Phía sau bản án tử hình – Kỳ 5: Gặp lại tử tù Xiêng Phênh
Được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng hai nước Việt-Lào, chúng tôi đến trại giam thuộc Công an Bôlykhămxay (Lào) tiếp xúc với Xiêng Phênh, trùm ma túy đang đối mặt với án tử hình lần hai.
Hình ảnh đầu tiên khiến tôi bất ngờ là khi vừa rón rén bước ra khỏi cánh cửa sắt trại giam, Xiêng Phênh quỳ xuống chắp hai tay vái lia lịa anh quản giáo trại giam thay cho lời chào.
Vừa ra khỏi cửa sắt nhà giam, Xiêng Phênh tỏ ra rất “lễ phép” với quản giáo – Ảnh: V.T.
Tự tử không thành
Trùm Xiêng Phênh giải thích sở dĩ nói rành rọt tiếng Việt không phải là do học tiếng để buôn ma túy mà “hồi nhỏ ở tỉnh Phongsali, giáp biên giới Việt – Lào nên đã qua sông sang Điện Biên đi học chữ”.
Chính đây là lợi thế về sau được Xiêng Phênh tận dụng triệt để khi tính chuyện bắt tay với đường dây ma túy của Vũ Xuân Trường (nguyên đại úy, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy, phòng 5, C14) và Vũ Hữu Chỉnh (nguyên phó trưởng phòng phòng chống ma túy, phòng 8, Cục Cảnh sát kinh tế) và bị sa lưới tại ngã tư Giảng Võ – Đê La Thành (Hà Nội) năm 1995. Xiêng Phênh bị tuyên án tử hình.
Nhưng anh ta đã thoát án tử hình trước khi ra pháp trường ngày 21-6-1996 do khai ra Vũ Xuân Trường và Vũ Hữu Chỉnh. Tiếp đến, Xiêng Phênh được Chính phủ VN khoan hồng với năm lần giảm án trong 15 năm thụ án. Nhưng khi được trở về nước, Xiêng Phênh không từ bỏ con đường buôn bán ma túy.
Khi nghe câu hỏi này, Xiêng Phênh ngẩng khuôn mặt đầy đặn nhưng trắng bệch lên nói: “Trước đây buôn ma túy nên có nhiều tiền. Sau khi ra tù không biết làm gì để có nhiều tiền như trước nên nhắm mắt liều theo đường cũ”.
Nghề Xiêng Phênh làm sau khi ra tù mà anh ta cho là không có nhiều tiền là nghề… nuôi gà. Xiêng Phênh hùn vốn cùng con gái Chăn Tha Lay mở trang trại gà với hàng trăm con. “Nhưng có lần cả trang trại gà bị trúng dịch. Gà chết là hết tiền. Nhiều khi bị bệnh nhưng không có tiền đi chữa bệnh. Túng thiếu như thế nên phải tìm đường buôn ma túy. Phải làm ăn lớn mới có nhiều tiền” – Xiêng Phênh nói. Đây là nguyên do khiến trùm ma túy nhớ về đường dây cũ, rồi tìm mọi cách tuồn ma túy qua biên giới Việt – Lào.
Tôi hỏi: “Theo đường cũ, ông có sợ bị bắt như lần trước không?”. Xiêng Phênh trả lời: “Lúc đó do ham tiền và nghĩ có nhiều mẹo để tránh công an hai nước “.
Bẵng đi giây lát, bỗng Xiêng Phênh nói như hối hận: “Dù sao tôi cũng đã bị bắt lần thứ hai ngay trên đất Lào”. Nói đoạn, anh ta lại chắp hai bàn tay giơ lên trước mặt chúng tôi: “Tôi sợ đến mức không thở được. Sợ nhất là khi bị bắt. Tôi cắn lưỡi định tự tử nhưng khi miệng sùi bọt mép tôi lại sợ chết” – Xiêng Phênh thú nhận.
Video đang HOT
Lúc ấy trung tá Nguyễn Xuân Sơn, cán bộ phòng phòng chống ma túy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh là người trực tiếp quật ngã Xiêng Phênh tại phòng số 7 khách sạn Viêng Thon, tỉnh Bôlykhămxay, khi anh ta đang ngồi chăm chú kiểm túi hàng gồm 39 bánh heroin.
Trung tá Sơn kể: “Do tôi ra đòn quá nhanh nên Xiêng Phênh không có thời gian chống cự ngoài một tiếng kêu thất thanh “chết rồi”. Hai đồng đội của tôi đè sấp y xuống, anh ta lại kêu: “Nhiều người thế này em không trốn được đâu. Em biết em chết rồi, đừng còng tay em nữa”.
Xiêng Phênh tại trại giam Công an Bôlykhămxay (Lào) – Ảnh: Vũ Toàn
“Tôi muốn nhìn thấy vợ con, nhưng…”
Trung tá Ô Khăm lật từng trang ghi chép trong quá trình điều tra về tên trùm này, cho biết: “Con gái của Xiêng Phênh đang bị giam trong trại giam thuộc Công an tỉnh Luang Prabang vì tội buôn bán ma túy đã hai năm nay. Sau khi ra tù, Xiêng Phênh trú tại bản Đồng Cà Lau, quận Xỉ Khọt Tạ Poong, TP Vientiane cùng với con rể. Từ đây anh ta và con rể thiết lập đường dây buôn bán ma túy mới. 39 bánh heroin bị bắt mới đây là hàng do con rể cung cấp. Nguồn hàng của con rể chủ yếu nhập từ Tam giác vàng về. Rất có thể đường dây ma túy mới của hai cha con Xiêng Phênh đã nhiều lần tuồn hàng qua biên giới sang VN và Campuchia”.
…Dưới nắng trời hầm hập nhưng Xiêng Phênh hình như không hề biết nắng nóng. Qua khung cửa sổ của phòng hỏi cung, Xiêng Phênh nhìn về phía cánh cổng trại giam rồi hạ giọng: “Giờ không được ở với vợ con, tôi buồn và bấn loạn hơn lần trước nhiều. Trong thâm tâm tôi muốn người nhà đến thăm nhưng lại không muốn nhìn thấy ai hết vì sợ người nhà thấy cảnh tù tội của tôi họ sẽ khóc lóc, buồn phiền hơn”.
Theo tâm sự của Xiêng Phênh, nhiều đêm trong trại giam anh ta nghĩ nhiều hơn ngủ và thường ngủ không tròn giấc. Nghĩ cảnh con gái Chăn Tha Lay cũng đang ở tù, Xiêng Phênh tỏ vẻ thương con lắm, vì mình mà con gái đi theo con đường tội lỗi này. Xiêng Phênh lại dằn lòng: “Chính cha con tôi đã làm khổ gia đình. Tôi nghĩ nếu mình chưa bị bắt thì không bao giờ tôi đi theo đường cũ. Không có tiền cũng không chết đâu mà sợ. Giờ thì án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu tôi. Tôi ân hận nhưng hình như tất cả đã muộn. Cuộc đời tôi đã đến lúc khép lại”.
Gương mặt trẻ của trung tá Ô Khăm – cán bộ phòng cảnh sát Công an Bôlykhămxay (người trực tiếp điều tra vụ án Xiêng Phênh) lấm tấm những giọt mồ hôi. Anh từ tốn nêu câu hỏi: “Thế ước nguyện của bị can lúc này là gì?”.
Xiêng Phênh lại đưa hai bàn tay lên như vái lạy: “Tôi nhớ nhà và rất muốn được ở với vợ và con cháu một vài ngày. Tôi mơ được trở về để nuôi gà kiếm sống. Vì buôn hàng quốc cấm được nhiều tiền mà bị tử hình thì cuộc đời cũng chấm hết”.
“Xiêng Phênh chắc chắn không thoát khỏi cái chết. Sau vụ Xiêng Phênh, chúng tôi vừa bắt 2 tấn cần sa và hơn 1.000 viên ma túy tổng hợp. Mới đây, Ủy ban Phòng chống ma túy Lào đã sửa đổi quy định với nội dung nghiêm khắc hơn trước. Ai tàng trữ, buôn bán 500g heroin, 3kg Methamphetamine hoặc 10kg tiền chất có thể bị tử hình (trước đây quy định tù 10 năm hoặc chung thân). Nạn buôn bán ma túy kiểu trùm Xiêng Phênh đang gia tăng, có tuần bắt bảy vụ. Chúng tôi bắt không xuể. Khổ nỗi nguồn ma túy từ Tam giác vàng về quá nhiều và rất khó kiểm soát. Đây là nguồn ma túy lớn của thế giới, ngăn chặn nó đang là bài toán rất khó. Hiện nạn tàng trữ và buôn bán ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là xu hướng trồng cây anh túc và cần sa trên những diện tích lớn. Tình trạng này kéo theo tỉ lệ sử dụng và nghiện chất ma túy cũng đang tăng nhanh. Tháng 6-2011, Lào đã phát động chiến dịch phòng chống ma túy nhằm kêu gọi toàn thể xã hội nêu cao trách nhiệm trong phòng, chống, đặc biệt tập trung giáo dục giới trẻ trước mối đe dọa của ma túy. Chúng tôi đang quyết tâm không để Lào trở thành địa bàn trung chuyển ma túy sang các nước tiểu vùng sông Mekong và các quốc gia có chung biên giới như kết luận của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) mới đây…”.
Theo Tuổi Trẻ
Phía sau bản án tử hình - Kỳ 4: Làng... tử hình
Cơn lốc ma túy quét qua nhiều làng quê nghèo ở các tỉnh phía Bắc khiến nhiều gia đình bỗng dưng giàu sụ rồi cũng bỗng dưng điêu đứng. Nhà có người đi tù, người lãnh án tử hình. Bố mẹ thi hành án, con cái bỏ nhà đi biệt xứ. Làng quê thêm nhiều căn nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy lối đi.
Ngôi nhà bỏ hoang của tử tù Nguyễn Thị Mai - Ảnh: Tâm Lụa
Án tử: chuyện bình thường?
Chúng tôi tìm về xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Năm 2003, cơn lốc ma túy về làng. Người dân quê đang bình yên cày cấy thì nhiều người bỏ ruộng đồng đi buôn ma túy. Án tử hình vì ma túy đầu tiên của làng vào năm 2003 là bị cáo Thân Nhân Bộ.
Ngồi trong ngôi nhà cấp 4, trụ sở UBND xã, anh Nguyễn Văn Thắng (phó trưởng Công an xã Ngọc Vân) nhớ lại: "Đó là phiên tòa lưu động đầu tiên của làng vào năm 2003, cũng là án tử hình đầu tiên của xã. Phiên tòa được mở tại UBND xã Ngọc Vân, người dân đi xem xét xử đứng chật quanh ủy ban này. Loa phát thanh ra rả suốt cả ngày. Thân Nhân Bộ bị tử hình, các bị cáo khác chung vụ án bị xử phạt tù từ 20 năm đến chung thân. Người ta nói án tử có tác dụng răn đe, nhưng sau án tử của Thân Nhân Bộ không mấy người làng thấy sợ hãi. Họ vẫn đua nhau buôn bán, vận chuyển ma túy nhưng làm kín đáo hơn".
Dưới ma lực của đồng tiền, người dân nhanh chóng quên đi án tử hình của Thân Nhân Bộ. Họ không biết sợ, thế là thêm nhiều người bị bắt vì tội vận chuyển ma túy. Xã Ngọc Vân có thêm nhiều án tử tiếp theo vì ma túy như của Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Thị Mai... Thống kê của Công an xã Ngọc Vân cho thấy toàn xã có 160 người đang thi hành án tù vì buôn ma túy, bảy người bị kết án tử hình. Riêng năm 2004 có tới 34 vụ bị bắt.
"Bị bắt hay tử hình ở xã này là bình thường rồi! Mỗi lần chúng tôi phối hợp với công an tỉnh đi bắt người buôn ma túy, người dân đứng ngó nghiêng một chút rồi ai nhanh chóng về nhà nấy. Họ cũng chẳng mấy quan tâm, bận lòng đâu" - anh Thắng vừa lật giở sổ thống kê tên các đối tượng bị bắt, bị tử hình vì ma túy, vừa nói.
Ngôi nhà của Thân Nhân Bộ bỏ hoang, cây cối, cỏ dại mọc đầy lối đi. Ngôi nhà ấy được xây cách đây đã lâu, rất rộng lớn và kiên cố. Sau khi Thân Nhân Bộ thi hành án tử hình, lần lượt vợ của Thân Nhân Bộ là Đỗ Thị Dĩnh lãnh án 20 năm tù, con trai đầu Thân Nhân Dương cũng lãnh án 15 năm tù cùng vì tội buôn ma túy. Chồng bị bắt, vợ của Dương ôm con về nhà ngoại. Con gái của Thân Nhân Bộ là Thân Thị Diện cũng bỏ quê đi biệt tăm không thấy về. Ngôi nhà rộng càng thêm âm u, lạnh lẽo. Bàn thờ Thân Nhân Bộ bỏ trống, anh em họ nhớ ngày giỗ thì đến thắp cho nén nhang.
"Còn gì nữa đâu, tan nát hết rồi..." - chị dâu của Thân Nhân Bộ vừa nói vừa hướng mắt về phía căn nhà bỏ trống ấy. Án tử của Thân Nhân Bộ không có tác dụng răn đe với người dân Ngọc Vân, càng không có tác dụng răn đe với thân nhân gia đình nhà Bộ. Bằng chứng là anh em của nhà Bộ, những người trực tiếp chứng kiến nỗi đau, sự mất mát của án tử hình mang lại, không hề sợ hãi mà còn lún sâu vào con đường tội lỗi. Ngoài vợ và con của Bộ đang thi hành án vì ma túy thì anh em họ nhà Bộ còn bảy người tiếp tục lãnh án vì ma túy như Vũ Đình Trọng (20 năm tù), Thân Nhân Chuyên (20 năm tù)...
Cách nhà của Bộ không xa là ngôi nhà của Nguyễn Thị Mai, đã thi hành án tử hình năm 2005. Sau khi vợ mất, chồng của Mai là Nguyễn Văn Trung cũng bị bắt vì buôn ma túy, đang thi hành án tù 15 năm. Người làng Ngọc Vân bảo hai con của Mai học rất giỏi, đã vào đại học nhưng không ai biết giờ hai cháu đang ở đâu, cũng không thấy về quê. Nhà Mai bỏ hoang, cánh cổng sắt luôn đóng kín, đứng ngoài nhìn vào chỉ thấy cỏ dại rậm rịt.
"Mình không biết nói sao với các cháu về bố mẹ chúng" - Vàng A Pó, người con trai của ông bà Chía, nói - Ảnh: Hoàng Điệp
Án tử và 11 đứa trẻ...
Trong cái nắng oi ả giữa mùa hè cùng gió Lào thổi ràn rạt, căn nhà gỗ làm theo kiểu truyền thống của người Mông dường như ngột ngạt hơn khi người con dâu của ông Vàng A Chía (bản Na Ư, huyện Điện Biên) đang rán chảo mỡ lợn to tướng. Cạnh chị là sáu, bảy đứa trẻ nhỏ bu quanh. Ông Chía, người già của nhà, ngồi xổm bên bếp lửa tiếp khách.
"Mình buồn lắm chứ, người Mông mình có câu buồn quá thì chết đi nhưng mình không chết được. Mình chết ai nuôi 11 đứa cháu nhỏ, ai đi nương, ai đi đào cái củ về cho chúng nó ăn. Thế là mình phải sống". Ông Chía nói thế khi nhắc đến án tử hình của con trai thứ hai Vàng A Say và án tù của ba con trai khác vì ma túy. Bốn đứa con, đứa vào tù, đứa bị xử bắn để lại cho ông một đàn cháu nhỏ. "Mình không biết chúng nó buôn ma túy, vẫn khuyên bảo chúng nó đấy, nhưng đến lúc công an bắt đi rồi mình mới biết. Biết rồi thì làm gì được nữa. Muộn quá rồi. Chúng nó lớn, tự quyết lấy việc của chúng nó, mình yếu rồi không bám theo chúng để khuyên bảo được nữa".
Nói đến đây, từ hốc mắt khô héo của người già chảy ra những giọt nước mắt. Lũ trẻ nhỏ nép dựa vào những cột góc nhà, mắt lấm lét nhìn khách rồi lại nhìn ông nội.
Căn nhà truyền thống của ông Chía hẳn đã từng rất vui vẻ. Đó là một căn nhà to với nhiều ngăn, cho nhiều gia đình có thể ở chung được. Giờ chỉ còn nhà, đồ đạc chẳng còn gì.
Khi chúng tôi đến, vợ ông Chía vừa đi nương về. Đôi tay bà lấm lem vì bẻ một cây rừng đã bị đốt làm gậy dò đường. Bà ngồi bệt dưới thềm. 90 tuổi, mái tóc bà bạc trắng, hằng ngày vẫn phải đi nương kiếm cơm nuôi cháu. Tai bà đã lãng, mắt đã yếu. Bà không nghe và nói rõ được tiếng Kinh. "Đi hết rồi"- bà chỉ nói được như thế rồi lặng thinh. Đôi mắt người già khô khốc.
11 đứa cháu thì chỉ mấy đứa bé được đi học, còn lại đều phải nghỉ sớm để đi nương với ông bà nuôi em nhỏ. Khi con trai đứa bị tử hình, đứa đi tù thì các con dâu ông Chía cũng bỏ đi hết. Trong vòng bảy năm, bốn đứa con dâu để lại 11 đứa cháu, đứa nhỏ nhất khi mẹ bỏ đi mới 9 tháng tuổi. Bà nội, ông nội vừa làm cha mẹ, vừa dạy dỗ, bảo ban các cháu. "Vất vả lắm, khổ lắm nhưng mình không thể chết được. Phải sống để trồng cái bắp, đào cái củ cho chúng nó ăn" - ông Chía nói.
Còn Vàng A Pó, đứa con trai duy nhất còn sống với ông Chía, bảo: "Lâu lâu lũ trẻ lại hỏi bố mẹ chúng đâu rồi, tôi không biết nói sao".
Tôi nhớ lời những cán bộ tại đồn biên phòng nói cửa khẩu Tây Trang, Na Ư là điểm nóng nhất về ma túy của tỉnh Điện Biên. Ở đây phần lớn gia đình đều có người dính vào ma túy. Người ta không thể nhớ hết tên và thống kê hết số người bị bắt và tử hình vì ma túy.
Theo Tuổi Trẻ
Phía sau bản án tử hình - Kỳ 3: Người mẹ và những lá đơn xin ân xá Người phụ nữ gần 60 tuổi, tóc bạc, vóc người nhỏ nhắn bước vào một văn phòng luật sư bằng những bước đi dứt khoát. Bà nắm tay vị luật sư cũ, vừa khóc vừa cười mà nói: "Tôi mừng lắm lắm cô ơi! Cháu nó nay khỏe lắm cô ơi, cải tạo tốt lắm. Nó học được nghề phơi cá cơm nữa!"....