Phi công ‘nhìn như 100 tuổi’ sau khi lái tiêm kích F-35
Các phi công lái thử nghiệm đã mô tả về thách thức khi lái một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới – tiêm kích F-35 – trong một cuộc thảo luận trực tuyến do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) tổ chức.
Một chiếc F-35 được tiếp liệu trên không. Ảnh: Getty Images
Tony “Brick” Wilson, một phi công lái thử nghiệm F-35 cho Lockheed Martin, người từng phục vụ trong Hải quân Mỹ, đã mô tả về “lực G” (lực cơ thể cảm nhận khi di chuyển nhanh về phía trước) anh phải đối phó khi lái các máy bay chiến đấu công nghệ cao của Mỹ.
Tờ The Jerusalem Post vào đầu tháng 6 dẫn lời của Wilson đánh giá: “Nó giống như một con khỉ đột nặng 362kg đang ngồi trên ngực bạn”. Tiêm kích F-35 có tốc độ tối đa khoảng Mach 1,6 hoặc 1.976 km/giờ.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này do Lockheed Martin sản xuất là máy bay tàng hình đa chức năng dành cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không hoặc không kích.
Video đang HOT
Monessa “Siren” Balzhiser, một phi công thử nghiệm F-35 khác, cũng đề cập đến “lực G” trong cuộc thảo luận trực tuyến do Lockheed Martin tổ chức. Cô Balzhiser cho biết một tàu lượn siêu tốc trung bình tạo ra lực 3 đến 4 G.
Cô cũng lấy ví dụ rằng 9 G tương đương 408 kg lực tác động lên cơ thể một người. Do đó, Balzhiser nói cần phải trải qua huấn luyện nhiều và đặc biệt. Cô cũng miêu tả rằng sau một nhiệm vụ, các phi công “trông như thể họ đã 100 tuổi” khi bước ra khỏi F-35.
Khi nhận được câu hỏi F-35 thể bay bao xa, Wilson đã đề cập đến mức nhiên liệu khác nhau có sẵn trong mỗi phiên bản của chiến đấu cơ này. Một chiếc F-35A mang 8.164 kg nhiên liệu, F-35B mang khoảng 5.896 kg nhiên liệu và F-35C mang gần 9.071 kg nhiên liệu. Sau đó, anh kết luận phi công bay không quá “500 đến 700 hải lý, thực hiện một nhiệm vụ và sau đó quay trở lại căn cứ”.
Trong hội thảo, Balzhiser cho biết điều mà cô đánh giá cao nhất về F-35 là “lượng thông tin và nhận thức tình huống” mà chiến đấu cơ này mang lại so với F-16.
Máy bay chiến đấu F-35 Lightning II cất cánh từ căn cứ không quân Tyndall ở Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Các loại vũ khí mà F-35 có thể mang theo cũng rất đa dạng. Trong cấu hình được gọi là “chế độ quái thú”, nó mang bốn quả bom dẫn đường bằng laser 226 kg GBU-12 trên cánh, hai quả bom GBU-12 trong khoang vũ khí và một tên lửa tầm nhiệt không đối không AIM-9.
Tiêm kích F-35 được kỳ vọng trở thành trụ cột của phi đội thuộc Hải quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ, thay thế một số loại chiến đấu cơ từ thời Chiến tranh Lạnh như F/A-18 A-D, AV-8B, A-10 và F-16. Mặc dù F-35 đã có chuyến bay thử đầu tiên từ năm 2006 nhưng tiêm kích này vẫn chưa được thông qua để sản xuất số lượng lớn và vẫn duy trì trong tình trạng thu mua hạn chế.
Một báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) vào tháng 4/2022 cho rằng nguyên khiến F-35 chưa đáp ứng được các mục tiêu của chỉ số MCR -đánh giá sự sẵn sàng của phi đội chiến đấu cơ – bắt nguồn từ việc thiếu phụ tùng thay thế, thiếu thiết bị bảo trì và các nhân viên mặt đất thiếu dữ liệu kỹ thuật cần thiết để bảo dưỡng máy bay.
Israel không kích vùng thủ đô Syria trong đêm
Syria cáo buộc tiêm kích Israel khai hỏa tên lửa vào khu vực thủ đô Damascus (Syria) trong đêm, khiến ít nhất một binh sĩ bị thương và gây "một số thiệt hại vật chất".
Thông tấn Syria SANA hôm nay (14/6) dẫn nguồn tin quân sự nước này xác nhận, tiêm kích của Israel đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu ở ngoại ô thủ đô Damascus vào lúc nửa đêm, khiến một binh sĩ "bị chấn thương nghiêm trọng" và "gây ra một số thiệt hại vật chất".
Cột khói bốc lên ở Damascus sau một vụ không kích hồi năm 2022. Ảnh: GettyImages
Theo SANA, tiêm kích Israel khai hỏa tên lửa từ hướng Cao nguyên Golan (nằm ở khu vực ranh giới giữa Syria, Israel, Lebannon và Jordan).
Hệ thống phòng không của Syria đã được kích hoạt và "bắn hạ một số tên lửa". Chưa rõ số lượng tên lửa mà Israel sử dụng cũng như số quả đạn lọt lưới phòng không.
Trong khi đó, Times of Israel trích thông báo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay, mục tiêu bị tập kích lần này là một nhà kho quân sự của các lực lượng Iran gần sân bay ở thủ đô Damascus. SOHR ghi nhận tiếng nổ dữ dội vang lên trong đợt tấn công.
Tính từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ từ năm 2011, Israel đã thực hiện hàng trăm vụ tấn công ở Syria nhằm vào mục tiêu có liên quan đến Iran.
Israel và Iran coi nhau là đối thủ chính ở khu vực. Tel Aviv cho rằng, Tehran tận dụng tình hình xung đột ở Syria để thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài gần biên giới Israel, gây ra các mối lo về an ninh, trong khi giới chức Iran bác bỏ cáo buộc.
Thống kê của SOHR cho thấy, Tel Aviv đã 18 lần tập kích khoảng 40 mục tiêu có liên quan đến Iran ở Syria kể từ đầu năm 2023, khiến hàng chục người thiệt mạng. Tháng trước, Israel được cho là đã không kích một cơ sở của lực lượng dân quân Hezbollah thân Iran ở thành phố Dumayr phía Đông Bắc Damascus.
Mỹ từ chối bán tiêm kích tàng hình F-35 cho Thái Lan Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối lời đề nghị mua tiêm kích F-35 của Thái Lan một cách không chính thức, song đề nghị cung cấp cho nước này tiêm kích F-16 Block 70 và F-15 Eagle thay thế. Truyền thông Thái Lan ngày 22/5 dẫn nguồn tin từ Lực lượng không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) cho biết, thông điệp...