Phía sau bức hình “tự sướng” của Tổng thống Obama tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela
Ngoài cái bắt tay gây tranh cãi với Raul Castro (em trai cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro), tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela, Tổng thống Mỹ Obama còn thực hiện một hành vi đáng trách khác đó là chụp một bức ảnh tự sướngcùng Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt.
Trong bức ảnh chúng ta có thể thấy phu nhân tổng thống, bà Michelle Obama (ngoài cùng bên phải), tỏ rõ thái độ khó chịu.
Vài tháng trước, xã hội Mỹ đã bị cuốn vào một cuộc tranh luận tầm cỡ quốc gia về trào lưu chụp ảnh tự sướng trong đám tang của thanh thiếu niên.
Vậy mà nay, biểu tượng quốc gia của họ, cùng với Anh và Đan Mạch, lại đang làm một điều đáng xấu hổ tại lễ tưởng niệm một trong những vị anh hùng vĩ đại của thế giới? Liệu có gì đó không ổn ở đây?
Phía sau một bức hình…
Trong chính trị, hình ảnh rất quan trọng, và mọi chính trị gia đều hiểu rõ điều đó. Tổng Obama biết rõ điều đó hơn ai hết, bản thân hình ảnh của ông cũng được (và bị) ghi lại ở cả hai thái cực tốt – xấu, món quà hoặc là sự tệ hại của một khoảnh khắc.
Từng có một cuộc tranh cãi nhỏ về việc ứng cử viên tổng thống Obama đã không đặt tay lên trái tim mình theo nghi thức lúc hát quốc ca. Khoảnh khắc ông cúi chào Quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê-út cũng là một khoảnh khắc mà các đối thủ của ông nhanh chóng nắm bắt để “dìm hàng”.
Bởi vậy, dù biết tầm quan trọng của thể diện ở mức quốc gia, nhưng như đã đề cập ở trên, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy vị Tổng thống này bị ghi hình lại cảnh đang chụp ảnh “tự sướng” với 2 chính trị gia khác tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Tệ hơn thế, người ta cũng dễ dàng nhận ra 2 chính trị gia còn lại trong bức hình “bộ ba tự sướng” đó chính là Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đan Mạch.
Hình ảnh có tính biểu tượng và khá nhạy cảm này – được chụp bởi một nhiếp ảnh gia của hãng thông tấn AFP – đã phản ánh rõ nét hơn bất cứ ngôn từ nào, bởi dường như phu nhân Michelle Obama là người duy nhất trong khuôn hình tỏ ra nghiêm nghị và kính cẩn tại lễ tưởng niệm này.
Hình ảnh này đã lập tức được đưa lên trang Selfies at Funerals (tạm dịch là Tự sướng tại các đám tang), một trang Tumblr đáng xấu hổ vốn được thiết kế để hàng trăm teen (gần như) “tự sướng” trong các dịp buồn bã là… đám tang, chỉ để thể hiện cái tôi tệ hại của họ. Ngay khi bức ảnh “tự sướng” trong đám tang của Obama được đăng lên trang này, phía Tumblr đã tuyên bố không thể để nó (bức ảnh đó) lên nó, và lập tức đóng cửa trang này (nhưng hiện giờ đã mở trở lại?!?).
Nhưng đây là thời đại của Internet, nơi mà bạn không chỉ nhận được một vài dòng chú thích ngay dưới bức ảnh của bạn trên trang chủ, mà bạn sẽ nhận được toàn bộ những câu chuyện (dù muốn hay không) qua các bình phẩm của nhiều người xem khác. Vậy nên, bài học chủ chốt ở đây để giảm thiểu tổn hại là bạn cần thận trọng và chọn lựa phù hợp khi quyết định chia sẻ hình ảnh với bất kỳ ai, những người có thể… “thêu dệt” nên một câu chuyện dựa trên bức ảnh đó.
Hãy thận trọng khi phán xét người khác
Video đang HOT
Chúng ta hãy cùng thử phân tích bối cảnh của bức ảnh và những trường hợp tích cực phía sau bức hình này, để có thêm cái nhìn tổng quan tốt hơn phía sau sự kiện “tự sướng” của Tổng thống Obama:
Điều đầu tiên, đây hoàn toàn không phải là một tang lễ; chắc chắn không phải là dịp để mặc quần áo trong màu đen trang nghiêm. Đơn giản, đây chỉ là… 4 tiếng đồng hồ trong một đài tưởng niệm có quy mô cỡ một sân vận động, để tưởng niệm cuộc đời và những di sản của cựu Tổng thống Nam Phi để lại, một cuộc nổi dậy, một bản giao hưởng và điệu nhảy đầy màu sắc đặc trưng của Nam Phi…, khiến cho người ta đang nghĩ tới sự sôi động ở các cuộc đụng độ với đội bóng Nam Phi tại World Cup.
Điều thứ hai, đây có vẻ như là một dịp cho các Tổng thống và các nguyên thủ khác cùng nhau tự chụp những tấm hình lưu niệm của họ. Bằng chứng là những bức hình “tự sướng” trong dịp tưởng niệm này của cựu tổng thống Bush và ca sĩ Bono trên Instagram.
Thứ ba, hãy xem xét bối cảnh của bức hình “tự sướng”. Trong các bức ảnh khác, chúng ta có thể thấy các nguyên thủ khác đang vui đùa xung quanh, đổi chỗ hoặc nhìn rất nhàm chán – Tất cả những điều mà bạn có thể khó tránh khỏi khi bạn mắc kẹt tới 4 tiếng đồng hồ trong một sân vận động. Nữ Thủ tướng Đan Mạch, bà Thorning-Schmidt dường như là người đầu tiên cố gắng vượt ra khỏi sự nhàm chán đó bằng cách rút chiếc smartphone của bà ra. Chúng ta hãy hiểu cho họ!
Thứ tư, và có lẽ điều quan trọng nhất trong trường hợp này, đó là bà Thorning-Schmidt mới là người chụp bức hình “tự sướng” cho cả ba nguyên thủ, chứ không phải là Obama. Thử hỏi xem, nếu có một trong những nguyên thủ hàng đầu ở Châu Âu có nhã ý chụp nhanh một bức “tự sướng” với bạn một cách lịch thiệp, thì (dù với lý do ngoại giao) liệu bạn có thể chối từ hay không? Đặc biệt là khi ngay cả Thủ tướng Anh – David Cameron, một người khá tỉnh táo – cũng đã sẵn sàng gia nhập cuộc vui?
Để bức ảnh thực sự được hoàn thiện, bạn sẽ cần thêm vài câu bông đùa. Có lẽ, bà Thorning-Schmidt lúc đó nói rằng, “Hãy cùng tưởng nhớ thời khắc ấn tượng này và hãy nhớ tới cuộc đời của một người đàn ông vĩ đại bằng một bức ảnh chụp chung vui vẻ nhé”. Có thể phu nhân của Obama lúc đó đang thầm nghĩ rằng, “Hỡi người đàn ông vĩ đại (ám chỉ cố tổng thống Nam Phi), tôi ước gì có một chỗ ở đây cho tôi trong bức hình này (nhưng điều đó là không thể tại một lễ tang)”.
Vấn đề cốt lõi ở đây là, chúng ta không biết bối cảnh đầy đủ về những gì sẽ diễn ra, với bất kỳ người nào trong số 3 người khác nhau trên thế giới, trong một khoảnh khắc riêng tư của họ. Nếu không có những kiến thức và hiểu biết nhất định, chúng ta sẽ dễ bị cuốn vào một cuộc chạy đua để phán xét vội vã với những người đang tưởng nhớ về một người đàn ông đã dành nhiều thập kỷ để đấu tranh cho xã hội và quyền con người, mà quên mất ý nghĩa thực sự của thời khắc lịch sử đó.
Hình ảnh có thể là “vua” trong chính trị, nhưng có những thời điểm nên dẹp chúng qua một bên và đừng vội phán xét!
Theo VnReview
Obama là "phiên bản" của Mandela
"Dù Mandela nghĩ gì về vị Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, Obama cũng là người kế nhiệm thành công của ông ấy trên chính trường quốc tế", một chuyên gia đánh giá.
Họ chỉ mới gặp nhau một lần. Nhưng Nelson Mandela đã tạo nguồn cảm hứng cho Barack Obama hơn ba thập kỷ qua, từ khi còn ở trường Đại học California, khi hoạt động cộng đồng tại Chicago và đến khi bước chân vào Nhà Trắng.
Ảnh hưởng của Mandela đã thôi thúc Obama tham gia cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở trường Occidental, và dẫn đường cho vị tổng thống tương lai từ một tổ chức cộng đồng sang hoạt động chính trị.
"Tôi là một trong hàng triệu người được cuộc đời của Nelson Mandela truyền cảm hứng", Obama chia sẻ trong bài phát biểu hôm thứ 5 tại Nhà Trắng chỉ ít phút sau khi cái chết của ông Mandela được công bố.
"Hoạt động chính trị đầu tiên của tôi... là tham gia cuộc biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc", Obama nhớ lại. "Tôi đã nghiên cứu những bài phát biểu và các tác phẩm của Mandela. Ngày ông ấy được trả tự do đã cho tôi một niềm tin mạnh mẽ về những gì con người có thể làm khi được dẫn dắt bởi niềm hi vọng, chứ không phải nỗi sợ hãi. Và giống như rất nhiều người trên toàn thế giới, tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình nếu không có Nelson Mandela".
"Và chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ làm những gì học hỏi được từ ông ấy".
Obama và Mandela đã gặp gỡ 1 lần năm 2005
Người khơi nguồn cảm hứng
Obama và Madela chỉ gặp nhau 1 lần, đó là năm 2005, tại Washington, khi sự nghiệp của Mandela đã sắp kết thúc, trong khi Obama mới chỉ khởi đầu. Nhưng khoảnh khắc gặp gỡ đã gây ấn tượng sâu sắc với cựu Tổng thống Nam Phi: ông lưu giữ tấm ảnh có chữ ký của vị Tổng thống Hoa Kỳ tương lai trên bàn làm việc, ngay cả khi Obama chưa bước chân vào Nhà Trắng.
Khi Obama đắc cử năm 2008, Mandela vui mừng gửi lời đến tân tổng thống: "chiến thắng này đã chứng minh bất cứ ai, ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể mơ đến một ước muốn thay đổi thế giới ngày một tốt đẹp hơn".
Nhưng thời điểm cuộc bầu cử của Obama cũng là giai đoạn sức khoẻ Mandela giảm sút, nên họ đã không bao giờ có thể xây dựng một mối quan hệ mà hai bên cùng hi vọng.
Đối với Tổng thống Obama, sự ngưỡng mộ xuất phát ngay từ những năm còn ở Occidental, khi ông biết về phong trào chống phân biệt chủng tộc và vai trò của Mandela. Obama đã rất buồn khi Mandela phải chịu tù đày trên đảo Robben trong gần hai thập kỷ, bởi "những con người dũng cảm" đã bị giam cầm vì đấu tranh cho tự do trong khi "Chính phủ của tôi ở Hoa Kỳ lại không đứng về phía họ". Và điều này thôi thúc ông hành động.
Bài diễn thuyết trước công chúng đầu tiên của ông - một mốc quan trọng được ghi lại trong cuốn hồi ký đầu tiên Giấc mơ của cha tôi (Dreams from My Fathe) - diễn ra trong một cuộc biểu tình liên quan đến hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc năm 1981. Bài phát biểu chỉ kéo dài 2 phút nhưng nó đã dẫn dắt ông đến miền Nam Chicago và dần dần bước vào sự nghiệp chính trị.
Nguồn cảm hứng còn đến với Tổng thống vào tháng 8/2006 khi tới thăm Đảo Robben, nơi giam giữ Mandela gần hai thập kỷ. Khi Obama nhận giải Nobel Hoà bình năm 2009, ông đã so sánh thành tích của mình với một loạt những người từng đạt giải, bao gồm cả Mandela, và nói rằng "những đóng góp của tôi vẫn còn ít ỏi".
Obama nhìn qua cửa sổ nơi từng giam giữ Mandela. Ảnh: AP
Mối liên kết giữa hai gia đình
Mặc dù Obama chỉ dừng chân ít ngày tại tiểu vùng Sahara - châu Phi trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, thì gia đình ông - đệ nhất phu nhân, mẹ của bà, hai con Malia và Sasha - đã đến thăm Mandela tại nhà riêng vào tháng 6/2011. Ông Madela đã đàm đạo cùng Đệ nhất phu nhân và ký tặng gia đình Obama một ấn bản sách chưa phát hành có tên Nelson Mandela By Himself: The Authorised Book of Quotations (Tạm dịch: Những câu nói nổi tiếng của Nelson Mandela: Tuyển tập do tác giả ủy quyền).
Năm nay, khi sức khoẻ của Mandela yếu đi, Obama đã gửi lời thăm hỏi qua các lãnh đạo châu Phi khi họ đến thăm Nhà Trắng vào tháng 3. "Khi nghĩ đến một con người là hiện thân của các phẩm chất lãnh đạo mà chúng ta khâm phục, cái tên đầu tiên xuất hiện sẽ là Nelson Mandela. Tôi xin chúc ông ấy những điều tốt đẹp nhất".
Sức khoẻ của Mandela đặc biệt nguy kịch khi Nhà Trắng chuẩn bị chuyến thăm của Obama đến Nam Phi, bao gồm trù liệu cả trường hợp Tổng thống phải hủy bỏ bài phát biểu quan trọng hoặc tham dự đám tang của Mandela.
Tuy nhiên, sức khoẻ Mandela đã ổn định, mặc dù vẫn rất nghiêm trọng. Obama gặp được gia đình Mandela tại Johannesburg và nói chuyện điện thoại với phu nhân Mandela, khi bà túc trực bên giường bệnh của ông tại Pretoria.
Nhưng theo mong muốn của gia đình Mandela, Tổng thống không thể thực hiện được cuộc gặp lần thứ 2 với người đàn ông vẫn được gọi là Madiba - tên bộ lạc của Madela.
Người kế nhiệm thành công
Sau chuyến thăm các thành viên trong gia đình Mandela tại Nam Phi, Obama đã bày tỏ hi vọng "ông Madiba sẽ bình an và thư thái khi ở bên những người thân yêu" và khẳng định lại "những tác động sâu sắc của Nelson Mandela trong việc xây dựng một Nam Phi tự do và truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới - bao gồm cả tôi. Đó là một di sản mà tất cả chúng ta phải trân trọng suốt cuộc đời".
Tháng trước, Obama tổ chức chiếu phim Mandela: Long Walk to Freedom (tạm dịch: Mandela: Hành trình dài tới tự do) tại Nhà Trắng, một bộ phim dựa trên tự truyện của Mandela. Tại buổi công chiếu, Idris Elba - diễn viên đóng vai Mandela - chia sẻ với tờ USA Today, rằng "rất tự hào mang bộ phim đến với Obama, vì tôi biết ông ấy yêu quý ngài Mandela thế nào".
Obama luôn từ chối mọi sự so sánh với Mandela, nhưng chắc chắn ông đã học tập khả năng lãnh đạo từ vị cựu tổng thống Nam Phi. Stephen Morrison, chuyên gia về chính trị châu Phi phân tích: "Sự hoà giải, niềm tin vào thiện chí, thiện ý và luôn mở rộng cánh tay với đối thủ, sẵn sàng đàm phán với đối thủ là mối liên hệ rõ rệt nhất giữa Obama và Mandela". "Cách thức hoà giải và sức mạnh xoay chuyển tình thế thông qua đàm phán" của Tổng thống rõ ràng chịu ảnh hưởng từ Mandela.
Rick Stengel, người ghi hồi ký của Mandela, Cựu Tổng biên tập tạp chí Time, tham gia Bộ Ngoại giao dưới chính quyền Obama, cũng nhận thấy mối liên hệ không thể phủ nhận giữa hai vị tổng thống mà ông đề cập trong cuốn sách Mandela's Way (tạm dịch Con đường Mandela) xuất bản năm 2010.
Stengel viết, "Ở Obama, tính kỷ luật, thiện ý lắng nghe và chia sẻ, chấp nhận đối thủ trong chính quyền của mình, và niềm tin vào việc cần giải thích sáng tỏ cho mọi người, khiến ông giống như phiên bản thế kỷ 21 của Mandela về tư cách và nhân phẩm".
"Trong khi thế giới quan của Mandela được hình thành dưới chế độ phân biệt chủng tộc, thì Obama đang kiến tạo một nền chính trị hậu phân biệt chủng tộc. Dù Mandela nghĩ gì về vị Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, Obama cũng là người kế nhiệm thành công của ông ấy trên chính trường quốc tế", Stengel đánh giá.
Theo Như Nguyệt
Tuần Việt Nam/Politico
Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng về cái bắt tay Obama-Castro Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ngay lập tức giảm nhẹ tầm quan trọng của cái bắt tay vào ngày hôm qua giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Castro tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela ở Nam Phi. Tổng thống Obama bắt tay Chủ tịch Raul Castro. Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện về Iran...