Phiến quân Al-Shabaab tại Somalia vừa bị đánh đuổi
THX đưa tin, phát ngôn viên Chính phủ Somalia Abdurrahman Omar Osman và cư dân địa phương cho biết binh sỹ Ethiopia cùng lực lượng du kích địa phương liên minh với họ ngày 26/3 đã giành quyền kiểm soát căn cứ chiến lược hàng đầu tại miền Trung Somalia từ tay phiến quân Al-Shabaab.
Binh sỹ Somalia. (Nguồn: Reuters)
Ông Osman nói: “Al-Shabaab đã bỏ thị trấn El Bur mà không có mấy sức kháng cự. Chúng rút chạy vài giờ trước khi các lực lượng của chúng tôi và đồng minh tiếp quản thị trấn này.”
Thị trấn nhỏ El Bur, cách thủ đô Mogadishu 350km về phía Bắc, thuộc tỉnh miền Trung Galgaduud của Somalia là trung tâm chỉ huy và căn cứ chính của phiến quân Hồi giáo Al-Shabaab ở khu vực này trong 3 năm qua.
Giới phân tích cho rằng việc để mất El Bur là một tổn thất lớn đối với Al-Shabaab, lực lượng đang chịu vòng vây quân sự ngày càng siết chặt của binh sỹ Ethiopia và Kenya, cũng như của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh Châu Phi (AU) ủng hộ quân Chính phủ Somalia.
Quân nổi dậy năm ngoái đã buộc phải rút khỏi một số căn cứ ở thủ đô Mogadishu và tiếp sau đó là một số khu vực quan trọng ở miền Nam và miền Trung Somalia./.
Theo TTXVN
Mỹ cáo buộc binh sỹ Manning giúp đỡ Al-Qaeda
Ngày 16/3, các công tố viên quân đội đã cáo buộc binh sỹ Mỹ Bradley Manning hỗ trợ Al-Qaeda khi tiết lộ các thông tin bị bảo mật cho trang mạng WikiLeaks.
Binh sỹ Bradley Manning. (Nguồn: AP)
Manning, từng làm công tác phân tích tình báo cấp độ thấp ở Iraq, trước đó bị truy tố với 22 tội danh, bao gồm giúp đỡ kẻ thù. Trong một phiên điều trần trước xét xử, quân đội xác định kẻ thù mà Manning đã hỗ trợ là tổ chức Al-Qaeda trên bán đảo A-rập, một nhánh của Al-Qaeda hoạt động tại Yemen.Vẫn mặc quân phục, Manning, 24 tuổi, quê ở Oklahoma, nhìn xanh xao và yếu ớt ngồi giữa các luật sư tại trụ sở tòa án binh ở Fort Meade, gần Baltimore, bang Maryland đã giữ im lặng gần như trong suốt phiên điều trần.
Trong phiên điều trần, thẩm phán-đại tá Denise Lind đã đọc các câu trả lời của công tố viên quân đội với những câu hỏi do luật sư bên bị đặt ra về các lệnh truy tố với Manning. Luật sư dân sự của Manning yêu cầu hủy bỏ vụ án, cáo buộc chính quyền "hết sức cầu thả" khi bỏ qua các luật lệ trong quân đội và từ chối cung cấp những thông tin có thể có ích cho bị cáo.
[Một binh nhất Mỹ đã tuồn tài liệu cho WikiLeaks?]
Luật sư David Coombs nói: "Chính quyền phải tiết lộ mọi điều cần thiết cho bị cáo. Chính quyền đã không hiểu những nghĩa vụ của họ."
Coombs yêu cầu chính quyền phải cung cấp một đánh giá đầy đủ về những thiệt hại mà Manning gây ra cho an ninh Mỹ khi cung cấp hồ sơ về Afghanistan và Iraq cùng hàng trăm nghìn công hàm ngoại giao cũng như các đoạn băng ghi hình cho WikiLeaks.
Nhưng công tố viên quân đội Ashden Fein nói Bộ ngoại giao "chưa hoàn thành bản đánh giá đầy đủ." Fein cũng tranh luận rằng chính quyền đã đáp ứng các yêu cầu trong khả năng khi cung cấp cho bên bị tất cả các thông tin liên quan không bị xếp vào diện bảo mật.
Rất nhiều tài liệu mà Manning bị cáo buộc làm rò rỉ được xếp loại mật. Fein cũng từ chối yêu cầu của Coombs về một đoạn băng ghi hình cảnh thẩm vấn Manning tại lữ đoàn lính thủy đánh bộ ở Quantico, Virginia, với lời giải thích không có một đoạn băng như thế. Nếu bị buộc tội, Manning có thể đối mặt với án chung thân vì tiết lộ bí mật nhà nước.
Phiên điều trần trước xét xử sẽ tiếp tục trong ngày thứ Sáu và ngày phiên tòa diễn ra cũng sẽ được xác định. Chính quyền yêu cầu tiến hành phiên tòa vào ngày 3-8, trong khi bên bị muốn bắt đầu từ tháng Sáu. Manning cho tới giờ từ chối khẳng định anh có tội hay không.
Sau khi bị bắt ở Iraq vào tháng 8/2010, Manning đã bị tạm giam 8 tháng trời ở nhà tù Quantico, nơi một quan chức Liên hợp quốc nói anh bị "đối xử tàn bạo, vô nhân và xúc phạm nhân phẩm."
Nhưng Ernesto Juan Mendez, đặc phái viên Liên hợp quốc về tra tấn tù nhân, nói việc đối xử tàn bạo đã kết thúc sau khi Manning được chuyển về nhà tù Fort Leavenworth, Kansas vào tháng Tư.
Theo một nguồn tin quân sự, Manning đang bị tạm giữ ở một địa điểm không tiết lộ gần Fort Meade./.
Theo TTXVN
Không khoan nhượng với binh sỹ trong vụ thảm sát Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/3 đã tìm cách xoa dịu làn sóng giận dữ liên quan vụ một binh sỹ Mỹ thảm sát dân thường Afghanistan khi tuyên bố rằng ông coi vụ việc này nghiêm trọng như chính dân thường Mỹ bị sát hại. Hô vang khẩu hiệu phản đối Mỹ trong cuộc biểu tình phản đối vụ...