Phía sau chuyện Louis Vuitton bán hàng fake
Hiện tượng bán hàng giả xảy ra ở một số thương hiệu xa xỉ. Lý do chính dẫn đến sự việc này là các nhân viên trong cửa hàng.
Thời gian gần đây, vụ việc Louis Vuitton vướng phải cáo buộc bán hàng giả đang trở thành chủ đề được quan tâm tại Trung Quốc. Sự việc khiến danh tiếng của thương hiệu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các khách hàng cảm thấy lo lắng khi sẵn sàng chi nhiều tiền để mua ở cửa hàng nhưng vẫn có thể gặp phải đồ fake.
Thực tế, hiện tượng hàng giả xuất hiện tại cửa hàng bán lẻ xảy ra với nhiều thương hiệu. Chuyên gia về hàng hiệu, ông Zhou Ting, cho biết nhân viên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng fake được bán trong cửa hàng.
Cách hàng giả xuất hiện trong cửa hàng
Ông Zhou Ting tiết lộ trước đây, một thương hiệu đồng hồ nổi tiếng xuất hiện tình trạng bán hàng giả. Cửa hàng có 5 nhân viên, 3 trong số họ chuyên bán hàng fake.
Theo Sina, vào năm 2021, một số mẫu túi fake bắt đầu xuất hiện tại cửa hàng của Gucci ở Thượng Hải.
Nhân viên của Gucci đánh tráo túi hiệu. Ảnh: Sina.
Sự việc xảy ra do một nhân viên trong cửa hàng đã lén tráo sản phẩm. Trong quá trình kiểm tra, cửa hàng của Gucci ở Thượng Hải báo cảnh sát khi phát hiện nhiều mẫu túi fake xuất hiện trong kho. Nhân viên trong cửa hàng nghi ngờ nhiều sản phẩm đã bị đánh tráo.
Video đang HOT
Sau khi nhận được trình báo, cảnh sát tổ chức một đội điều tra, sàng lọc những đoạn video từ camera giám sát ở cửa hàng. Họ nhanh chóng phát hiện lý do túi fake xuất hiện ở cửa hàng.
Jin, cựu nhân viên của cửa hàng, đã mua các mẫu túi giả trên mạng và đánh tráo với hàng thật. Sau đó, những món hàng thật được Jin rao bán trên các diễn đàn với giá rẻ.
Trong phần mô tả, Jin nhấn mạnh các mẫu túi có giá nội bộ của nhân viên nên rẻ hơn so với cửa hàng. Jin bán được 5 chiếc túi nhờ phương pháp này. Ngày 21/10/2021, cảnh sát bắt giữ Jin và phát hiện một số món hàng chưa bán được tại nhà anh ta.
Ông Zhou Ting nhận thấy sự việc này có thể đã xảy ra ở cửa hàng Louis Vuitton. Ông khẳng định các cửa hàng bán lẻ của thương hiệu Pháp không nhập hàng giả do chịu sự giám sát của chính quyền Trung Quốc.
Bởi vậy, việc khách mua phải mẫu túi Vaugirard fake có thể do nhân viên đã đánh tráo trong quá trình gói hàng.
Louis Vuitton vướng cáo buộc bán túi Vaugirard giả. Ảnh: Relux.
Nhân viên tiếp tay cho hàng fake
Tháng 9/2020, cảnh sát Thượng Hải bắt giữ 62 băng nhóm tội phạm sản xuất và buôn bán túi Louis Vuitton giả. Theo WWD, một nhân viên họ Shi, tại cửa hàng của nhà mốt Pháp ở Quảng Châu có liên quan đến vụ án.
Người này cố tính bán những chiếc túi chưa được bày bán cho nhóm làm hàng giả với giá cao. Điều này giúp các bên làm hàng fake có thể bán túi cùng lúc sản phẩm được phát hành, hoặc thậm chí là sớm hơn.
Những mẫu túi fake này được trang bị chip cảm biến NFC. Sau khi quét con chip bằng điện thoại thông minh, giao diện sẽ được chuyển hướng đến trang web chính thức của nhà mốt Pháp. Điều này khiến việc phân biệt hàng giả, thật trở nên khó khăn.
Nhân viên cửa hàng tiếp tay cho hàng fake. Ảnh: WWD.
Vào năm 2020, The Guardian đưa tin cựu nhân viên của Hermès hầu tòa với cáo buộc làm giả túi hiệu, bao gồm cả mẫu Birkin nổi tiếng. Tổng cộng có 10 người bị xét xử.
Trong nhóm này có một người chuyên làm đồ trang trí túi và 4 người là những thợ da lành nghề của nhà mốt Pháp. Họ thành lập một nhóm và sản xuất hàng chục mẫu túi fake. Một số người bị buộc tội ăn cắp công cụ, khóa kéo của thương hiệu Pháp. Những mẫu túi được nhóm người bán cho các khách hàng ở châu Á.
Công tố viên yêu cầu mức án dành cho nhóm người làm túi fake lên đến 4 năm tù giam, đóng tiền phạt hơn 210.000 USD.
Louis Vuitton bán túi fake
Cửa hàng của Louis Vuitton ở Trung Quốc vướng cáo buộc bán hàng fake. Thương hiệu bị tòa án địa phương yêu cầu bồi thường cho khách hàng.
WWD đưa tin một tài liệu pháp lý được tiết lộ trực tuyến cho biết Louis Vuitton bị tòa án địa phương tại Phù Dung, Hồ Nam, Trung Quốc yêu cầu bồi thường cho khách hàng.
Vị khách này đã mua một chiếc túi xách Vaugirard và phụ kiện vào tháng 9/2021 ở cửa hàng của Louis Vuitton tại trung tâm mua sắm Changsha IFS. Giá trị đơn hàng là 3.350 USD. Sau đó, chiếc túi được một bên thứ 3 xác thực là hàng giả.
Louis Vuitton ở Changsha IFS, Trung Quốc vướng cáo buộc bán hàng giả. Ảnh: Erin Mallon.
Ngoài việc trả lại số tiền mà khách hàng đã chi, nhà mốt Pháp bị yêu cầu phải bồi thường một khoản gấp 3 lần số tiền của chiếc túi là 10.050 USD.
Louis Vuitton đã bác bỏ cáo buộc này. Trong một tuyên bố gửi đến các phương tiện truyền thông địa phương, nhà mốt Pháp cho biết đang kháng cáo quyết định.
Thương hiệu xác nhận đã giải quyết với khách hàng vì tôn trọng lệnh tòa án. Tuy nhiên, nhãn hàng phủ nhận bán hàng fake tại các hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Trong phán quyết, tòa án cho biết thương hiệu không đưa ra được bằng chứng chứng minh khách hàng tố cáo sai. Trong khi đó, vị khách đã nộp đủ biên lai mua sắm và hồ sơ thanh toán, giúp chứng minh chiếc túi được mua tại cửa hàng.
Khách hàng tố cáo thương hiệu bán túi Vaugirard fake. Ảnh: Purse Blog.
Một chuyên gia pháp lý cho biết Louis Vuitton có thể cung cấp bằng chứng chứng minh cửa hàng bán hàng thật. Nếu không thể nộp bằng chứng, họ sẽ chịu rủi ro thua kiện. Nếu nhãn hàng không hài lòng với bản án sơ thẩm có thể kháng cáo trong vòng 15 ngày.
Sự việc Louis Vuitton bán túi giả được dân mạng Trung Quốc quan tâm. Một số ý kiến cho rằng khách hàng đã tráo túi. Số khác nghi ngờ sự việc liên quan đến nhân viên cửa hàng.
Ngoài "fake", "auth", thì ra còn ti tỉ những khái niệm thời trang mà không phải ai cũng biết Câu chuyện hàng real - hàng fake và các khái niệm thời trang một lần nữa hot trở lại sau chiếc váy tai tiếng của Ngọc Trinh. Gây xôn xao khắp các diễn đàn mạng thời gian qua chính là việc Ngọc Trinh bị thương hiệu thời trang nước ngoài tố diện váy fake. Câu chuyện hàng real - hàng fake, đạo đức...