Phía sau chuyện huyền thoại golf thế giới tìm đến cà phê Việt
Thông qua thỏa thuận hợp tác, huyền thoại golf thế giới Greg Norman cho biết, thương hiệu “ Cá mập trắng” của ông sẽ gắn lên dòng cà phê đặc sản đến từ Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Đây được coi là tín hiệu tốt để khắc phục điểm yếu cố hữu của cà phê Việt Nam vốn chỉ xuất thô, mang giá trị thấp.
Đầu tư vùng cà phê đặc sản
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính trong nước như điều, tiêu, cao su… gần đây đều tăng sản lượng so với năm trước, nhưng lại giảm mạnh về giá trị. Cà phê là mặt hàng điển hình. Nguyên nhân là do giá bán nguyên liệu thô sản phẩm này trên thị trường thế giới giảm, trong khi đa phần cà phê hiện vẫn xuất thô.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản – quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nông sản Việt không thể mãi loay hoay chờ giải cứu hay được mùa mất giá. Để thoát ra, cần phải giải quyết bài toán về sản xuất, chế biến và thị trường.
Theo đó, kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản sẽ theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường. Thủ phủ cà phê Đăk Lăk cũng được định hướng phát triển các vùng trồng cà phê đặc sản (CPĐS), tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào chế biến sâu.
Ông Greg Norman (trái) ấn tượng với chất lượng cà phê Việt. ảnh: Nguyễn Vy
Theo ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, thực tế đã có nhiều vùng sản xuất cà phê ở Việt Nam như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Sơn La có bộ giống, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển CPĐS.
Hiện cả nước có 50 đơn vị, nông hộ, trang trại nhà sản xuất, trồng, chế biến CPĐS, sản lượng 200 tấn mỗi năm. Một số nhà sản xuất đã tiên phong đầu tư phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng, dạy nghề, cung ứng cung cấp thiết bị đánh giá chất lượng cà phê.
Ngay tại Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), nông trường cà phê Cada là một trong những đơn vị nỗ lực tạo nên hương vị đặc trưng cho hạt cà phê Tây Nguyên. Nhờ lợi thế đất đỏ bazan, cùng độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, cây cà phê ở đây có thể sinh trưởng tốt và tạo nên hạt cà phê chất lượng, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác.
Video đang HOT
Quảng bá thương hiệu
Trong một lần ghé thăm nông trường Cada, ông Greg Norman – tân Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2021 cho biết, ông đã thử và cảm thấy vị cà phê ở đây rất đậm, hương vị ngon hơn so với cà phê ở các nước phương Tây mà ông đã uống.
“Được biết, Đăk Lăk có chỉ dẫn địa lý cho cà phê. Nhưng đáng tiếc là cà phê Việt Nam nói chung và Đăk Lăk nói riêng khi ra nước ngoài thường phải mang thương hiệu khác chứ không phải của chính mình” – ông Greg Norman nói.
Đồng tình, Đại diện Công ty SIMEXCO Daklak – đơn vị đã có 5 năm tiếp cận việc sản xuất CPĐS cho biết, hiện nay
CPĐS Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng và thương hiệu loại cà phê này chưa được nhiều nhà máy rang xay biết đến. Thậm chí, họ không hề nghĩ Việt Nam có CPĐS.
Đại diện SIMEXCO Daklak đề nghị Nhà nước cần có chính sách để phát triển CPĐS. Đồng thời, đưa CPĐS của Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế để khẳng định chất lượng nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển mạnh loại cà phê này.
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng Nutifood thừa nhận, Việt Nam là nước có sản lượng cà phê lớn, nhưng chỉ toàn xuất thô và chưa khẳng định được mình giữa muôn trùng sản phẩm cà phê quốc tế. Trước khi bước chân vào thị trường cà phê năm 2018, đơn vị này đã nghĩ đến việc đầu tư công nghệ và quảng bá thương hiệu để nâng tầm cà phê Việt.
Giữa năm 2017, nông trường cafe Phước An trên vùng đất Cada tiến hành cổ phần hóa. NutiFood trở thành cổ đông chiến lược đã đổi tên đồn điền này thành NutiCada. Thỏa thuận hợp tác mới đây giữa Nuti với tên tuổi của Greg Norman là động thái cụ thể để hiện thực ước muốn này.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, hiện nay, một số vùng, người nông dân sản xuất cà phê hữu cơ, loại cà phê phục vụ cho CPĐS và đã thu lợi hơn sản xuất cà phê truyền thống. Để phát triển ngành hàng CPĐS, trước mắt các doanh nghiệp, người nông dân trồng cà phê phải vào cuộc, thay đổi tư duy sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cà phê.
Theo Danviet
Bao giờ cà phê hết là "trái đắng"? (Bài cuối): VICOFA hiến kế
Xung quanh câu chuyện khó khăn của ngành cà phê, bao giờ cà phê hết là "trái đắng" và để nông dân có thu nhập cao, có đời sống ổn định từ cây trồng này, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (VICOFA).
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam. Ảnh: I.T
Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với thực trạng giá cà phê xuống thấp kéo dài, một số nông dân chán nản đã bỏ vườn trồng cây khác. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
- Đúng là thời điểm hiện nay ngành cà phê, nông dân trồng cà phê đang ở tình cảnh khó khăn. Niên vụ vừa qua, sản lượng cà phê giảm đến 20% do thời điểm tháng 9, cây cà phê bị ảnh hưởng bởi mưa quá nhiều, gây rụng trái, hạt bé nên cuối vụ thu hoạch (tháng 12.2018), sản lượng giảm. Trong khi đó giá cà phê lại thấp, hiện chỉ khoảng 33.000 đồng/kg.
2 tháng đầu năm 2019, lượng xuất khẩu cà phê giảm 10,1% so với cùng kỳ 2018, giá trị kim ngạch cũng giảm 19,3%. Đây là mức giá thấp nhất trong 5 năm gần đây. Xu hướng thời gian tới giá cả như thế nào đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân.
Dây chuyền chế biến cà phê ướt ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kiết, Đăk Lăk. Ảnh: K.N.Đ.L
Sau khi thu hoạch cà phê, người nông dân phải đầu tư phân bón, tưới nước, thực hiện tất cả các quy trình cho vụ sau, nhưng vì khó khăn nên đầu tư giảm. Hiện nay, một người nông dân trồng cà phê giỏi, có áp dụng nhiều kỹ thuật thì thu hoạch được khoảng 10 tấn/ha, trừ chi phí lãi chừng 70-100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, so về giá trị tương đối lại giảm 40-50% so với thu nhập trước kia, vì giá trị tuyệt đối không thay đổi trong khi công lao động cao, giá bán cà phê lại thấp hơn...
Về vấn đề này, tôi cho rằng Nhà nước nên có chính sách cho nông dân vay vốn với mức lãi suất tối ưu; bên cạnh đó, với giá cà phê xuống thấp như hiện nay, nên giãn nợ cho bà con để tạo điều kiện cho bà con đầu tư vụ mới tốt hơn.
Điều dễ nhận thấy là người nông dân được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi sản xuất, theo ông các doanh nghiệp cần sát cánh với nông dân như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn này?
- Đúng như vậy. Thị trường cà phê đang chịu áp lực bởi các nhà đầu tư, họ tìm cách ép giá cà phê xuống và tạo thông tin rằng Việt Nam và Brazil được mùa. Do thị trường có nhận định theo xu hướng đó nên các nhà đầu tư tài chính trên sàn giao dịch quốc tế ép giá thị trường xuống. Đó là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cà phê.
Trong khi đó, các hợp đồng xuất khẩu cà phê là những hợp đồng ký dài hạn nên doanh nghiệp vẫn phải mua để xuất khẩu, nhưng cũng chỉ xuất khẩu cầm chừng chứ không đẩy mạnh bán ra vì giá cả bấp bênh. Lượng cà phê xuất khẩu tháng 2.2019 giảm sâu hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Với mức giá giảm sâu như hiện nay, người nông dân trồng cà phê không có lãi, thậm chí vườn cà phê cho năng suất thấp còn bị lỗ nặng. Do vậy, nhiều hộ đã hạn chế đầu tư, phá bỏ các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, nhiễm sâu bệnh hại, cho năng suất thấp, để trồng tái canh hoặc trồng loại cây khác.
Nếu không có biện pháp tốt tăng thu nhập thì người nông dân sẽ giảm dần diện tích cà phê. Thực tế trong chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối, người nông dân được hưởng lợi nhuận thấp nhất. Chính vì vậy trong bối cảnh này, tôi cho rằng các nhà thu mua, nhà xuất khẩu, nhà rang xay cà phê phải chia sẻ lợi nhuận cho nông dân.
Về phía ngành nông nghiệp cần làm gì để giúp nông dân tăng thu nhập, trồng cà phê bền vững?
- Bên cạnh các hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, tín dụng, tôi cho rằng Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, tạo ra sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. Bởi nếu mình cứ xuất thô thì giá không cao, từ đó thu nhập người dân không thể cải thiện.
Trong vài năm gần đây chúng ta đã xuất khẩu cà phê hoà tan, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư cà phê hoà tan nhưng số lượng này còn khiêm tốn so với 1,6 triệu tấn cà phê nhân/năm. Hiện nay cà phê hòa tan đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và được dự báo sẽ tăng trưởng rất tốt trong nhiều năm tới. Cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng tốt nhất.
Tôi cho rằng Bộ NNPTNT cần khuyến khích các địa phương đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cà phê hòa tan thành phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến cà phê hòa tan tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Biến đối khí hậu đe dọa ngành cà phê Thiếu nước tưới trầm trọng, thời tiết thay đổi thất thường đang đe dọa đến sự phát triển của ngành cà phê. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, biến đối khí hậu (BĐKH) đã làm tăng nhiệt độ ở Tây Nguyên, nơi canh tác phần lớn cà phê của Việt Nam, nguồn tài nguyên nước...