Philippines lên tiếng về vụ tàu chiến Trung Quốc xâm nhập EEZ
Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Salvador Panelo nói rằng hành vi của các tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển Philippines đang trở thành “một điều gây khó chịu”.
Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Salvador Panelo dẫn lại phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng sự hiện diện không báo trước của các tàu Trung Quốc ở vùng biển nước này đang trở thành “một điều gây khó chịu”, tờ Inquirer cho biết.
Bộ trưởng Lorenzana trước đó đã gọi các báo cáo gần đây về sự hiện diện của năm tàu chiến Trung Quốc ở eo biển Sibutu gần Tawi-Tawi, Philippines kể từ tháng 7 là “một điều gây khó chịu”. Ông Lorenzana cũng hy vọng Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ thảo luận về vấn đề này trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng này.
“Tôi đồng ý với Bộ trưởng Lorenzana. Vấn đề này đang “gây khó chịu” nếu bạn cứ lặp đi lặp lại một số hành vi có thể bị coi là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hành vi này không phải là một hành động hữu nghị giữa hai quốc gia” – ông Panelo nói trong một cuộc phỏng vấn với Inquirer.
Khi được hỏi về các lựa chọn của chính phủ Philippines trong việc giải quyết vấn đề này, ông Panelo nói: “Chính phủ luôn có gửi công hàm ngoại giao phản đối và để họ trả lời”.
Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Salvador Panelo. Ảnh: Inquirer
Ông Panelo làm rõ rằng chuyến đi đến Trung Quốc của Tổng thống Duterte chưa được ấn định ngày chính thức. Vì vậy, ông Panelo không thể đưa ra xác nhận liệu Tổng thống Duterte có nêu ra vụ việc này khi đến thăm Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn riêng, ông Panelo thừa nhận rằng việc thảo luận về vấn đề này sẽ rất quan trọng.
Video đang HOT
“Nhưng tôi cho rằng việc đề cập đến vấn đề này cũng rất quan trọng bởi vì như ông Lorenzana nói, hành vi này đã được thực hiện nhiều lần và do đó nó đang trở thành một vấn đề gây khó chịu” – ông Panelo nói.
“Chúng tôi thực sự muốn biết tại sao họ lại đi qua đây” – ông Panelo nói thêm.
Năm tàu chiến Trung Quốc đã được nhìn thấy ở eo biển Sibuti và Tawi-Tawi, Philippines. Ba chiếc trong số đó đã được phát hiện vào tháng 8 và hai chiếc còn lại vào tháng 7. Các tàu này đều đi vào vùng biển của Philippines mà không thông báo trước cũng như không trả lời các cuộc gọi vô tuyến của Bộ Tư lệnh Tây Mindanao.
Trước đó, điện Malacanang đã cho biết sẽ yêu cầu Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa giải thích về sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế Philippines (EEZ) mà không thông báo.
Phát ngôn viên của Lực lượng vũ trang Philippines, Chuẩn tướng Edgard Arevalo cũng coi hành động của Trung Quốc là “một mối đe dọa an ninh, một thách thức đối với an ninh mà chúng tôi cần phải đối mặt và giải quyết”.
QUỲNH NHƯ
Theo PLO
Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam : Hiểm họa cho toàn khu vực
Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia trong nước và quốc tế chỉ ra ý đồ nguy hiểm lẫn hậu quả khó lường từ vụ tàu Trung Quốc tái diễn xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Tàu Hải Dương Địa chất 8 đang hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.Ngư dân cung cấp
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: "Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển VN". Người phát ngôn nhấn mạnh đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, được xác định theo các quy định của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 và hiện lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật VN và luật pháp quốc tế. Theo giới chuyên gia, sự khẳng định này hết sức quan trọng trong việc làm thất bại ý đồ nguy hiểm đằng sau hành động phi pháp của Trung Quốc.
Nền hòa bình bị đe dọa
Phân tích với Thanh Niên, giáo sư về luật hàng hải quốc tế James Kraska tại Đại học Hải chiến Mỹ cảnh báo: "Tôi tin rằng việc tàu Hải Dương Địa chất 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ - NV) của VN là một phần trong chiến dịch dài hơi nhằm "bình thường hóa" sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại đây. Hành động này cũng tương tự như tung tàu cá hoạt động trong EEZ nước khác hay ban hành lệnh cấm đánh bắt trên biển. Ý định ẩn sau là khiến dư luận "quen dần" với các hành vi xâm phạm và sau vài năm, Trung Quốc sẽ được coi là đã có sự hiện diện "hợp pháp và thường lệ" trong EEZ của VN". Theo ông, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là biến vùng đặc quyền kinh tế của VN thành khu vực do nước này kiểm soát. Bên cạnh đó, hành động dùng tàu khảo sát xâm phạm nằm trong chiến lược "tằm ăn rỗi" được triển khai một cách chậm rãi nhằm đạt được ý đồ mà không cần dùng tới sức mạnh quân sự để tránh dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn của VN và các nước trong cũng như ngoài khu vực.
Ngoài ra, theo các chuyên gia và giới truyền thông, trong tháng 8 còn có 4 tàu khảo sát khác của Trung Quốc gồm Thực Nghiệm 2, Trương Kiển, Đông Phương Hồng 3 và Hải Dương Địa chất 4 bị cho là có hành vi xâm phạm tương tự đối với vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Philippines. "Trung Quốc đang triển khai đồng loạt các hành động nhằm vào các nước ven Biển Đông khác nhằm giành giật vị thế "cửa trên" rồi ép từng bên ngồi vào bàn đàm phán song phương với mục tiêu kiểm soát một phần hoặc toàn bộ EEZ nước khác", Giáo sư Kraska nhận định.
Tương tự, chuyên gia Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư VN) cho hay việc Trung Quốc dùng tàu thăm dò vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thời gian qua không chỉ đối với VN mà còn xảy ra với Malaysia, Philippines. Những hành động này cho thấy Trung Quốc quyết tâm biến yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp thành chuyện đã rồi, buộc thế giới phải chấp nhận sự phi lý, bất chấp luật pháp cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế. Ông Hoàng Việt cảnh báo: "Nếu phản ứng của VN và cộng đồng quốc tế, trước hết là ASEAN, không hiệu quả thì tiếp theo sẽ là các vùng biển thuộc những quốc gia khác như vùng Natuna của Indonesia, vùng biển của Brunei... Trung Quốc sẽ dần dần lấn tới và áp đặt chủ quyền phi lý của họ, tiến tới kiểm soát hoàn toàn Biển Đông rồi lấn sang các biển khác. Nguy cơ thương mại biển trên thế giới sẽ bị Trung Quốc chi phối, sự phát triển và nền hòa bình của thế giới sẽ bị đe dọa.
Nỗ lực ứng phó chung
Giáo sư Kraska nhắc lại với Thanh Niên nhận định ông từng đưa ra trong đợt xâm phạm hồi tháng 7 của tàu khảo sát Trung Quốc là VN nên nộp đơn kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Tương tự, Giáo sư luật quốc tế Jonathan Odom thuộc Trung tâm châu Âu về nghiên cứu an ninh George Marshall (Mỹ) cũng kêu gọi VN kiện Trung Quốc như Philippines từng làm, và sẽ đạt được thắng lợi pháp lý về quyền tài phán cũng như khẳng định sự vi phạm của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chuyên gia Kraska cảnh báo việc phản ứng riêng rẽ của từng nước có thể khiến Trung Quốc đạt lợi thế. Vì thế, theo ông, VN nên hợp tác cùng các quốc gia bị đe dọa khác như Malaysia, Indonesia và Philippines để thu thập bằng chứng về những hành vi phi pháp của Trung Quốc rồi cùng có nỗ lực ứng phó chung. "Các nước có thể trình bằng chứng lên Tổ chức Hàng hải quốc tế và Đại hội đồng LHQ và thậm chí trao bằng chứng cho các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như những liên minh đa phương - EU hay NATO chẳng hạn", ông Kraska đề xuất.
Trung Quốc tập trận liên tiếp ở vịnh Bắc bộ
Từ ngày 17 - 18.8, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận ở vịnh Bắc bộ, tại vùng biển xung quanh đảo Vi Châu thuộc Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây của nước này. Trong thông báo đăng trên website, Cục Hải sự Quảng Tây cấm tàu bè vào khu vực tập trận, nhưng không nói rõ số binh sĩ cũng như khí tài tham gia. Ngay sau đó, từ ngày 18 -24.8, Trung Quốc tiếp tục "tiến hành hoạt động quân sự" ở vịnh Bắc bộ, cụ thể ở vùng biển nằm phía tây nam bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Cục Hải sự Quảng Đông không cung cấp chi tiết, nhưng cũng thông báo cấm tàu thuyền vào khu vực.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng sẽ tiến hành tập trận ở Biển Đông, tại vùng biển nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam và gần khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN từ ngày 18 - 20.8, theo thông báo trên website của Cục Hải sự Hải Nam. Tờ South China Morning Post dẫn lời giới chuyên gia nhận định trong đợt tập trận liên tục này, Trung Quốc có thể thử nghiệm tàu chiến và vũ khí mới cũng như muốn phô diễn sức mạnh. Văn Khoa
Bộ trưởng Philippines phản đối tàu chiến Trung Quốc
Ảnh: Chụp màn hình The Philippine Star
Ngày 17.8, tờ The Philippine Starđưa tin tình trạng tàu chiến Trung Quốc tái xuất hiện trong vùng biển Philippines mà không thông báo với Manila đang trở thành vấn đề "gây bức xúc" cho Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana. Vị bộ trưởng nói thẳng Trung Quốc dường như "đang chế nhạo" Philippines bằng cách triển khai tàu chiến đi qua vùng biển nước này mà không thông báo trước, thậm chí tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Ông cho biết thêm sau khi quân đội báo cáo các tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ở eo biển Sibutu thuộc tỉnh Tawi-Tawi của Philippines trong giai đoạn từ tháng 2 - 6, ông đã nêu vấn đề với Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa. Tuy nhiên, quân đội Philippines tiếp tục phát hiện ít nhất 5 tàu chiến Trung Quốc ( ảnh) vào khu vực nói trên trong ngày 4.7 và 4.8. Ông Lorenzana thừa nhận lực lượng an ninh chỉ có thể theo dõi và báo cáo vụ việc lên cấp trên nên chính phủ cần có "hành động ngoại giao phù hợp". Ông hy vọng tình trạng tàu chiến Trung Quốc xâm nhập vùng biển Philippines sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng này của Tổng thống Rodrigo Duterte. Minh Trung
Theo thanhnien
Philippines: Tàu chiến Trung Quốc là 'mối đe dọa an ninh' Điện Malacanang cũng sẽ yêu cầu Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa giải thích về sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế Philippines (EEZ) mà không thông báo. Các tàu chiến Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines mà không thông báo trước được xem là "mối đe dọa an ninh" đối với đảo quốc...