Phi hành gia chia sẻ về những rắc rối sau thời gian kỷ lục sống trên ISS
Sau hơn một năm sống trong không gian, nhà du hành vũ trụ người Mỹ Frank Rubio giờ phải làm quen với “thứ phiền toái” mà người ở Trái Đất gọi là trọng lực.
Nhà du hành Frank Rubio của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lên tàu vũ trụ Soyuz MS-22 tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, ngày 21/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Chia sẻ trong một cuộc họp báo ngày 13/10 tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở thành phố Houston (bang Texas, Mỹ), phi hành gia Rubio cho biết: “Việc đi lại khiến tôi cảm thấy hơi đau ở lòng bàn chân và phần thắt lưng trong những ngày đầu. Tôi nghĩ rằng sẽ có một mức độ đau nhất định xảy ra khi phần thắt lưng của bạn phải đỡ lấy 1/2 trọng lượng cơ thể của bạn”.
Nhà du hành vũ trụ Rubio trở về Trái Đất cách đây 2 tuần, sau khi trải qua 371 ngày sống trên vũ trụ. Ông là thành viên của phi hành đoàn (cùng 2 đồng nghiệp người Nga) bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ( ISS) hồi tháng 9 năm ngoái trong một nhiệm kỳ công tác kéo dài 6 tháng như thường lệ.
Tuy nhiên, tàu vũ trụ Soyuz – phương tiện dự kiến đưa nhóm phi hành gia này quay trở lại Trái Đất – đã bị rò rỉ chất làm mát hồi tháng 12/2022, với nguyên nhân được cho là do va chạm với một thiên thạch vi mô trong khi lưu lại ISS. Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos buộc phải đưa con tàu này trở về Trái Đất để sửa chữa, do vậy, nhiệm kỳ của phi hành gia Rubio và các đồng nghiệp bị kéo dài một cách bất đắc dĩ.
Ông Rubio thừa nhận: “Nói thật là việc tôi phải ở trên trạm vũ trụ cả năm trời là một sự tra tấn, bởi vì tôi thích được đi lại thoải mái ở không gian bên ngoài. Nhưng biết sao được khi đó là một phần của sứ mệnh. Tôi đã xốc lại tinh thần và tự nhủ: ‘Này, đây là thế giới của ta trong 12 tháng tới và ta phải giải quyết điều đó’ “.
Mặc dù vậy, chuyến công tác đáng nhớ này đã giúp phi hành gia Rubio lập kỷ lục về thời gian lâu nhất mà một người Mỹ lưu lại trong không gian, phá vỡ kỷ lục do nhà du hành Mark Vande Hei thiết lập vào năm 2022 (với 355 ngày liên tiếp).
Ông Rubio cho biết: “Trong vài ngày đầu tiên (trở lại Trái Đất), bạn sẽ thấy mình trôi sang phải hoặc sang trái dù đã rất cố gắng để đi thẳng. Tâm trí của bạn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng cơ thể bạn không phản ứng theo cách bạn mong đợi”.
Đó cũng là chuyến du hành vũ trụ đầu tiên của ông Rubio. Nhiệm vụ của ông trên ISS bao gồm thử nghiệm làm vườn, thử chế độ ăn giàu dinh dưỡng trong không gian và thậm chí thử nghiệm cả sụn đầu gối in 3D. Tuy nhiên, ông Rubio vẫn còn kém xa kỷ lục thế giới do phi hành gia người Nga Valeri Polykov nắm giữ. Ông Polykov đã thực hiện chuyến du hành vũ trụ trong thời gian từ tháng 1/1994 – 3/1995, tức 437 ngày và 18 giờ liên tục.
ISS thay chỉ huy mới
Ngày 26/9, phi hành đoàn gồm một nhà du hành vũ trụ người Mỹ và 2 phi hành gia người Nga đã trao quyền chỉ huy Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho phi hành đoàn mới, để chuẩn bị trở về Trái Đất sau khi hoàn tất sứ mệnh không gian kéo dài tới 371 ngày.
Phi hành gia Andreas Mogensen. Ảnh: nasa.gov
Cụ thể, phi hành gia Sergey Prokopyev thuộc Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos, đã thay mặt phi hành đoàn hết nhiệm vụ bàn giao lại chìa khóa tượng trưng cho chỉ huy mới người Mỹ Andreas Mogensen của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Sau đó, nhóm trở về sẽ lên tàu vũ trụ Soyuz MS-23, rời module và dự kiến hạ cánh xuống Kazakhstan vào tối 27/9 theo giờ Việt Nam.
Phi hành gia Mogensen đã bày tỏ cảm xúc vinh dự khi đảm nhận vai trò chỉ huy mới của ISS, đồng thời gửi lời cảm ơn những đồng nghiệp người Nga vì sự cống hiến hết mình cho sứ mệnh khám phá không gian.
ISS là dự án hợp tác chung giữa 5 cơ quan vũ trụ, trong đó có NASA và Roscosmos, đã vận hành trong quỹ đạo quanh Trái Đất kể từ năm 1998 và đến nay đã thực hiện hàng nghìn thí nghiệm khoa học.
Các nước BRICS có thể hưởng lợi gì từ dự án không gian chung do Nga đề xuất? Mới đây, Moskva đã đề xuất nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - chế tạo một module riêng trên Trạm quỹ đạo mới của Nga (ROS) để thực hiện các nghiên cứu không gian ở quỹ đạo Trái Đất thấp. Trạm vũ trụ quốc tế nhìn từ Tàu con thoi...