Philippines tiêu diệt thủ lĩnh nhóm khủng bố ASG
Cảnh sát Philippines ngày 12/9 cho biết đã tiêu diệt một kẻ tình nghi là thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Sayyaf (ASG) ở khu vực miền Nam đầy bất ổn của nước này.
Các tay súng Abu Sayyaf. (Nguồn: Internet)
Theo người phát ngôn cơ quan Cảnh sát Quốc gia Philippines, trưa 11/9, lực lượng an ninh của chính phủ đã đụng độ với một nhóm gồm 8 tên được cho là thuộc nhóm Abu Sayyaf, do tên Jurri Hamsiraji cầm đầu ở thị trấn Maimbung, tỉnh Sulu.
Giao tranh giữa hai bên kéo dài khoảng 30 phút và lực lượng an ninh đã tiêu diệt được tên Hamsiraji. Hamsiraji là người kế nhiệm thủ lĩnh Abu Sayyaf Galib Andang đã bị giết chết trước đó và có biệt danh là “Robot Chỉ huy.” Thi thể của Hamsiraji đã được gia đình y xác nhận.
Nhóm phiến quân Abu Sayyaf, được thành lập từ những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu hoạt động tại miền Nam Philippines. Nhóm này đã thực hiện nhiều vụ đánh bom và tấn công đẫm máu quy mô lớn.
Theo nguồn tin quân đội Philippines, nhóm Abu Sayyaf hiện có khoảng 400 tay súng và bị tình nghi có liên quan tới nhiều tổ chức khủng bố ngoài Philippines như al-Qaeda./.
Theo TTXVN
Cuộc chiến bí mật ở 120 nước
Ở nơi nào đó trên hành tinh này đang có một biệt kích Mỹ thực hiện nhiệm vụ của mình. Không được công chúng Mỹ biết đến, một lực lượng bí mật thuộc quân đội nước này đang tiến hành các hoạt động ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nhóm quyền lực cấp cao ở Lầu Năm Góc mới đang phát động một cuộc chiến toàn cầu mà kích cỡ và quy mô của nó chưa bao giờ được tiết lộ.
Lính đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ.
Sau khi đội đặc nhiệm SEAL găm một viên đạn vào ngực Osama bin Laden và một viên khác vào đầu ông ta trong cuộc tập kích nhằm vào dinh thự của trùm khủng bố khét tiếng ở Pakistan, một trong những đơn vị bí mật nhất của quân đội Mỹ bỗng nhiên nổi tiếng. Thật là không đúng kiểu. Trong khi nhiều người biết rằng các lực lượng Đặc nhiệm Mỹ được triển khai ở các vùng chiến sự như Afghanistan và Iraq, và ở những điểm xung đột gay gắt như Yemen và Somalia thì quy mô đầy đủ của cuộc chiến trên toàn cầu vẫn còn nằm sâu trong bí mật.
Năm ngoái, Karen DeYoung và Greg Jaffe của báo Washington Post đưa tin rằng các lực lượng đặc nhiệm Mỹ được triển khai ở 75 nước, tăng từ 60 nước hồi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của George W. Bush. Nhưng tính đến cuối năm nay, theo phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Mỹ, đại tá Tim Nye, con số đó nhiều khả năng đã lên tới 120.
"Chúng tôi có rất nhiều sự di chuyển - nhiều hơn là Afghanistan hay Iraq", ông nói.
Sự hiện diện trên toàn cầu này - trong khoảng 60% số nước trên thế giới và nhiều hơn so với thừa nhận trước đó - cho thấy bằng chứng mới về việc nhóm quyền lực cấp cao của Lầu Năm Góc đang phát động một cuộc chiến bí mật ở mọi ngõ ngách của hành tinh này.
Các sứ mệnh đặc biệt
Bắt nguồn từ một cuộc tập kích thất bại năm 1980 nhằm giải cứu các con tin Mỹ ở Iran, trong đó 8 lính Mỹ thiệt mạng, Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) được thành lập năm 1987. Sau nhiều năm, họ bắt đầu có trụ sở riêng, có một ngân sách ổn định.
Kể từ đó, SOCOM lớn mạnh thành một lực lượng phối hợp có tầm vóc lớn. Được tạo thành bởi các đơn vị thuộc mọi quân chủng, trong đó có "Mũ nồi Xanh" và Ranger của quân đội, SEAL của hải quân, đặc công của Không lực và các nhóm hoạt động đặc biệt của binh chủng lính thủy đánh bộ, chưa kể các tổ lái đặc biệt, các nhóm tàu, nhảy dù - cứu hộ, và thậm chí cả các nhân viên kiểm soát không lưu chiến trường và chuyên gia khí tượng, SOCOM chuyên thực hiện các sứ mệnh bí mật và đặc biệt nhất của Mỹ.
Những sứ mệnh đó gồm các vụ ám sát, tập kích chống khủng bố, do thám tầm xa, phân tích tình báo, huấn luyện quân đội nước ngoài và các chiến dịch chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Một trong những thành phần chính của SOCOM là Sở chỉ huy các chiến dịch đặc biệt phối hợp (JSOC) với nhiệm vụ cơ bản là truy nã và tiêu diệt khủng bố. Báo cáo cho Tổng thống và hành động dưới quyền Tổng thóng, JSOC duy trì một danh sách tấn công toàn cầu, bao gồm cả các công dân Mỹ. Lực lượng này đang thực hiện một chiến dịch "giết/bắt sống" ngoài luật pháp mà John Nagl, một cố vấn về chống nổi loạn cho tướng 4 sao và người sắp trở thành giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus, gọi là "một cỗ máy diệt khủng bố quy mô công nghiệp nhất".
Chương trình ám sát này được thực hiện bởi các đơn vị biệt kích như SEAL của Hải quân và Lực lượng Delta của quân đội, cũng như thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái như một phần của các cuộc chiến bí mật mà trong đó CIA cũng tham gia ở các nước như Somalia, Pakistan và Yemen. Bên cạnh đó, họ còn điều hành một mạng lưới các nhà tù bí mật để thẩm vấn các đối tượng có giá trị cao.
Từ một lực lượng khoảng 37.000 người hồi đầu những năm 1990, quân số của Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt đã lên tới khoảng 60.000 người, khoảng một phần ba trong số họ là các thành viên chuyên nghiệp của SOCOM.
Sự tăng trưởng càng mạnh kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, khi ngân sách dành cho SOCOM tăng gần gấp 3 từ 2,3 tỷ USD tới 6,3 tỷ USD. Nếu tính thêm chi phí cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan thì con số này thực tế tăng gấp 4 lên 9,8 tỷ USD trong những năm này. Không có gì đáng ngạc nhiên, số nhân sự được triển khai ở nước ngoài cũng tăng 4 lần. Sắp tới sẽ còn nhiều sự gia tăng và mở rộng hoạt động hơn nữa.
Trung tướng Dennis Hejlik, cựu lãnh đạo Sở chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của lực lượng lính thủy đánh bộ - đơn vị cuối cùng trong các chi nhánh được đưa vào SOCOM năm 2006 - nói rằng ông đã thấy trước một sự tăng gấp đôi đơn vị cũ của ông gồm 2.600 người. "Tôi thấy họ rồi đây sẽ tăng lên 5.000 người, tương đương với quân số của SEAL mà chúng tôi có trên chiến trường. Khoảng 5.000 đến 6.000 người", ông nói tại một bữa sáng hồi tháng 6 với các phóng viên quốc phòng ở Washington.
Trong buổi chứng thực tại Thượng viện gần đây, Phó đô đốc hải quân Mỹ William McRaven, người sắp lên lãnh đạo SOCOM và sắp rời khỏi vị trí chỉ huy JSOC, xác nhận một sự tăng mạnh về nhân sự ở mức 3-5% một năm, có nghĩa là cần thêm các nguồn lực, trong đó có thêm các máy bay không người lái và xây dựng thêm các cơ sở mới.
Một cựu thành viên SEAL, người thỉnh thoảng vẫn đi cùng binh lính ra chiến trường, McRavan nhấn mạnh sự tin tưởng rằng khi lực lượng thông thường được rút khỏi Afghanistan thì các binh sĩ hoạt động đặc biệt sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn. Ông cho biết thêm, Iraq sẽ hưởng lợi nếu lực lượng tinh nhuệ của Mỹ tiếp tục thực hiện các sứ mệnh ở đó sau thời hạn chót rút hết quân Mỹ vào tháng 12/2011. Ông cũng cam đoan với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng "là một cựu chỉ huy JSOC, tôi có thể nói với các ngài rằng chúng ta đang rất nỗ lực ở Yemen và Somalia".
Dự án Lawrence
Trong một bài phát biểu hồi đầu năm nay, Đô đốc Eric Olson của hải quân Mỹ - chỉ huy sắp mãn nhiệm của Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt, chỉ tới một hình ảnh vệ tinh tổng hợp của thế giới vào ban đêm. Trước ngày 9/11, các phần sáng của hành tinh - chủ yếu là các nước công nghiệp hóa ở phía bắc - được xem là các khu vực chủ chốt. "Nhưng thế giới đã thay đổi trong thập niên qua", ông nói. "Trọng tâm chiến lược của chúng ta đã dịch chuyển mạnh xuống phía nam... chắc chắn bên trong lực lượng các chiến dịch đặc biệt, khi chúng ta phải giải quyết các mối đe dọa đang nổi lên từ những nơi không sáng".
Với quyết tâm đó, Olson thực hiện "dự án Lawrence", một nỗ lực nhằm tăng cường kiến thức về văn hóa - chẳng hạn như dạy ngôn ngữ và kiến thức tốt hơn về lịch sử, tập quán ở địa phương - cho các chiến dịch ở nước ngoài. Chương trình này được đặt theo tên một sĩ quan Anh, Thomas Edward Lawrence (còn được biết đến là "Lawrence của Ảrập"), người hợp tác với các chiến binh Ảrập để phát động một cuộc chiến du kích ở Trung Đông trong Thế chiến II. Đề cập đến Afghanistan, Pakistan, Mali và Indonesia, Olson nói thêm rằng SOCOM giờ đây cần "các Lawrence của khắp mọi nơi".
Mặc dù Olson ngụ ý chỉ 51 nước là mối quan tâm hàng đầu của SOCOM thì đại tá Tim Nye nói rằng các lực lượng Chiến dịch đặc biệt được triển khai ở khoảng 70 nước trên toàn thế giới. Tất cả họ đều theo yêu cầu của chính phủ nước sở tại.
Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt không tiết lộ chính xác bao nhiêu nước có quân của họ hoạt động. Nhưng sẽ không còn là bí mật khi các lính đặc nhiệm như SEAL hay Delta Force thực hiện các sứ mệnh tiêu diệt/bắt sống ở Afghanistan, Pakistan, Iraq và Yemen trong khi các lực lượng "da trắng" như Mũ nồi Xanh và Ranger đang huấn luyện cho lính tráng bản địa như một phần của một cuộc chiến bí mật trên toàn cầu chống al-Qaeda và các nhóm phiến quân khác.
Chẳng hạn ở Philippines, Mỹ đã chi 50 triệu USD mỗi năm vào đội quân 600 người thuộc lực lượng Các chiến dịch đặc biệt Mỹ, SEAL hải quân, các đặc vụ của Không lực cùng những người khác đang thực hiện các chiến dịch chống khủng bố với các đồng minh Philippines chống lại các nhóm phiến quân như Jemaah Islamiyah và Abu Sayyaf.
Năm ngoái, một bản phân tích các tài liệu của SOCOM, và một cơ sở dữ liệu các nhiệm vụ của Các chiến dịch đặc biệt được phóng viên điều tra Tara McKelvey biên soạn cho thấy, quân tinh nhuệ Mỹ đang tiến hành các bài tập huấn luyện chung ở Belize, Brazil, Bulgaria, Burkina Faso, Đức, Indonesia, Mali, Na Uy, Panama, và Ba Lan.
Đến năm 2011, các sứ mệnh huấn luyện tương tự được thực hiện ở Cộng hòa Dominican, Jordan, Romania, Senegal, Hàn Quốc và Thái Lan... Thực tế, việc huấn luyện diễn ra ở hầu hết các nước mà lực lượng Các chiến dịch đặc biệt được triển khai.
Trong 120 nước trên toàn cầu, các binh sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt đang tiến hành cuộc chiến bí mật gồm ám sát các nhân vật cấp cao, tiêu diệt các mục tiêu cấp thấp, thực hiện các chiến dịch bắt sống hoặc bắt cóc, hoạt động phối hợp với các lực lượng nước ngoài, làm nhiệm vụ huấn luyện với đối tác bản địa như một phần của cuộc chiến bí mật mà hầu hết người Mỹ không biết đến. Từng "đặc biệt" vì nhỏ gọn với đồ trang bị chuyên biệt, ngày nay, họ đặc biệt vì sức mạnh, quyền tiếp cận, ảnh hưởng và sự tinh nhuệ của mình.
Theo VietNamNEt
Philippines: Giao tranh đẫm máu, 7 binh sỹ tử vong Theo AFP và Reuters, phát ngôn viên Quân đội Philippines, trung tá Randolph Cabangbang, cho biết rạng sáng 28/7 đã xảy ra các vụ giao tranh ác liệt giữa phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf có quan hệ tới Al-Qaeda và quân chính phủ trong các khu rừng trên đảo Sulu ở miền Nam nước này. Phiến quân Abu Sayyaf. Ảnh minh họa....