Phiếm đàm: Lợi ích Tết ta từ ba góc nhìn
Những tranh cãi gần đây liên quan đến vấn đề “Tết “tây” – Tết “ta” vẫn chưa có hồi kết với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Tết “ta” càng đến gần thì những cuộc tranh cãi này càng trở nên sôi động hẳn lên. Tuy nhiên, để đánh giá một cách công bằng nhất những mặt được và chưa được của Tết “ta” phải dựa trên sự phân tích ở nhiều góc độ khác nhau.
Từ đó mới tạo ra được một cái nhìn tổng quan và một suy nghĩ thấu đáo để quyết định nên hay không nên bỏ Tết ‘ta” theo Âm lịch và thay bằng Tết “tây” theo Dương lịch.
Tạo ra hiệu ứng… chính trị
Xét trên góc độ chính trị, Tết “ta” là một dịp để bạn bè thế giới cũng như dư luận trong nước nhìn nhận về sự phát triển của nền chính trị Việt Nam. Đây chính là dịp mà Nhà nước cũng như các nhà lãnh đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo đón Tết.
Không hẳn là các chương trình mang tính chất hỗ trợ này chỉ có nhiều, khi có Tết, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy rằng các chương trình dịp này mang tính nhân văn và tạo ra hiệu quả thu hút hơn hẳn những dịp khác trong năm.
Tạm bỏ qua những câu chuyện tham nhũng liên quan thì chính những điều này tạo ra một hiệu ứng chính trị hết sức hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh một nền chính trị ổn định của Việt Nam. Còn những người được hưởng lợi từ các chính sách, chương trình đó, dĩ nhiên cũng sẽ có một cái Tết ấm cùng và tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tết “ta” cũng là dịp mà Nhà nước tạo nhiều điều kiện tốt để kiều bào cũng như du khách từ khắp nơi trên thế giới về lại quê hương đón Tết cổ truyền theo đúng truyền thống. Từ đây có thêm nhiều cơ hội cho kiều bào, du khách quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác ở các cấp độ khác nhau.
Tết “ta” là một dịp để bạn bè thế giới nhìn nhận về sự phát triển của nền chính trị Việt Nam. Ảnh minh họa
Cơ hội bán hàng có lãi nhất
Video đang HOT
Xét trên góc độ kinh tế, Tết “ta” nghỉ khá dài. Nhưng như thế không đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ “nghỉ”. Tết “ta” chính là dịp để nền kinh tế Việt Nam kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là lĩnh vực chuyên về đồ ăn, thức uống, dịch vụ.
Tết “ta” là cơ hội để các doanh nghiệp tung ra nhiều sản phẩm mới với những đợt quảng cáo, khuyến mãi ồ ạt và rầm rộ. Và một thực tế cũng không thể phủ nhận với đa số doanh nghiệp thì đây chính là dịp bán hàng có “lãi” nhất về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong một năm tài khóa.
Xét về nghĩa đen thì “lãi” ở đây chính là doanh thu, là lợi nhuận có được từ việc bán hàng. Còn xét về nghĩa bóng, “lãi” còn là hiệu quả của việc quảng bá thương hiệu, cũng như những ấn tượng tốt đẹp đọng lại trong lòng người tiêu dùng.
Dạo gần đây thì các cư dân mạng đã truyền tay nhau một đoạn clip quảng cáo cảm động của nhãn hiệu một loại dầu ăn. Điều này khiến cho thương hiệu này ngày càng trở nên đẹp hơn trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Chẳng phải đây là một lợi ích to lớn mà Tết “ta” đã mang lại cho các doanh nghiệp hay sao?
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cũng tranh thủ cơ hội này để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Mặc dù khó có thể đánh giá và so sánh các yếu tố “từ thiện” này là thật sự hay chỉ lợi dụng từ thiện để làm kinh tế ở đây. Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là tính nhân văn đã được quảng bá và nhân rộng qua những chương trình như thế.
Tết “ta” cũng là dịp để các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm của mình, đến lực lượng nhân viên thông qua việc thưởng Tết. Việc thưởng nhiều hay ít phản ánh tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó trong suốt một năm qua.
Người già nhìn lại, người trẻ nhìn tới
Xét trên góc độ văn hóa thì Tết “ta” rõ ràng là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam. Đây chính là dịp để “người già nhìn lại, người trẻ nhìn tới”. Khoan xét về các vấn đề tốn kém, thì Tết “ta” chính là một dịp ý nghĩa, để các bậc ông bà, cha mẹ vui vẻ cùng con cháu, các bậc con cháu thể hiện lòng biết ơn của mình.
Đây cũng chính là dịp của đoàn tụ và sum họp gia đình. Bất cứ một người Việt Nam nào khi đi xa mà chẳng mong háo hức một ngày trở về trong dịp Tết.
Thử hỏi các công nhân hay các sinh viên xa nhà (cả trong và ngoài nước) xem có ai không mong đến dịp Tết để được đoàn tụ với gia đình? Rõ ràng là Tết “ta” không chỉ là một dịp lễ mà còn là một nét văn hóa đặc trưng đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam.
Tết “ta” còn là một là một tập quán văn hóa rất bản sắc để người Việt Nam mang ra “khoe” với thế giới như là một cách để giới thiệu về đất nước Việt Nam.
Việc thay Tết “ta” bằng Tết “tây” là một vấn đề lớn và còn phải bàn lại rất nhiều. Bởi bên cạnh những yếu tố tiêu cực như một số người đã phân tích thì chúng ta cũng không thể phủ nhận các lợi ích to lớn cả về vật chất và tinh thần mà Tết “ta” tạo ra. Những lợi ích của Tết “tây” là điều cũng dễ dàng nhận thấy nhưng ai dám khẳng định là Tết “tây” sẽ không có tiêu cực?
Một quốc gia phát triển bền vững không phải là một đất nước chỉ mạnh về kinh tế. Hoặc nói rộng là mạnh về các yếu tố mang tính vật chất, mà còn phải là một quốc gia dung hòa được các yếu tố văn hóa mang tính truyền thống với những lợi ích chung của xã hội.
Và Tết “ta” chính là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc cần phải được dung hòa một cách hợp lý với các lợi ích đó chứ không phải là bỏ đi để thay thế bằng một cái Tết theo phong cách phương Tây.
Theo Huỳnh Nghĩa (TuanVietNam)
Phiếm đàm: Ăn Tết kiểu... làng xã
Quan trọng là người Việt Nam cần phải thay đổi những thói quen ăn Tết kiểu... làng xã, không còn phù hợp với nền kinh tế trong thế kỷ thứ 21.
Xã hội văn minh và phát triển đều hướng tới tạo thời gian nghỉ nhiều hơn cho người lao động. Các nước văn minh đều có tổng thời gian nghỉ bao gồm các ngày nghỉ cuối tuần, các ngày lễ nhiều hơn Việt Nam chúng ta. Trên lý thuyết, các công ty và tổ chức được nghỉ ngày thứ 7, tuy nhiên trong thực tế đa phần các công ty đều bắt người lao động đi làm nửa ngày.
Ví dụ: Một ngân hàng triển khai việc đi làm năm ngày/ một tuần, nhưng thực hiện việc trừ lương vì nghỉ 4 lần nửa ngày thứ bảy. Tính chi li, số ngày lao động của Việt Nam sẽ nhiều hơn số ngày làm việc các nước khác là 26 ngày, do 52 ngày thứ bảy đi làm. Từ con số đó, quan điểm bỏ ngày Tết "ta" là không hợp lý với xu hướng phát triển văn minh của xã hội.
Tại sao việc bỏ Tết "ta" lại tạo ra những ý kiến trái chiều, trong khi số lượng ngày nghỉ tại Việt Nam là không nhiều. Những lý do quan trọng để bỏ Tết "ta" là luận điểm cần phải tăng năng suất thông qua tăng số ngày làm việc. Điều đó có hiệu quả hay không khi bỏ Tết "ta" chúng ta chỉ có thêm bốn ngày làm việc?
Nhìn nhận thực tế, năng suất = năng suất lao động/ một ngày nhân với số ngày lao động. Nếu như tăng số ngày đi lao động, trong khi năng suất lao động trong một ngày không tăng thì kết quả cuối cùng năng suất không đạt được.
Nguyên nhân chính của ngày Tết "ta" tạo sút giảm trong năng suất, đó là lối sống không hiệu quả của lao động Việt Nam còn tồn tại từ văn hóa làng xã và nông nghiệp. Nói cách khác, chúng ta phải có một văn hóa ăn Tết lành mạnh thay vì bỏ ngày Tết "ta" để tăng hiệu quả . Người lao động Việt Nam vì ngày tết lễ đã để mất quá nhiều hiệu quả công việc.
Cảnh công sở vắng tanh những ngày đầu năm
1. Lao động Việt Nam không coi trọng bản thân: Lao động nước ngoài họ rất coi trọng bản thân và công việc. Khi chủ nhật chấm dứt, thứ hai họ vào công ty với 100% công suất. Buổi tối chủ nhật hoặc ngày lễ cuối cùng họ sẽ không có các buổi tiệc hoặc uống rượu bia suốt sáng để ảnh hưởng tới năng suất lao động cho ngày làm việc kế tiếp. Các lao động Việt Nam cho dù ngày mai đi làm sau Tết, nhưng tối nay vẫn hoành tráng 4- 5 két bia cùng bạn bè.
2. Lao động Việt Nam không coi trọng kỷ luật: Tết "ta" chỉ kéo dài trong bốn ngày nhưng cả nửa tháng trước Tết, mọi cá nhân không tập trung làm việc vì lo bàn bạc chuẩn bị. Thói quen này cần phải được đấu tranh mạnh mẽ vì nó làm sút giảm hiệu suất làm việc. Các nước xung quanh chúng ta, người lao động làm việc rất chuyên nghiệp cho tới tận ngày cuối cùng.
3. Thời đại văn minh nhưng ăn Tết theo kiểu làng xã: Nghỉ Tết chỉ mấy ngày nhưng các lý do vui chơi sau Tết kéo dài vô tận. Từ đi chào hỏi bạn bè sau Tết, liên hoan gặp mặt, đi chùa chiền đầu năm. Tác phong làm việc này cần phải được xóa bỏ tận gốc rễ để đảm bảo năng suất làm việc cho cả năm.
4. Thay đổi quan niệm về chuẩn bị Tết: Văn hóa làng xã và nông nghiệp cổ vũ cho các sản phẩm đặc trưng và tự làm của ngày Tết. Xã hội đã phát triển và chúng ta không nên cầu kỳ tìm kiếm các sản phẩm để thể hiện trong ngày Tết. Có một thực tế là các bà nội trợ sẵn sàng bỏ giờ làm việc để đi tìm mua các sản phẩm cho ngày Tết tại gia đình.
5. Xóa bỏ các hủ tục: Hủ tục tặng quà Tết cần phải nghiêm cấm xóa bỏ. Các công ty và cá nhân mất rất nhiều thời gian để đi tặng quà Tết. Trước Tết chúng ta rất dễ dàng thấy các công ty xuôi, ngược tặng quà lẫn nhau. "Chi phí ẩn" của việc tặng quà cũng không phải là nhỏ trong việc suy giảm năng suất trước Tết. Hơn nữa, đây còn là một cơ hội biếu xén, hối lộ, chạy chức chạy quyền..., nhân danh chúc Tết thủ trưởng.
6. Thay đổi các thói quen trong ngày Tết: Thói quen ăn Tết của nhân dân ta vẫn còn quá nhiều phong tục không phù hợp với nhịp sống hiện đại. Các tập quán như thăm hỏi nhau, có thể chỉ cần gọi điện thoại chúc mừng. Hoặc tổ chức một buổi lễ tại gia đình một thành viên và toàn bộ mọi người có mặt là hoàn thành lễ thăm hỏi. Các việc chuẩn bị Tết cũng nên tiết giảm và sử dụng dịch vụ bên ngoài nhằm tiết kiệm thời gian.
Lễ Tết là một phần văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những yếu tố văn hóa đó chính là đảm bảo dân tộc Việt Nam chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan trong toàn cầu hóa. Quan trọng là người Việt Nam cần phải thay đổi những thói quen ăn Tết kiểu...làng xã, không còn phù hợp với nền kinh tế trong thế kỷ thứ 21.
Thực hiện được điều đó chúng ta sẽ vẫn có ngày Tết truyền thống, trân trọng những giá trị văn hóa lịch sử, mà vẫn đảm bảo năng suất lao động của thời hội nhập.
Theo Vũ Tuấn Anh (TuanVietNam)
Phiếm đàm: Cấm nhé Cuối năm biết em rất bận nhưng anh phải biên ra đây vài dòng gửi em kẻo bức xúc quá. Người ta vừa đưa ra quy định: Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và phổ thông không tổ chức các cuộc thi người đẹp, cuộc thi "Miss Teen" trong học sinh, sinh viên. Cấm học sinh thì không nói,...