Philippines muốn gì trong vụ kiện Trung Quốc?
Một khi Trung Quốc không tuân thủ phán quyết, Philippines có thể tiếp tục nộp đơn yêu cầu Tòa án Trọng tài thường trực ra biện pháp cụ thể để xử lý Trung Quốc.
Ngày 12-7 tới, năm thẩm phán Tòa án Trọng tài thường trực ( PCA) vốn là các chuyên gia về luật hàng hải sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Philippines tìm kiếm điều gì trong vụ kiện Trung Quốc?
Theo hãng tin CNN (Mỹ), Philippines muốn làm rõ ba điểm chính.
Thứ nhất, Philippines muốn PCA xác định rõ ràng địa điểm nào trên biển Đông được gọi là đảo, rạn đá ngầm, bãi cạn nửa chìm nửa nổi, hoặc bãi chìm.
Điều này có vẻ không quan trọng, tuy nhiên theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mỗi một địa điểm với tên gọi khác nhau sẽ gắn liền với những quyền khác nhau ở vùng biển xung quanh nó.
Chẳng hạn, vùng biển 200 hải lý quanh một địa điểm được gọi là đảo sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của nước có chủ quyền đảo đó, nước đó có quyền kiểm soát hoàn toàn mọi nguồn tài nguyên trong vùng biển đó chẳng hạn cá, dầu, khí. Chú ý là PCA không có quyền ra quyết định về vấn đề chủ quyền của các đảo, đá… ở biển Đông. UNCLOS chỉ có thể giúp xác định quyền kiểm soát các vùng biển bao quanh các đảo, đá… này.
Quan trọng hơn nữa, theo UNCLOS, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo và xây dựng sẽ không được tính.
Thứ hai, Philippines muốn PCA phán quyết chính xác vùng lãnh hải nào trên biển Đông là thuộc về Philippines theo UNCLOS. Phán quyết này nhiều khả năng sẽ vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Thứ ba, Philippines muốn PCA xác định rõ liệu các hoạt động cải tạo, xây dựng và đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông có vi phạm quyền lãnh thổ của Philippines hay không.
Video đang HOT
Cờ Philippines cắm ở bãi cạn Scarborough. (Ảnh: WORDPRESS)
Quan điểm của Trung Quốc thế nào?
Trung Quốc ngay từ đầu từ chối tham gia vụ kiện và theo các điều khoản của UNCLOS, Trung Quốc có quyền làm thế. Trước nay Trung Quốc luôn khẳng định vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết của UNCLOS và nhiều lần lặp đi lặp lại sẽ không công nhận phán quyết của PCA.
Và giờ trong tình hình ngày phán quyết – mà theo nhiều chuyên gia thì sẽ nghiêng về phía Philippines – càng tới gần, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền khẳng định chủ quyền “theo lịch sử” của mình ở biển Đông. Hầu như ngày nào Tân Hoa xã (Trung Quốc) cũng có bài viết thể hiện quan điểm này.
Phán quyết của PCA sẽ là phán quyết đầu tiên của một tòa án quốc tế về tranh chấp biển Đông. Theo CNN, phán quyết sẽ có tác động rất lớn và lâu dài đến tình trạng tranh chấp biển Đông – một trong những điểm tranh chấp có nguy cơ xung đột lớn nhất thế giới, cũng như đến uy tín và sự lớn mạnh của Trung Quốc, thương mại toàn cầu, thậm chí hòa bình thế giới.
Đúng luật mà nói, phán quyết của PCA là có giá trị pháp lý và nếu không tuân thủ thì Trung Quốc sẽ gặp rắc rối về mặt ngoại giao.
Nhà phân tích Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng nếu không tuân thủ phán quyết của PCA, Trung Quốc sẽ tự mâu thuẫn với cam kết của mình duy trì trật tự theo luật pháp, hậu quả là uy tín Trung Quốc sẽ bị tổn hại.
Tình hình biển Đông vốn đã rất căng thẳng khi Trung Quốc phô trương sức mạnh, cải tạo hiện trạng và quân sự hóa biển Đông. Giờ đây nếu Trung Quốc phớt lờ hoặc phản đối mạnh phán quyết của PCA, sự ổn định của khu vực thậm chí hòa bình mong manh trên biển Đông sẽ bị đe dọa, CNN dẫn nhận định của nhiều nhà phân tích.
Biển Đông là một vành đai thương mại lớn của thế giới với tổng trị giá thương mại qua lại vùng biển Đông mỗi năm nằm ở khoảng 5.300 tỉ USD. Một khi biển Đông dậy sóng thì thương mại thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Về nguyên tắc, PCA có quyền ra phán quyết về vụ kiện nhưng lại không có thẩm quyền buộc Trung Quốc thực thi phán quyết. Cũng không có tổ chức nào ép buộc được Trung Quốc phải thực thi phán quyết. PCA thuộc LHQ nhưng LHQ sẽ không triển khai quân buộc Trung Quốc hành xử trên biển Đông theo phán quyết.
Do đó một khi Trung Quốc làm cứng, Philippines dĩ nhiên sẽ rơi vào thế khó nhưng không phải cùng đường. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, trong trường hợp này Philippines có thể tiếp tục nộp đơn yêu cầu PCA ra biện pháp cụ thể để xử lý Trung Quốc.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Trung Quốc vận động biển Đông ngay trên đất Mỹ
Ông Đới Bỉnh Quốc vận động bác bỏ phán quyết của PCA ngay trên đất Mỹ. Thực chất chỉ có 8 nước ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện ở PCA chứ không phải 60 nước như Trung Quốc thổi phồng.
Ngày Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông càng đến gần (12-7), Trung Quốc càng đẩy mạnh tuyên truyền bác bỏ phán quyết.
Ngày 5-7, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc đã lan đến tận đất Mỹ. Phát biểu tại một hội nghị tại trụ sở tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie Endowment for International Peace ở Mỹ, ông Đới Bỉnh Quốc, nguyên Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, hiện đang là Chủ tịch ĐH Tế Nam tuyên bố Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết của PCA và cảnh cáo Mỹ nên ứng xử cẩn trọng ở biển Đông.
Ông Đới Bỉnh Quốc lớn tiếng rằng phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines "không hơn một tờ giấy lộn". Ông này không những đề nghị các nước không công nhận phán quyết mà còn cảnh cáo Trung Quốc sẽ không bỏ qua bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Philippines sau phán quyết.
Ông Đới Bỉnh Quốc cáo buộc Mỹ tăng căng thẳng trên biển Đông với các hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không trên biển Đông, cũng như khuyến khích các nước Đông Nam Á đối đầu hơn với Trung Quốc.
"Chúng tôi ở Trung Quốc sẽ không sợ hành động của Mỹ, dù Mỹ có đưa 10 tàu sân bay biển Đông. Mỹ cần nhận thức rủi ro là có thể bị lôi kéo vào rắc rối và phải trả một cái giá đắt không ngờ", ông Đới Bỉnh Quốc đe dọa Mỹ.
Ông Đới Bỉnh Quốc vận động biển Đông và đe dọa Mỹ ngay trên đất Mỹ. (Ảnh: FP)
Bài phát biểu của ông Đới Bỉnh Quốc ngay sau đó được đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Philippines kiện Trung Quốc lên PCA năm 2013 sau hàng loạt cuộc đối đầu với Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough mà Philippines đang kiểm soát. Trung Quốc luôn cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện, dù theo Công ước LHQ về luật biển mà Trung Quốc là thành viên phê chuẩn ghi rõ PCA có thẩm quyền giải quyết các bất đồng hàng hải. Tuy nhiên, PCA không có thẩm quyền thực thi phán quyết.
Trung Quốc gần đây tuyên bố có đến 60 nước ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện với Philippines. Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal(Mỹ) đây là thông tin thổi phồng, thực chất chỉ có 8 nước ủng hộ Trung Quốc (Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, Lesotho). Đây không phải là những quốc gia biển ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó có nhiều nước không ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện. Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực đều kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết.
Chưa rõ thực tế Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào khi chính thức có phán quyết của PCA, tuy nhiên theo trang tin Foreign Policy (Mỹ), từ những lời lẽ của ông Đới Bỉnh Quốc có thể đoán được là phản ứng này sẽ không nhẹ nhàng.
Nhiều chuyên gia nhận định khả năng lớn là Trung Quốc sẽ xúc tiến cải tạo quanh bãi cạn Scarborough. Động thái này sẽ tăng căng thẳng và có thể kích thích xung đột với Philippines và Philippines sẽ nhờ Mỹ hỗ trợ quân sự. Diễn biến sau đó sẽ rất khó lường.
Vì lo ngại chiến tranh, ngày 5-7, Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte khẳng định Philippines sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc sau khi PCA ra phán quyết để tránh xung đột. "Một khi thuận lợi, hãy đàm phán. Chiến tranh là điều bẩn thỉu và chúng tôi không sẵn sàng."
Về phần mình Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Philippines miễn Philippines bỏ qua phán quyết của PCA.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Sau phán quyết Biển Đông, Mỹ-Trung khó tránh khỏi đụng độ? Nếu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12.7.2016 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc như dự đoán của nhiều chuyên gia, nguy cơ xung độ quân sự Mỹ-Trung sẽ gia tăng. Đúng vào ngày Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận ở Hoàng Sa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài xã luận cho rằng nước này phải chuẩn bị...