Philippines muốn lập đường dây nóng về đánh cá trên Biển Đông với Việt Nam
Philippines đang có kế hoạch thiết lập một đường dây nóng vào cuối năm 2015 với Việt Nam để trao đổi những vấn đề xảy ra trên vùng biển của hai nước, Bộ Nông nghiệp nước này cho hay hôm 26.7.
Ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển – Ảnh: Võ Đình
Ông Proceso Alcala, đại diện Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết đường dây nóng thường xuyên là điều cần thiết để 2 bên trao đổi về những vấn đề phát sinh trên biển giữa Philippines và Việt Nam, theo Sun Star. Vấn đề này từng được đề cập trong thỏa thuận hợp tác thủy sản giữa hai nước ký kết hồi năm 2009.
Ông Alcala cho biết giới chức hai bên sẽ có cuộc họp bàn chi tiết về vấn đề lập đường dây nóng trước khi trình cho bộ chủ quản hai nước thông qua. Dự kiến kế hoạch này sẽ được triển khai vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Những vấn đề mà theo Manila cần trao đổi thông qua đường dây nóng này gồm việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không đúng quy định hoặc không khai báo, các vấn đề của ngư dân… Đã từng xảy ra trường hợp ngư dân Việt Nam và Philippines đánh bắt trên vùng biển của nước kia và bị giới chức địa phương bắt giữ.
Ngoài ra, theo người đại diện Bộ Nông nghiệp Philippines, hai nước còn trao đổi thương mại nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, tiếp thị và chuyển giao công nghệ.
Vinh Sơn
Theo Thanhnien
Người Hồi giáo ở Singapore lập đường dây nóng đối phó IS
Đây là cách để người Hồi giáo tại Singapore giúp cộng đồng cảnh giác trước tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời tránh hiểu lầm về đạo Hồi, theo báo Straits Times.
Người Singapore có thể gọi đường dây nóng để báo cáo hoặc nhờ giải đáp thắc mắc về IS - Ảnh chụp màn hình Straits Times
Một nhóm học giả Hồi giáo đã thành lập đường dây nóng số 1800-7747747 để giải đáp những thắc mắc của người dân về đạo Hồi cũng như về IS. Theo dự kiến, đường dây nóng này sẽ hoạt động từ đầu tháng tới, báo Singapore Straits Times cho biết hôm 9.6.
Tổ chức cực đoan IS đang gây ảnh hưởng xấu cho an ninh thế giới thời gian qua với những đoạn video hành quyết, các cuộc tấn công đẫm máu, những câu chuyện làm rúng động cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh gây bất ổn tại hai khu vực Syria và Iraq, tổ chức IS cũng sử dụng truyền thông để tuyên truyền chiêu mộ thành viên từ khắp nơi trên thế giới, tạo bất an cho nhiều nước và gây không ít sự nhầm lẫn giữa đạo Hồi và khủng bố.
Một nhóm có tên Khôi phục chức năng Tôn giáo (The Religious Rehabilitation Group - RRG) thành lập năm 2003 cho biết họ đã rất khó khăn trong việc tiếp cận cộng đồng và làm chệch hướng tuyên truyền đối với những lời kêu gọi gia nhập khủng bố của IS từ Iraq và Syria, theo Straits Times.
Chính RRG đã đề xuất thành lập đường dây nóng mới nêu trên, tập trung bác bỏ những thông điệp cực đoan và làm rõ rằng chúng không liên quan tới Hồi giáo Singapore nói riêng.
Singapore là nước đa sắc tộc và cũng là một trong những địa điểm thuộc Đông Nam Á có khả năng bị IS thâm nhập lớn nhất. Hồi đầu tháng, Singapore đã có kế hoạch phối hợp với Malaysia để ngăn chặn IS.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia Teo Chee Hean kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ tầng lớp thanh niên thế hệ mới, vì họ là những người dễ bị ảnh hưởng nhất từ những lời kêu gọi gia nhập các tổ chức cực đoan.
Hồi tháng 4 qua, một sinh viên bị bắt theo Đạo luật An ninh nội địa vì lên kế hoạch tham gia IS, lộ kế hoạch khủng bố tại Singapore trong đó bao gồm việc muốn ám sát Thủ tướng Lý Hiển Long, Straits Times cho biết.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Ngư dân Philippines lao đao sinh tồn vì bị Trung Quốc đe dọa Những phát súng từ một tàu cao tốc Trung Quốc đã khiến Macario Forones phải từ bỏ ngư trường quen thuộc ở bãi cạn Scarborough. Tàu cá nằm chỏng chơ trên cỏ, còn ông hiện bán cá thuê ở chợ địa phương. Tàu cá Marvin-1 của ông Efrim Forones nằm chỏng chơ ở Masinloc, Philippines, sau khi bị Trung Quốc cấm đánh bắt...