Phía sau quyết định “thay máu” quân đội của ông Kim Jong-un
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là bất ngờ thay đổi các vị trí cấp cao trong lực lượng quân đội Triều Tiên ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đã hé lộ những điểm đặc biệt trong chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban quân ủy trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều chuẩn bị diễn ra trong vài ngày tới, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên đã cách chức 3 tướng quân đội gồm Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong Sik, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên Ri Myong Su và Cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Kim Jong Gak.
Động thái “thay máu” giới tướng lĩnh quân đội của Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đã hé lộ phần nào về nền chính trị quyền lực trong nội bộ đất nước Triều Tiên, cũng như sự phức tạp trong quá trình triển khai chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Kim Jong-un.
Một điều không thể bàn cãi là sự ủng hộ của giới quân sự đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ kế hoạch nào tại Triều Tiên, từ chính sách phi hạt nhân hóa cho tới nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và thậm chí cả Nhật Bản. Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi cuối tháng 4 là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự ủng hộ từ các tướng lĩnh cấp cao nhất trong quân đội Triều Tiên cho chính sách ngoại giao hòa dịu mới của ông Kim Jong-un.
Trái ngược với hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đó vào các năm 2000 và 2007 khi không có bất kỳ quan chức quân sự nào nằm trong danh sách đại biểu chính thức của phái đoàn Triều Tiên, tại thượng đỉnh liên Triều vừa diễn ra, các tướng lĩnh Triều Tiên mặc quân phục và đeo nhiều huân huy chương trước ngực, xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những vị tướng này giơ tay chào theo kiểu quân đội khi gặp Tổng thống Moon Jae-in.
Các quan chức quân sự cấp cao của Triều Tiên tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 tại khu phi quân sự (Ảnh: Reuters)
3 trong số 9 quan chức của phái đoàn Triều Tiên đi cùng ông Kim Jong-un tới khu phi quân sự liên Triều gặp Tổng thống Moon Jae-in là các tướng lĩnh cấp cao của quân đội, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong Sik, Tổng tham mưu trưởng Ri Myong Su và Tướng Kim Yong Chol – người từng bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công tàu hải quân Hàn Quốc năm 2010. Hai trong số 3 tướng lĩnh cấp cao này được cho là bị cách chức mới đây.
Một quan chức quân đội khác cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới nhất là Ri Son Gwon, người lãnh đạo cơ quan có chức năng tương tự Bộ Thống nhất của Hàn Quốc. Ông Ri từng là người đứng đầu văn phòng phụ trách chính sách của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại hồi năm 2016, và từng là nhà đàm phán về các vấn đề quân sự với Hàn Quốc kể từ năm 2006.
Sự xuất hiện của các tướng lĩnh quân đội trong phái đoàn cấp cao đi cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng: chính sách ngoại giao của ông Kim Jong-un với “cựu thù” Hàn Quốc đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của lực lượng quân đội. Tuy nhiên, việc các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội ủng hộ chính sách của nhà lãnh đạo Triều Tiên không có nghĩa là các cấp thấp hơn cũng đồng tình như vậy.
Sự bất mãn
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm một đơn vị quân đội (Ảnh: AP)
Một báo cáo mang tên Nghiên cứu về Quan hệ đảng – quân đội của chính quyền Kim Jong-un do Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố năm 2016 cho thấy, quân đội Triều Tiên muốn xây dựng một “chính phủ đặt trọng tâm vào quân đội” hoặc muốn can thiệp để định hình lại nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Triều Tiên trong trường hợp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thất bại trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Tới tháng 2/2018, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc thông báo với Quốc hội rằng “tâm lý bất mãn đang nhen nhóm” trong nội bộ quân đội Triều Tiên.
Theo Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, “phe diều hâu” trong lực lượng quân đội Triều Tiên đang bức xúc với thực tế rằng, sau nhiều năm các binh sĩ Triều Tiên phải “nếm mật nằm gai” vì sự nghiệp hạt nhân của đất nước, bao gồm những khoảng thời gian sống kham khổ, ông Kim Jong-un giờ đây sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Đối với họ, vũ khí hạt nhân là “thanh gươm báu”, là niềm tự hào dân tộc và là vũ khí phòng vệ cần thiết để đối phó với hành động gây hấn từ bên ngoài.
Với gần 6,5 triệu quân nhân, bao gồm khoảng 1 triệu quân thường trực, việc duy trì kỷ luật tổ chức và sự trung thành là chìa khóa để củng cố những bước đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên con đường ngoại giao hòa bình cũng như đảm bảo sự tồn vong về chính trị của chính quyền Triều Tiên.
Hồi tháng 4, tại phiên họp toàn thể của các quan chức cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un chính thức tuyên bố dừng chiến lược byungjin, trong đó coi phát triển quân sự và hạt nhân làm nền tảng cho phát triển kinh tế. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn chuyển hướng tập trung sang phát triển kinh tế và khoa học.
Theo New York Times, ông Kim Jong-un từng ca ngợi các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên là những anh hùng, thậm chí xây dựng hẳn một khu nhà ở riêng tại thủ đô Bình Nhưỡng dành cho họ hồi năm 2015. Trong nhiều bài phát biểu, ông Kim cũng dành những lời tán dương cho các cá nhân đóng góp vào chương trình công nghệ và khoa học, đặc biệt là “những nhà khoa học và công nhân quốc phòng”.
Nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, các nhà khoa học và các chuyên gia hạt nhân sẽ cảm thấy như thế nào khi họ từng được xem là lực lượng không thể tách rời với sự tồn vong của Bình Nhưỡng?
Các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên vẫy tay chào người dân đứng hai bên đường khi họ được mời tới Bình Nhưỡng để vinh danh sau vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo mới vào tháng 5/2017 (Ảnh: AFP)
Người dân Triều Tiên muốn nghe lời giải thích về lý do khiến chính quyền Kim Jong-un quyết định xem xét lại chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng theo đuổi suốt hàng chục năm nay, cũng như việc chính quyền từ bỏ tham vọng hạt nhân sang một bên và kết bạn với kẻ thù.
Theo đó, chính quyền Triều Tiên gần đây tích cực đưa tin tới người dân về hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc cũng như những thay đổi lớn trong chính sách quốc gia, khác hẳn với sự kín tiếng trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây. Truyền thông nhà nước Triều Tiên tăng cường đưa tin về sự lạc quan trong việc cải thiện quan hệ liên Triều, thậm chí các áp phích tuyên truyền và khẩu hiệu cũng được sử dụng để truyền tải những thông điệp chính trong Tuyên bố chung Panmunjom do hai nhà lãnh đạo Hàn – Triều ký kết là “hòa bình, hợp tác và thống nhất”.
Có nhiều đồn đoán về nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un cách chức Tướng Pak Yong Sik và Tướng Ri Myong Su để thay thế bằng những gương mặt trẻ hơn. Lý do thực sự có thể liên quan tới sự trung thành của hai viên tướng này, hoặc lo ngại về nguy cơ đảo chính trong quãng thời gian ông Kim Jong-un rời Triều Tiên để ra nước ngoài gặp Tổng thống Trump.
Một khả năng khác giải thích cho quyết định cách chức của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là năng lực của hai gương mặt trẻ được lựa chọn để kế nhiệm, gồm Tướng No Kwang Chol giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ri Yong Gil giữ chức Tổng tham mưu trưởng. Họ không chỉ có nhận thức chính trị tốt hơn mà còn có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho cuộc gặp thượng đỉnh cũng như các cuộc đàm phán cấp cao sắp tới giữa Triều Tiên với quân đội Hàn Quốc về một loạt vấn đề, bao gồm việc nâng cao liên lạc quân sự song phương, hợp tác hòa bình giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trên biển và tại đường ranh giới quân sự, giảm lực lượng vũ trang và trạm gác ở khu phi quân sự liên Triều.
Thành Đạt
Theo Dantri
Quân đội Triều Tiên hưởng lợi lớn từ cuộc gặp Trump - Kim
Do quân đội gần như gắn liền với mọi hoạt động phát triển tại Triều Tiên, nên việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un hòa dịu với Mỹ sẽ mang lại những lợi ích không nhỏ cho lực lượng này.
Ông Kim Jong-un ăn mừng một vụ phóng tên lửa thành công với tướng lĩnh quân sự (Ảnh: Reuters)
Khi ông Kim Jong-un gặp mặt Tổng thống Donald Trump tại Singapore vào tuần tới, những tính toán của nhà lãnh đạo Triều Tiên về việc làm thế nào để gắn vai trò của lực lượng quân đội với kế hoạch thúc đẩy bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên cũng như đàm phán với Mỹ để bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, có một điều đã trở nên quá rõ ràng từ trước đến nay, đó là: ông Kim Jong-un không thể lãnh đạo đất nước mà không có lực lượng quân đội trung thành. Dù cho ông đang ấp ủ chiến lược hoành tráng cỡ nào trong đầu, thì chiến lược nó cũng sẽ phản ánh rất rõ lợi ích của quân đội Triều Tiên.
Ngoài chương trình chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến cả thế giới "đứng ngồi không yên", Quân đội Nhân dân Triều Tiên còn tham gia rất tích cực vào mọi lĩnh vực của đất nước, từ trồng nấm, trồng táo cho tới vận hành hãng hàng không quốc gia hay bán các nguồn tài nguyên khoáng sản ra nước ngoài. Do vậy, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Trump và các nước láng giềng giàu có của Triều Tiên nới lỏng các lệnh trừng phạt, quân đội Triều Tiên sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc này.
Quân đội là lực lượng lớn nhất và mạnh nhất tại Triều Tiên. Lực lượng này chiếm gần 1/3 ngân sách quốc gia với hơn 1 triệu quân thường trực và là một trong những lực lượng quân sự đông đảo nhất thế giới dù dân số Triều Tiên chưa đầy 25 triệu người.
Từ thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, một trong những khẩu hiệu quan trọng nhất của Triều Tiên là "Quân đội là số một". Tuy nhiên từ khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đã theo đuổi chiến lược phát triển đồng thời cả lực lượng hạt nhân quân sự và nền kinh tế Triều Tiên. Động thái ngoại giao hòa dịu với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ gần đây của ông Kim Jong-un dựa trên lập trường do ông đưa ra từ phiên họp cấp cao của đảng hồi tháng 4, đó là Triều Tiên đã "hoàn tất" chương trình hạt nhân của nước này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố khi sứ mệnh phát triển hạt nhân đã hoàn tất, đã đến lúc Triều Tiên cần theo đuổi một chiến lược mới, trong đó tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế và đi theo con đường ngoại giao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vai trò của lực lượng quân đội sẽ giảm sút.
Quân đội hưởng lợi ra sao?
Ông Kim Jong-un cùng các quan chức quân sự dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)
Theo ông William Brown, giáo sư tại Đại học Georgetown từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), việc ông Kim Jong-un tiến hành cải cách kinh tế Triều Tiên từ sau khi lên nắm quyền đã tạo ra sự chênh lệch ngày càng tăng về thu nhập giữa người dân và cả trong hàng ngũ quân đội.
"Một số đơn vị và một số binh sĩ đã kiếm bộn tiền nhờ các công trình xây dựng, trong khi những người khác không kiếm được gì ngoài công việc nhà binh bình thường. Các sĩ quan cũng tương tự như vậy. Rời khỏi quân ngũ sau 10 năm phục vụ trong quân đội, một số quân nhân đã tích lũy được những kỹ năng giúp họ kiếm ra tiền như lái hay sửa chữa xe ô tô, trong khi những người khác không có bất kỳ kỹ năng nào", ông Brown cho biết.
Theo Giáo sư Brown, về lâu dài, những thành công về mặt ngoại giao có thể giúp ông Kim Jong-un không còn phải lo tới chuyện cắt giảm chi phí bằng cách hạn chế số lượng binh sĩ đang ngày càng đông hơn. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là ông Kim Jong-un vẫn phải nghĩ cách để "duy trì tinh thần thoải mái cho các binh sĩ trong bối cảnh các binh sĩ khác đang ngày càng giàu có hơn".
"Tôi nghĩ rằng ông Kim Jong-un sẵn sàng tăng lương quy mô lớn trên cả nước để giúp các công nhân viên chức và cả lực lượng quân đội cảm thấy thoải mái hơn", ông Brown nhận định.
Ngoài việc bán công nghệ hạt nhân và các phụ tùng tên lửa, vốn là mục tiêu trừng phạt của các tổ chức cấm phổ biến vũ khí quốc tế, quân đội Triều Tiên cũng tham gia vào các hoạt động kinh doanh ngoài lề khác. Do vậy, nếu được nới lỏng trừng phạt và các hoạt động kinh doanh này thoải mái phát triển, quân đội Triều Tiên cũng sẽ được hưởng những lợi ích nhất định.
"Quân đội Triều Tiên sở hữu nhiều doanh nghiệp và thị phần của họ trong ngành khai thác mỏ có lẽ luôn nằm trong nhóm lớn nhất. Do vậy, quân đội chắc chắn sẽ bị thất thu nếu các lệnh trừng phạt đánh vào hoạt động xuất khẩu than và khoáng sản của Triều Tiên", Benjamin Katzeff Silberstein, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại - một tổ chức phi lợi nhuận, nhận định.
Theo ông Silberstein, vai trò quan trọng nhất của quân đội trong nền kinh tế Triều Tiên là khả năng sẵn sàng cung ứng nhân lực khi cần thiết. Họ có thể tham gia các hoạt động xây dựng, nâng cấp đường sá, thu hoạch mùa màng và làm việc tại các hầm mỏ.
"Vai trò của họ rất khó để để đong đếm, nhưng được cho là rất lớn", ông Silberstein nhận định.
Các nguồn tin từ Mỹ và Hàn Quốc tuần này tiết lộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây đã cách chức 3 tướng quân đội cấp cao và thay thế bằng những gương mặt trẻ hơn. Động thái này của ông Kim Jong-un được cho là nhằm đảm bảo rằng, quân đội Triều Tiên sẽ được đặt vào đúng vị trí để thu hút thêm nguồn đầu tư từ nước ngoài sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Một trong số 3 tướng quân đội mới được ông Kim Jong-un cất nhắc gần đây là ông Kim Su-gil. Ông Kim Su-gil từng được nhìn thấy đi cùng nhà lãnh đạo tới thị sát khu du lịch nghỉ dưỡng Wonsan-Kalma. Đây là dự án phát triển lớn dọc bờ biển phía đông Triều Tiên, nơi Bình Nhưỡng hy vọng sẽ thu hút khách du lịch Hàn Quốc tới tham quan sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Khu du lịch này từng là điểm đến yêu thích của du khách Hàn Quốc trong giai đoạn quan hệ liên Triều nồng ấm trước đây.
Thành Đạt
Theo Dantri
"Bạn thân" người Mỹ của ông Kim Jong-un sẽ tham gia thượng đỉnh Mỹ-Triều? Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman - một người bạn thân thiết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - được cho là sẽ tới Singapore 1 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra và có thể sẽ tham gia sự kiện này, New York Post đưa tin. Ông Kim Jong-un và ông Dennis Rodman...