Philippines đang dồn chứ không nhún Trung Quốc
Philippines đang tích cực thúc đẩy tiến trình giải quyết vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc tại tòa án quốc tế. Đây được xem là bước đi “dồn ép” Trung Quốc bởi cường quốc số 1 Châu Á lâu nay vẫn kiên quyết chối từ tham gia tiến trình này. Giới chức Philippines vừa mới đây cho biết, họ hy vọng, tòa án quốc tế có thể đưa ra phán quyết sớm hơn mong đợi ban đầu.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Theo một nhà ngoại giao hàng đầu Philippines, nước này đang rất mong muốn bồi thẩm đoàn của Tòa án Quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện Trung Quốc của họ về tranh chấp ở Biển Đông trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino kết thúc vào năm 2016. Các quan chức Philippines trước đó tin rằng, vụ kiện của họ sẽ mất từ 3 đến 4 năm để hoàn thành.
Cách đây vài ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã phát biểu tại thủ đô Manila rằng, việc theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ở tòa án quốc tế là lựa chọn khả thi duy nhất sau khi Manila “đã dùng mọi con đường ngoại giao có thể” trong nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Sức mạnh và sự hiện diện hàng hải, hải quân vượt trội của Trung Quốc ở khu vực cũng đã góp phần khiến căng thẳng khu vực leo thang”, ông Rosario nói thêm.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trung Quốc đòi chủ quyền một cách thái quá và phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Điều này đã khiến không chỉ các nước láng giềng bất bình mà cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Cuộc tranh chấp nóng bỏng nhất ở Biển Đông hiện nay là giữa Philippines và Trung Quốc. Tàu thuyền Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough – một ngư trường đánh cá truyền thống của người Philippines, sau một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với 2 tàu hải giám Trung Quốc hồi đầu năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh đã thành công trong chiến lược giành quyền kiểm soát trên thực tế đối với bãi cạn tranh chấp. Hồi đầu năm nay, Philippines đã chính thức đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra tòa án quốc tế để xét xử theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã kiên quyết từ chối tham gia vào tiến trình giải quyết tranh chấp thông qua tòa án quốc tế dù nước này đã ký vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bắc Kinh đã không phản ứng với bất kỳ thủ tục giải quyết tranh chấp nào ở tòa án quốc tế sau đó, khiến Philippines trở thành bên duy nhất tham gia vào tiến trình này. Mặc dù vậy, Manila vẫn nhất quyết theo đuổi vụ kiện Trung Quốc.
Hồi tuần trước, ông Paul Reichler – người đứng đầu đoàn luật sư của Philippines tham gia phiên toà, đã nói với tờ Thời báo Phố Wall rằng, nếu Trung Quốc “tiếp tục giữ lập trường như vậy”, ông mong chờ tòa án quốc tế sẽ đưa ra một quyết định vào giữa hoặc cuối năm sau.
Video đang HOT
Một phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông không mang tính ràng buộc và Trung Quốc được cho là sẽ không thi hành nếu phán quyết đó bất lợi với họ. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, phán quyết của tòa án quốc tế mang sức nặng về mặt chính trị và đạo lý. Vì thế, nó gây sức ép nhất định đối với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không tuân thủ thì nước này sẽ bị tổn hại về mặt uy tín cũng như hình ảnh.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày hôm qua (25/10) ở thủ đô Bắc Kinh, khi được hỏi liệu Trung Quốc có tham gia tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông ở tòa án quốc tế khi Philippines trình đầy đủ các bằng chứng cho vụ kiện của họ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying đã trả lời, Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện do phía Philippines khởi xướng. Bà này kêu gọi Manila giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.
Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi hỏi rằng, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở song phương mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ các nước không có liên quan đến tranh chấp. Giới phân tích tin rằng, với tư cách nước lớn, Trung Quốc muốn giải quyết “tay bo” với từng nước có tranh chấp một để dễ bề gây sức ép giành lợi thế cho mình.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Phe nổi dậy bị bóp nghẹt bởi vòng vây quân Assad
Quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad hôm qua (24/10) đã đánh bật phe nổi dậy Syria ra khỏi Htaitet al-Turkman, giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực chiến lược ở ngoại ô thủ đô Damascus này. Chiến thắng mới nhất đã giúp quân Assad hoàn thành vòng vây được thắt chặt xung quanh lực lượng nổi dậy ở khu vực phía đông thành trì Damascus , hãng tin SANA đưa tin.
Ảnh minh họa
Theo hãng thông tấn chính thức của Syria, quân đội đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Htaitet al-Turkman ở phía đông nam thủ đô Damascus sau một chiến dịch tấn công dữ dội kéo dài suốt 48 giờ đồng hồ với số chiến binh nổi dậy bị tiêu diệt lên tới ít nhất 100 người.
Lực lượng trung thành với Tổng thống Assad dưới sự hậu thuẫn của các chiến binh Shi"ite đến từ Li-băng, Iraq và Iran đã bắt đầu dần giành được thế trận ở những vùng xung quanh Damascus kể từ hồi tháng trước khi tấn công liên tiếp vào những khu vực này và bóp nghẹt các tuyến đường cung cấp hậu cần cho phe nổi dậy ở phía đông và nam thủ đô.
Quân chính phủ đã thực hiện cuộc đột kích vào Htaitet al-Turkman từ 5 mũi tấn công và sau chiến dịch kéo dài 48 giờ, lực lượng này đã hoàn toàn đánh gục các chiến binh nổi dậy ở đây. SANA đã cho phát đi những hình ảnh trực tiếp ghi lại cảnh binh lính Syria được triển khai khắp thành phố Htaitet al-Turkman.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, nhóm chiến binh Hezbollah của Li-băng đã hậu thuận tích cực cho cuộc tấn công mới nhất của quân Assad. Hezbollah là lực lượng được đồng minh Iran của Tổng thống Assad ủng hộ và Hezbollah đã đưa các chiến binh vào chiến đấu bên cạnh quân của ông Assad từ cách đây nhiều tháng.
Theo lời Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria , hàng chục chiến binh nổi dậy đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài 48 giờ với quân chính phủ, trong số này có nhiều thành phần thuộc nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda.
Đài truyền hình quốc gia Syria hôm qua tuyên bố, quân chính phủ đã "giành quyền kiếm soát hoàn toàn Hatetat al-Turkman ở phía đông nam thủ đô Damascus gần con đường nối tới sân bay, từ đó cắt đứt được tuyến đường cung cấp vũ khí, đạn dược cho phe nổi dậy và khép chặt được vòng vây xung quanh thủ đô".
Giới chuyên gia quân sự nhận định, chiến thắng mới nhất của quân Assad rất có ý nghĩa bởi việc chiếm lại được thành phố chiến lược Hatetat al-Turkman đồng nghĩa với việc con đường nối tới sân bay ở Damascus được bảo đảm an toàn và các cuộc tấn công bằng đạn súng cối vào thủ đô của phe nổi dậy sẽ giảm hẳn đi.
Bằng việc chiếm lại được Hatetat al-Turkman, phe nổi dậy từng cố thủ vững chắc ở vùng ngoại ô phía đông al-Ghouta giờ đây đã bị bao vây mọi hướng và bị cắt đứt khỏi mọi nguồn tiếp viện.
Chiến lược mới của quân đội Syria trong việc khép chặt vòng vây xung quanh các khu vực đang nằm trong sự kiểm soát của phe nổi dậy đã buộc lực lượng này phải tăng cường bắn đạn súng cối từ các cứ điểm của họ vào những quận nằm bên trong thủ đô Damascus .
Trong khi phe nổi dậy tuyên bố, những cuộc tấn công bằng đạn súng cối của họ là nhằm vào phía các chốt chặn an ninh và doanh trại quân đội của chính quyền thì thực tế là, trong hầu hết trường hợp, đạn súng cối mà họ bắn ra lại rơi vào những khu vực đông dân, gây thương vong nhiều cho dân thường, trong đó có trẻ em và phụ nữ.
Phe nổi dậy nhóm họp bàn về hội nghị hòa bình
Phe nổi dậy nhận thêm thất bại mới trong bối cảnh lực lượng này đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào ngày 9/11 tới để đưa ra quyết định về việc có nên tham gia hội nghị hòa bình ở Geneva mà Liên Hợp Quốc cùng với Nga và Mỹ đang nỗ lực tổ chức với mục đích tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài đã gần 3 năm nay ở đất nước Syria.
Những nỗ lực của Liên Hợp Quốc cùng với hai cường quốc Nga, Mỹ trong việc thúc đẩy một hội nghị hòa bình còn được gọi là Geneva 2 vào tháng tới đang vấp phải khó khăn vì tình trạng chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ phe nổi dậy cũng như việc lực lượng này khăng khăng đòi đưa ra điều kiện trước khi tham gia vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Mỹ dưới sức ép của Nga đang tìm cách để đưa phe nổi dậy đến bàn đàm phán.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria - lực lượng nổi dậy chính được phương Tây hậu thuẫn, vẫn kiên quyết khẳng định họ sẽ không đến hội nghị hòa bình Geneva 2 trừ khi có sự thay đổi chính quyền ở Syria và sự ra đi của Tổng thống Assad phải được đặt lên bàn thảo luận.
Một cuộc họp ở thủ đô London, Anh hồi giữa tuần giữa lãnh đạo của phe nổi dậy Syria với các nhà ngoại giao đến từ nhóm Bạn bè của Syria đã không đạt được kết quả gì nhiều ngoài một tuyên bố chung trong đó khẳng định ông Assad sẽ không có vai trò gì trong chính phủ tương lai của Syria.
Bên lề cuộc họp trên, Đại sứ Mỹ tại Syria - ông Robert Ford - người đang giữ mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo đối lập Syria, đã có cuộc gặp với những nhân vật then chốt trong lực lượng nổi dậy nhằm thuyết phục họ ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Assad.
"Sự tham gia của họ mang tính then chốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích họ tham gia, đó là lý do tại sao Đại sứ Ford của chúng tôi tiếp tục đối thoại với họ ngay lúc này ở thủ đô Istanbul ", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf cho hay.
Trong khi đó, một thành viên của Liên minh Quốc gia Syria - ông Samir Nashar, cho biết, phe nổi dậy sẽ có cuộc gặp vào ngày 9/11 tới để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham dự hội nghị hòa bình Geneva 2 hay không.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Ba thủ tướng thăm Trung Quốc: Mưu toan chính trị của Bắc Kinh Cùng lúc, Trung Quốc trở thành nơi ghé thăm của ba người đứng đầu chính phủ các nước láng giềng. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Ấn Độ - Manmohan Singh và người đứng đầu chính phủ Mông Cổ Norovyn Altankhuyag. Liệu đây có phải sự trùng hợp về tổ chức. Nhiều chuyên gia thì thiên về nhìn nhận một sự kiện...