Philippines chuẩn bị điều trần lần 2 trước Tòa trọng tài LHQ
Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) đã cho phép Philippines tiếp tục điều trần vòng 2 trong vụ kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Phiên điều trần sẽ bắt đầu ngay đầu tuần tới.
Phiên tòa diễn ra tại Cung Hòa Bình, trụ sở của PCA ở La Hay (Hà Lan) và không cho phép công chúng tham dự. Đoàn Philippines do Ngoại trưởngAlbert del Rosario dẫn đầu (Ảnh: Youtube)
Theo tờ Rappler của Philippines, phiên điều trần thứ 2 sẽ bắt đầu lúc 10h00 ngày 13/7, tức ngay sáng thứ 2 tuần tới, và hiện Manila đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc này.
“Phía Philippines đã chuẩn bị đầy đủ để trả lời một cách tốt nhất những câu hỏi của Tòa án trong cuộc điều trần thứ 2″, Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte, khẳng định.
Trong một thông báo trước đó, Manila ghi nhận việc được Tòa án LHQ cho phép điều trần lần 2 chỉ là “thủ tục thông thường” khi các thẩm phán muốn “tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề của vụ kiện”.
Philippines khởi kiện Trung Quốc về những tranh chấp và tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch và có vị trí địa chiến lược quan trọng ở châu Á.
Trong phiên điều trần đầu tiên hôm 7-8/7, đại diện chính quyền Manila đã trình bày rõ ràng về lập trường của mình, đồng thời yêu cầu PCA, có trụ sở tại La Hay (Hà Lan), ra phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
“Cái gọi là đường chín đoạn (căn cứ vào một tấm bản đồ cũ do Trung Quốc sử dụng) không có bất cứ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định.
Video đang HOT
Ông cũng cảnh báo “sự vẹn toàn” của Luật biển LHQ đang bị đe dọa và rằng cần sử dụng văn kiện pháp lý này để giải quyết tranh chấp biển đảo gay gắt giữa Philippines và Trung Quốc.
“Vụ kiện này hết sức quan trọng đối với Philippines, khu vực và thế giới. Theo quan điểm của chúng tôi, vụ kiện cũng vô cùng quan trọng đối với sự vẹn toàn của Công ước LHQ về Luật Biển cũng như hệ thống trật tự luật pháp trên các vùng biển và đại dương”, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines nhấn mạnh.
Philippines, Trung Quốc và rất nhiều quốc gia khác đều đã thông qua Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Kinh đã có nhiều hành động thách thức ở các vùng biển khu vực, vi phạm trắng trợn Công ước cũng như các thỏa thuận giải quyết tranh chấp trong khu vực.
Trung Quốc cũng từ chối các cuộc đàm phán về giải quyết tranh chấp trên biển và liên tục có các hành động gây hấn đáng quan ngại, buộc Philippines phải khởi kiện lên PCA. Manila muốn tìm kiếm sự can thiệp của pháp luật đối với các hành động hung hăng của Trung Quốc, nhất là việc Bắc Kinh tuyên bố chiếm giữ gần 90% diện tích Biển Đông theo cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý và cũng không được quốc tế công nhận.
Mặc dù Trung Quốc kiên quyết từ chối tham gia vụ kiện và khẳng định PCA không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này, song mọi diễn biến của phiên tòa đang được dư luận khu vực và quốc tế theo dõi sát sao.
Là một trong những bên có tuyên bố chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông, Việt Nam và Malaysia đã cử quan sát viên tới dự phiên tòa. Một số nước khác như Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan cũng cử quan sát viên tới dự.
Dự kiến, PCA sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện trong vòng 90 ngày và Manila hy vọng sẽ nhận được phán quyết có lợi cho mình.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho vụ kiện. Chúng tôi có lập trường dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc. Chúng tôi tin rằng PCA sẽ xem xét vụ việc có lợi cho chúng tôi. Chúng tôi tự tin về quan điểm của mình trong vấn đề này”, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte, cho biết.
Được biết, phái đoàn của chính phủ Philippines đang nhận được sự giúp đỡ tích cực của các luật sư đến từ Mỹ.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Học giả Bỉ: "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý
Trang tin điện tử EPI ngày 11/3 đã đăng một bài viết về hội thảo chủ đề Biển Đông vừa được Đại học Tự do Brussels (ULB) tổ chức ở thủ đô Brussels của Bỉ.
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập mà nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bài báo cho biết với chủ đề "Biển Đông: Nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế," hội thảo do giáo sư luật Erik Franck, thành viên của Tòa trọng tài thường trực (PCA) chủ trì và quy tụ hơn 100 học giả là các luật gia về biển, nguyên thẩm phán tòa án quốc tế về luật Biển, các nhà nghiên cứu Biển Đông hàng đầu thế giới hiện nay, cùng các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Bộ ngoại giao Bỉ.
Các học giả đặc biệt quan tâm tới yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đưa ra từ năm 2009 và nhận định rằng "đường lưỡi bò" hoàn toàn thiếu các cơ sở pháp lý và cho đến nay Trung Quốc cũng chưa viện dẫn được tài liệu nào để chứng minh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận theo 4 chủ đề về đánh bắt nguồn lợi thủy sản, lưu thông hàng hải, đảo và quần đảo và cuối cùng là các tranh chấp và giải pháp.
Theo bài báo, tại phiên bàn thảo về đánh bắt nguồn lợi hải sản, tiến sỹ Friedrich-Wieland, Trưởng bộ phận pháp lý thuộc Tổng vụ biển và đánh bắt hải sản của Ủy ban châu Âu (EC), cho rằng nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông đang bị khai thác cạn kiệt, tác động đến môi trường mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc thiếu phân định rõ ràng về chủ quyền.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác của các bên liên quan, tránh các hành động đơn phương và phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Những xáo trộn tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến giao thương hàng hải quốc tế, trong đó có lợi ích của châu Âu bởi 25% hàng hóa của EU được vận chuyển qua khu vực này.
Các hành động đơn phương cải tạo đảo hay thay đổi nguyên trạng các khu vực đang tranh chấp của Trung Quốc có thể đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, sự ổn định của khu vực cũng như không được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Bài báo nhấn mạnh các luật gia về biển cho rằng khi Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chưa thể xử lý được vấn đề chủ quyền thì giải pháp đàm phán ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó cần nhấn mạnh vai trò của ASEAN và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam hay những nước như Philippines, Malaysia, Indonexia... cần nghiên cứu và tiếp tục viện dẫn luật pháp quốc tế để nêu quan điểm, yêu cầu bên liên quan giải quyết một cách bình đẳng trên cơ sở luật quốc tế.
Các luật gia cũng đặc biệt quan tâm đến diễn biến vụ kiện tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc mà kết quả dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu năm 2016. Vụ kiện này sẽ đóng vai trò quan trọng để có thể xây dựng quy tắc ứng xử giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Bài báo kết luận Biển Đông là một vấn đề chiến lược hàng đầu đối với các quốc gia Đông Nam Á liên quan và đối với cả Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, nơi đây diễn ra các tranh chấp lãnh hải với những tuyên bố gây tranh cãi của các quốc gia vì Biển Đông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thực tế và tiềm năng.
Mức độ địa chiến lược của vấn đề này đã vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á và có sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc nước ngoài.
Bài báo kết luận trong khi các tranh chấp có thể leo thang trong khu vực và trên toàn thế giới thì việc tìm kiếm một giải pháp đàm phán và giải quyết tranh chấp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết./.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Tham dự vụ Philippines kiện TQ: Cơ hội tốt cho Việt Nam! Các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản được tham dự với tư cách là quan sát viên vụ Philippines kiện TQ là rất tốt. PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, Chủ nhiệm bộ môn Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Luật...