Philippines mở lại căn cứ, tìm kiếm đồng minh, mua UAV đối phó Trung Quốc
Ngày 28-6, trong khuôn khổ cuộc Diễn tập CARAT đang diễn ra trên biển Đông, quân đội Mỹ đã huấn luyện binh lính Philippines cách vận hành máy bay trinh sát không người lái, giữa lúc Philippines đang thúc đẩy tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và đối phó với những gì mà họ cho là mối đe dọa an ninh đang nổi lên từ Trung Quốc.
Đây là một động thái cho thấy Philippines rất quan tâm và có thể sẽ mua máy bay không người lái của Mỹ nhằm tăng cường khả năng giám sát, đặc biệt là trên biển Đông, để đối phó với những hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.
Cuộc diễn tập hải quân này là một phần trong các hoạt động huấn luyện thường niên giữa hai đối tác quốc phòng, nhưng năm nay nó diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ hơn do căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp chủ quyền tại biển Đông.
Tại một căn cứ hải quân cách Manila khoảng 13 km về phía tây nam, lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đã huấn luyện binh lính Philippines cách sử dụng và vận hành máy bay không người lái (UAV) nhỏ, phóng UAV từ một chiếc tàu trên biển.
Sĩ quan dân chính Hải quân Mỹ Jeremy Eden cho biết, đây là những UAV “Puma” hạng nhẹ chỉ được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát và không phải là phiên bản vũ trang tấn công được triển khai tại Afghanistan.
“Họ (binh lính Philippines) rất quan tâm và có động lực học hỏi rất cao và nếu họ mua những UAV này, thì họ sẽ sử dụng chúng một cách hiệu quả,” ông Eden nói.
Video đang HOT
Lính Mỹ đang phóng máy bay trinh sát không người lái RQ-20 Puma
Loại máy bay không người lái này sẽ rất hữu dụng đối với Quân đội Philippines được trang bị yếu kém, mà phải đối mặt với cả quân nổi dậy trong nước và các mối đe dọa tiềm năng từ bên ngoài, Trung tá Jojit Fiscar, điều phối viên cao cấp các cuộc diễn tập hải quân, cho biết.
“Đây sẽ là một công cụ rất tốt để sử dụng trong quân đội. Loại máy bay không người lái này có thể theo dõi sự di chuyển thực tế của các mục tiêu,” ông nói.
Trong khuông khổ cuộc diễn tập, quân đội Mỹ và Philippines cũng luyện tập kỹ năng vận hành các xuồng cao su thường được lực lượng biệt kích hải quân sử dụng.
Máy bay RQ-20 Puma là loại máy bay trinh sát không người lái nhỏ, phóng bằng tay, sử dụng năng lượng do ắc quy cung cấp. Máy bay do công ty AeroVironment có trụ sở tại California của Mỹ chế tạo, với nhiệm vụ chính là trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo. Máy bay được trang bị các camera hồng ngoại và quang-điện tử.
UAV này có chiều dài 1,4m, sải cảnh 2,8m, tải trọng cất cánh tối đa 5,9kg. Máy bay có vận tốc tối đa 83 km/giờ, tầm hoạt động 15km với thời gian hoạt động 2 giờ.
Các quan chức quân sự của cả hai nước đều cho rằng các cuộc diễn tập này không có liên quan gì tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông.
Máy bay trinh sát không người lái RQ-20 Puma được phóng từ tàu chiến
Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm Thứ 6 đã khẳng định rằng, Philippines đang muốn cho phép Mỹ sử dụng nhiều hơn các căn cứ quân sự của mình, vì cho rằng điều này rất cần thiết để đối phó với mối mối đe dọa của Trung Quốc.
“Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi không thể đứng một mình. Chúng tôi cần đồng minh. Nếu chúng tôi không làm được điều này, chúng tôi sẽ bị các cường quốc lớn bắt nạt, và đó là những gì hiện đang xảy ra: Trong đó có Trung Quốc, đang chiếm đóng lãnh thổ của chúng tôi,” ông Gazmin cho biết.
“Chúng tôi sẽ làm gì đây? Chờ cho đến khi họ vào đến tận gara ô tô của chúng tôi hay sao?”
Ông cho biết Philippines muốn cho phép Mỹ và Nhật Bản tiếp cận và sử dụng nhiều hơn các căn cứ quân sự của nước này.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino, bà Abigail Valte, cho biết, bất kỳ sự hiện diện gia tăng nào của Mỹ sẽ đều tuân theo Hiến pháp Philippines.
Bà còn cho biết Trung Quốc không nên phản đối. “Bất cứ việc gì chúng tôi làm trong lãnh thổ của chúng tôi … đều hoàn toàn nằm trong quyền hạn của chúng tôi.”
Theo ANTD