Philippines muốn liên minh quốc phòng với Úc
Manila đang đề nghị Úc, sau Mỹ và Nhật Bản, trở thành một trong 3 đồng minh quân sự hàng đầu với Philippines.
Hôm qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Úc Julia Gillard tại thủ đô Canberra. Theo tờ Philippine Daily Inquirer, hai bên bàn luận nhiều vấn đề song phương, từ hợp tác quân sự, an ninh hàng hải, thương mại, du lịch đến tăng cường quan hệ xã hội. Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Aquino dự kiến đưa ra đề nghị thành lập liên minh quân sự chủ chốt với Úc, nâng cấp quan hệ song phương lên mức “chiến lược”. Nếu hai bên đồng ý, Canberra cùng với Washington và Tokyo sẽ là ba đồng minh quân sự quan trọng nhất của Manila. Theo giới quan sát, đây là động thái nhằm thiết lập một chiến tuyến hợp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, nếu đồng ý với đề nghị của Philippines, Úc có lẽ sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng. Vì thế, để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại với Bắc Kinh, Canberra chắc phải cân nhắc vấn đề trên.
Tổng thống Philippines Aquino và Thủ tướng Úc Gillard tại Canberra – Ảnh: AFP
Lúc khởi hành từ Manila, ông Aquino từng khẳng định tham vọng của Philippines là lôi kéo sự ủng hộ từ phía Úc đối với vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Theo Tổng thống Aquino, Canberra đang xem xét đề nghị này. Trong khi đó, văn phòng Thủ tướng Úc vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức về khả năng thành lập quan hệ chiến lược với Philippines. Trong một diễn biến liên quan, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) và Hải quân Hoàng gia Úc vừa tiến hành cuộc tập chung mang tên LUMBUS 2012 kéo dài đến ngày 26.10.
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã hôm qua đưa tin một nhóm chuyên gia Đài Loan và Trung Quốc đại lục sẽ bắt đầu nghiên cứu giả thuyết bản đồ “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều cuộc hội thảo quốc tế gần đây liên tục chứng minh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý quốc tế để chứng minh chủ quyền hợp pháp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Video đang HOT
Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Indonesia
Ngày 24.10, Trường đào tạo nhân viên và sĩ quan chỉ huy hải quân Indonesia (SESKO AL) tổ chức hội thảo quốc tế “Chiến lược hàng hải mang tính hợp tác nhằm tăng cường an ninh và ổn định trên biển Đông” tại thủ đô Jakarta. Tham dự có lãnh đạo lực lượng quân đội Indonesia, Hải quân, Cảnh sát Quốc gia Indonesia, các quan chức ngoại giao, tùy viên quốc phòng các nước tại Indonesia cùng các học giả về chính trị, quân sự đến từ Anh, Trung Quốc, Singapore và Indonesia. Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu và học giả tái khẳng định lập trường chung của các nước có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến biển Đông cần đảm bảo an ninh, ổn định trên vùng biển này trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, thỏa thuận hiện hành như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Theo TNO
Úc - Singapore sau sự kiện "tro tàn của châu Á"
Thủ tướng Úc Julia Gillard nói lãnh đạo nước này "bị ám ảnh" bởi lời khuyến cáo của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu năm 1980.
Trong chuyến thăm xứ chuột túi dưới thời ông Malcolm Fraser, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã "thẳng tuốt" nói với người tương nhiệm rằng nếu không cải cách, Úc sẽ trở thành "tro tàn của châu Á". Ông Lý cũng viết trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1965-2000 rằng: "Tôi đã mất nhiều năm thuyết phục Malcolm Fraser nên mở cửa nền kinh tế để cạnh tranh và trở thành một phần của khu vực... Nhưng các chính sách bảo hộ kinh tế của họ đã cắt rời Úc khỏi những nền kinh tế đang lên".
Tình thân qua lời "nghịch nhĩ"
Lời phát biểu "bề trên" của ông Lý tuy vậy không làm mất lòng lãnh đạo và người dân Úc. Khi nhậm chức năm 1983, tân Thủ tướng Robert Hawke thừa nhận: "Điều ông Lý nói là đúng". Hơn 30 năm qua, câu nói "nghịch nhĩ" này thi thoảng được nhắc lại như một lời nhắc nhở.
Mới nhất, ngày 11.10 tại Canberra, Thủ tướng Úc Julia Gillard "biệt đãi" lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long bằng câu chuyện năm xưa. "Người Úc chúng tôi trân trọng và thích những lời nói thẳng... Chúng tôi không bao giờ quên lời ông Lý Quang Diệu, bởi nó đã ám ảnh một thế hệ lãnh đạo Úc", bà Gillard phát biểu. Bà cũng nói mình coi thân phụ ông Lý Hiển Long như "người chú đáng kính".
Quan hệ Úc - Singapore phát triển tốt đẹp sau phát biểu gây sốc của ông Lý Quang Diệu - Ảnh: AFP
Phát biểu của bà Gillard khiến lãnh đạo đối lập Tony Abbott có mặt trong bữa tiệc cũng phải "đồng thanh": "Câu nói ấy từng đặt tôi vào tình trạng bất an và phân tán. Bởi đúng thời điểm đó, một trong những thần tượng về chính trị của tôi là bà Margaret Thatcher đã nói rằng ông Lý Quang Diệu không bao giờ sai lầm". Năm 2007, nhân chuyến thăm lại Úc trong vị trí Bộ trưởng Cố vấn, ông Lý Quang Diệu đã "sửa sai" bằng phát biểu: "Đôi khi, có những câu nói được tuôn ra giữa lúc tranh luận gay gắt mà chỉ có thể chấp nhận được vào thời điểm đó. Các bạn đã thay đổi".
Cùng chiến tuyến
Suốt thập niên 1970, ông Lý Quang Diệu không thuyết phục được Úc cho phép quân đội Singapore huấn luyện trên xứ chuột túi, trong khi New Zealand rất hào phóng với người bạn cùng khối Thịnh vượng chung. Nhưng năm 1980, chính Thủ tướng Fraser đã đồng ý cho không quân Singapore đóng tại căn cứ quân sự Úc để huấn luyện và tập trận cùng nhau cho đến nay với quy mô ngày càng mở rộng.
Bà Gillard ngày 11.10 khẳng định Úc có quan hệ quốc phòng thân thiết với Singapore hơn với bất cứ nước châu Á nào khác. Đổi lại, Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết sẽ ủng hộ Úc trong cuộc chạy đua với Luxembourg và Phần Lan để giành một ghế trong Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2013-2014. "Úc là một phần quan trọng trong kiến trúc an ninh khu vực và sẽ đem lại lợi ích cho châu Á - Thái Bình Dương trong vai trò đại diện tại Hội đồng bảo an", ông Lý nói.
Trong cuộc phỏng vấn với báo The Australian tại Singapore trước thềm chuyến thăm Úc từ 9-12.10, ông Lý cũng ủng hộ quyết định của Canberra cho phép Mỹ điều 2.500 lính thủy đánh bộ đến Darwin. Quyết định này đang gây tranh cãi trong nội bộ Úc bởi lo ngại ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc. "Đó là quyết định được đưa ra bởi Mỹ và Úc. Chúng tôi vui mừng vì người Mỹ hiện diện ở khu vực này", ông Lý nói. Ông giải thích: "Mỹ đã hiện diện ở đây từ sau Thế chiến 2. Một số nước khác ủng hộ sự hiện diện này, bởi Mỹ có nhiều bạn bè và lợi ích ở đây". Ông nói thêm Singapore không cho Mỹ đóng quân nhưng "hỗ trợ tối đa trong khả năng về hậu cần".
Dù vậy, ông Lý cũng thừa nhận: "Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn trên mặt trận thương mại mà các nước trong khu vực đều đón nhận". Nhận định này cũng không khác với chủ trương đẩy mạnh quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc của Úc. Bàn về vấn đề tranh chấp lãnh hải, ông Lý nói với The Australian rằng nguy cơ dân tộc tính có thể dẫn đến xung đột trên biển làm thiệt hại nhân mạng "chẳng vì lý do gì" và khiến tình hình leo thang. "Đó là điều rất tồi tệ cho cả khu vực", ông nói, và nhấn mạnh ASEAN, cũng như Singapore với tư cách một thành viên, phải hành động hướng tới một quy tắc ứng xử trên biển.
Theo TNO
Hải quân Australia đón nhận vỏ tàu sân bay lớn nhất Thân vỏ của chiếc tàu sân bay trực thăng mới nhất của hải quân Australia vừa cập cảng Phillip thuộc tiểu bang Victoria sau gần 9 tháng hành trình trên biển. Ảnh minh họa. Nguồn: NavyTimes Vỏ chiếc tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra được đóng tại Tây Ban Nha- dài 230m và nặng 27.000 tấn, có khả năng vận chuyển hơn...