Philippines cho Mỹ “mượn” căn cứ đối phó với tình hình bán đảo Triều Tiên?
Hôm 5-4, Mỹ và Philippines đã khai mạc cuộc tập trận chung mang tên Balikatan (Vai kề vai) kéo dài 2 tuần, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp lãnh trên biển Đông giữa một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc đang gia tăng.
Ngày 05-4, phát biểu sau lễ khai mạc cuộc tập trận chung Balikatan, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, nước này sẵn sàng giúp đỡ Mỹ phòng thủ, chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, một tín hiệu cho thấy Manila sẽ cho phép quân đội Mỹ mở rộng quyền sử dụng các căn cứ quân sự tại nước này.
Trước đó, Quân đội Mỹ đã từng sử dụng các căn cứ quân sự và sân bay dân sự ở Philippines để sửa chữa, tiếp nhiên liệu cho máy bay, tàu chiến được triển khai trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Hiện Mỹ cũng đã triển khai tàu chiến thường trực tại cảng Subic, một căn cứ cũ của Hạm đội 7, và máy bay tại căn cứ Clark – một căn cứ không quân cũ của Mỹ trên đảo Luzon.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các nhà báo tại Trại Aguinaldo, thành phố Quezon, ngoại ô Manila: “Tôi cho rằng chúng tôi đều quan ngại về những hành động của Triều Tiên. Chúng tôi có những kế hoạch hành động khẩn cấp riêng mà chúng tôi đang soạn thảo”.
Ngoại trưởng Philippines, Đại sứ Mỹ và các quan chức quân đội 2 bên
trong lễ khai mạc diễn tập Balikatan
Khi được hỏi về việc liệu Philippines có cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ của mình, trong trường hợp Washington bị Triều Tiên tấn công hay không, ông đã không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Thay vào đó, ông dẫn một nghĩa vụ của Philippines với tư cách là một đồng minh của Mỹ theo Hiệp ước Phòng thủ Liên minh: “Tôi cho rằng là đồng minh hiệp ước, nếu xảy ra một cuộc tấn công, chúng tôi cần phải giúp đỡ lẫn nhau”.
Manila đã ký một Hiệp ước Phòng thủ Liên minh với Washington vào năm 1951, một trong những liên kết quan trọng trong chuỗi liên minh an ninh của Mỹ, với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Australia.
Video đang HOT
Hôm 5-4, hai nước đã khai mạc cuộc tập trận chung mang tên Balikatan (Vai kề vai) kéo dài 2 tuần trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp lãnh hải trên biển Đông giữa một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc đang gia tăng.
“Balikatan với các khoa mục diễn tập phức tạp và toàn diện là một sự đóng góp quan trọng, không chỉ trong việc chuẩn bị cho quân đội hai nước phối hợp cùng nhau, mà còn trong việc xây dựng khả năng tự phòng thủ của đất nước tôi”, ông Albert del Rosario kết luận.
Theo ANTD
Tàu ngầm Piranha: Lựa chọn phù hợp với các nước nghèo ở biển Đông
Tàu ngầm là một vũ khí "quý tộc", mua vài chiếc đã tốn kém hàng tỷ USD, nhưng lại không thể thiếu trong chiến lược bảo vệ biển đảo. Điều này đã làm đau đầu những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn hẹp và ASEAN không phải là ngoại lệ.
Ngày 29-3, Tập đoàn đóng tàu "Thống Nhất" của Nga cho biết, các công ty đóng tàu của nước này đang phát triển các tàu ngầm siêu nhỏ thế hệ mới thuộc lớp Piranha.
Phó chủ tịch Tập đoàn đóng tàu Thống nhất Igor Zakharov cho biết, công việc đóng loại tàu ngầm mini này đang diễn ra tại cục sản xuất cơ khí hải quân Malakhit, có trụ sở tại thành phố St Petersburg và Bộ tư lệnh Hải quân Nga đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án này.
Ông Alexander Terenov, cố vấn tổng giám đốc nhà máy Malakhit tiết lộ: Tàu ngầm Piranha thuộc dự án 865 (tên NATO là Losos) có thể thực hiện được nhiều hoạt động tấn công hơn là chỉ "đánh và chạy". Ông cho biết thêm: "Chúng có rất nhiều ứng dụng và có thể mang được các hệ thống tên lửa và ngư lôi hoàn chỉnh".
Piranha là tàu ngầm rất nhỏ, do Viện thiết kế tàu ngầm nổi tiếng của Nga là SPMBM Malakhit thiết kế, Nhà máy đóng tàu Admiralteiskye Verfi chế tạo, Viện thiết kế nồi hơi đặc biệt (SKBK) ở St. Petersburg cung cấp động cơ AIP Kristall-20 công suất 130kW.
Piranha được chế tạo thành công từ thập niên 90 thế kỷ trước nhằm thực hiện các hoạt động tác chiến đặc biệt nhưng dự án này đã bị đình chỉ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Hiện nay Nga tái khởi động dự án này với các công nghệ hiện đại, như hệ thống động lực AIP thế hệ 2 Kristall-27 do SKBK chế tạo, loại động cơ này hiện đang được sử dụng trên tàu ngầm lớp Lada và phiên bản xuất khẩu của nó là Amur. Ngoài ra, tàu có hệ thống 2 bánh lái bên sườn giống thiết kế tàu ngầm SMX-26 của Pháp giúp nó có khả năng xoay tròn tại chỗ và chụp bánh lái giúp hạ thấp tối đa rung động của chân vịt.
Tàu ngầm có trọng lượng 218 tấn khi nổi, 390 tấn khi lặn, chiều dài 28,2m, chiều rộng 4,8m. Tàu có thể lặn sâu tới 300m, tốc độ di chuyển 12,3km/giờ khi lặn, 12,9km/giờ khi nổi, thủy thủ đoàn gồm 9 người, và có thể hoạt động liên tục 10 ngày trên biển.
Ông Terenov giới thiệu, tàu ngầm siêu mini Piranha cũng có thể được triển khai để bảo vệ các cơ sở hải quân, có thể chỉ cần ít thủy thủ để vận hành tàu và có chi phí bảo dưỡng thấp. Loại tàu này có thể được xuất khẩu và Nga đang nhắm tới thị trường vũ khí giá rẻ với những khách hàng truyền thống đã từng mua tàu ngầm Nga.
Phù hợp với khả năng tài chính của các nước nghèo ASEAN
Hiện nay, các cường quốc hải quân thế giới không ngừng sử dụng các công nghệ có tính đột phá để phát triển các loại tàu ngầm có tính năng hiện đại. Các cường quốc thì chủ yếu thiên về phát triển các tàu ngầm chiến lược có khả năng tấn công toàn cầu, còn các nước nhỏ có ngân sách eo hẹp thì thiên về các tàu ngầm nhỏ, linh hoạt, mang tính chất phòng thủ và thiên về tác chiến gần bờ.
Hiện các nước nghèo khu vực Đông nam Á đang bị cuốn vào tranh chấp biển đảo với những cường quốc trong khu vực. Phát triển lực lượng tàu ngầm đủ sức bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên biển Đông là xu thế tất yếu, vậy phải lựa chọn những loại tàu ngầm nào cho phù hợp với điều kiện kinh phí và đáp ứng yêu cầu tác chiến biển của các nước ASEAN?
Từ trước đến nay, chiến lược quốc phòng hướng biển của những nước này luôn được xây dựng theo định hướng lấy "Bảo vệ lãnh hải" làm tư tưởng chủ đạo, nên các trang bị quốc phòng thường thiên về xu hướng phòng thủ. Hơn nữa, do ngân sách quốc phòng hạn hẹp nên thường mua sắm các loại trang bị cỡ nhỏ, nhưng có tính năng cơ động và hiệu quả tác chiến cao.
Điều này có thể thấy rõ qua chiến lược phát triển tàu nổi của các nước trong khu vực. Các tàu khu trục và hộ vệ mạnh nhất trong khu vực thường có lượng giãn nước cao nhất chỉ trên dưới 3000 tấn, ví dụ như: Formidable (Singapore), Van Speijk (Indonesia), Lekiu (Malaysia) và có thể là "Incheon" của Philippines. Còn lại chủ yếu là các tàu nhỏ dưới 1000 tấn, thậm chí chỉ tầm 500 tấn, có tốc độ cao và linh hoạt, được trang bị hệ thống vũ khí khá mạnh.
Piranha là loại "tàu ngầm bỏ túi" nên chắc chắn giá thành sẽ rất rẻ, trong khi đó 1 tàu ngầm hạng trung thấp nhất cũng phải khoảng trên 300 triệu USD/chiếc. Ví dụ tàu ngầm Kilo có giá khoảng 350 triệu USD. Số tiền bỏ ra mua 1 tàu ngầm loại hạng trung, có thể mua được nửa tá tàu ngầm loại này.
Tuy thuộc dạng tàu ngầm mini nhưng Piranha có rất nhiều công dụng và có thể mang được các hệ thống tên lửa và ngư lôi hoàn chỉnh, nó hoàn toàn có khả năng tấn công mặt nước và tàu ngầm, có thể sử dụng trong nhiệm vụ tác chiến tấn công đặc biệt hoặc tuần tiễu bảo vệ cảng, vịnh và dải bờ biển, là sự bổ sung tác chiến rất tốt cho các tàu ngầm cỡ lớn thiên về tấn công.
Với định hướng xuất khẩu tàu ngầm mini giá rẻ có tính năng tác chiến tương đối tốt, rõ ràng người Nga không nhắm đến những cường quốc hải quân, với định hướng xây dựng hạm đội tác chiến biển xa, mà dành cho những nước có ngân sách ít ỏi và chú trọng vào phòng thủ biển đảo.
Trong khi tranh chấp biển đảo đang ngày càng nóng lên trên biển Đông, có thể khẳng định, Piranha là loại tàu ngầm mini rất phù hợp với các nước ASEAN. Mua vài chục tàu ngầm mini loại này cũng chỉ bằng giá tiền mua vài tàu ngầm hạng trung, mà có thể thực hiện được rất nhiều nhiệm vụ. Đây là một phương án Việt Nam cũng như các nước ASEAN cần xem xét kỹ lưỡng.
Đón xem kỳ 2: Piranha - tàu ngầm phù hợp nhất với tác chiến trên biển Đông
Theo ANTD
Tàu ngầm Piranha: Lựa chọn phù hợp với nước nghèo ở biển Đông Tàu ngầm là một vũ khí "quý tộc", mua vài chiếc đã tốn kém hàng tỷ USD, nhưng lại không thể thiếu trong chiến lược bảo vệ biển đảo. Điều này đã làm đau đầu những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn hẹp và ASEAN không phải là ngoại lệ. Ngày 29-3, Tập đoàn đóng tàu "Thống Nhất" của Nga cho...