Phiền toái khi vaccine Covid-19 cần tiêm hai liều
Vaccine Covid-19 có thể yêu cầu tiêm hai liều thay vì một liều mới đạt hiệu quả phòng ngừa, gây nhiều vấn đề về hậu cần và tiêm chủng.
Tới nay, Chiến dịch thần tốc (Warp Speed) do chính quyền Tổng thống Trump phát động nhằm đẩy nhanh phát triển, sản xuất, phân phối vaccine Covid-19 đã hỗ trợ tài chính cho 6 hãng dược phẩm.
Trong đó, “ứng viên” của hai hãng Moderna và Pfizer đang trong giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. 60.000 tình nguyện viên tham gia đều được tiêm hai liều vaccine. Khoảng cách giữa hai đợt tiêm của Moderna là 28 ngày, Pfizer là 21 ngày.
Hãng AstraZeneca dự kiến bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba trong năm nay. Trong giai đoạn một và hai trước đó, người dùng cũng được tiêm thử hai liều, cách nhau 28 ngày.
Tương tự, Novavax, dù chưa bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba, các khâu trước đó đều thử nghiệm hai liều vaccine mỗi lần.
Johnson & Johnson có kế hoạch tương tự trong thử nghiệm sắp tới.
Việc một người cần hai liều vaccine nCoV không nằm ngoài dự đoán. Nhiều loại vaccine đang lưu hành, như tiêm phòng thủy đậu, viêm gan A ở trẻ nhỏ, ngừa zona ở người lớn đều yêu cầu hai liều. Thậm chí, trẻ em cần đến năm liều vaccine DtaP để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà.
Video đang HOT
Vaccine Covid-19 tại Nga, phát triển tại Viện Gamaleya, cần hai liều tiêm, cách nhau 28 ngày. Ảnh: AFP
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trước sự xuất hiện của một loại virus cúm mới đầu năm 2009, chương trình tiêm chủng cho 161 triệu người Mỹ trong một vài tháng diễn ra thành công.
“Chắc chắn tiêm chủng Covid-19 sẽ là chương trình phức tạp, quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người, đòi hỏi mức độ nỗ lực mà chúng tôi chưa từng trải qua”, Kelly Moore, giáo sư luật sức khỏe tại Đại học Vanderbilt nói. “Song, tôi có niềm tin chúng ta sẽ làm được, dù gặp rất nhiều thử thách và cần hợp tác lớn để đạt hiệu quả”.
Một trong những thử thách đầu tiên là khâu hậu cần. Sản xuất 660 triệu liều vaccine cho 330 triệu người Mỹ không hề dễ dàng.
“Với vaccine hai liều, chúng ta phải tăng sản lượng gấp đôi so với tiêm đơn liều. Đây là vấn đề lớn cho chuỗi cung ứng”, Nada Sanders, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Northeastern, cho biết. Bà nhấn mạnh mọi công đoạn trong chuỗi cung ứng cũng cần được đáp ứng gấp đôi.
“Chúng ta có thể tăng gấp đôi ống tiêm không? Rồi các lọ chứa, nắp lọ, kim tiêm, ta có thể tăng hai lần không? Nguồn nhân lực tham gia sản xuất, phân phối vaccine cũng cần gấp đôi, và đảm bảo tất cả các mắt xích hoàn thành kịp thời để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Sanders bày tỏ lo lắng nước Mỹ tới nay gặp rất nhiều vấn đề hậu cần khi đối phó với dịch Covid-19, gồm sự chậm trễ trong làm xét nghiệm, khó khăn trong cung cấp đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Hơn thế, Mỹ vốn đã thiếu vaccine Shingrix phòng zona ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
“Còn tồn tại rất nhiều điểm yếu trong chuỗi cung ứng này, rất nhiều. Nếu không giải quyết ngay lập tức, khả năng thất bại trong chương trình tiêm chủng là rất cao”, bà cho biết.
Ngoài ra, thuyết phục tất cả công dân Mỹ đi tiêm chủng hai lần không dễ dàng. Trong một cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 8, 40% người Mỹ nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine, ngay cả khi việc tiêm chủng miễn phí và dễ tiếp cận.
Với những người mong muốn được tiêm chủng, phải tiêm vaccine vào hai lần khác nhau cũng là một trở ngại. Họ cần nhớ chính xác lịch tiêm chủng, nghỉ làm hai buổi, xếp hàng chờ đợi hai lần và rất có thể gặp lại các tác dụng phụ sau tiêm, như sốt, đau nhức cơ.
Giáo sư Nelson Michael, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Các bệnh Truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, cho biết có thể cân nhắc tới từng hộ gia đình tiêm vaccine cho người dân thay vì tổ chức các điểm tiêm chủng cần tập trung đông người.
Australia sẽ cung cấp vaccine nCoV miễn phí cho dân
Australia đặt hàng trước vaccine nCoV do AstraZeneca và Đại học Oxford đang phối hợp phát triển, đảm bảo cung cấp miễn phí cho người dân khi sản phẩm hoàn thiện.
Chính phủ Australia đã công bố thỏa thuận ký với nhà sản xuất AstraZeneca để cung cấp miễn phí vaccine Covid-19 tiềm năng cho toàn bộ dân số nước mình. Đây là quốc gia thứ ba trên thế giới chính thức đặt hàng trước các lô vaccine tiềm năng nếu các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối thành công.
"Ứng viên" được Australia đặt hàng là đại diện do AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển, thử nghiệm. Hiện "ứng viên" này đã tiến tới bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên diện rộng với sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên.
Theo thỏa thuận, chính phủ Australia sẽ sản xuất vaccine và cung cấp liều miễn phí cho tất cả công dân. Thủ tướng Scott Morrison cho biết: "Vaccine Oxford là một trong những 'ứng viên' có sự phát triển nhanh chóng, cho thấy hiệu quả khả quan và là một trong những đại diện sáng giá nhất trên thế giới, tính tới hiện tại. Theo thỏa thuận này, chúng tôi đảm bảo mọi cư dân đều được tiếp cận vaccine sớm nhất có thể. Nếu vaccine này thành công, chúng tôi sẽ sản xuất và cung cấp chúng ngay lập tức bằng nguồn lực của chính chúng tôi, miễn phí cho 25 triệu người dân Australia".
Mặt khác, vị Thủ tướng Australia cũng nhận định rằng không có gì đảm bảo "ứng viên" này hay bất kỳ loại vaccine nào khác sẽ đạt đến thành công. Đó là lý do họ vẫn đang tiếp tục thảo luận với nhiều đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine nCoV khác trên thế giới, đồng thời ủng hộ các nhà nghiên cứu nội địa tăng tốc tìm ra vaccine.
Thủ tướng Scott Morrison trong chuyến thăm các phòng thí nghiệm của hãng dược AstraZeneca ở Sydney, Australia, ngày 19/8. Ảnh: CNN.
Phát biểu hôm 19/8, Thủ tướng Australia Morrison thừa nhận rằng đã có "trở ngại lớn" trong việc sản xuất một loại vaccine nếu nó thành công. Ông nhận định dự án nghiên cứu của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca là "một trong những đối tượng triển vọng nhất trên thế giới hiện nay".
Thỏa thuận sản xuất vaccine tiềm năng giữa Australia và AstraZeneca vẫn đang trong giai đoạn đầu. Một thỏa thuận chính thức cuối cùng ở giai đoạn sau sẽ đưa ra các chi tiết cụ thể hơn như giá cả và cách thức phân phối. Chính phủ Australia trước đó cũng khẳng định rằng họ sẽ chi hàng tỷ USD cho chiến lược vaccine của mình.
Chia sẻ với một đài phát thanh địa phương, Thủ tướng Morrison cho biết Australia đặt mục tiêu có 95% dân số được tiêm chủng. Số còn lại sẽ là những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt, ảnh hưởng đến khả năng tiêm chủng của họ. Song sau đó vị Thủ tưởng đã đính chính lại và cho biết chính phủ không ép buộc bất kỳ ai tiêm vaccine, nhưng họ được khuyến khích làm vậy để bảo vệ bản thân, người thân, bạn bè và những người xung quanh.
Trump sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về vaccine nCoV Tổng thống Donald Trump ngày 21/7 bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước khác để đưa vaccine Covid-19 được nghiên cứu thành công tới Mỹ. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai mang đến cho chúng tôi một kết quả tốt", Trump nói tại họp báo khi được hỏi liệu chính quyền có cân nhắc...