Philippines bác nguy cơ quân đội đảo chính
Tin đồn quân đội đảo chính đang lan truyền ở thủ đô Manila của Philippines, tuy nhiên, chính phủ nước này đã bác bỏ.
Ngày 25/7, Phó phát ngôn viên tổng thống Philippines Abigail Valte khẳng định không hề có những chuyển động từ quân đội nhằm lật đổ Tổng thống Benigno Aquino III hoặc âm mưu gây bất ổn chính phủ, theo Tân Hoa xã.
Bà Valte đưa ra khẳng định trên sau khi được hỏi liệu Phủ tổng thống có nghe tin đồn quân đội sẽ đảo chính.
Những tin đồn này đang lan truyền ở thủ đô Manila, sau khi Tòa án tối cao Philippines phán quyết rằng Quỹ kích thích kinh tế (DAP) trị giá 3,34 tỉ USD của Tổng thống Aquino là bất hợp pháp, vì một phần tiền quỹ rơi vào tay các đồng minh của ông Aquino. Bà Valte lên tiếng kêu gọi không nên chính trị hóa quân đội, vì rằng quân đội là để bảo vệ đất nước và phục vụ người dân.
Video đang HOT
Quân đội Philippines
Trước đó vài ngày, tân Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang Jr cũng đã cảnh báo quân đội không nên can thiệp vào vấn đề DAP mà phải tập trung vào sứ mệnh của mình.
“Chúng ta phải nhớ rằng với tư cách thành viên của Các lực lượng vũ trang Philippines, chúng ta nên tỏ ra chuyên nghiệp và phi đảng phái”, Trung tướng Gregorio Pio Catapang Jr phát biểu với các binh sĩ tại một căn cứ không quân ở tỉnh Pampanga, phía bắc thủ đô Manila vào ngày 23/7.
“DAP đã trở thành một vấn đề chính trị. Chúng ta nên để tiến trình dân chủ được hoàn tất và để các nhánh tư pháp, hành pháp và lập pháp của chính quyền giải quyết vấn đề này. Chúng ta không nên can thiệp mà tập trung vào sứ mệnh của mình”, ông nói.
Các cuộc đảo chính ở Thái Lan đã trở thành bài học nhãn tiền về nguy cơ bất ổn kéo dài hậu đảo chính. Nền dân chủ Thái Lan từng chứng kiến 19 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính của quân đội từ năm 1932. Lệnh thiết quân luật của nước này cho phép quân đội có quyền hạn lớn trong việc ban hành lệnh cấm tụ tập, hạn chế đi lại và bắt giữ người.
Ngày 22/5 vừa qua, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố đảo chính quân sự giành quyền kiểm soát chính phủ, tiếp nối truyền thống lật đổ chính quyền rất dày dặn “thành tích” của lực lượng vũ trang nước này.
Quân đội Thái Lan cho hay nước này đã nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc có thái độ hết sức ôn hòa với sự kiện đảo chính tại Thái Lan trong khi Mỹ – đồng minh lâu đời của Thái Lan lại quyết định ngừng viện trợ quân sự cho Bangkok. Washington cũng hoãn các cuộc tập trận với Thái Lan, hủy chuyến thăm của các quan chức cấp cao đã được lên kế hoạch trước.
Trung Quốc khẳng định rằng, cuộc đảo chính 22/5 là &’vấn đề nội bộ’ của Thái Lan, Bắc Kinh không can thiệp đồng thời cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác với chính quyền quân sự tại Bangkok.
Chính vì thế, sau đảo chính, đoàn đại biểu chỉ huy của quân đội Thái Lan, do tướng Surasak Kanjanarat dẫn đầu, đã có chuyến thăm đến Trung Quốc hồi giữa tháng 6/2014 để thảo luận vấn đề an ninh khu vực và hoạt động huấn luyện chung.
Tướng Surasak Kanjanarat cho biết mục đích cuộc gặp mặt nhằm lập ra “kế hoạch hành động tương lai” với quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc cũng là nước đầu tiên công nhận cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2006, dẫn tới quan hệ hợp tác quân sự gần gũi hơn giữa hai nước.
Theo Đất Việt