Philippines thách thức Trung Quốc tại Biển Đông
Quyết định mời nhiều tập đoàn quốc tế tham gia thăm dò dầu khí ngoài khơi Philippines có thể được xem là phản ứng cứng rắn của Manila sau một loạt hành động hù dọa của Bắc Kinh.
Trong thông cáo công bố ngày 29/6, Bộ Năng lượng Philippines cho biết sẽ cấp thêm nhiều giấy phép cho các công ty tư nhân để tìm kiếm dầu khí tại Biển Đông. Bộ này không cho biết chi tiết về vị trí các lô thăm dò mà chỉ nói rằng vùng được phân lô này bao gồm khu vực Đông Palawan, thuộc Biển Đông, cũng như khu vực Tây Bắc Palawan và vùng biển Sulu.
Bản thông cáo xác định kế hoạch này nhằm thu hút đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu khí, góp phần thực hiện mục tiêu nâng mức tự chủ năng năng lượng của Philippine lên ngưỡng 60%. Thông cáo viết: “Các công ty dầu khí lớn của quốc tế… đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đấu thầu khai thác các lô khác nhau”.
Theo giới quan sát, quyết định mời nhiều tập đoàn quốc tế tham gia thăm dò dầu khí ngoài khơi Philippine có thể được xem là phản ứng cứng rắn của Manila sau một loạt hành động hù dọa của Bắc Kinh. Trong số các hành vi này, có cả việc Trung Quốc cho tàu đột nhập vào vùng Reed Bank, xua đuổi một tàu thăm dò dầu khí của Philippine. Đối với Manila, vùng này thuộc chủ quyền của Philippine, nhưng lại bị Trung Quốc tranh chấp. Hành động hung hăng của Trung Quốc đã buộc Tổng thống Philippine Benigno Aquino phải lên tiếng kêu gọi Mỹ giúp đỡ để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Aquino đã công khai thừa nhận rằng nước ông quá yếu để một mình chống chọi với Bắc Kinh.
Hải quân Philippines tập trận trên Biển Đông
Video đang HOT
Tuyên bố của Tổng thống Philippines được đưa ra sau khi nước này tố cáo Trung Quốc 7 lần gây ra các sự cố tại Biển Đông trong đó có sự cố tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Philippines. Ngày 27/6, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua một nghị quyết bày tỏ sự bất bình trước việc các tàu Trung Quốc sử dụng vũ lực tại Biển Đông với các tàu nước ngoài, trong đó có tàu của Philippines và Việt Nam.
Ngày 28/6, Hải quân Philippines và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung tại vùng biển Sulu giữa lúc căng thẳng trong khu vực gia tăng vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Tin của RTT News cho biết cuộc tập trận được gọi tắt là CARAT và sẽ kéo dài 11 ngày.
Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Scott Van Buskirk, đã nhấn mạnh Mỹ và Philippines là “đồng minh” với nhau từ lâu. Scott Van Buskirk phát biểu: “Liên minh của chúng tôi dựa trên nền tảng sự quan tâm sâu sắc và mang tính ràng buộc của Mỹ đến tự do và an ninh của Philippines”.
Cả Washington lẫn Manila đều phủ nhận lập luận cho rằng cuộc tập trận Mỹ-Philippines có liên quan đến tình hình căng thẳng gần đây trong vùng Biển Đông, sau một loạt hành động đòi hỏi chủ quyền thô bạo của Bắc Kinh nhằm vào Philippines và Việt Nam. Một bản tin của ABS-CBN News trích lời Nghị sĩ Tony Alvarez, đại diện tỉnh Palawan, nói rằng cuộc diễn tập chung này đủ để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.
Theo Pháp Luật XH
Tọa đàm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông tại Pháp
Buổi tọa đàm "Thách thức địa chiến lược ở Đông Nam Á và những tranh chấp ở Biển Đông" vừa diễn ra ngày 28.6 tại thủ đô Paris (Pháp), với sự tham dự của đông đảo bạn bè Pháp, cộng đồng người Việt tại Paris và vùng phụ cận.
VN có chủ quyền không thể tranh cãi
TTXVN cho biết, Tọa đàm do Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Hội Người VN tại Pháp (UGVF) và một số hội đoàn phối hợp tổ chức. Trước những diễn biến căng thẳng gần đây ở khu vực Biển Đông, nhiều bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình, trong đó có phó giáo sư, tiến sĩ luật quốc tế, bà Jole Nguyễn Duy Tân, mong muốn góp thêm tiếng nói, nêu ra những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc, nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khu trục hạm USS Chung-Hoon tham gia tập trận cùng Philippines.
Mở đầu buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự được xem bộ phim tài liệu do ông André Menras, mang quốc tịch VN dưới tên gọi Hồ Cương Quyết, thực hiện, phản ánh cuộc sống của ngư dân vùng biển huyện Bình Sơn, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nội dung bộ phim cho thấy dù còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức ngoài biển khơi, song người ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm bám biển sản xuất, quyết giữ chủ quyền biển đảo.
Trong phần trình bày về những thách thức ở Biển Đông, bà Jole Nguyễn Duy Tân nhấn mạnh tới các thách thức về kinh tế, chính trị dẫn tới các tranh chấp biên giới trên biển. Bà Jole cho rằng Biển Đông là khu vực có ý nghĩa sống còn về địa chiến lược, kinh tế, giao thông và an ninh hàng hải đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt với VN. Bà cũng viện dẫn các quy định của pháp luật quốc tế, cơ sở pháp lý và lịch sử để chứng minh tính đúng đắn trong đòi hỏi chủ quyền của VN.
Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm, AAFV đã ra tuyên bố, bày tỏ sự quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây ở khu vực Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực, thông qua con đường thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm giảm căng thẳng, duy trì sự ổn định trong khu vực.
Trung Quốc phản đối cuộc tập trận Mỹ-Philippines
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Trung Quốc dự kiến triển khai dàn khoan khổng lồ ở Biển Đông vào tháng 7 tới và sẽ bắt đầu tiến hành khoan thăm dò dầu khí ở khu vực này, ông Saban, Tư lệnh quân đội Philippines cho biết, sẽ triển khai quân đội để Trung Quốc không xâm phạm vào lãnh hải Philippines.
Nhật báo Trung Quốc (China Daily) ngày 29.6 đã đăng bài viết phản đối cuộc tập trận hải quân chung giữa Philippines và Mỹ gần Biển Đông. Báo trên dẫn nhận định của chuyên gia Trung Quốc cho rằng, động thái này thể hiện sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ trong khu vực ở thời điểm nhạy cảm.
Cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày gọi tắt là CARAT 2011, bắt đầu diễn ra trên biển Sulu, chia cách với Biển Đông bởi đảo Palawan của Philippines. Các tàu khu trục trang bị tên lửa của Mỹ sẽ cùng với các tàu chiến của nước chủ nhà tuần tra vùng biển Philippines tại biển Sulu.
Trả lời phỏng vấn tờ Mainichi (Nhật Bản) trước cuộc tập trận với Mỹ, Tư lệnh quân đội Philippines, Tướng Juancho Saban, đã nhấn mạnh cuộc tập trận này nhằm "ngăn chặn các hành động giống như hành động xâm phạm chủ quyền Philippines của Trung Quốc", điều này thể hiện ý định kiềm chế Trung Quốc, nước đang tăng cường sức mạnh hải quân và hoạt động tại Biển Đông.
Theo Dân Việt
Phô sức mạnh trên biển, TQ muốn không đánh cũng thắng Khi Trung Quốc chuẩn bị thử nghiệm trên biển tàu sân bay đầu tiên, có thể sớm nhất là ngày 1/7 - trùng với dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhà phân tích nước ngoài sẽ quan sát xem Hải quân nước này đưa dự án phô diễn sức mạnh nhanh chóng đi vào hoạt...