Phiến quân tại Iraq chiếm thêm thành phố từ tay quân chính phủ
Chiến sự tại Iraq giữa quân đội và những phần tử Hồi giáo cực đoan vẫn tiếp tục leo thang, khi thành phố Tal Afar dường như đã thất thủ. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục để ngỏ mọi khả năng can thiệp, bao gồm cả đối thoại trực tiếp với nước láng giềng Iran.
Thông tin được các quan chức và người dân địa phương khẳng định với báo giới. Theo đó, thành phố Tal Afar ở phía Bắc, gần với biên giới Syria, đã bị các phiến quân Hồi giáo chiếm giữ.
Nhiều người Hồi giáo dòng Shia đã đăng ký tham gia lực lượng an ninh
Trước đó, những tay súng thuộc phong trào nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIS) đã chiếm được các thành phố quan trọng, gồm Mosul và Tikrit, trước khi bị quân chính phủ đẩy lùi tại một vài thị trấn.
Video đang HOT
Người đứng đầu cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc cho biết, có thông tin cho thấy “những vi phạm lớn về nhân quyền”, bao gồm cả việc xử tử dân thường.
Trong khi đó, Mỹ cho biết có thể sử dụng máy bay không người lái để không kích, chặn đà tiến quân của các phần tử nổi loạn.
“Đây không phải là toàn bộ giải pháp, nhưng có thể là một trong những lựa chọn quan trọng”, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói. “Khi người dân bị sát hại, chúng ta phải ngăn chặn điều đó. Và chúng ta cần làm những gì cần thiết, cho dù đó là không kích hay các giải pháp khác”.
Ông Kerry cũng cho biết thêm rằng Mỹ cũng để ngỏ khả năng đối thoại trực tiếp với Iran về tình hình Iraq.
Lực lượng an ninh Iraq đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi các phần tử Hồi giáo cực đoan
Trước đó Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng cho biết có thể xem xét hợp tác nếu Mỹ có hành động.
Hiện tàu sân bay USS George HW Bush của Mỹ đã được triển khai tới vùng Vịnh, và được hộ tống bởi hai tàu chiến khác. Nhưng Washington khẳng định sẽ không triển khai binh sỹ trên bộ.
Cư dân tháo chạy khỏi vùng giao tranh
Các cuộc giao tranh tại Tal Afar đã bắt đầu từ hôm Chủ Nhật, với các vụ nã pháo vào một số quận khi các phần tử Hồi giáo tìm cách tiến vào thành phố này.
Tal Afar, với dân số gồm cả người Hồi giáo dòng Sunni và Shia, và một số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, nằm giữa Mosul và biên giới với Syria.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, một người dân địa phương khẳng định với hãng tin AP rằng, các chiến binh đi trên những chiếc xe bán tải, mang súng máy và cắm cờ thánh chiến đã chạy khắp các tuyến phố khi có tiếng súng nổ.
“Các cư dân đang bị nỗi sợ bao trùm, và hầu hết đã rời bỏ thành phố tới các khu vực do lực lượng an ninh người Kurd kiểm soát”, ông Hadeer al-Abadi nói trong lúc chuẩn bị cùng gia đình rời đi.
Thị trưởng Tal Afar, ông Abdulal Abdoul khẳng định với hãng tin AP rằng thành phố với 200.000 dân này đã bị chiếm giữ rạng sáng nay (16/6), gần một tuần sau khi ISIS bắt đầu những cuộc tiến quân chớp nhoáng, chiếm giữ thành phố Mosul, lớn thứ hai của Iraq.
Nhưng chính quyền Baghdad thì một mực khẳng định thành phố này hầu hết vẫn do lực lượng chính phủ kiểm soát. Một tướng tư lệnh tại địa phương khẳng định ông dự kiến sẽ hoàn tất việc tiễu trừ các tay súng của ISIS trong vòng vài giờ tới.
Theo dantri