Phiến quân IS tuyệt vọng vì thiếu bác sĩ
Một phiến quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) khẩn thiết kêu gọi các y bác sĩ gia nhập nhóm cực đoan này khi nhiều thành viên mất mạng do không được điều trị đầy đủ.
Omar Hussain. Ảnh: Telegraph
“Khi cuộc chiến ở Syria nổ ra, nhiều bác sĩ đã bỏ trốn đến sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước khác. Điều này khiến số lượng bác sĩ còn lại để chữa trị cho những người bị thương trở nên thiếu thốn”, Omar Hussain, 27 tuổi, than thở trong một lá thư ngỏ.
Phiến quân người Anh cho hay các học viên y tế buộc phải đảm nhận vai trò đào tạo cho những người khác cách điều trị. Nhiều phiến quân không có chuyên môn cũng bất đắc dĩ phải hỗ trợ các ca phẫu thuật, dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình cứu chữa.
“Các anh không cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực của mình để tạo ra sự khác biệt ở đây, thậm chí những người mới học nghề một hoặc hai năm cũng rất hữu ích”, Hussain viết. “Các anh có thể nhận lương cao ở phương Tây nhưng đằng sau những phần thưởng lớn đó là gì? Mức lương ở đây có thể không nhiều như các anh được nhận ở phương Tây nhưng chúng ta sống vì cuộc đời này hay vì tương lai? Tiền bạc có quan trọng hơn sự sống của anh em Hồi giáo các anh không?”.
Theo trang web Vocativ, lá thư được đăng tải lên mạng từ hồi tháng 4 năm ngoái nhưng đến gần đây mới được dịch và lan truyền trên các diễn đàn trực tuyến.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết có ít nhất 17 bác sĩ là công dân nước này, đang học tại đại học Y khoa và Công nghệ Sudan (UMST), đã gia nhập IS. Một nhóm khác gồm 5 người cũng được cho là đã vượt biên đến lãnh thổ do IS chiếm đóng hồi tháng ba năm ngoái cùng nhóm trên.
Cả hai nhóm đều do Mohammed Fakhri, 25 tuổi, tuyển mộ. Fakhri theo học ngành y nhưng cũng đóng vai trò là người tuyển mộ các y bác sĩ Anh cho IS.
Dù nhóm cực đoan đã dụ dỗ nhiều bác sĩ từ các nước như Australia, Nga, Libya, Arab Saudi, nhưng đội ngũ y tế chữa trị cho các phiến quân IS vẫn thiếu hụt trầm trọng.
Fakhri, người được cho là đang sống tại thành trì Raqqa của IS ở Syria, từng thừa nhận điều này: “IS nhận ra rằng trong các lĩnh vực như y tế, những người không theo Hồi giáo có trình độ cao hơn”.
Video đang HOT
Bộ Ngoại giao Anh gần đây đã cử một nhóm chuyên trách, trong đó có lãnh tụ Hồi giáo London Luqman Ali, đến Sudan để thuyết phục các y bác sĩ không đi theo lời kêu gọi của IS. Một số bậc phụ huynh cũng rút con em mình khỏi trường UMST.
Hussain từng sống với mẹ và làm bảo vệ cho một chuỗi siêu thị lớn ở Anh trước khi bỏ trốn sang Syria. Tên này từng gây chú ý hồi năm ngoái sau khi đăng tải nhiều hình ảnh về cuộc sống thường ngày, chia sẻ rằng mình đang cô đơn cũng như bày tỏ khát khao có một người vợ.
Được gọi là “chiến binh cô đơn nhất”, Hussain thường xuyên được các thủ lĩnh IS lợi dụng trong các hoạt động tuyên truyền, dụ dỗ phụ nữ gia nhập IS.
Anh Ngọc
Theo VNE
Tâm sự của kẻ trốn khỏi nhóm khủng bố đáng sợ nhất thế giới
Chứng kiến những hành động quá máu lạnh của Nhà nước Hồi giáo, một tay súng từng từng cảm thấy thỏa mãn với những gì đạt được đã phải thay đổi suy nghĩ, tìm mọi cách để trốn chạy.
Các tay súng IS diễu hành trên đường phố Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters
"Nghe có vẻ thuyết phục đấy", Abu Ibrahim, chàng trai 22 tuổi người Syria, tự lẩm nhẩm khi vừa kết thúc một khóa đào tạo tân binh do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tổ chức hồi tháng 10 năm ngoái. Ibrahim ngay sau đó gia nhập nhóm cực đoan máu lạnh bậc nhất thế giới này. Những ngày tháng đầu tiên Ibrahim sống dưới lá cờ đen IS, đóng quân lần lượt ở Raqqa và Aleppo, trôi qua khá bình lặng.
Một mực theo đuổi
Bởi chưa từng chiến đấu cùng bất kỳ nhóm cực đoan nào trước khi tham gia hàng ngũ IS nên Ibrahim được coi là một thành viên lý tưởng. Lãnh đạo cấp cao của IS thường tỏ ra nghi ngờ và thận trọng khi chiêu mộ tay súng từ các nhóm khác vì sợ rằng những người này sẽ không có đủ quyết tâm và lòng trung thành để gây dựng nên một nhà nước Hồi giáo đích thực.
Vì có mối quan hệ tương đối tốt với các lãnh đạo địa phương nên Ibrahim được đảm nhận một vị trí thuộc bộ phận an ninh của IS ở Raqqa. Đây là đơn vị quan trọng bậc nhất bên trong tổ chức, có nhiệm vụ kiểm soát những vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng, đồng thời đảm bảo sự an toàn của nhóm cũng như các chỉ huy.
"Tôi không rõ vì sao họ lại chọn mình", Foreign Policy dẫn lời Ibrahim nói. "Nhưng điều đó không quan trọng vì đây là một vị trí khá ổn".
Ngoài việc nắm trong tay quyền điều hành ở một mức độ giới hạn, Ibrahim còn hưởng lương 250 USD mỗi tháng. Ban đầu, nhờ có chút hiểu biết về công nghệ thông tin nên Ibrahim được giao thực hiện công việc kiểm tra email, tin nhắn và dữ liệu trong máy tính của những con tin hay tù nhân bị bắt giữ. Không lâu sau, Ibrahim chuyển tới Deir Ezzor. Tại đây, Ibrahim nhận trách nhiệm thu thập thông tin tình báo bằng cách đi khắp thành phố, nói chuyện với người dân và xem họ đang bàn tán chuyện gì.
"Tôi thường đến hiệu cắt tóc để nghe ngóng trong lúc xếp hàng", Ibrahim cho hay. "Tôi cũng hay lui tới các nhà thờ Hồi giáo nữa".
Tuy nhiên, việc gia nhập IS đã hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ giữa Ibrahim với gia đình. Cha anh ta không thể chấp nhận những luận điệu và giáo lý cực đoan của IS. Không ai trong số anh chị em, họ hàng của Ibrahim, tham gia cuộc chiến.
"Cha tôi bảo ông sẽ làm tất cả mọi thứ để tôi rời tổ chức", Ibrahim nói. "Ông ấy thậm chí còn hứa giúp tôi tìm một cô gái xinh đẹp để lấy làm vợ. Mọi phí tổn đám cưới sẽ do ông chịu nhưng tôi chẳng quan tâm".
Ibrahim khước từ đề nghị của cha vì không muốn chối bỏ những người "đồng chí" của mình trong tổ chức. "Điều mà tôi thích thú nhất ở Daesh chính là tình bạn giữa các tay súng", Ibrahim nói, sử dụng tên gọi bằng tiếng Arab của IS. "Mọi người đến từ các quốc gia khác nhau nhưng không hề tồn tại sự phân biệt", Ibrahim nói.
Cơ sở của mối liên kết này không nằm ở đức tin. Mặc dù IS sở hữu lượng lớn thành viên là những kẻ sùng đạo nhưng cũng có người gia nhập chỉ vì tiền. "Họ sẵn sàng cải đạo sang Thiên Chúa giáo nếu được trả hậu hĩnh", Ibrahim cho biết.
Giới chuyên gia trước đây cho rằng thành viên IS hầu hết đều là những kẻ cuồng tín. Song, những điều mà Ibrahim tiết lộ đã chứng minh thực tế còn phức tạp hơn thế. Theo Ibrahim, nhiều người gia nhập IS chỉ vì tuyệt vọng, họ không phải những tín đồ đích thực.
Một số thành viên gốc Syria của IS từng chiến đầu trong hàng ngũ Quân đội Syria Tự do, tổ chức tập hợp những binh sĩ đào tẩu và dân thường tình nguyện với mục tiêu lật đổ chính quyền tại Syria bằng con đường bạo lực. Họ bị vỡ mộng khi mọi nỗ lực cùng sự hy sinh của mình không được đền đáp và tìm đến IS như một cứu cánh.
IS thu phục những người này bằng một "giao kèo ác quỷ", theo Foreign Policy. Để nhận hỗ trợ tài chính, họ phải tiếp thu cả hệ tư tưởng lệch lạc của chúng. Ibrahim không quan tâm đến việc phải đứng dưới lá cờ nào. Điều anh này mong muốn chỉ là được chiến đấu chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và giành chiến thắng.
Trốn chạy bằng mọi giá
Ibrahim cuối cùng vẫn phải hứng chịu nỗi thất vọng sâu sắc bởi những gì anh ta chứng kiến sau khi tham gia IS. Ibrahim rất bất mãn với cách mà IS đối xử với dân chúng địa phương. Các tay súng, đặc biệt là người ngoại quốc, coi dân thường như những người thuộc tầng lớp bần cùng của xã hội. "Tôi căm ghét điều đó", Ibrahim chia sẻ. "Tôi cũng ghét cả việc người dân căm thù tôi vì tôi là thành viên IS".
Ibrahim bắt đầu hiểu ra rằng dù có chung một mục tiêu nhưng các triết lý cơ bản của IS hoàn toàn không phù hợp với anh. Vài chiến binh người Syria khác thuộc tổ chức cũng có cùng suy nghĩ nhưng không thể làm gì để chấm dứt tình trạng trên. Nhiều tay súng phải thường xuyên đổi biệt danh để tránh bị người dân nhận ra bởi "họ ái ngại về những điều sẽ xảy đến khi cuộc chiến chấm dứt".
IS còn bắt giữ và xử tử những thành viên của Mặt trận Nusra, một nhánh của al-Qaeda hoạt động ở Syria và Liban. Trong số này có cả bạn bè , những người Ibrahim quen biết và thân thuộc từ trước cả khi mọi thứ bị đảo lộn vì cuộc chiến.
"Tôi không thể chịu đựng cảnh đó", Ibrahim nói. "Có lần tôi còn tận mắt thấy một người bạn của mình bị chặt đầu. Đó là lúc tôi biết mình phải rời bỏ tổ chức", Ibrahim quả quyết.
Nhưng từ quyết định từ bỏ đến thực hiện nó là một hành trình đầy gian nan và nguy hiểm. Những ai thể hiện ý định hay bị bắt quả tang trốn khỏi tổ chức đều phải nhận án tử hình ngay lập tức. Để tẩu thoát, Ibrahim cần lên một kế hoạch chính xác đến từng chi tiết. May mắn cuối cùng cũng mỉm cười với anh khi Ibrahim âm thầm làm được một tấm thẻ căn cước giả, vượt qua nhiều trạm kiểm soát của IS và chạy trốn thành công sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ibrahim đang tị nạn ở thành phố Urfa. Anh tính đi học lại nhưng với tình trạng thất nghiệp tràn lan và xã hội bất ổn như hiện nay, Ibrahim không biết liệu có nên theo đuổi ý định này nữa hay không. Ibrahim đã cắt đứt mọi liên lạc với các thành viên IS, những kẻ mà anh từng coi là "đồng chí".
Khi được hỏi về khả năng quay lại chiến trường, Ibrahim cho hay anh thậm chí còn không nghĩ tới điều này. "Tôi quá chán ngán với việc phải chiến đấu liên miên rồi", Ibrahim nói. Những gì trải qua trong quãng thời gian đầu quân cho IS dường như đã làm sụp đổ mọi niềm tin tôn giáo và chính trị của Ibrahim. "Tôi không uống rượu nhưng cũng chẳng cầu nguyện nữa".
Ibrahim đang cố gắng để quay lại cuộc sống bình thường nhưng điều này không hề dễ dàng. "Tư tưởng phải chiến đấu bằng mọi giá của IS đã ăn sâu vào tiềm thức" và nay anh cần tìm một mục đích sống mới.
Vũ Hoàng
Theo Foreign Policy
Pháp không kích cơ sở dầu mỏ gần thành trì của IS ở Syria Đây là các cuộc oanh kích đầu tiên mà Pháp đã thực hiện nhằm vào IS trong Năm mới 2016. Máy bay Rafale của Pháp tham gia không kích IS. (Nguồn:washingtonpost.com) Theo Tân hoa xã/AFP, truyền thông sở tại ngày 1/1 cho biết Pháp đã tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở dầu mỏ gần Raqqa, thành trì của nhóm...