Philippines chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong tranh chấp với Trung Quốc
Quân đội Philippines đã lên kế hoạch cho “trường hợp tồi tệ nhất” và đang theo dõi việc Trung Quốc điều tên lửa đến Hoàng Sa.
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa HQ-9 tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Startfor
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Tây (WesCom) của lực lượng vũ trang Philippines, Phó đô đốc Alexander Lopez, cho biết mức độ cảnh báo của quân đội Philippines chưa được nâng lên nhưng họ vẫn “đang liên tục theo dõi các diễn biến”.
Quân đội Philippines đã “lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất trong các tình huống cụ thể và các binh sĩ thuộc WesCom được chuẩn bị cho các trường hợp như vậy”, Inquirer dẫn lời ông Lopez, phát biểu tại Học viện Quân sự Philippines. WesCom có trụ sở tại thành phố Puerto Princesa ở Palawan, tây nam nước này.
Ông Lopez nhắc lại lo ngại của chính phủ trước việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và radar đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974.
Video đang HOT
“Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực”, ông Lopez nói và nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã “quân sự hóa khu vực”.
Phản ứng về việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối các hoạt động của Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành chính thức công hàm nói trên.
Phương Vũ
Theo VNE
Mỹ tố Trung Quốc gây căng thẳng khi đưa tên lửa đến Hoàng Sa
Mỹ hôm qua chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông sau khi khẳng định Bắc Kinh điều tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc điều hệ thống tên lửa HQ-9 đến Hoàng Sa. Ảnh: ISI
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho hay hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy việc triển khai các tên lửa "rất gần đây", trái với cam kết của Trung Quốc rằng không quân sự hóa Biển Đông.
"Trung Quốc nói một đằng nhưng dường như đang làm một nẻo", Reutersdẫn lời ông Kirby nói. "Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào là nỗ lực quân sự hóa này đã dừng lại. Điều đó không khiến cho tình hình ổn định và an toàn hơn. Thực tế, nó đang gây ra tác động trái ngược".
Hôm 17/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho hay Mỹ sẽ có cuộc trao đổi "rất nghiêm túc" với Trung Quốc về vấn đề quân sự hóa Biển Đông.
Trước đó, Fox News dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar được triển khai trong tuần trước. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định theo hình ảnh từ vệ tinh thương mại, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến Hoàng Sa.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các thiết bị phòng vệ đã được lập ra ở "những đảo và đá liên quan" trong nhiều năm và cho rằng thông tin của một số phương tiện truyền thông phương Tây là "phóng đại".
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin trên nhưng lặp lại rằng Bắc Kinh đã có các hệ thống phòng thủ trên các đảo trong nhiều thập kỷ.
Trong một bài viết cùng ngày, Global Times, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, kích động rằng Bắc Kinh cần tăng cường "tự vệ" ở Biển Đông trước "những khiêu khích thường xuyên từ quân đội Mỹ".
Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về những hành động áp đặt chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến tuyến đường giao thương quan trọng toàn cầu.
Bắc Kinh đã bày tỏ sự tức giận khi Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông, trong đó có chuyến bay của hai máy bay ném bom chiến lược B-52 hồi tháng 11 và một khu trục hạm đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hồi tháng trước.
Anh Ngọc
Theo VNE
Trung Quốc doạ đâm tàu chiến Mỹ nếu đến gần Hoàng Sa Bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc ngang nhiên cho rằng lực lượng nước này cần bắn cảnh cáo hoặc thậm chí đâm va tàu chiến Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh phải có hành động cứng rắn để "dạy cho Mỹ một bài học" nếu nước này tiếp...