Philippines nói vẫn làm ăn với công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt
Phát ngôn viên Tổng thống Philippines nói vẫn tiếp tục các dự án có sự tham gia của những công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì Biển Đông.
“Tổng thống đã nói rất rõ ràng, ông ấy sẽ không tuân theo chỉ thị của người Mỹ bởi vì chúng ta là một quốc gia tự do, độc lập và chúng ta cần những khoản đầu tư đó từ Trung Quốc”, Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nói trong cuộc họp báo ở Manila hôm 1/9.
Roque cho biết thêm Duterte đã nói rằng người Mỹ có thể đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen trên phạm vi lãnh thổ của họ tại Mỹ và có thể trong cả các căn cứ quân sự thuộc quyền của họ.
“Chúng tôi không phải là một nước chư hầu của bất cứ thế lực nước ngoài nào”, phát ngôn viên nhấn mạnh.
Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nói trong cuộc họp báo ở Manili hôm 28/5. Ảnh: YouTube/ RTVM.
Video đang HOT
Roque khẳng định dự án sân bay quốc tế Sangley và tất cả các dự án khác, bất kể nhà thầu Trung Quốc nào tham gia, vẫn sẽ tiếp tục vì lợi ích quốc gia. Dự án sân bay Sangley, trị giá 500 tỷ peso (khoảng 10,3 tỷ USD), là dự án có sự tham gia của Tổng công ty Xây dựng Sân bay Trung Quốc (CACC).
CACC là công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC), một trong những công ty cơ sở hạ tầng nhà nước lớn nhất nước này bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt vì cáo buộc liên quan đến xây dựng và quân sự hóa trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông. CCCC hôm 30/8 ra tuyên bố cho biết lệnh trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8 tuyên bố trừng phạt 24 công ty Trung Quốc, bao gồm các công ty con của CCCC, các công ty viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc. Các công ty nằm trong danh sách đen sẽ không được tiếp cận công nghệ có xuất xứ từ Mỹ của các công ty Mỹ nếu không có giấy phép.
Trung Quốc đơn phương vạch ra “đường lưỡi bò”, yêu sách phi lý đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phản đối quốc tế. Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh.
Mỹ hồi đầu tháng 7 công bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Washington cáo buộc “Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’”.
Mỹ trừng phạt 11 công ty Trung Quốc vì người Duy Ngô Nhĩ
Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa 11 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trong thông cáo ngày 20/7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết 11 công ty Trung Quốc trên đã tham gia sử dụng các lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác. Trong số này có nhiều công ty dệt may và hai công ty mà Washington cho là "đang phân tích gen được sử dụng để tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác".
Các công ty bị trừng phạt sẽ không được phép mua hàng từ các công ty Mỹ mà không được chính phủ chấp thuận. Đây là nhóm công ty thứ ba tại Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen sau hai đợt trước với 37 thực thể bị Washington công bố trừng phạt vì liên quan cáo buộc tham gia đàn áp tại Tân Cương.
Trong số 11 công ty bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" có công ty Nanchang O-Film Tech, nhà cung cấp cho Apple, Amazon và Microsoft, 8 công ty khác chủ yếu là công ty dệt. Hai công ty còn lại bị trừng phạt vì "tiến hành phân tích gen" được sử dụng để tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, gồm Xinjiang Silk Road và Beijing Liuhe.
John Chen, giám đốc điều hành Changji Esquel Textile, công ty dệt được thành lập năm 2009 và bị Mỹ đưa vào "danh sách đen", hôm 20/7 gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Ross, đề nghị xóa công ty này khỏi danh sách, với lý do công ty này "không sử dụng lao động cưỡng bức và phản đối lao động cưỡng bức".
Changji Esquel Textile là đơn vị sản xuất quần áo cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Ralph Lauren, Tommy Hilfiger và Hugo Boss. Phía các công ty Mỹ chưa bình luận về thông tin.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tại một phiên điều trần của bộ này ở thủ đô Washington, tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo song tuyên bố trên không thuyết phục các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Tổng thống Mỹ Trump tháng trước ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, cho phép trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Trung Quốc từng cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ trừng phạt các công ty của nước này, cho rằng Mỹ đã vượt qua khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp về kiểm soát xuất khẩu, vi phạm các quy tắc cơ bản về điều chỉnh quan hệ quốc tế và can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Học giả Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA về Biển Đông Học giả Ấn Độ khẳng định quốc tế cần đấu tranh để buộc Trung Quốc tôn trọng UNCLOS và phán quyết của tòa quốc tế PCA về Biển Đông. Chuyên gia an ninh hàng đầu của Ấn Độ, Pradhan, mới đây có bài viết khẳng định ý nghĩa của phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc...