướng thành hải tặc.
Video đang HOT
Các quan chức quốc phòng Philippines hồi đầu tuần cho biết đang nghiên cứu kế hoạch tuyển chọn ngư dân và tổ chức họ thành những đơn vị dân quân biển tương tự mô hình của Trung Quốc.
Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng bán quân sự trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển, ban đầu được thành lập với mục đích cứu hộ cứu nạn. Những năm gần đây, lực lượng này đã phát triển khá tinh vi và được nâng cao vai trò, chuyên thực hiện các nhiệm vụ từ vận tải đến thu thập thông tin tình báo và thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Bình thường họ là ngư dân, nhưng khi mặc đồng phục màu xanh, các thuyền viên Trung Quốc sẽ trở thành dân quân biển. Họ núp dưới danh nghĩa tàu cá để tiến hành hoạt động do thám, hoặc tấn công tàu cá nước khác rồi phủ nhận khiến hải quân nước ngoài không thể cản trở hay đe dọa”, Andrew Erickson, phó giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, đánh giá.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 12/10 cho biết nước này đang theo đuổi ý tưởng “biến ngư dân thành dân quân thuộc hải quân Philippines”. “Chúng ta cần mua sắm nhiều trang bị lớn như tàu biển để có thể hoạt động trong vùng biển của mình”, ông nói.
Nghị sĩ Ruffy Biazon, phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Philippines, cho biết vấn đề quan trọng nhất khi thành lập lực lượng dân quân biển là xây dựng chính sách quy định nhiệm vụ của họ.
“Một trong những khái niệm chiến lược hải quân là triển khai lực lượng tác chiến ven bờ, với những chiến hạm cỡ nhỏ để tuần tra đường bờ biển, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Dân quân biển được xây dựng theo chiến lược này, đó được coi là hạm đội ven bờ của nước nghèo, sử dụng các lực lượng dự bị thay vì tiêu tốn nguồn lực của hải quân chính quy”, ông nói.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (xa) tuần tra gần tàu cá Philippines tại bãi cạn Scaborough. Ảnh: Reuters.
Dù vậy, nhiều nhóm ngư dân đã đặt dấu hỏi về việc họ phải nhận trách nhiệm bảo vệ vùng biển Philippines, cho rằng chính phủ cần đảm bảo hoạt động tuần tra và ưu tiên bảo vệ ngư dân.
“Hải quân Philippines chưa bao giờ chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc và giờ họ muốn ngư dân trở thành bia đỡ đạn với vai trò dân quân biển? Đáng lẽ họ nên thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trước khi đề xuất ý tưởng mạo hiểm mạng sống của ngư dân”, Pamalakaya sa Pilipinas, liên đoàn đại diện cho nhiều tổ chức ngư dân nhỏ ở Philippines, ra thông cáo cho hay.
“Chúng tôi hy vọng các ngư dân sẽ không phải trang bị vũ khí, thay vào đó hải quân và cảnh sát biển sẽ được tăng cường lực lượng để hộ tống ngư dân ở những khu vực tranh chấp”, nghị sĩ Risa Hontiveros nói trong cuộc điều trần của Bộ trưởng Lorenzana.
Philippines sắp đưa hơn 200 dân quân ra Biển Đông
Hải quân Philippines thông báo chuẩn bị triển khai 200 dân quân làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ ngư dân bị tàu Trung Quốc quấy rối trên Biển Đông.
"Đây là biện pháp phản ứng với Trung Quốc và lực lượng dân quân biển của họ trên Biển Đông", Tư lệnh hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo nói hôm 13/10, sau khi thông báo kế hoạch triển khai hai đại đội thuộc Đơn vị Địa lý Lực lượng Vũ trang Công dân (CAFGU) ra Biển Đông.
CAFGU là lực lượng dân quân được Philippines thành lập từ năm 1987, với mục đích ban đầu là hỗ trợ quân đội chính quy chống lại các phong trào nổi dậy trong nước. Các đơn vị CAFGU là một bộ phận của Lực lượng Dự bị Thường trực thuộc Các lực lượng Vũ trang Philippines (AFP).
Theo kế hoạch được Tư lệnh Bacordo công bố, mỗi đại đội CAFGU được triển khai ra Biển Đông dự kiến gồm 120 người, được huy động từ lực lượng dân quân thuộc biên chế lục quân Philippines. Thời điểm lực lượng này bắt đầu hoạt động chưa được công bố, do các đơn vị dân quân phải hoàn tất khóa huấn luyện của hải quân Philippines.
Dân quân thuộc lực lượng CAFGU. Ảnh: Bộ Quốc phòng Philippines.
Phó đô đốc Barcado cho biết dân quân biển sẽ được trang bị xuồng cao tốc và súng trường, chịu sự quản lý của Bộ tư lệnh miền Tây và Bộ tư lệnh miền Bắc quân đội Philippines. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, họ cũng có trách nhiệm thực hiện hoạt động trinh sát, do thám và tình báo để phục vụ hoạt động của quân đội.
Tư lệnh hải quân Philippines cho rằng việc triển khai dân quân để bảo vệ ngư dân hoạt động ở Biển Đông sẽ giúp hải quân tập trung nguồn lực bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trước các hành vi xâm phạm. Barcado thừa nhận con số 240 dân quân được triển khai vẫn rất ít, nhưng kế hoạch này có thể được mở rộng nếu AFP cho rằng nó phát huy hiệu quả.
Bắc Kinh gần đây triển khai nhiều hoạt động quyết liệt nhằm gây áp lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh trong bối cảnh các nước đang tập trung chống Covid-19.
Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai loạt hoạt động gây hấn như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bám theo tàu khoan của Malaysia, cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam, tập trận và triển khai tiêm kích trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Một tàu cá Trung Quốc hồi tháng 6/2019 đâm chìm tàu cá Philippines gần bãi Cỏ Rong. 22 ngư dân trên tàu Philippines sau đó được tàu cá Việt Nam cứu.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 22/9 cam kết trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Manila sẽ duy trì phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016. Trong khi đó, Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố họ "không chấp nhận và không công nhận" phán quyết của PCA.
Phát biểu tại một hội thảo quan hệ song phương sau đó 3 ngày, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte đã đạt được "đồng thuận quan trọng" về "gạt tranh chấp trên biển sang một bên, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại, hợp tác".
Tuy nhiên, tướng Gilbert Gapay, tư lệnh AFP, ngày 13/10 tuyên bố tình hình trên Biển Đông "vẫn bất định và dễ thay đổi" do các "hành động quyết liệt của phía Trung Quốc" khi triển khai các tàu chiến, tàu hải cảnh cùng dân quân biển trong khu vực.
Indonesia lại vượt qua Philippines đứng đầu ASEAN về số ca mắc Covid-19 Ngày 15/10, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia tiếp tục vượt qua Philippines, khiến quốc gia này trở thành nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dữ liệu của Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của chính phủ Indonesia, hôm nay, nước này ghi nhận thêm 4.411 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại...