Phía sau những án giết chồng
Tại lễ tang, Dung vật vã kêu khóc và đề nghị các cơ quan chức năng sớm tìm ra hung thủ để chồng thị có thể “ngậm cười nơi chín suối”. Thế nhưng, chỉ 3 ngày sau chính thị đã đến cơ quan công an đầu thú…
Án chung thân là cái giá mà Bùi Thị Dung phải trả cho tội ác giết người.
Những nhát búa, rìu oan nghiệt
Vụ việc xảy ra hơn một năm nay và án chung thân là kết cục mà Bùi Thị Dung phải gánh cho tội danh giết người.
Vì nghi ngờ chồng có quan hệ với người phụ nữ khác nên trưa ngày 17/8/2009, Dung khuyên chồng “đừng ra xã hội nhiều kẻo đưa sida về nhà làm khổ vợ con”. Nghe vợ nói thế chồng thị gạt phăng đi. Hai vợ chồng cãi cọ một lúc, Dung tức quá chửi chồng là “Đồ con chó!” Bị vợ chửi, ông Nguyễn Quốc Ngạn (xã Nghi Kim, Tp.Vinh, Nghệ An) lấy búa dưới gầm giường đánh Dung. Dung tránh được và vơ chiếc rìu (loại dùng để bổ củi) để đánh trả.
Video đang HOT
Cuộc giằng co giữa hai vợ chồng làm dây buộc màn bị đứt, màn trùm lên người ông Ngạn. Thấy thế, Dung dùng rìu bổ liên tiếp vào chồng… Sau khi thấy chồng không còn cử động được nữa, Dung đem búa và rìu ra ao rửa. Rửa sạch các hung khí, Dung vứt búa ở bờ ao, rìu thị vứt sau chuồng lợn. Xong xuôi, thị điềm nhiên thay quần áo, lên xe đạp đến nhà hàng xóm chơi.
Khoảng 15h, thi thể của ông Ngạn được con gái phát hiện và báo cho cơ quan chức năng. Tang lễ được tiến hành ngay ngày hôm sau. Tại lễ tang, Dung vật vã kêu khóc và đề nghị các cơ quan chức năng sớm tìm ra hung thủ để chồng thị có thể “ngậm cười nơi chín suối”. Thế nhưng chỉ 3 ngày sau chính thị đã đến cơ quan công an đầu thú. Án tù chung thân là cái giá mà thị phải trả cho hành động man rợ của mình.
Một vụ án đã xảy ra ngót chục năm nhưng người dân huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng. Một sáng cuối tháng 8/2001, thi thể người đàn ông được tìm thấy ven đường với đầu và mặt bị biến dạng khủng khiếp.
Nạn nhân được xác định là ông Dương Văn Thung (sinh 1952, trú tại xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa).
Một điều khiến cơ quan chức năng nghi ngờ và có cơ sở khẳng định hung thủ là người thân của nạn nhân khi bà Dương Thị Hưởng nhất định xin mang xác chồng về chôn cất và không có ý định truy tìm hung thủ. Dưới sự đấu tranh quyết liệt của cơ quan điều tra công an huyện Hiệp Hòa, hung thủ giết hại ông Thung đã bị lộ diện. Kẻ sát nhân máu lạnh không ai khác chính là bà Hưởng.
Hàng ngàn người dân theo dõi phiên tòa xử Bùi Thị Dung qua hàng rào Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An
Bà Hưởng khai ông Thung là người chơi bời, có một tiền án về tội trộm cắp tài sản và là một con nghiện ma tuý. Để có tiền chơi bạc và hút hít, ông Thung thường lấy tài sản nhà đem cầm cố, còn đánh đập, đuổi mẹ con bà ra khỏi nhà
Ngày 29/7, khi đang ăn cơm thì hai ông bà quay sang cãi vã nhau. Nổi nóng, ông Thung hất văng mâm cơm, bát đũa, thức ăn bắn tung tóe, rồi vớ chiếc búa nện vào lưng bà Hưởng. Được can ngăn, ông Thung bỏ lên giường đi ngủ. Hai vợ chồng cậu con trai sang nhà hàng xóm chơi.
Chỉ còn một mình bà Hưởng ở nhà, bao nhiêu uất ức bị đè nén bấy lâu bỗng nhiên trỗi dậy. Bà thấy cuộc đời mình thật bất hạnh khi phải phục tùng hầu hạ một kẻ vũ phu. Rón rén cầm chiếc búa đinh, bà bước nhè nhẹ đến giường chồng rồi vung tay bổ xuống lia lịa vào đầu, vào mặt chồng. Bị đánh bất ngờ, ông Thung chỉ kịp ú ớ vài tiếng rồi bất động dưới màn “mưa” búa của vợ…
Nỗi đau của những đứa con
Không có lý do gì có thể biện minh được hành động cướp đi sinh mạng của một con người, đặc biệt khi người đó là chồng mình, là cha của con mình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thường xuyên mâu thuẫn là bất hạnh của những đứa con, thế nhưng có lẽ chẳng có nỗi đau nào lớn hơn khi một tay chúng vừa phải lo ma chay cho cha, vừa phải đối mặt với những lời dị nghị “mẹ nó giết chồng”. Nỗi đau đó sẽ dai dẵng bám theo các em suốt cả cuộc đời. Liệu tâm hồn của chúng có “lành lặn” sau nhiều biến cố khủng khiếp đã xảy ra?
Trở lại vụ án “vợ giết chồng bằng búa” khi vị luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Dung hỏi Nguyễn Thị H (sinh năm 1990) – con gái nạn nhân: “Cháu có tha thứ và xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ cháu không?”
Cô con gái thứ hai của nạn nhân và bị cáo đã khóc: “Chúng cháu không bao giờ tha thứ cho mẹ, mẹ đã giết cha. Mẹ không đáng được sống… Chúng cháu không bao giờ tha thứ cho bà ấy” và nằng nặc đề nghị Chủ tọa phiên tòa tử hình mẹ mình.
Giọng con bé quyết liệt nhưng nước mắt lại giàn dụa. Có lẽ chỉ có H mới thấu nỗi đau phải mang trong mình khi thốt lên lời xin tử hình người đã mang nặng đẻ đau, chăm bẵm 4 chị em lớn khôn.
Cha chết, mẹ đi tù. Gánh nặng gia đình dồn lên vai em. Giấc mơ học hành giang dở, đứa em trai út mới 12 tuổi của H cũng đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học.
Bản án pháp luật sẽ trừng trị thích đáng tội ác của những người đàn bà gây tội tày đình. Nhưng bản án của lương tâm, của lương tri con người còn đau đớn và nặng nề hơn. Bị tù tội, bị người đời dè bỉu và bị ngay cả những đứa con của mình chối bỏ có lẽ là cái giá họ phải trả cho hành động “trời không dung, đất không tha” của mình.
Theo Dân Trí