Philippe Troussier: ‘Tuyển Việt Nam thất bại từ yếu tố tập thể’
Dẫn dắt tuyển Nhật Bản 4 năm và làm việc ở Việt Nam 3 năm, huấn luyện viên Philippe Troussier có cái nhìn toàn diện trước trận đấu giữa hai đội tuyển vào tối 11/11.
Nhà cầm quân sinh năm 1955 chia sẻ với Zing những suy nghĩ về hành trình thi đấu của thầy trò ông Park Hang-seo ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 và góc nhìn bên trong đội tuyển Nhật Bản.
Huấn luyện viên (HLV) người Pháp đã chia tay bóng đá Việt Nam, nhưng ông vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt và mong có ngày trở lại. Trận đấu giữa Việt Nam với Nhật Bản chắc chắn mang lại cho ông nhiều suy nghĩ.
Tuyển Việt Nam phải chủ động
- Ông đã xem 4 trận của tuyển Việt Nam, vậy ông có suy nghĩ về màn trình diễn và kết quả của họ?
- Trước hết, chúng ta phải nhắc lại, đây là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt tại vòng loại cuối cùng châu lục, nơi có sự xuất hiện của những đội tuyển và cá nhân hàng đầu. Vì lẽ đó, tôi không quá bất ngờ khi Việt Nam gặp khó khăn và nhận về kết quả không ưng ý.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tôi không cho rằng thất bại của tuyển Việt Nam đến từ sự yếu kém của năng lực cá nhân như nhiều ý kiến đã nêu.
Cầu thủ Saudi Arabia, Australia hay Nhật Bản có thể nhỉnh hơn cầu thủ Việt Nam đôi chút, phần lớn đến từ kinh nghiệm thi đấu mà họ được tạo điều kiện. Dẫu vậy, cầu thủ Việt Nam không thua kém đối phương là bao về kỹ thuật cá nhân hay tầm vóc thể hình.
Khía cạnh chính khiến tuyển Việt Nam thua trận đến từ yếu tố tập thể. Cầu thủ chất lượng tới mấy, vẫn cần được đặt vào trong hệ thống vận hành trơn tru và có định hướng để phát huy tối đa điểm mạnh và hạn chế điểm yếu.
Với trải nghiệm thực chiến tại cấp độ đỉnh cao thua kém đồng nghiệp nước ngoài, cầu thủ Việt Nam có thể cần 5-7 tình huống dứt điểm mới ghi được 1 bàn, trong khi tỷ lệ này của đối thủ hiệu quả hơn, cứ 2 hoặc 3 cú sút là thành bàn. Trong những trận đấu ở cấp độ đỉnh cao và mang tính chất định đoạt, hiệu suất ấy là đủ để tạo ra khác biệt. Chúng ta hãy nhớ lại Australia, họ dứt điểm rất ít và gần như ngừng tấn công sau khi dẫn 1-0.
Để giành những kết quả tích cực, Việt Nam cần cải thiện chiến thuật tập thể nhằm tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn hơn. Từ số lượng tình huống hãm thành gia tăng, khả năng ghi bàn mới cao lên tương ứng khi hiệu suất chuyển hóa cơ hội vốn đã không cao. Khi cơ hội thực chiến khá ít ỏi, việc tạo dựng được hệ thống vận hành linh hoạt giữa 11 cầu thủ là phương án tốt nhất và duy nhất để thu hẹp khoảng cách trình độ giữa tuyển Việt Nam với các đối thủ mạnh.
Tuyển Việt Nam cần chủ động và đột biến hơn. Ảnh: The-AFC.
- Thông qua những màn trình diễn và kết quả đã qua, ông có nghĩ kỳ vọng dành cho tuyển Việt Nam là quá cao về tấm vé dự World Cup 2022?
- Như tôi đã phân tích, đây là lần đầu tiên Việt Nam đi tới giai đoạn này. Kỳ vọng cao, nhưng khó khăn đương nhiên là cao không kém. Hai vị trí đầu bảng là khó khả thi, nhưng vị trí thứ ba hoàn toàn có thể là mục tiêu hướng tới của tuyển Việt Nam. Bất chấp 4 trận thua đã qua, xét về khả năng toán học và điểm số thực tế trong bảng đấu, cơ hội chưa phải đã tắt cho Việt Nam. Dĩ nhiên, nếu để nói về kỳ vọng thực tế, đó sẽ là trải nghiệm cọ xát và vượt qua chính mình.
Video đang HOT
Tôi rất vui với thành tích đội tuyển giành được vài năm qua. Dẫu vậy, Việt Nam có thể chiến thắng những đối thủ cùng khu vực chủ yếu nhờ vào lối đá chặt chẽ và chờ đợi cơ hội từ tình huống phản công. Nhưng khi ra tới cấp độ châu lục, chỉ dừng lại ở đó thôi là không đủ để tạo nên khác biệt. Ai cũng biết Việt Nam sẽ lùi sâu phòng ngự số đông và rình rập phản công. Cách tiếp cận như vậy là quá đơn điệu và dễ đối phó.
Vòng loại thứ ba là cơ hội quý báu cho tuyển Việt Nam lấy về những trải nghiệm, nhưng sẽ chỉ là trải nghiệm tích cực nếu đội tuyển chọn cách tiếp cận tích cực hơn. Theo quan sát của tôi, đội tuyển sở hữu đủ nhân sự chất lượng để tạo dựng lối chơi đa dạng và linh hoạt. Nếu tôi nhớ không nhầm, Việt Nam từng chạm trán Nhật Bản tại Asian Cup và gây ra nhiều khó khăn nhờ sự chủ động ngay từ những phút đầu tiên. Đó là yếu tố cần phát huy nhiều hơn nữa. Nó chứng minh họ có thể thực hiện được và đã từng làm tốt dưới thời HLV Park Hang-seo.
- HLV Park hứng chịu nhiều chỉ trích sau những trận đã qua chủ yếu vì sự cứng nhắc trong chiến thuật và lựa chọn nhân sự. Ông có nghĩ như vậy không?
- Sau những kết quả không ưng ý, HLV luôn luôn là tâm điểm chỉ trích của báo chí và công chúng. Đó là lẽ thường trong thế giới bóng đá. Vấn đề nằm ở chỗ, HLV sẽ phản ứng thế nào sau những thất bại đó. Sai lầm cá nhân Việt Nam mắc phải ở những trận đã qua hoàn toàn có đủ thời gian để phân tích và sửa chữa nhờ thời gian tập trung dài.
Như tôi đã nói, cách tiếp cận tập thể của đội còn đơn điệu và giúp đối phương dễ dàng chuẩn bị phương án ứng phó. Việt Nam cần tạo ra yếu tố bất ngờ. Ít nhất, chúng ta khiến đối thủ bối rối và cảm thấy khó chơi. Tôi lấy ví dụ về trường hợp Nhật Bản, đối thủ sắp tới của Việt Nam. Dù được chuẩn bị đấu pháp gì, với tâm lý cửa trên, họ chắc chắn sẽ bất ngờ nếu nhận về sự phản kháng.
Đó có thể đến từ áp lực tầm cao, sự tranh chấp quyết liệt hay cách tiếp cận trực diện ngay từ đầu trận, đẩy đối phương chưa thực sự nóng máy vào thế phải chống đỡ. Đương nhiên, sự bất ngờ này không thể chỉ dừng lại ở vài thời điểm nhất định. Nó còn cần thể hiện xuyên suốt cả trận đấu với tinh thần tích cực và xông xáo. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng nhân sự của đội tuyển. Nhưng để gây ra đủ khó khăn cho đối phương, họ cần định hướng hợp lý từ HLV.
- Lê Văn Đô trở thành cầu thủ sinh năm 2001 đầu tiên được gọi lên tuyển Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
- Trong lần đầu tiên tới Việt Nam hồi tháng 5/2018, tôi có cơ hội theo dõi trận đấu trong khuôn khổ hạng Nhì Quốc gia của CLB Phố Hiến. Thời điểm đó, tôi đã ấn tượng với màn trình diễn của Lê Văn Đô. Dù có tuổi đời còn trẻ và chỉ vào sân từ ghế dự bị, Đô tạo ra khác biệt rõ rệt từ khả năng và kỹ thuật đột biến cá nhân.
Nguyên nhân khiến Đô không được tôi sử dụng, đó là khả năng ứng dụng năng lực cá nhân phục vụ định hướng tập thể. Theo tôi, Đô là mẫu cầu thủ tấn công hàng đầu và tạo ra đột biến thay đổi cục diện. Bộ kỹ năng ấy cần hòa hợp với lối chơi chung. Ở thời điểm ấy, Đô có lẽ chưa đủ chín chắn để điều chỉnh bản thân.
Đối với tôi, cầu thủ xuất sắc là người biết cân bằng trong cả tấn công và phòng ngự. Việc Đô có mặt tại các cấp độ đội tuyển còn tạo ra tác động tới nhóm đồng trang lứa, thúc đẩy họ nỗ lực và khao khát.
HLV Park đang chịu nhiều áp lực trước cơ hội có điểm số đầu tiên. Ảnh: Việt Linh.
HLV Nhật Bản khó thể hiện cá tính
- Ông nghĩ thế nào về màn trình diễn gần đây của tuyển Nhật dưới thời HLV Hajime Moriyasu? Có ý kiến cho rằng Nhật Bản đi xuống do sự thiếu cá tính của Moriyasu?
- Tuyển Nhật Bản đang đối diện với nhiều sức ép sau những kết quả bất lợi gần đây. Nguyên nhân chính tới từ vị trí HLV của Moriyasu. Trình độ của các HLV Nhật Bản không hề thấp, họ là những huấn luyện viên giỏi. Tuy nhiên ở tầm vóc cao như cấp độ ĐTQG, người HLV phải đóng vai trò như người quản lý. Chịu trách nhiệm chuyên môn là một chuyện, làm thế nào để úy lạo, khích lệ cầu thủ phát huy hết năng lực là yêu cầu quan trọng không kém.
Tôi hiểu lãnh đạo JFA cố gắng cổ súy chính sách ưu tiên cho HLV nội địa đảm trách ĐTQG. Nhưng họ cần nhớ sự xuất hiện của các HLV nước ngoài trong lịch sử mới giúp bóng đá Nhật Bản tạo ra khác biệt. Tôi nói như vậy không với mục đích khen ngợi bản thân. Thực tế về bối cảnh văn hóa và xã hội tại Nhật Bản nói riêng và Đông Á nói chung khiến người HLV khó lòng thể hiện hết cá tính.
Một người bản địa sẽ dễ dàng hơn trong vấn đề giao tiếp và chỉ đạo, nhưng bóng đá là môn thể thao toàn cầu. Tôi từng làm việc ở nhiều môi trường khác nhau trên thế giới, ngôn ngữ chưa bao giờ là rào cản lớn trên sân khi trái bóng là ngôn ngữ chung kết nối mọi người. Với các HLV Nhật Bản, thói quen trong nếp sống và suy nghĩ buộc họ phải tiết chế sự bộc lộ cảm xúc, qua đó giới hạn khả năng tạo sức ép lên cầu thủ và giúp cầu thủ tiến bộ hơn.
Không chỉ với trường hợp của Moriyasu mà cả người tiền nhiệm Akira Nishino cũng gặp vấn đề này. Dù Nhật Bản đã vào tới vòng knock-out World Cup, nhưng người ta chỉ nhớ về trận thua ngược phút cuối trước đội tuyển Bỉ mà thôi. Nhật Bản vốn dĩ không thiếu cầu thủ tài năng, nhưng họ không có được sự kích thích và truyền lửa cần thiết từ vị trí người quản lý.
- Việt Nam có cơ hội giành điểm trước Nhật Bản? Liệu HLV Moriyasu có đối diện với nguy cơ bị sa thải nếu không giành chiến thắng?
- Như tôi đã đề cập, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng làm khó Nhật Bản nếu chủ động chọn lựa cách tiếp cận khác biệt. Tôi làm việc và tiếp xúc với môi trường bóng đá Nhật Bản đủ lâu để hiểu họ sẽ bất ngờ và bối rối trước những diễn biến khó lường ngoài chuẩn bị. Phản ứng bị động là điều chắc chắn xảy ra.
Chưa hết, tuyển Việt Nam nắm giữ lợi thế vượt trội về thời gian tập trung quân số dài hạn và liên tục. Trong khi đó, hầu hết cầu thủ Nhật Bản phải vượt quãng đường rất dài từ châu Âu. Với nghĩa vụ thi đấu tại CLB vào cuối tuần, đa số cầu thủ sẽ ở vào trạng thái mỏi mệt và cần hồi phục. Việc đó dẫn tới hệ quả là Nhật Bản có thời gian rất ngắn, có thể chỉ là 1 ngày để rèn luyện chiến thuật.
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi tự tin khẳng định HLV Moriyasu sẽ không bị sa thải. Bổ nhiệm Moriyasu là quyết định tới từ Chủ tịch JFA, ông Kozo Tashima, người đã nắm giữ chức vụ này lâu năm. Ông Moriyasu trên cương vị HLV trưởng không đơn thuần là hành động bổ nhiệm một cá nhân, mà nó biểu tượng cho quyết tâm đặt niềm tin và quảng bá năng lực HLV nội địa.
Đương nhiên, sức ép công chúng là điều không thể tránh khỏi. Với văn hóa Nhật Bản, trong trường hợp thành tích không như ý, HLV Moriyasu sẽ chủ động từ chức. JFA không cần hành động gì cả.
Nếu không thắng tuyển Việt Nam, HLV Moriyasu có thể sẽ từ chức. Ảnh: Quang Thịnh.
- Tuyển Nhật Bản mang đến 9 tấn hành lý, ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự chuẩn bị hậu cần của họ khi mình còn đương nhiệm?
- 9 tấn hành lý và 100 người là những con số mang tính chất phóng đại. Tôi biết số lượng lớn trong đó thuộc về đội ngũ truyền thông và thương mại đi kèm. Mỗi khi Nhật Bản du đấu nước ngoài, đội ngũ này luôn bám sát đội tuyển để cập nhật thông tin và hình ảnh. Ngoài ra, số nhân sự này đông hơn thường lệ có thể tới từ hoàn cảnh HLV Moriyasu đang chịu áp lực lớn về thành tích. Hai trận đấu sân khách tới đây gặp Việt Nam và Oman đóng vai trò quan trọng.
Về khía cạnh chuyên môn, đúng là Nhật Bản đủ năng lực đáp ứng đội ngũ huấn luyện và hậu cần đông đảo. Tuy nhiên, nếu so sánh với thành phần ban huấn luyện mà tôi được tạo điều kiện khi dẫn dắt U19 Việt Nam, số lượng nhân sự không chênh lệch là bao. Nhật Bản chỉ tỉ mỉ hơn ở 2 khía cạnh, dinh dưỡng và chăm sóc y tế mà thôi.
Họ trang bị 2-3 đầu bếp riêng nhằm đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, đồng thời duy trì được hương vị ẩm thực Nhật Bản. Khi còn dẫn dắt tuyển Nhật Bản, tôi không ủng hộ lắm việc này. Tôi muốn các cầu thủ phải thích nghi với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Lúc đó, chưa nhiều cầu thủ Nhật Bản dám ra nước ngoài thi đấu, ngoài Hidetoshi Nakata. Nếu chỉ giữ mãi tư duy bó hẹp về môi trường và điều kiện sinh hoạt, họ không thể vượt ra ngoài phạm vi nội địa.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ hình mẫu Nhật Bản, nhưng dĩ nhiên là trong điều kiện cho phép phù hợp với tiềm lực. Nhật Bản có thể đem theo đầu bếp riêng, nhân viên làm móng hay nha sĩ với mục đích dự phòng cho mọi tình huống xấu nhất, nhưng nó cũng vô tình tạo ra môi trường quá hoàn hảo. Cầu thủ cần được trang bị điều kiện đủ tốt, nhưng cũng cần nếm trải sự gian khổ. Bằng không, họ khó lòng điều chỉnh và lập tức dao động khi khó khăn ập tới trong trận đấu.
- Cảm ơn ông.
- Vì sao ông chia tay bóng đá Việt Nam?
- Sau khi VCK U19 Châu Á của thế hệ 2001-02 bị hủy bỏ, tôi lập tức bắt tay vào chuẩn bị cho thế hệ U19 Việt Nam tiếp theo, với nòng cốt là nhóm cầu thủ 2003-04. Tuy nhiên đơn vị chủ quản PVF có sự thay đổi chủ sở hữu, buộc quan hệ lao động của tôi và PVF đi tới chấm dứt.
VFF đã đưa ra đề nghị trực tiếp với tôi để tiếp tục công việc, với mức đãi ngộ thấp hơn so với những gì tôi nhận ở PVF. Tôi hoàn toàn hiểu điều kiện tài chính của VFF là có hạn, nên tích cực tiếp xúc và tìm kiếm những nhà tài trợ hỗ trợ VFF trả lương. Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nề của Covid đã khiến việc này trở nên khó khăn.
Do vậy, tôi ưu tiên phẫu thuật dứt điểm vấn đề ở đầu gối trái. Hiện nay, tôi có thể đi lại bình thường và đủ khả năng đứng trên sân 2 tiếng. Trong thời gian qua, tôi cũng nhận được một số đề nghị công việc, nhưng trước mắt tôi muốn nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và hồi phục hoàn toàn sức khỏe. Trên hết, tôi chờ đợi cơ hội được quay lại Việt Nam làm việc. Cá nhân tôi vẫn giữ liên hệ trao đổi với các quan chức VFF.
LĐBĐ Nhật Bản chọn Công Phượng trong danh sách 4 cầu thủ tiêu biểu của tuyển Việt Nam
Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) mới có bài viết đánh giá về tuyển Việt Nam trước thềm trận cầu tại vòng loại cuối World Cup 2022.
Tuyển Nhật Bản bước vào cuộc đấu với Việt Nam với mục tiêu phải thắng, bằng không "Samurai xanh" sẽ đối mặt với nguy cơ mất vé dự World Cup 2022. Dù thầy trò HLV Moriyasu được đánh giá cao hơn nhiều nhưng JFA không hề có thái độ chủ quan.
Cụ thể, JFA nói về tuyển Việt Nam: "Việt Nam có sự tiến bộ thần tốc từ khi HLV Park Hang-seo được bổ nhiệm. Các tuyển thủ Việt Nam có kỹ thuật tốt và vô cùng nhanh nhẹn.
Ngoài ra, lối chơi phòng ngự phản công của đội bóng này tỏ ra vô cùng hiệu quả. Họ xây dựng hàng thủ chắc chắn, tích cực pressing đối thủ và thường xuyên tấn công theo chiều dọc sân.
Tuyển Việt Nam từng khiến Nhật Bản gặp khó tại Asian Cup 2019.
Bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo gặt hái được nhiều thành tích, tiêu biểu như ngôi Á quân VCK U23 châu Á 2018. Ngoài ra, họ còn lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 và để thua Nhật Bản ở vòng đấu đó. Dù Việt Nam thua trận nhưng HLV Moriyasu vẫn đánh giá Nhật Bản trải qua một trận đấu không hề dễ dàng".
JFA sau đó chọn ra những gương mặt tiêu biểu bên phía tuyển Việt Nam: "Quế Ngọc Hải chính là trung tâm của hàng thủ tuyển Việt Nam. Trên hàng công, Nguyễn Công Phượng cũng đáng chú ý. Anh chơi khá ổn ở trận đấu Việt Nam gặp Trung Quốc và Oman.
Ngoài ra, tuyển Việt Nam còn có Nguyễn Quang Hải, cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện. Anh ta từng ghi bàn vào lưới Olympic Nhật Bản tại ASIAD 2018.
Trong khi đó, Tiến Linh chính là chân sút tốt nhất của tuyển Việt Nam. Cầu thủ này ghi đến 7 bàn thắng cho "Những chiến binh sao vàng" ở vòng loại World Cup 2022".
Các khán giả sẽ được đến sân để cổ vũ trong các trận đấu của tuyển Việt diễn ra vào tháng 11. JFA tin rằng với lợi thế này, thầy trò HLV Park Hang-seo có thể nghĩ đến chiến thắng đầu tay tại vòng loại cuối World Cup 2022.
Tuyển Nhật Bản đến Việt Nam Hôm nay 8-11, đại quân của đội tuyển số 2 châu Á sẽ đổ bộ đến Hà Nội. 2 ngày trước đó nhóm hậu cần đã sang trước cùng 209 kiện hành lý nặng gần 9 tấn (ĐTVN sang UAE thi đấu 3 trận cuối ở vòng loại thứ 2 mang theo lượng hành lý kỷ lục cũng chỉ 1 tấn). Dù mang...