Philippines đính chính tin binh sĩ nhảy khỏi vận tải cơ sắp rơi
Tư lệnh quân đội Philippines xác nhận không ai nhảy ra khỏi máy bay vận tải C-130 đang rơi, bác bỏ thông tin do cấp dưới đưa ra trước đó.
“Tôi đã nói chuyện với những người sống sót, họ nói máy bay nảy lên 2-3 lần và liên tục đánh võng. Phi công cố tăng ga để lấy lại độ cao nhưng quá trễ. Cánh phải máy bay quệt trúng một ngọn cây”, Tư lệnh quân đội Philippines Cirilito Sobejana hôm nay kể về vụ vận tải cơ C-130H rơi ở đảo Jolo, tỉnh Sulu, phía nam nước này, hôm 4/7.
Tướng Sobejana cho biết phần mũi máy bay bị gãy rời sau khi lao xuống đất và nhiều binh sĩ thoát ra ngoài nhờ khoảng trống này. Ông khẳng định không binh sĩ nào nhảy khỏi máy bay trước khi nó lao xuống đất.
Phần đuôi máy bay tại hiện trường tai nạn hôm 4/7. Ảnh: Reuters .
Tuyên bố của Tư lệnh quân đội Philippines bác bỏ thông tin do Lực lượng Đặc nhiệm Liên quân Sulu (JTFS) đưa ra trước đó rằng “nhiều binh sĩ nhảy khỏi phi cơ sắp rơi và thoát khỏi vụ nổ”.
Video đang HOT
C-130 là loại vận tải cơ được sử dụng phổ biến cho hoạt động nhảy dù, có cửa sau giúp binh sĩ nhảy ra ngoài khi máy bay hoạt động ở độ cao thấp. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng binh sĩ trên chiếc C-130 Philippines gặp nạn nhiều khả năng không đủ thời gian để mở cửa sau nhảy ra ngoài khi phi cơ lao xuống đất. Hành động này cũng được cho là quá rủi ro, không thể đảm bảo tính mạng cho người nhảy ra ngoài.
Theo tướng Sobejana, một số quân nhân bên trong chiếc C-130H bị bất tỉnh do lực va chạm quá mạnh nên họ không thể thoát ra ngoài trước khi máy bay bốc cháy dữ dội. Hai binh sĩ bị thương nặng trong tai nạn đã tử vong hôm nay, nâng tổng số người chết trong sự việc lên 52, trong đó có 3 dân thường dưới mặt đất.
Giới chức đã tìm được hộp đen của chiếc phi cơ gặp nạn, có thể giúp các nhà điều tra nghe lại cuộc đàm thoại giữa phi công và thành viên tổ bay trước khi máy bay lao xuống đất. Tướng Sobejana cho biết phi công chỉ huy chuyến bay có nhiều năm kinh nghiệm điều khiển vận tải cơ C-130 và đã thiệt mạng trong tai nạn.
Vận tải cơ C-130H chở 96 người đâm xuống thị trấn Patikul trên đảo Jolo hôm 4/7. Đây là tai nạn máy bay quân sự thảm khốc nhất trong lịch sử Philippines.
Phát ngôn viên quân đội Philippines Edgard Arevalo bác bỏ giả thuyết chiếc C-130H gặp nạn do lỗi kỹ thuật. “Máy bay không mới, song vẫn ở tình trạng rất tốt trước khi bị rơi. Nó còn khoảng 11.000 giờ bay trước lần đại tu tiếp theo”, ông cho hay, thêm rằng vận tải cơ tuân thủ các quy trình bay và thời tiết khi đó rất tốt.
Chiếc C-130H được quân đội Mỹ biên chế năm 1988, sau đó chuyển giao cho không quân Philippines hồi tháng 1 nhằm tăng cường khả năng vận tải hạng nặng của nước này.
Lính Philippines nhảy khỏi máy bay sắp đâm xuống đất
Một số binh sĩ đã nhảy khỏi vận tải cơ C-130H trước khi nó lao xuống đất trong tai nạn làm ít nhất 45 người chết ở đảo Sulu.
"Nhiều binh sĩ được nhìn thấy nhảy khỏi phi cơ trước khi nó va chạm với mặt đất, giúp họ thoát khỏi vụ nổ sau đó", Lực lượng Đặc nhiệm Liên quân Sulu (JTFS) thuộc quân đội Philippines cho biết hôm nay, đề cập tới vụ tai nạn vận tải cơ C-130H trên đảo Sulu trước đó vài giờ.
Tuy nhiên, chưa rõ có bao nhiêu binh sĩ nhảy khỏi máy bay và liệu họ có nằm trong số những người sống sót hay không.
Phần đuôi máy bay tại hiện trường tai nạn hôm 4/7. Ảnh: Reuters .
Chiếc C-130H chở theo 96 người gặp nạn sáng nay đảo Jolo, tỉnh Sulu, phía nam Philippines. Tư lệnh quân đội Philippines Cirilito Sobejana cho biết phi cơ bay quá đường băng khi cố hạ cánh xuống sân bay Jolo, không kịp lấy lại độ cao và đâm xuống thị trấn Patikul gần đó.
Số người chết trong vụ tai nạn đã tăng lên 45, trong đó có cả nạn nhân dưới mặt đất, trong khi 5 người vẫn đang mất tích. 50 người trên máy bay và 4 dân thường dưới mặt đất bị thương.
Sân bay Jolo có đường băng dài 1.200 m, chủ yếu tiếp nhận các chuyến bay dân sự và một số chuyến bay quân sự. Nhiều người trên máy bay vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện tân binh và đang được điều động tới đảo Jolo tham gia lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố tại đây.
Vận tải cơ C-130H số hiệu 5125 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988. Nó là một trong hai phi cơ được Mỹ chuyển giao cho Philippines hồi đầu năm nay, nhằm tăng cường năng lực vận tải hạng nặng cho Manila.
Vị trí đảo Jolo thuộc tỉnh Sulu, phía nam Philippines. Đồ họa: BBC .
Đây là tai nạn chết người thứ hai xảy ra với lực lượng máy bay của Philippines, sau vụ một trực thăng S70i Black Hawk rơi hồi tháng trước làm 6 người thiệt mạng.
Không quân Philippines từng trải qua hai vụ tai nạn nghiêm trọng với dòng C-130. Một vận tải cơ C-130 gặp nạn năm 1993 làm 30 người chết, trong khi một chiếc C-130 phiên bản dân sự do không quân vận hành đã lao xuống biển hồi năm 2008 làm 11 người thiệt mạng.
Philippines bác giả thuyết vận tải cơ rơi vì lỗi kỹ thuật Tướng Arevalo cho biết vận tải cơ C-130H bị rơi vẫn còn 11.000 giờ bay trước khi cần bảo dưỡng và thời tiết tốt khi tai nạn xảy ra. "Máy bay không mới, song vẫn ở tình trạng rất tốt trước khi bị rơi", thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Philippines, nói trong cuộc họp báo ngày 5/7, bác bỏ...