Philippines mạnh tay tậu hai chiến hạm mới
Philippines sẽ bổ sung hai tàu khu trục lớp Maestrale của Italy nhằm tăng cường năng lực hải quân, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc chưa có hồi kết.
Một tàu khu trục lớp Maestrale. Ảnh: madeinchina.com
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines, Fernando Manalo, cho hay, hải quân nước này đã quyết định chi 18 tỷ peso (hơn 400 triệu USD), để tậu hai khu trục hạm mới trên, thay vì mua các tàu cũ của hải quân Italy.
Các tàu khu trục này là những khí tài quan trọng nhất nằm trong ngân sách hiện đại hóa quân đội trị giá 75 tỷ peso (1,7 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới của Philippines.
“Chúng tôi hiện đại hóa không phải vì muốn đi đến chiến tranh với Trung Quốc”, ông Manalo nói. “Chính phủ Philippines đã tuyên thệ bảo vệ biển Tây Philippines (Biển Đông)”.
Ngân sách hiện đại hóa quốc phòng cũng được Philippines sử dụng vào việc xây dựng và cải tạo các cơ sở neo đậu cho tàu, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho các tàu nằm trong danh sách mua sắm của quân đội.
Trước đó, Manila cũng chi gần 19 tỷ peso (hơn 400 triệu USD) để mua 12 chiến đấu cơ FA-50 của Hàn Quốc để sử dụng vào việc huấn luyện, ngăn chặn và đối phó thảm họa.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 1/7 thề sẽ tái xây dựng lực lượng không quân hiện đại trước năm 2016. Philippines, một trong những nước có quân lực yếu nhất khu vực, đã cho nghỉ hưu các máy bay F-5 do Mỹ sản xuất vào năm 2005.
Video đang HOT
Theo VNE
Philippines tăng cường phòng thủ, sắm thêm tàu chiến
Ngày 29/4 tại Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin thông báo tàu chiến BRP Ramon Alcaraz sẽ đến Philippines vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Đây là tàu chiến thứ hai Philippines mua của Mỹ, hiện đang được tu sửa tại bang Nam Carolina (Mỹ).
Mua hai tàu chiến mới
Cùng ngày, tại cuộc họp báo ở Manila (Philippines), Thứ trưởng Quốc phòng Fernando Manalo thông báo chính phủ đã duyệt kinh phí mua hai tàu chiến mới do Bộ Quốc phòng đề xuất
Báo Manila Bulletin (Philippines) cho biết theo kế hoạch ban đầu, Bộ Quốc phòng chỉ dự định mua hai tàu chiến cũ trị giá khoảng 12 tỉ peso (6.000 tỉ đồng VN).
Tàu chiến BRP Ramon Alcaraz của Philippines neo đậu ở cảng Charleston (bang Nam Carolina). Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN PHILIPPINES TẠI MỸ
Thứ trưởng Fernando Manalo giải thích nếu mua tàu chiến cũ thì chi phí cuối cùng sẽ tốn kém hơn, vậy nên Bộ Quốc phòng quyết định mua luôn tàu mới bảo đảm hoạt động tốt trong 20-30 năm nữa. Ông cho biết ba nước Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Singapore đã thông báo muốn tham gia đấu thầu đóng hai tàu chiến này.
Thứ trưởng Fernando Manalo không nêu rõ chi tiết các tính năng của hai tàu chiến mới dự định mua nhưng khẳng định các tàu chiến mới sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác bảo vệ lãnh hải Philippines.
Hôm 28/4, hải quân Philippines đã ra tuyên bố ủng hộ chính phủ đưa vấn đề tranh chấp biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế. Đại tá Edgard Arevalo, người phát ngôn hải quân, nhấn mạnh hải quân tuân thủ chủ trương của chính phủ tìm kiếm các biện pháp hòa bình và hợp pháp để bảo vệ các lợi ích ở biển Đông.
Ông khẳng định hải quân sẽ tiếp tục bảo vệ tài nguyên biển dồi dào của Philippines ở các khu vực biển Đông thuộc phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Philippines.
Xâm chiếm giả danh du lịch
Liên quan đến thông tin Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngang nhiên cho phép du thuyền Coconut Princess chở du khách Trung Quốc ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, báo Manila Times (Philippines) đã đăng bài xã luận nhận định đây là cảnh báo đối với Philippines.
Máy bay tiêm kích F/A 50 của Hàn Quốc. Ảnh: AD
Bài viết ghi nhận sắp tới Trung Quốc cũng sẽ tổ chức các tour du lịch đến các đảo đang tranh chấp với Philippines ở biển Đông. Bài viết tố cáo Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật mới ở biển Đông theo cách thức hung hăng hơn nhưng che giấu hành động dưới hình thức phát triển du lịch.
Báo Bưu Điện Thượng Hải Buổi Sáng của Trung Quốc ngày 29/4 cho biết trong 240 hành khách trên du thuyền, chỉ có 100 người là công dân bình thường, số còn lại đều là công chức và quan chức các ban, ngành của tỉnh Hải Nam.
Báo cáo mới công bố
Trong khi đó, tuần báo Defense News (Mỹ) ngày 28/4 (giờ địa phương) cho biết trong tháng 4, Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc ĐH Quốc phòng quốc gia (Mỹ) đã công bố báo cáo có tựa đề Giới hạn chịu đựng của Trung Quốc: Tín hiệu đe dọa và trả đũa của Trung Quốc và những ẩn ý trong đối đầu quân sự Trung-Mỹ.
GS Paul H.B. Godwin ở ĐH Chiến tranh quốc gia và chuyên gia Alice L. Miller ở Viện Hoover là đồng tác giả báo cáo.
Báo cáo nhìn lại lịch sử những tín hiệu trả đũa và đe dọa của Trung Quốc và đưa ra dự báo về các tín hiệu tương tự ở biển Đông.
Điểm trọng tâm để Trung Quốc lo ngại là khả năng Mỹ, Philippines và Việt Nam thiết lập hợp tác an ninh khu vực và Trung Quốc xem đây là liên minh quân sự nhằm đối trọng với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Bốn tín hiệu trả đũa
Báo cáo nhận định Trung Quốc sẽ phát các tín hiệu tuần tự như sau:
Đầu tiên, Trung Quốc sẽ công khai kết hợp các hành động ngoại giao, chính trị với sự chuẩn bị về quân sự.
Kế tiếp, Trung Quốc sẽ khẳng định tại sao sử dụng quân đội là hợp lý. Chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ tuyên bố Trung Quốc đang đối mặt với đe dọa về an ninh và lợi ích quốc gia nghiêm trọng và nếu mối đe dọa không chấm dứt, Trung Quốc buộc phải sử dụng biện pháp quân sự.
Sau đó, Trung Quốc sẽ tuyên bố sử dụng vũ lực không phải là giải pháp ưu tiên nhưng Trung Quốc buộc phải sử dụng nếu đối phương phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc. Với tuyên bố như vậy, Trung Quốc muốn khoác vỏ bọc chính nghĩa để làm giảm phản ứng của quốc tế trước hành động quân sự của Trung Quốc.
Cuối cùng Trung Quốc sẽ nhấn mạnh không nên xem sự chịu đựng và kiềm chế của Trung Quốc là yếu hèn và Trung Quốc sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc nhận định không có gì tàn phá quan hệ Trung-Mỹ và các động lực an ninh ở châu Á hơn việc Trung Quốc quyết định đe dọa đối đầu quân sự nhằm thay đổi đường lối hành động của Mỹ mà Trung Quốc cho là đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc ở biển Đông. Mỹ sẽ xem sự đe dọa đó là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm thách thức ưu thế quân sự của Mỹ ở vùng biển châu Á.
Theo vietbao