Philippines không dễ đoạn tình với vũ khí Mỹ
Philippines phụ thuộc nhiều vào vũ khí Mỹ và sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thực hiện lời đe dọa ưu tiên tậu hệ thống của Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 4/10 nói rằng Mỹ không muốn bán tên lửa và các vũ khí khác cho Philippines, trong khi Nga và Trung Quốc mời chào ông rằng họ có thể cung cấp chúng thoải mái. Ông dọa sẽ chuyển sang mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Mỹ là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Philippines, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổ chức giám sát chi tiêu quân sự trên toàn cầu. Hai nước ngày càng hợp tác quân sự chặt chẽ trong hai năm qua, tổ chức nhiều cuộc tập trận và huấn luyện hơn. Nhiều tàu và máy bay quân sự Mỹ đến Philippines hơn trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama điều chuyển các lực lượng quân sự và nỗ lực ngoại giao đến châu Á, để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Philippines là nước nhận được viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương theo chương trình Tài trợ Quân sự nước ngoài (FMF) do Mỹ cung cấp nhằm hỗ trợ các nước mua vũ khí và trang thiết bị của Mỹ. Philippines đã nhận được 50 triệu USD từ chương trình FMF trong năm tài chính 2015.
Vì phụ thuộc vào vũ khí Mỹ nên quân đội Philippines sẽ phải điều chỉnh lại cấu trúc chỉ huy và kiểm soát nếu muốn chuyển đổi sang sử dụng các vũ khí của Nga và Trung Quốc, giáo sư Richard Javad Heydarian ở Đại học De La Salle, Manila đồng thời là cựu cố vấn của hạ viện Philippines, nhận định.
“Sẽ có một số vấn đề với cấu hình mới. Phải mất nhiều năm để quân đội Philippines tái định hướng phù hợp với công nghệ mới”.
Philippines đã chi 3,9 tỉ USD cho quân đội trong năm 2015, theo số liệu của SIPRI. Chi tiêu quốc phòng của Philippines tăng gần như mỗi năm kể từ năm 2010 – khi ngân sách quốc phòng ở mức 2,4 tỉ USD.
Khó thay thế
Mặc dù Nga có thể chào mời các hệ thống vũ khí chất lượng cao, Philippines sẽ phải cân cân nhắc tính tương thích của chúng với hệ thống vũ khí của Mỹ trong kho của Philippines hiện nay, Lyle Goldstein, một chuyên gia về các vấn đề hàng hải ở Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết.
Video đang HOT
“Bạn không thể đơn giản mua một hệ thống radar từ nước này và một tên lửa từ nước khác. Chúng phải vận hành được với nhau”, Goldstein nói.
Ông nhấn mạnh rằng nhiều sĩ quan quân đội Philippines được đào tạo tại Mỹ và điều này khiến văn hóa quân sự giữa hai nước gắn kết chặt chẽ với nhau.
Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines không chỉ là những hợp đồng mua bán vũ khí mà còn mở rộng ra các cuộc huấn luyện chung và hỗ trợ bảo dưỡng vũ khí.
Nga và Trung Quốc không có uy tín giống Mỹ trong việc cung cấp hỗ trợ huấn luyện toàn diện, Amy Searight, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cho biết.
“Mỹ có uy tín trong việc hỗ trợ toàn diện để xây dựng năng lực. Đó không chỉ là vũ khí, phương tiện hay thiết bị mà còn là cách sử dụng chúng để xây dựng năng lực thực sự”, Searight, hiện làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, ghi nhận.
Giáo sư Heydarian cho rằng có khả năng cao mục đích của ông Duterte là bắn tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng ông sẵn sàng can thiệp vào mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ – Philippines, cho dù chỉ là những tác động nhỏ. Điều này có thể đồng nghĩa với việc chuyển các cuộc tập trận thường niên Balikatan (Vai kề vai) Mỹ – Philippines đến các vị trí xa Biển Đông hoặc từ chối trao thêm cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận căn cứ quân sự của Philippines.
Các chuyên gia khác thì nhấn mạnh thực tế rằng vũ khí Trung Quốc và Nga thường rẻ hơn hệ thống của Mỹ. Ông Duterte có thể đang tỏ ra cứng rắn để mua được thiết bị quân sự Mỹ với giá hời, họ đánh giá.
Hồng Vân
Theo VNE
Tuyên bố gây sốc về 'xiềng xích Mỹ' của Ngoại trưởng Philippines
Bài viết trên website Bộ Ngoại giao Philippines của Ngoại trưởng Yasay được coi là đòn công kích nhắm vào Mỹ từ một nhà ngoại giao chưa có nhiều kinh nghiệm.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: Rappler.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 4/10 đã khiến nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích bị sốc khi đăng lên tài khoản Facebook cá nhân bài viết có tự đề "Nước Mỹ khiến chúng tôi thất vọng", cho rằng đây là lý do khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải tìm kiếm chính sách đối ngoại độc lập hơn, theo SCMP.
Chỉ một ngày sau đó, bài viết này được đăng nguyên văn lên website của Bộ Ngoại giao Philippines với tựa đề "Tuyên bố của Ngoại trưởng Perfecto R. Yasay Jr", và cuối bài viết được chua thêm dòng chữ "Đăng lại từ trang Facebook cá nhân của ông".
Trong bài viết này, ông Yasay cho rằng nước Mỹ "đã quàng sợi xích vô hình lên cổ chúng tôi như một đứa em da màu không thể tự đảm bảo độc lập, tự do thực sự". "Việc phá vỡ xiềng xích lệ thuộc của Philippines để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh trong và ngoài nước là điều phải làm để chấm dứt tình trạng phụ thuộc của đất nước với lợi ích của Mỹ", ông viết.
Theo bình luận viên Paterno Esmaquel của Rappler, bài viết này gây sốc cả về nội dung, thời điểm xuất hiện lẫn tác giả của nó. Những lời lẽ đầy gay gắt trong bài viết chẳng khác nào một cuộc tấn công quyết liệt vào Mỹ, nước từng chiếm đóng Philippines nhưng lại là đồng minh thân cận nhất hiện nay của Manila.
Nội dung của bài viết được cho là sự nhắc lại những lời lẽ mà Tổng thống Duterte gần đây đã dùng để công kích nước Mỹ cùng người đồng cấp Barack Obama. Ông Duterte từng đe dọa sẽ chấm dứt hợp tác quân sự của Mỹ, xúc phạm cá nhân Tổng thống Obama, nói ông này "nên biến xuống địa ngục", sau đó thách Washington cắt viện trợ đối với Manila.
Bài viết của ông Yasay cũng xuất hiện trong thời điểm rất nhạy cảm, khi quan hệ giữa Mỹ và Philippines đang trở nên căng thẳng với chủ trương tìm kiếm chính sách đối ngoại độc lập hơn của ông Duterte. Nó được đăng lên website của Bộ Ngoại giao Philippines chỉ vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng nước này ra tuyên bố ca ngợi các nỗ lực hợp tác quân sự với Mỹ.
Các chuyên gia về đối ngoại cũng ngạc nhiên với bài viết này của ông Yasay. Dù đây không được coi là quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao Philippines, nó vẫn là phát ngôn của quan chức ngoại giao cấp cao nhất. Việc nó được gọi là "tuyên bố" trên website của Bộ Ngoại giao khiến nhiều người nghĩ rằng đây là lập trường chính thức của nước này.
Malcolm Cook, chuyên gia cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, cho rằng tất cả những điều trên là dấu hiệu cho thấy sự "hỗn loạn" trong bộ máy cố vấn và hỗ trợ cho Tổng thống Duterte. Điều đó khiến cộng đồng quốc tế rất khó dự đoán chính quyền của ông sẽ làm gì tiếp theo.
Thiếu kinh nghiệm
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Theo ông Cook, những tuyên bố về chính sách đối ngoại đầy đường đột của Tổng thống Duterte có thể là nguyên nhân khiến các quan chức chính quyền nước này, kể cả ông Yasay, trở nên mất cảnh giác và sự thận trọng cần thiết với những vấn đề quan hệ quốc tế đầy nhạy cảm.
"Những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại lâu dài của Philippines thường được Tổng thống thông báo tại các buổi họp báo chóng vánh hay những bài diễn thuyết về chủ đề không liên quan", ông Cook nói. "Có vẻ như ông ấy không có sự chuẩn bị, suy xét trước về chính sách, sự phối hợp liên ngành hay thậm chí là sự cảnh báo trước. Điều đó khiến các thành viên khác trong chính quyền phải luôn bận rộn giải thích, bác bỏ, diễn giải những tuyên bố của Tổng thống".
Bản thân Ngoại trưởng Yasay cũng đã phải nhiều lần đứng ra giải thích, phân trần về những tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Duterte. Khi ông Duterte khẳng định sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ, ông Yasay phân bua trước báo chí rằng "Tổng thống không hề nói vậy". Sau đó, ông giải thích lại rằng ông "không nghe thấy" Tổng thống Duterte nói như thế, hoặc "có lẽ tôi đã quá buồn ngủ vì đi máy bay nhiều".
Ngoại trưởng Yasay (phải) và người đồng cấp Mỹ John Kerry. Ảnh: Rappler
Bình luận viên Alex Ho của CNN chỉ ra rằng Ngoại trưởng Yasay là người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, trái ngược với người tiền nhiệm Albert del Rosario. Trước khi được ông Duterte bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, ông Yasay từng là chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch từ năm 1995 đến 2000, sau đó giảng dạy luật ở Mỹ. Ông từng tranh cử ghế thượng nghị sĩ năm 2001 và chức phó tổng thống năm 2010, nhưng đều thất bại.
Trong 100 ngày đầu tiên phụ trách Bộ Ngoại giao, ông Yasay nổi tiếng là người hay phát ngôn mà không kiểm tra lại tài liệu, giấy tờ hoặc tham vấn các đồng nghiệp để xem tuyên bố của ông có đi ngược lại chính sách của Bộ Ngoại giao hay không. Vài tuần trước, một đại sứ Philippines đã phải thốt lên rằng ông Yasay thiếu "kỷ luật phát ngôn".
Theo Segundo Romero, giáo sư Đại học Ateneo de Manila, những tuyên bố của Tổng thống Duterte và Ngoại trưởng Yasay có thể chỉ là những phát ngôn nhất thời và chưa đe dọa đến mối quan hệ thực sự với Mỹ, bởi Manila chưa có bất cứ hành động nào để thực hiện những tuyên bố đó.
"Những gì chúng ta nghe được từ ông Duterte và Yasay chỉ đơn thuần là lời nói gây sốc. Người Mỹ đã nhận ra rằng một khi ông Duterte chưa đưa ra chính sách rõ ràng kiểu trắng đen, họ vẫn tuân theo những cam kết đã thỏa thuận từ trước", Romero nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Việt Nam trang bị xuồng đệm khí của Mỹ Được sản xuất bởi hãng Leoteric Hovercrast (Mỹ), hiện nay xuồng đệm khí đang được trang bị cho Lữ đoàn 249 - Binh chủng Công binh. Xuồng đệm khí trong quân đội Việt Nam. Theo giới thiệu của nhà sản xuất Leoteric Hovercrast, xuồng có cấu tạo gồm các hệ thống: động cơ, nâng, thổi khí, đẩy, điều khiển và nút bấm, cấp...