Phiên tòa tai biến chạy thận: Chứng cứ ‘đầu độc, giết người’ chỉ là suy luận cá nhân
Chủ tọa phiên tòa cho biết, những “chứng cứ mới về vụ đầu độc giết người” mà luật sư Phạm Quang Hưng đề nghị cung cấp thực chất chỉ là đơn xem xét trình bày những suy luận của vị này.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa ẢNH PHI HÙNG
Sáng 21.1, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục.
Bắt đầu phiên tòa, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh thông báo về việc tiếp nhận yêu cầu cung cấp chứng cứ mới của luật sư Phạm Quang Hưng, bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) vào cuối phiên xét xử ngày 19.1, cho rằng có dấu hiệu của một vụ “đầu độc, giết người” trong sự cố hồi tháng 5.2017.
Chủ tọa cho biết, ngày 19.1 nhận được yêu cầu của luật sư Phạm Quang Hưng về việc cung cấp chứng cứ mới, cho rằng có việc đầu độc, nguyên nhân khác dẫn tới sự cố tai biến trong vụ chạy thận ngày 29.5.2017. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã làm thủ tục tiếp nhận yêu cầu này với sự có mặt của đại diện Viện kiểm sát.
“Tuy nhiên, luật sư Hưng đã không đưa ra chứng cứ tài liệu gì mà chỉ có đơn xem xét với việc đưa ra những suy luận cho rằng, tồn dư axít dẫn tới sự cố là nguyên nhân khác. Tất cả chứng cứ luật sư dùng cho suy luận của mình đều có trong hồ sơ vụ án. HĐXX đã thông báo cho Viện kiểm sát biết về nội dung này”, ông Nghiêm Hoài Anh cho hay và đề nghị đại diện Viện kiểm sát cho biết ý kiến.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.Hòa Bình cho biết, qua kiểm tra đánh giá nội dung này, Viện kiểm sát cho rằng, luật sư không có chứng cứ giao cho HĐXX mà chỉ có bản đề nghị xem xét lại hướng điều tra vụ án. Đây là quan điểm, phân tích mang tính cá nhân đối với kết quả giám định điều tra vụ án.
Vị này cũng cho hay, yêu cầu của luật sư Hưng cũng dẫn đến cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin dẫn tới dư luận hiểu sai bản chất vụ án. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị tòa tiếp tục làm việc, xét xử vụ án và có hình thức xử lý luật sư Phạm Quang Hưng cũng như nhắc nhở chung các luật sư khi có chứng cứ thì giao cho HĐXX đảm bảo thời gian xét xử, tránh kéo dài.
Tiếp tục có ý kiến, luật sư, khẳng định rằng việc đưa ra chứng cứ là chứng cứ mới vì tại trang 6, trang 7 của cáo trạng có nói, nước ở tank số 2 của hệ thống nước RO tồn dư hóa chất HF được truyền tới máy chạy thận là nguyên nhân dẫn tới tai nạn ngày 29.5. Tuy nhiên, theo luật sư này, kết luận giám định không nêu trong hệ thống RO tồn dư hóa chất HF mà chỉ nêu trong can nhựa 20 lít có tồn dư hóa chất…
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đã ngắt lời ông Hưng và đề nghị ông Hưng ngồi xuống, không tiếp tục trình bày.
“HĐXX thấy rằng, các tài liệu chứng cứ luật sư cho rằng có để cung cấp thì không cung cấp được. Cái luật sư cho rằng chứng cứ mới thì có trong hồ sơ vụ án nên hoàn toàn không có chứng cứ mới”, chủ tọa phiên tòa nhắc lại.
Từ đó, chủ tọa nhắc nhở luật sư, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, HĐXX đã đề nghị các luật sự có quyền cung cấp đồ vật, tài liệu để HĐXX xem xét để xem xét vụ án được khách quan toàn diện.
Tuy nhiên, việc luật sư yêu cầu cung cấp chứng cứ mới nhưng lại không đưa ra chứng cứ mới sẽ ảnh hưởng tới việc xét xử, ảnh hưởng tới nhận thức của dư luận.
“Luật sư khi phát ngôn khi yêu cầu cung cấp chứng cứ tránh sự mập mờ dẫn đến công luận nhân dân có thể suy diễn, hiểu không đúng. Đối với những suy luận riêng, các luật sư có thể dành để trình bày ở phần tranh luận chứ không nêu ra như một chứng cứ mới để HĐXX phải xem xét”, chủ tọa phiên tòa kết luận.
Video đang HOT
Sau khi thông báo về việc tiếp nhận yêu cầu cung cấp chứng cứ mới của luật sư Phạm Quang Hưng, tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, vào chiều ngày 19.1, luật sư Phạm Quang Hưng đã tuyên bố đang có chứng cứ cho thấy đây là một vụ “đầu độc, giết người” và đề nghị được cung cấp cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tòa sau đó đã tuyên bố nghỉ phiên xét xử để luật sư này cung cấp chứng cứ mới.
Theo TNO
Xét xử vụ chạy thận: Đại diện Thiên Sơn tranh luận nảy lửa với Chủ tọa
Phiên tòa xét xử vụ án hình sự liên quan đến sự cố y khoa trong chạy thận đang được TAND TP Hòa Bình xét xử công "nóng" hơn khi HĐXX đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với đại diện của CTCP Dược phẩm Thiên Sơn vào chiều 17/01.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương là người đại diện của CTCP Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) tại phiên tòa (bà Hương cũng là luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn -Giám đốc Công ty Thiên Sơn).
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương trả lời HĐXX chiều 17/01.
"Nếu nói Thiên Sơn bán thầu thì cả nước này bán thầu!"
Với tư cách là người đại diện cho Công ty Thiên Sơn, luật sư Đinh Hương trả lời HĐXX những vấn đề liên quan đến việc cho thuê máy chạy thận, Hợp đồng số 315 (HĐ 315) giữa Công ty Thiên Sơn với BVĐK tỉnh Hòa Bình và Hợp đồng số 05 (HĐ 05) giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh về việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình (hai hợp đồng không khác nhau về nội dung yêu cầu công việc, chỉ khác nhau về mức giá).
Bà Hương khẳng định, ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) lên BVĐK tỉnh Hòa Bình để thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO số 2 là để thực hiện HĐ 05 ký giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh.
Trình bày rõ về nội dung HĐ 05, luật sư Đinh Hương cho biết, mục đích của Công ty Thiên Sơn mời Công ty Trâm Anh tham gia thực hiện hợp đồng đối với BVĐK tỉnh Hòa Bình. Chính vì vậy, việc Quốc lên khảo sát là để sau này Công ty Thiên Sơn có ký hợp đồng sửa chữa tại BVĐK tỉnh Hòa Bình sẽ có cơ sở để đối chiếu những yêu cầu của Bệnh viện với thực tế người sẽ làm với Công ty Thiên Sơn. Chính vì vậy, sau này Quốc gửi báo giá trao đổi nhiều lần với Công ty Thiên Sơn, báo giá để làm căn cứ thực hiện HĐ 05 có trước báo giá của Thiên Sơn gửi cho BVĐK Hòa Bình.
HĐXX hỏi luật sư Đinh Hương về việc Công ty Thiên Sơn có thông báo cho BVĐK tỉnh Hòa Bình về HĐ số 05 hay không, bà Hương trả lời: "Công ty Thiên Sơn là một doanh nghiệp, không có trách nhiệm phải báo cho đối tác của mình".
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (áo trắng đeo kính), Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn.
HĐ 315 giữa Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình được ký kết căn cứ trên cơ sở Luật Đấu thầu. Tại Điều 89 của Luật này quy định cấm hành vi bán thầu. Tuy nhiên, Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh cho rằng Tòa chưa quy kết việc Thiên Sơn ký HĐ 315 với bệnh viện, sau đó lại ký tiếp HĐ 05 với Công ty Trâm Anh có phải là hành vi "bán thầu" hay không.
Theo quan điểm của bà Hương, không thể quy kết hành vi "bán thầu", vì trong Hợp đồng 315 có 3 phần việc: Cung cấp vật tư; cung cấp dịch vụ; và thu chi hộ, tức là một dịch vụ của đơn vị khác cung cấp.
"Một doanh nghiệp kinh doanh một mặt hàng, đương nhiên doanh nghiệp đấy có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Ví dụ như cái micro này, nếu cứ phải là sản xuất ra micro tôi mới được bán thì cả nước bán thầu. Quan điểm của tôi là Công ty Thiên Sơn không bán thầu mà ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện Hợp đồng 315", luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương nói.
Bà Hương khẳng định: Công ty Thiên Sơn không giao cho bị cáo Quốc Hợp đồng 315, bị cáo Quốc thực hiện Hợp đồng 05 với Công ty Thiên Sơn, nội dung công việc được thể hiện theo Hợp đồng 05 và theo báo giá giữa hai bên.
Màn tranh luận "nảy lửa" giữa luật sư và Chủ tọa phiên tòa
Công ty Thiên Sơn ký 4 hợp đồng cho thuê máy chạy thận với BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong 4 hợp đồng này, có 13 máy chạy thận để BVĐK tỉnh Hòa Bình thuê, hiện nay Công ty Thiên Sơn chỉ còn 02 hợp đồng cho thuê máy chạy thận với 5 máy sở hữu của Công ty Thiên Sơn.
Luật sư tranh luận: "Đề nghị HĐXX không sử dụng cụm từ "liên danh liên kết" ở đây. Bởi vì hợp đồng ban đầu (Hợp đồng số 64) có tên "liên danh liên kết" đã được thanh lý vào ngày 11/5/2015. Hợp đồng ký kết giữa hai pháp nhân đã được thanh lý rồi thì không còn phát sinh bất cứ một quyền và nghĩa vụ gì, nhưng hiện nay tôi thấy HĐXX đang làm bất lợi cho Công ty Thiên Sơn ở chỗ sử dụng một hợp đồng không còn hiệu lực pháp luật để quy kết cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn. Tôi phản đối và đề nghị HĐXX không sử dụng những từ ngữ mang tính quy kết như thế".
Bị cáo Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình rời tòa vào cuối giờ chiều 17/01.
Trên thực tế chỉ có 01 hợp đồng ban đầu có tên "Hợp đồng liên danh liên kết", 02 hợp đồng còn hiệu lực hiện nay lần lượt về việc "đặt trang thiết bị máy chạy thận" và "đặt trang thiết bị máy chạy thận nhân tạo". Cả hai hợp đồng này không có cụm từ "liên danh liên kết" và không có nội dung yêu cầu cử kỹ thuật viên có mặt tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Bà Hương giải thích "Hợp đồng đặt máy" có nghĩa là Công ty Thiên Sơn cho BVĐK tỉnh Hòa Bình thuê máy chạy thận với hình thức thuê mua. Đây là hình thức giống như mua trả góp, sau một thời hạn nhất định, Thiên Sơn bàn giao máy chạy thận cho bệnh viện sở hữu.
Quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định cụ thể ở trong hợp đồng. Trong đó có nội dung "Bên B" (Công ty Thiên Sơn) cử kỹ sư huấn luyện, vận hành và sửa máy căn bản cho kỹ sư của "Bên A" (bệnh viện).
"Nghĩa là trong thời gian máy chạy thận vẫn thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn thì bất cứ một hỏng hóc gì và có sự cố gì của máy thì BVĐK tỉnh Hòa Bình phải gọi Công ty Thiên Sơn lên sửa chữa. Không có điều khoản nào bắt buộc phải có kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty Thiên Sơn phải trực ở bệnh viện. Mọi chi phí phát sinh về vấn đề sửa máy do Công ty Thiên Sơn chịu".
Trong 3 hệ thống RO tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, hệ thống RO số 2 là do Thiên Sơn trúng thầu năm 2010. Tại gói thầu đó, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã mời một đơn vị tư vấn giám sát, Thiên Sơn là nhà cung cấp thiết bị. Gói thầu này được thanh lý ngày 18/11/2011 và Công ty không còn trách nhiệm bảo hành.
Trong khi đó, máy chạy thận không liên quan đến bất cứ một thành phần nào khác, trong đó có hệ thống RO. Việc trang bị vật tư hoặc điều kiện để máy chạy thận vận hành được là do BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Theo bà Hương, BVĐK tỉnh Hòa Bình là bệnh viện công, thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Công ty Thiên Sơn là một doanh nghiệp kinh doanh, 100% vốn tư nhân, hoạt động kinh doanh để sinh lợi nhuận, phục vụ lợi ích của công ty, không phục vụ lợi ích của BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (bên phải) rời Tòa cuối giờ chiều 17/01.
Tiếp tục đặt câu hỏi về việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO, HĐXX đặt câu hỏi với bà Hương:
HĐXX: Khi bị cáo Quốc lên sửa chữa hệ thống RO ngày 28/5/2017, Công ty Thiên Sơn có cảnh báo gì với Quốc không?
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương: Công ty Trâm Anh có đầy đủ năng lực và Quốc là người có kinh nghiệm để thực hiện việc này, nên Công ty Thiên Sơn không có nghĩa vụ phải nhắc nhở đối tác của mình phải làm việc. Thậm chí, Quốc còn có kinh nghiệm và khả năng tốt hơn để làm việc này.
HĐXX: Công ty Thiên Sơn có yêu cầu Quốc phải sử dụng các loại hóa chất gì hay không?
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương: Công ty Thiên Sơn không yêu cầu Quốc sử dụng cái gì để sục rửa mà chỉ nghiệm thu bằng kết quả công việc của hợp đồng. Có nghĩa là Quốc phải làm đầy đủ nội dung theo thỏa thuận với Công ty Thiên Sơn, phải chịu trách nhiệm với Công ty Thiên Sơn về việc thực hiện nội dung hợp đồng. Khi làm xong nếu thấy Quốc đã thực hiện đầy đủ đúng quy định của hợp đồng thì Công ty Thiên Sơn mới nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.
HĐXX: Trong quá trình Quốc thực hiện công việc, công ty Thiên Sơn có nghĩa vụ cử người giám sát hay không và sau đó có kiểm tra giám sát Quốc không?
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương: Công ty Thiên Sơn kiểm tra Quốc bằng kết quả công việc. Từ thời điểm Quốc đến bệnh viện làm việc cho đến khi Công ty Thiên Sơn nhận thông tin xảy ra sự cố, Quốc chưa có bất kỳ thông báo gì về việc đã thực hiện công việc đến đâu, và Công ty Thiên Sơn tin là Quốc chưa thực hiện xong công việc.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty Trâm Anh.
HĐXX: Các bác sỹ có khai tại phiên tòa là nếu dừng hệ thống RO thì có thể tạo mảng bám, phát sinh vi khuẩn gây nguy hiểm cho việc chạy thận, quan điểm của bà như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương: Theo tôi biết BVĐK tỉnh Hòa Bình có hai hệ thống RO số 1 và RO số 2 đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận cho 19 máy chạy thận. Nếu trong trường hợp không thể dùng một hệ thống, như tôi đã được nghe ở các lời khai của các bị cáo, thì BVĐK tỉnh Hòa Bình phải di chuyển bệnh nhân đi chỗ khác để chạy. Nếu vẫn sử dụng cả hai hệ thống khi chưa bàn giao sửa chữa xong thì thảm họa sẽ xảy ra liên tục chứ không phải chỉ xảy ra 1 lần. Cái này là trách nhiệm thuộc về bệnh viện, thuộc về những người thực hiện các nội dung cụ thể của bệnh viện, Công ty Thiên Sơn không có quyền can thiệp và cũng không thể can thiệp.
HĐXX: Quyết định việc dừng hay chạy thì Công ty Thiên Sơn có bao giờ can thiệp vào việc chạy thận của bệnh viện hay không?
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương: Công ty Thiên Sơn chỉ là đối tác của BVĐK tỉnh Hòa Bình, không có thẩm quyền can thiệp vào bất cứ một việc gì liên quan đến BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong lời khai của bị cáo Trương Quý Dương ( nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình - PV) đã thể hiện rõ.
Theo infonet
Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục bị đề nghị truy tố Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung lần 3, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong. Bị can Hoàng Công Lương. Ảnh: Đình...