Phí sử dụng đường bộ chưa hợp lý
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ Tài chính thì từ 1-1-2013, chủ các loại phương tiện ô tô, xe máy đều phải đóng phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại cách thức thu cũng như đối tượng nộp phí.
Phí sử dụng đường bộ sẽ được dùng để cải tạo chất lượng đường sá
Doanh nghiệp chưa nhất trí
Từ 1-1-2013, xe ô tô chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân sẽ phải đóng 130.000 đồng/tháng xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe cá nhân) đến các loại xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên sẽ phải đóng phí từ 180.000 – 1,040 triệu đồng/tháng. Cũng tại dự thảo Thông tư này, Bộ Tài chính quy định về hình thức nộp phí sử dụng đường bộ đối với các loại ô tô như sau: Phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Đến kỳ đăng kiểm, chủ xe mang xe đến đăng kiểm, nộp phí, lệ phí đăng kiểm (nếu có) và nộp phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm. Cơ quan đăng kiểm dán Tem đăng kiểm tương ứng với chu kỳ đăng kiểm và Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. Tại Việt Nam, chu kỳ đăng kiểm của xe ô tô hầu hết được thực hiện 6 tháng/lần. Như vậy, các doanh nghiệp vận tải, chủ sở hữu ô tô sẽ phải đóng phí sử dụng đường bộ 6 tháng/lần.
Về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải đã phản ứng về phương pháp thu phí. Theo đó, nếu thu 6 tháng/lần theo chu kỳ kiểm định thì doanh nghiệp vận tải phải trả tiền trước 6 tháng khi sử dụng dịch vụ. Ông Hùng lấy ví dụ, một doanh nghiệp vận tải có khoảng 100 xe container, thì một lần đóng phí sử dụng dịch vụ sẽ là số tiền không nhỏ. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu phải đóng ngay một lúc số tiền lớn như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải vay mượn để nộp phí sử dụng đường, như vậy không hợp tình hợp lý”, ông Hùng nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc thu phí trên đầu phương tiện cũng làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, ví như xe được sử dụng trong trường lái, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ nhưng chưa bán được cũng phải chịu phí sử dụng đường bộ tương tự những xe chạy nhiều.
Có nên tận thu cả của xe đạp điện?
Cũng theo ông Liên, mức phí sử dụng đường bộ tại Việt Nam có thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, chất lượng đường sá các nước rất tốt so với Việt Nam. Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm HTX vận tải Bắc Nam cho biết, đơn vị này đang sở hữu hơn 10 xe container, nếu sắp tới phải đóng phí sử dụng đường bộ trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì sẽ thêm phần khó cho các doanh nghiệp. “Thu theo chu kỳ đăng kiểm thì chỉ thuận lợi, dễ dàng cho cơ quan thu phí, nhưng lại đẩy phần khó về doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải nặng và nhiều đầu xe”. Theo đó, ông Việt Anh kiến nghị nên rút ngắn thời gian đóng phí sử dụng đường bộ, từ 6 tháng xuống 1 hoặc 3 tháng/lần.
Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính còn bao gồm cả xe đạp điện cũng phải đóng phí sử dụng đường. Ông Hùng cho rằng, xe đạp điện là phương tiện đang khuyến khích sử dụng góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phương tiện này phù hợp đối với học sinh đến trường để giảm tình trạng đi xe máy. Do vậy, các bộ, ngành cần cân nhắc, có nên tận thu đối với loại phương tiện này không?
Liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, từ 1-1-2013, người sử dụng xe máy sẽ phải đóng phí từ 50.000-150.000 đồng/năm. Việc thu phí sẽ giao cho UBND phường, xã trên cơ sở thống kê đăng ký lượng xe máy trên địa bàn. UBND xã chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ cho chủ phương tiện. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai nộp phí, tổ dân phố (hoặc thôn) kiểm tra kê khai và thu phí. Song, nhiều người cho rằng, phương án thu phí đối với xe máy là khó khả thi và phần thu cũng không được nhiều. “Tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn đến kê khai thu phí, chủ sử dụng phương tiện không đóng phí thì sẽ giải quyết như thế nào”, ông Liên đặt câu hỏi.
Theo ANTD
Hàn Quốc ngừng tuyển mới lao động Việt Nam
Ngày 21-9, theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH, phía Hàn Quốc vừa có thông báo hạn ngạch tuyển mới lao động Việt Nam năm 2012 đã dừng lại, đồng nghĩa với việc từ nay đến hết năm không có lao động Việt Nam được tuyển dụng mới sang Hàn Quốc làm việc.
Trong số 13.958 hồ sơ của kỳ thi tiếng Hàn tháng 12-2011 được gửi lên mạng cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, đến nay mới có 2.816 lao động được chọn (chiếm 20,2%), hơn 11.000 hồ sơ còn lại đang chờ chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn sẽ phải tiếp tục chờ hạn ngạch tuyển dụng của năm 2013.
Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, lý do chính phía Hàn Quốc "đóng" hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ta là do tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn cao (trên 50% - tương ứng khoảng 11.000 lao động). Từ nay đến hết năm, Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động chấp hành tốt quy định và lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn.
Theo ANTD
Hạn chế phương tiện cá nhân: Taxi lo bị bỏ quên Trong bối cảnh hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển xã hội thì hạn chế phương tiện cá nhân được xem như một phương án khả thi, nhưng hạn chế như thế nào, với những loại phương tiện nào cần phải có lộ trình cụ thể, là những vấn đề được nhiều chuyên gia mổ xẻ. Bất đồng về taxi...