Philippines bác giả thuyết vận tải cơ rơi vì lỗi kỹ thuật
Tướng Arevalo cho biết vận tải cơ C-130H bị rơi vẫn còn 11.000 giờ bay trước khi cần bảo dưỡng và thời tiết tốt khi tai nạn xảy ra.
“Máy bay không mới, song vẫn ở tình trạng rất tốt trước khi bị rơi”, thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Philippines, nói trong cuộc họp báo ngày 5/7, bác bỏ giả thuyết vận tải cơ C-130H gặp nạn do lỗi kỹ thuật một ngày trước đó. “Máy bay còn khoảng 11.000 giờ bay trước lần bảo dưỡng tiếp theo”.
Chiếc C-130H gặp nạn được quân đội Mỹ biên chế năm 1988, sau đó chuyển giao cho không quân Philippines hồi tháng 1 nhằm tăng cường khả năng vận tải hạng nặng của nước này. Tuy nhiên, phi cơ chở 96 người ngày 4/7 đâm xuống thị trấn Patikul, tỉnh Sulu khiến ít nhất 50 người thiệt mạng, gồm 47 binh sĩ và ba dân thường dưới mặt đất. 49 binh sĩ trên máy bay cùng 4 dân thường khác bị thương và đã được chuyển tới bệnh viện.
Lực lượng cứu hộ và dân địa phương tham gia tìm kiếm cứu nạn ở hiện trường rơi vận tải cơ C-130H của không quân Philippines ngày 4/7. Ảnh: Reuters .
Máy bay được cho là “đáp trượt đường băng” khi hạ cánh xuống sân bay Jojo, không kịp lấy lại độ cao rồi lao xuống thị trấn Patikul gần đó. Nhiều binh sĩ trên máy bay vừa hoàn thành khóa huấn luyện tân binh và được điều động tới đảo Jojo để chống phiến quân Hồi giáo tại đây.
“Các phi công được đánh giá cao và giàu kinh nghiệm. Thông tin ban đầu cho thấy vận tải cơ tuân theo đủ các quy trình bay”, tướng Arevalo nói. “Chưa rõ nguyên nhân khiến máy bay đáp trượt đường băng. Thời tiết tại thời điểm xảy ra tai nạn rất tốt”.
Tướng Arevalo giải thích đường băng nằm giữa “một ngôi làng” với nhà dân xung quanh, đây là nguyên nhân khiến một số dân thường thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tai nạn. Toàn bộ 47 thi thể của các binh sĩ trên máy bay đã được tìm thấy và danh tính của họ được xác định bằng hồ sơ nha khoa.
Arevalo không cho biết ba phi công của chiếc C-130H có sống sót sau vụ tai nạn hay không, đồng thời từ chối tiết lộ danh tính 49 binh sĩ sống sót do “chưa báo tin cho thân nhân những người thiệt mạng”.
“Đây là một trong những tai nạn thảm khốc nhất”, tướng Arevalo nói khi được hỏi liệu vụ rơi máy bay có phải tai nạn thảm khốc nhất lịch sử quân đội Philippines hay không. Tướng Arevalo không trả lời câu hỏi liệu máy bay có thể chở theo 96 người và đường băng trên đảo có đảm bảo điều kiện hạ cánh hay không.
Tướng Arevalo nói các điều tra viên sẽ xem xét lời khai của nhân chứng, dữ liệu từ tháp không lưu ở tỉnh Sulu và hộp đen. Tuy nhiên, quân đội Philippines chưa tìm thấy hộp đen của chiếc C-130H.
“Không phải toàn bộ kết quả điều tra sẽ được công khai, các vấn đề an ninh quốc gia sẽ được bảo mật”, quân đội Philippines cho biết trong thông cáo hôm nay.
Vụ tai nạn máy bay quân sự thảm khốc nhất Philippines. Video: Reuters, SCMP .
Quân đội Philippines đã đình chỉ bay một vận tải cơ C-130 khác trong biên chế, cho tới khi hoàn tất điều tra. Hai chiếc C-130 khác đang được bảo dưỡng và một chiếc đang trong quá trình chuyển giao cho quân đội Philippines.
Tướng Arevalo cho biết khu vực quanh thị trấn Patikul bị phong tỏa để đảm bảo an toàn cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, tiếp cận và điều tra nguyên nhân vụ rơi vận tải cơ C-130H, ngăn nguy cơ phiến quân làm gián đoạn hoạt động điều tra. Thị trấn Patikul là khu vực hoạt động của nhóm phiến quân Abu Sayyaf có mối liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Vụ tai nạn máy bay quân sự thảm khốc nhất Philippines Hiện trường vụ rơi vận tải cơ Philippines Nhân chứng kể khoảnh khắc máy bay Philippines rơi cạnh nhà Người chết trong vụ rơi máy bay Philippines tăng lên 50 Lính Philippines nhảy khỏi máy bay sắp đâm xuống đất 103
Lính Philippines nhảy khỏi máy bay sắp đâm xuống đất
Một số binh sĩ đã nhảy khỏi vận tải cơ C-130H trước khi nó lao xuống đất trong tai nạn làm ít nhất 45 người chết ở đảo Sulu.
"Nhiều binh sĩ được nhìn thấy nhảy khỏi phi cơ trước khi nó va chạm với mặt đất, giúp họ thoát khỏi vụ nổ sau đó", Lực lượng Đặc nhiệm Liên quân Sulu (JTFS) thuộc quân đội Philippines cho biết hôm nay, đề cập tới vụ tai nạn vận tải cơ C-130H trên đảo Sulu trước đó vài giờ.
Tuy nhiên, chưa rõ có bao nhiêu binh sĩ nhảy khỏi máy bay và liệu họ có nằm trong số những người sống sót hay không.
Phần đuôi máy bay tại hiện trường tai nạn hôm 4/7. Ảnh: Reuters .
Chiếc C-130H chở theo 96 người gặp nạn sáng nay đảo Jolo, tỉnh Sulu, phía nam Philippines. Tư lệnh quân đội Philippines Cirilito Sobejana cho biết phi cơ bay quá đường băng khi cố hạ cánh xuống sân bay Jolo, không kịp lấy lại độ cao và đâm xuống thị trấn Patikul gần đó.
Số người chết trong vụ tai nạn đã tăng lên 45, trong đó có cả nạn nhân dưới mặt đất, trong khi 5 người vẫn đang mất tích. 50 người trên máy bay và 4 dân thường dưới mặt đất bị thương.
Sân bay Jolo có đường băng dài 1.200 m, chủ yếu tiếp nhận các chuyến bay dân sự và một số chuyến bay quân sự. Nhiều người trên máy bay vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện tân binh và đang được điều động tới đảo Jolo tham gia lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố tại đây.
Vận tải cơ C-130H số hiệu 5125 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988. Nó là một trong hai phi cơ được Mỹ chuyển giao cho Philippines hồi đầu năm nay, nhằm tăng cường năng lực vận tải hạng nặng cho Manila.
Vị trí đảo Jolo thuộc tỉnh Sulu, phía nam Philippines. Đồ họa: BBC .
Đây là tai nạn chết người thứ hai xảy ra với lực lượng máy bay của Philippines, sau vụ một trực thăng S70i Black Hawk rơi hồi tháng trước làm 6 người thiệt mạng.
Không quân Philippines từng trải qua hai vụ tai nạn nghiêm trọng với dòng C-130. Một vận tải cơ C-130 gặp nạn năm 1993 làm 30 người chết, trong khi một chiếc C-130 phiên bản dân sự do không quân vận hành đã lao xuống biển hồi năm 2008 làm 11 người thiệt mạng.
Rơi máy bay quân sự chở 85 người ở Philippines Một máy bay quân sự chở ít nhất 85 người hôm nay rơi ở phía nam Philippines trong lúc đang cố gắng hạ cánh xuống đảo Jolo, tỉnh Sulu. Theo tướng quân đội Cirilito Sobejana, nhà chức trách đã cứu được ít nhất 40 người từ bên trong chiếc C-130 đang bốc cháy, Reuters đưa tin. Máy bay bốc cháy tại hiện trường...