Philippines nói tàu Trung Quốc rút khỏi bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông
Philippines tuyên bố các tàu Trung Quốc không còn ở bãi cạn Scarborough và ngư dân nước này lần đầu tiên có thể tiếp cận mà không bị ngăn cản trong 4 năm.
Bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Phillippines. Ảnh: Wikipedia
“Kể từ cách đây ba ngày, không còn tàu, tuần duyên hay hải quân Trung Quốc, trong khu vực Scarborough”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm nay nói, cho rằng đây là “diễn biến đáng hoan nghênh”.
Các ngư dân Philipines có thể tiếp cận bãi cạn mà không bị cản trở, lần đầu tiên trong 4 năm, ông Lorenzana cho hay, đánh dấu bước ngoặt lớn kể từ khi nước này thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông tại một toà trọng tài quốc tế năm 2013. “Nếu tàu Trung Quốc rời đi, nghĩa là ngư dân của chúng tôi có thể nối lại việc đánh cá trong khu vực”.
Khi được hỏi về việc các ngư dân Philippines quay lại bãi cạn, Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay không đề cập đến sự rút lui của tuần duyên. Ông Lục cho rằng hai nước có thể làm việc cùng nhau trên các lĩnh vực liên quan đến Biển Đông và “xử lý tranh chấp một cách thích hợp”.
Toà án tại The Hague, Hà Lan hồi tháng 7 tuyên bố dù bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, không nước nào có quyền chủ quyền với nó, vì vậy tất cả các bên tuyên bố chủ quyền đều có thể đánh cá ở đó.
Trọng Giáp
Video đang HOT
Theo VNE
Thăm Trung Quốc, ông Duterte có thể thay đổi cục diện Biển Đông
Sự thay đổi chính sách đối ngoại của ông Duterte có thể là cơ hội vàng để Trung Quốc thay đổi tình thế ở Biển Đông khi Mỹ ngày càng bị đẩy xa khỏi Philippines.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và ông Duterte trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào hồi tháng trước. Ảnh: AP
Chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc tuần này được giới phân tích đánh giá là một động thái nhằm đảo ngược tình thế địa chính trị nhạy cảm hiện nay trên Biển Đông, có thể làm thay đổi những tính toán chiến lược ở Đông Nam Á, theo WSJ.
Vị thế của Philippines ngày càng trở nên quan trọng đối với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là chiến lược kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông. Năm 2014, Manila đã ký một thỏa thuận mới với Washington, cho phép các lực lượng quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn ở các căn cứ chiến lược ngay sát Biển Đông.
Nhưng chỉ sau 100 ngày lên nắm quyền, tân Tổng thống Duterte đã liên tiếp dội những gáo nước lạnh vào mối quan hệ đang ấm nồng đó, giáng những đòn cực mạnh vào uy tín của Mỹ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của Washington nhằm kiềm tỏa sự thống trị của Bắc Kinh đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước thềm chuyến thăm tới Bắc Kinh, ông Duterte tuyên bố sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền của Philippines trên Biển Đông đối với Trung Quốc. Ông cũng nói với các phóng viên rằng sẽ nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phán quyết của Tòa Trọng tài với các quan chức Trung Quốc, nhưng không nói rõ có làm vậy trong chuyến thăm sắp tới hay không.
Trước đó, Tổng thống Philippines nhấn mạnh sẽ tránh đề cập đến "các vấn đề nhạy cảm" trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này để tránh "tạo khoảng cách" với các lãnh đạo Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông tiết lộ rằng sẽ đề nghị Trung Quốc cho phép ngư dân Philippines quay trở lại các ngư trường truyền thống quanh bãi cạn Scarborough, thực thể bị Trung Quốc kiểm soát từ tay Philippines vài năm trước.
Trefor Moss, bình luận viên chuyên theo dõi vấn đề Biển Đông ở Manila, cho rằng những tính toán của ông Duterte đã biến một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực trở thành một quốc gia ngày càng xa rời Washington, ngả dần về phía Bắc Kinh, nhằm thu lại những lợi ích kinh tế cho nước này.
Đại sứ Trung Quốc tại Manila Zhao Jianhua hồi đầu tháng đã mô tả đầy chất thơ về mối quan hệ mới giữa Bắc Kinh và Manila: "Mây mù đang dần tan. Mặt trời đang ló lên ở chân trời, và sẽ chiếu sáng đẹp đẽ lên chương mới trong quan hệ song phương".
Theo ông Moss, động cơ kinh tế đằng sau chiến lược Trung Quốc của ông Duterte là rất dễ hiểu. Ông muốn tiền bạc và công nghệ, kỹ thuật của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng vốn là vấn đề rất cấp bách đối với Philippines.
Ông Duterte từng nói ông muốn Trung Quốc xây dựng các tuyến đường sắt mới trên đảo Luzon và Mindanao, và rằng Bắc Kinh đã đề xuất khoản vay 25 năm với các điều khoản rất dễ chịu để tạo điều kiện cho Manila mua vũ khí của nước này, dù ông không nêu các chi tiết và Trung Quốc cũng chưa đưa ra bình luận gì.
Tính toán mạo hiểm
Ông Duterte (áo xanh) bắt tay người ủng hộ ở Brunei trước khi lên đường sang Trung Quốc. Ảnh: AFP
Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích phương Tây ở Manila cho rằng các tính toán của ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc là "rất mạo hiểm về chiến lược". Dù ông nói rằng sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, những thỏa thuận mà ông có thể ký kết với Trung Quốc có thể sẽ đánh đổi quan hệ đồng minh với Mỹ để lấy một "mối tình" chưa từng có với quốc gia mà Manila gần đây vẫn coi là mối đe dọa an ninh chính với mình.
"Đó là chiến thuật đàm phán rất lạ lùng", Gregory Poling, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định. Theo Poling, với cách hành xử của mình, ông Duterte đang "đơn phương từ bỏ lá bài đặt cược duy nhất mà ông có với Bắc Kinh, đó là chiếc ô bảo trợ an ninh của Mỹ".
Một quan chức giấu tên của đại sứ quán Mỹ ở Manila từng bày tỏ hy vọng rằng Philippines sẽ "tôn trọng cam kết đồng minh và các nghĩa vụ theo hiệp ước" mà hai nước từng ký kết.
Zhang Baohui, giáo sư Đại học Lingnan ở Hong Kong, cho rằng Trung Quốc "sẽ lời to về mặt chiến lược" nếu Philippines ngày càng rời xa Mỹ, đồng thời nhấn mạnh thực tế rằng Bắc Kinh sẽ tổ chức lễ tiếp đón trọng thể ông Duterte theo cấp nhà nước.
Giáo sư Zhang dự đoán rằng trong chuyến thăm này của ông Duterte, Bắc Kinh sẽ chấp nhận một nhượng bộ nhỏ, cho phép ngư dân Philippines quay lại đánh cá ở Scarborough. "Đổi lại, Trung Quốc sẽ nắm lấy cơ hội vàng thay đổi hoàn toàn cục diện Biển Đông, dẫn tới sự sụp đổ một trụ cột quan trọng trong chiến lược Biển Đông của Mỹ", ông Zhang nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Trung Quốc rót lời đường mật trước chuyến thăm của Tổng thống Philippines Đại sứ Trung Quốc tại Philippines tuyên bố hai nước có thể tạo ra vùng biển "hòa bình và hợp tác" ở bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông. Tổng thống Philippines Duterte (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 3 hồi tháng 9. Ảnh: Reuters. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám...