Phí kênh đào làm quan hệ Mỹ – Panama thêm sóng gió
Ngày 22/12, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã tái khẳng định chủ quyền của nước này với kênh đào Panama sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ “đòi lại” kênh đào này.
Tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Panama gần thành phố Panama ngày 28/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông điệp được đăng tải trên mạng xã hội X, Tổng thống Mulino khẳng định, mỗi mét vuông của kênh đào Panama và khu vực xung quanh đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như vậy, đồng thời nhấn mạnh chủ quyền và nền độc lập của Panama là không thể thương lượng. Ông Mulino đồng thời khẳng định mức phí lưu thông qua kênh đào mà Panama đang áp dụng không được thiết lập “theo ý thích”.
Tổng thống Mulino đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Trump cảnh báo sẽ lấy lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào Panama, cáo buộc Panama tính phí quá cao để sử dụng tuyến đường qua Trung Mỹ này. Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở Arizona, ông Trump cho biết Mỹ đã trao trả kênh đào này cho Panama nhưng đi kèm với các điều khoản. Tuy nhiên, nếu những điều khoản trên không được tuân thủ, Mỹ sẽ “đòi lại” kênh đào Panama.
Tuyến đường thủy quan trọng nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương này, cho phép tới 14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% hoạt động giao thương đường biển toàn cầu.
Mỹ là nước sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất, đồng thời cũng là nước đóng góp phần lớn nguồn lực để xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập kỷ.
Việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời cựu Tổng thống Teddy Roosevelt. Vào thời điểm đó, đây được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ. Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận được ký kết vào năm 1977 dưới thời cựu Tổng thống Jimmy Carter.
Ông Trump đe dọa giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama
Ngày 21/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cảnh báo rằng Mỹ có thể giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama nếu Panama không tôn trọng các điều khoản của hiệp ước năm 1977.
Ông Donald Trump với đe dọa giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tuyên bố này được đưa ra trong hai bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, nơi ông Trump cáo buộc Panama áp đặt mức phí quá cao đối với tàu thuyền Mỹ khi sử dụng tuyến đường thủy quan trọng này.
Ông Trump cho rằng hiệp ước chuyển giao quyền kiểm soát Kênh đào Panama cũng bao gồm quyền cho Mỹ lấy lại nó nếu các nguyên tắc pháp lý và thỏa thuận không được đảm bảo. Ông nhấn mạnh rằng việc không tuân thủ các điều khoản này sẽ buộc Mỹ phải hành động và lấy lại Kênh đào Panama để đảm bảo quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, lý do cụ thể khiến ông Trump đưa ra phát biểu này vẫn chưa được làm rõ. Mặc dù Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sự hiện diện tại khu vực Mỹ Latinh trong hai thập kỷ qua, bên cạnh đó, việc một công ty có trụ sở tại Hong Kong đang quản lý hai cảng nằm ở hai đầu Kênh đào Panama, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trực tiếp tham gia vào việc quản lý hoặc kiểm soát hoạt động của tuyến đường thủy chiến lược này.
Kênh đào Panama có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ từ năm 1903, khi hai nước ký kết hiệp ước cho phép Mỹ xây dựng tuyến đường thủy chiến lược nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Đổi lại, Mỹ được quyền kiểm soát khu vực xung quanh kênh đào và cam kết duy trì tính trung lập của tuyến đường này nhằm bảo đảm sự thông thương quốc tế. Tuy nhiên, những tranh cãi kéo dài suốt nhiều thập kỷ về quyền kiểm soát đã thúc đẩy chính quyền Tổng thống Jimmy Carter ký hai hiệp ước vào năm 1977. Các hiệp ước này đặt ra lộ trình chuyển giao quyền kiểm soát Kênh đào Panama cho chính phủ Panama - một tiến trình được hoàn tất vào năm 1999 - chính thức khép lại thời kỳ quản lý trực tiếp của Mỹ đối với tuyến đường thủy mang tầm quan trọng toàn cầu này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng Mỹ không có cơ sở pháp lý rõ ràng để giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, nhất là khi các điều khoản trong hiệp ước năm 1977 đã trao quyền quản lý toàn diện Kênh đào Panama cho Panama. Vì vậy, những tuyên bố mới đấy của ông Trump - dù thu hút sự chú ý - khó có thể tạo ra bất kỳ thay đổi thực tế nào đối với quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược này.
Mỹ treo giải 5 triệu USD cho thông tin vụ đánh bom máy bay năm 1994 Chính phủ Mỹ ngày 29/10 giờ địa phương treo giải thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin về nhóm Hezbollah bị cáo buộc gây ra vụ đánh bom máy bay năm 1994 ở Panama khiến 21 người chết. Chuyến bay 901 của hãng Alas Chiricanas phát nổ ngay khi vừa cất cánh (Ảnh: Trend News). Chuyến bay 901 của hãng...