Philippines duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2
Ngày 30/12, Philippines cho biết nước này sẽ duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2 cho đến ngày 15/1/2022 bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm mới và quan ngại về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Karlo Nograles, ở mức cảnh báo cấp độ 2, một số doanh nghiệp và sự kiện tại các địa điểm trong không gian kín được phép hoạt động với tối đa 50% công suất và áp dụng với những người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, nhóm đối tượng dưới 18 tuổi và thậm chí cả những những người chưa tiêm chủng; đối với các cơ sở ngoài trời, công suất hoạt động tối đa là 70% với điều kiện tất cả những người tham gia đã tiêm đủ liều cơ bản.
Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đang chứng kiến số ca COVID-19 tăng mạnh khi ngày càng nhiều người dân ra ngoài tham gia các hoạt động tập trung đông người vào mùa lễ hội hiện nay. Ngày 29/12, Philippines ghi nhận 889 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 27/11 vừa qua. Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng hơn 2,8 triệu ca bệnh, trong đó hơn 51.200 ca tử vong. Đến nay, Philippines đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là các ca nhập cảnh.
Cũng như ở nhiều quốc gia khác, người dân Philippines chịu ảnh hưởng không nhỏ vì đại dịch. Để thúc đẩy sự phục hồi bền vững của đất nước sau dịch bệnh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 30/12 đã ký thông qua dự toán ngân sách quốc gia gần 100 tỷ USD cho năm 2022. Tổng thống Duterte nêu rõ ngân sách này nhằm khuyến khích các biện pháp tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi giữa lúc đại dịch vẫn phức tạp, duy trì động lực hướng tới phục hồi và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng. Theo ông Duterte, ngân sách 5.024 tỷ peso (khoảng 98,44 tỷ USD), cao hơn 10% so với năm 2021, sẽ ưu tiên đầu tư vào sức khỏe người dân bằng cách đảm bảo chương trình chăm sóc y tế phải chăng và dễ tiếp cận cho tất cả người dân Philippines.
Để đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế hiện tại, Tổng thống Duterte cho biết 88,9 tỷ peso đã được phân bổ cho hoạt động của các cơ sở y tế cũng như mua sắm thuốc men và vaccine. Ông Duterte cho biết thêm, ngân sách năm 2022 cũng sẽ đáp ứng các yêu cầu kinh phí thiết yếu để bảo vệ và hỗ trợ những người lao động bị buộc thôi việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội.
* Indonesia đặt mục tiêu bắt đầu đưa vào sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự nghiên cứu và phát triển mang tên “Merah Putih” (Đỏ Trắng) vào nửa cuối năm 2022.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người đứng đầu Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM) Penny Lukito ngày 29/12 cho biết vaccine “Merah Putih” do Đại học Airlangga và công ty PT. Biotis phát triển hiện đang được thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, một ứng cử viên vaccine “Merah Putih” khác do Công ty dược phẩm nhà nước BioFarma và Đại học Baylor College Medicine (Mỹ) phát triển cũng được đặt mục tiêu bắt đầu đưa vào sản xuất trong nửa cuối năm 2022
Video đang HOT
Bà Penny cho hay BPOM sẽ sớm cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại vaccine dùng cho liều tiêm tăng cường. Hiện vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Zlifivax và CoronaVac do BioFarma đóng gói đang trong quá trình xét duyệt để tiêm tăng cường, trong khi vaccine của Sinopharm vừa nộp đơn đăng ký.
Mới đây, BPOM cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 gồm Favipiravir, Remdesivir và Regdanvimab. Theo bà Penny, sau khi cấp phép sử dụng khẩn cấp, BPOM tiến hành giám sát thị trường để đảm bảo các loại vaccine và thuốc này được phân phối đúng cách, cũng như theo dõi tác dụng phụ.
Chính phủ Indonesia đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 13/1 năm nay với mục tiêu cung cấp vaccine cho hơn 208 triệu dân. Tính đến ngày 29/12 vừa qua, 159.269.210 người dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó 112.595.665 người đã tiêm 2 mũi.
Chính phủ Indonesia cũng đã khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi vào ngày 24/12 vừa qua, đồng thời đang có kế hoạch khởi động chương trình tiêm vaccine tăng cường trong tháng 1/2022.
Toàn thế giới vượt 230 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 21/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 230.020.680 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.716.873 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 206.704.075 người.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 17 ca tử vong và 628 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 121 ca nhập cảnh. Trong khi đó, Viện Pasteur Campuchia cho biết tính đến ngày 19/9, viện này đã phát hiện tổng cộng 5.751 ca nhiễm biến thể Delta trong nước, tăng hơn 2.000 ca so với số liệu thống kê 10 ngày trước đó. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 105.344 ca mắc COVID-19, trong đó 98.186 người đã khỏi bệnh và 2.140 người tử vong. Giới chức các tỉnh có ca nhiễm biến thể Delta đang nỗ lực tìm nguồn lây, truy vết và cách ly để điều trị các ca nhiễm bệnh.
Bộ Y tế Lào ghi nhận 331 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 296 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ này cho biết khu vực thủ đô vẫn là điểm nóng về dịch COVID-19 khi ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày cao nhất cả nước với 176 ca, trong đó chủ yếu là ở ổ dịch nhà máy may được phát hiện từ ngày 18/9. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 19.730 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Viêng Chăn đang khẩn trương truy vết người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm cộng đồng gần đây nhằm nỗ lực khống chế nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Nhiều tỉnh của Lào cũng có lệnh phong tỏa trở lại để phòng dịch. Bên cạnh đó, một số tỉnh của Lào cho phép trường học không nằm trong vùng đỏ được mở cửa trở lại, với điều kiện phải tuân thủ chặt chẽ quy định phòng ngừa dịch bệnh như tỉnh Huaphan, Xieng Khuang, Attapeu, Savannakhet.
Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan cho biết nước này đã ghi nhận 10.919 các mắc mới COVID-19 và 143 ca tử vong do căn bệnh này. Trong số các trường hợp mới ghi nhận, 4.184 ca phát hiện tại thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận. Hiện Thái Lan đã có trên 1,5 triệu người mắc bệnh và tổng cộng 15.612 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Các bác sĩ ở Thái Lan đã sẵn sàng bắt đầu triển khai tiêm các mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường dưới da, thay vì tiêm bắp nhằm tăng cường hệ miễn dịch và cũng như kéo dài nguồn cung vaccine.
Các giáo viên được trang bị đồ phòng dịch COVID-19 khi thực hiện hỗ trợ học sinh học trực tuyến tại trung tâm Tele-Aral ở thành phố Taguig, Philippines, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Philippines xác nhận nước này có thêm 16.361 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.401.916 người. Ngoài ra, Philippines cũng có thêm 140 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người tử vong vì mắc bệnh lên 37.074 người.
Malaysia cùng ngày ghi nhận thêm 15.759 người mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 2.127.934 ca. Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết 80% dân số Malaysia trên 18 tuổi đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Với chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, Malaysia dự kiến bổ sung các địa điểm du lịch nổi tiếng vào bong bóng du lịch nhằm thúc đẩy du lịch nội địa.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko thuộc Đại học Indonesia (UI) dự báo quốc gia Đông Nam Á này sẽ đối mặt với đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 3 vào tháng 12 tới hoặc tháng 1/2022 nếu tốc độ truy vết tiếp xúc chậm và công tác giám sát đối với các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly không đạt hiệu quả cao. Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 20/9, đã có 38,2% trong số đó được tiêm mũi thứ nhất và 21,7% được tiêm mũi thứ hai.
Một số chuyên gia y tế ở Singapore đang kêu gọi chính phủ nước này áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca chuyển biến nặng gia tăng ở những người chưa tiêm phòng. Cho đến nay, Singapore ghi nhận 62 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng dân số 5,7 triệu người, trong khi số ca mắc mới hằng ngày giảm đáng kể trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, giống như những quốc gia khác ở Đông Nam Á, biến thể Delta lây lan mạnh đã khiến số ca mắc mới ở Singapore tăng lên khoảng 1.000 ca/ngày.
Tại Đông Bắc Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 21/9 thông báo Trung Quốc đã ghi nhận 42 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều tập trung tại tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ghi nhận 30 ca mắc mới nhập cảnh, tập trung chủ yếu tại tỉnh Vân Nam. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Trung Quốc đã ghi nhận 95.810 ca mắc COVID-19, trong đó gồm 4.636 ca tử vong.
Tại Nam Á, Bộ Y tế Ấn Độ cùng ngày ghi nhận 26.115 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 33.504.534 ca. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 252 ca tử vong mới. Hầu hết số ca mắc mới và tử vong mới đều tập trung tại bang miền Nam Kerala.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Đại Dương, bang New South Wales (NSW), tâm điểm trong làn sóng bùng phát dịch tồi tệ nhất tại Australia, lại chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Theo đó, bang này đã ghi nhận 1.022 ca mắc mới trong ngày 21/9, cao hơn so với con số 935 ca của ngày trước đó. Ngoài ra, bang New South Wales cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trong đợt dịch mới nhất này lên mức 255 ca.
Chính quyền thành phố Sydney thuộc NSW thông báo sẽ hủy bỏ màn bắn pháo hoa đêm giao thừa 2021, coi đây là một biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty có trụ sở tại thành phố Melbourne đã công bố báo cáo cảnh báo dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan, do vậy cần phải phòng chống dịch trên nhiều mặt trận.
Trong khi đó, nước láng giềng New Zealand thông báo có thêm 14 ca mắc biến thể Delta trong bối cảnh Auckland - thành phố lớn nhất nước này- hạ mức cảnh báo từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 từ nửa đêm 21/9. Với số liệu trên, tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần này tại New Zealand đã lên tới 1.085 ca. Kể từ khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái đến nay, New Zealand đã ghi nhận tổng cộng 3.739 ca mắc.
Một bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại bệnh viện ở Baltimore, Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Mỹ, bất chấp những tiến bộ y tế trong một thế kỷ qua, số người Mỹ tử vong do đại dịch COVID-19 hiện nay đã vượt số nạn nhân tử vong ở nước này trong đại dịch cúm toàn cầu năm 1918. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 17/9, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ là 675.722 người, vượt con số 675.000 người trong đại dịch cúm bùng phát ở năm cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ hiện chiếm 14% số ca tử vong trên toàn cầu trong đại dịch này, dù dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 trên thế giới.
Liên quan tới vaccine ngừa COVID-19, công ty Johnson & Johnson ngày 21/9 cho biết việc tiêm hai liều vaccine Janssen ngừa COVID-19 của hãng có thể đem lại hiệu quả 94% bảo vệ bệnh nhân khỏi các triệu chứng nặng của bệnh, tương đương với mức độ hiệu quả của vaccine của các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech. Theo Johnson & Johnson, việc tiêm một mũi bổ sung cho loại vaccine một mũi duy nhất này của hãng cũng giúp tăng miễn dịch, bảo vệ mạnh mẽ khỏi nguy cơ lây nhiễm virus. Vaccine một mũi duy nhất của Johnson & Johnson đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ từ ngày 27/2 và đến nay đã được tiêm cho khoảng 14,8 triệu người Mỹ.
Philippines thêm 16.694 ca mắc mới COVID-19 Ngày 21/8, Philippines thông báo ghi nhận thêm 16.694 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Một khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 6/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.824.051 ca...