Phi công Mỹ tiết lộ những cảnh báo lớn tiếng của Trung Quốc trên Biển Đông
Trung Quốc liên tục phát đi cảnh báo đối với máy bay quân sự Mỹ tuần tra trên Biển Đông, bất chấp việc Washington khẳng định đang hoạt động trong không phận quốc tế.
Các phi công Mỹ điều khiển máy bay P-8A Poseidon tuần tra trên Biển Đông trong tháng 9 (Ảnh: New York Times)
Khi máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ hạ thấp độ cao xuống gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã phát tín hiệu cảnh báo qua sóng radio.
“Máy bay quân sự Mỹ. Các bạn đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và xâm phạm an ninh và quyền của chúng tôi. Các bạn cần rời đi ngay lập tức và tránh xa khu vực này”, Trung Quốc lớn tiếng cảnh báo máy bay Mỹ bằng tiếng Anh.
Ngồi trên máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon khi bay qua khu vực được cho là không phận quốc tế, Trung úy Dyanna Coughlin đã quay lại một đoạn video cho thấy sự thay đổi đáng kể đang diễn ra trên đá Vành Khăn.
5 năm trước, đá Vành Khăn chỉ là một vòng cung san hô với phần lớn diện tích chìm dưới nước và là nơi trú ngụ chủ yếu của cá và rùa biển. Còn bây giờ, khu vực này đã được bồi đắp và trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc với vòm radar, nhà chứa tên lửa đất đối không và cả đường băng đủ dài cho các máy bay chiến đấu cất và hạ cánh. Không chỉ đá Vành Khăn, 6 bãi cạn gần đó cũng đang bị Trung Quốc bồi đắp trái phép theo cách tương tự như vậy.
“Tôi thấy rằng, chuyện này thật điên cuồng. Hãy nhìn vào toàn bộ công trình điên cuồng đó”, Trung úy Coughlin nói.
Rất nhiều tàu xuất hiện ở khu vực đá Xubi trên Biển Đông (Ảnh: New York Times)
Thông qua sóng radio với nhiều tạp âm, phía Trung Quốc liên tục phát tín hiệu cảnh báo máy bay trinh sát Mỹ. Trung Quốc đã 8 lần cảnh báo máy bay Mỹ khi P-8A Poseidon triển khai hoạt động trên Biển Đông trong tháng này, trong đó 2 lần Trung Quốc cáo buộc máy bay quân sự Mỹ không chỉ tiến lại gần nơi mà Bắc Kinh lớn tiếng tự nhận là không phận mà còn cho rằng Mỹ đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
“Hãy rời đi ngay lập tức!”, Trung Quốc liên tục cảnh báo máy bay Mỹ.
Video đang HOT
Chuẩn Đô đốc Chris Purcell, chỉ huy phi đội máy may Mỹ, cho biết những cảnh báo như vậy là chuyện thường xuyên xảy ra trong suốt 4 tháng ông thực hiện sứ mệnh bay tuần tra trên Biển Đông.
“Những gì họ (Trung Quốc) muốn là chúng tôi phải rời đi, và sau đó họ có thể nói rằng chúng tôi rời đi vì khu vực đó là lãnh thổ chủ quyền của họ. Đó là cách họ hợp thức hóa yêu sách của mình, nhưng chúng tôi rõ ràng đang hoạt động trên không phận quốc tế và chúng tôi không làm bất kỳ điều gì khác biệt so với những gì mà chúng tôi vẫn làm suốt hàng chục năm qua”, ông Purcell nói.
Camera từ máy bay trinh sát Mỹ đã phát hiện các hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: New York Times)
Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình từng đứng ở Vườn Hồng, Nhà Trắng và cam kết “không có ý định quân sự hóa” các đảo đá tranh chấp trên Biển Đông. Nhưng từ đó đến nay, các máy nạo vét của Trung Quốc vẫn ngang nhiên đổ hàng núi cát xuống đá Vành Khăn và 6 thực thể khác do Bắc Kinh kiểm soát trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, Trung Quốc đã bồi đắp thêm ít nhất 1.294 ha đất tại khu vực này.
Trong chuyến bay tuần tra vào tháng này, khi hạ độ cao xuống thêm 1.500m, máy bay trinh sát của Mỹ đã quan sát rõ hơn các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tại đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một cần cẩu xây dựng đang hoạt động cạnh một nhà chứa tên lửa đất đối không. Ngoài ra, trên đá này cũng xuất hiện các trại lính, boong-ke và nhà chứa máy bay mở. Ít nhất 70 tàu, trong đó có một số tàu chiến, được nhìn thấy vây quanh đá Xubi.
Tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một tổ hợp các tòa nhà với mái hiên kiểu Trung Quốc được nhìn thấy “dàn hàng” ở khu vực trung tâm, trong đó có một tòa nhà lớn được xây dựng theo kiểu triển lãm với phần mái lượn sóng. Ngoại trừ những vòm radar được xây dựng lồi ra giống những quả bóng golf khổng lồ, đá Chữ Thập trông như một thành phố mới được xây dựng ở đất liền Trung Quốc. Một đường băng quân sự được nhìn thấy chạy dọc theo đảo với các phương tiện quân sự di chuyển qua lại. Các trạm ăng ten mọc tua tủa trên đá Chữ Thập.
“Thực sự choáng ngợp khi nhìn thấy các công trình của Trung Quốc, nhất là khi chúng được xây dựng ngay giữa Biển Đông. Nếu nói rằng đây không phải là quân sự hóa, thì rõ ràng là sai lầm. Chúng không hề bị che giấu đi. Mục đích quân sự hóa đã được nhìn thấy quá rõ ràng”, ông Purcell nói.
Giới chức quân sự Mỹ cho biết hồi tháng 4, Trung Quốc lần đầu tiên triển khai các tên lửa chống hạm và phòng không trên đá Vành Khăn, Xubi, Chữ Thập. Một tháng sau đó, một máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Báo cáo do Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 4 nhận định với các căn cứ đang hoạt động trên các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, quân đội Trung Quốc đang cải tiến năng lực để có thể “tấn công các lực lượng của Mỹ và đồng minh, cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam”.
Hành động của Mỹ
Máy bay trinh sát Mỹ phát hiện các tháp radar, nhà chứa máy bay và các tòa nhà cao 5 tầng xuất hiện trên đá Chữ Thập tại Biển Đông (Ảnh: New York Times)
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hồi tháng 6, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ không để mất một tấc lãnh thổ trên Biển Đông trong khi tòa trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Giới phân tích cho rằng việc để xảy ra một cuộc đối đầu trên Biển Đông sẽ rất nguy hiểm vì có nguy cơ lan rộng thành xung đột quốc tế.
Để đáp trả các động thái quân sự hóa trái phép ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ hồi tháng 5 đã không mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận hải quân ven Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới với sự tham gia của 20 lực lượng hải quân.
“Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ các lựa chọn của Trung Quốc nếu họ thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Tuy nhiên chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng đi ngược lại hoàn toàn với sự cởi mở trong chiến lược của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói.
Ngoài các chuyến bay tuần tra thường kỳ, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đưa các tàu chiến thường xuyên tới gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Lầu Năm Góc cho biết các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải như vậy diễn ra trên toàn thế giới và là cách để Mỹ thể hiện cam kết về các tuyến hàng hải tự do.
Một số nhà phân tích đã chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vì quá mềm mỏng trong việc đáp trả các động thái xây đảo phi pháp của Trung Quốc mà theo mô tả của Đô đốc Harry B. Harris Jr., cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, là “vạn lý trường thành bằng cát” trên Biển Đông. Những người chỉ trích cho rằng chính quyền Mỹ tiền nhiệm lẽ ra phải tiến hành thêm các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải.
“Hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông là một quá trình diễn ra từ từ với một số giai đoạn, theo đó việc Mỹ và các quốc gia khác có thêm những động thái khác đáng lẽ đã có thể thay đổi được lịch sử”, Alexander Vuving, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ New York Times
Quan chức quốc phòng Mỹ "vạch trần" hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định Washington vẫn sẽ duy trì các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver (Ảnh: Wu Wei/NTD)
Theo Straitstimes, ông Randfall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, đang có chuyến thăm tới Malaysia. Ông Schriver đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cho biết đã có sự gia tăng về các hành vi kiểu như vậy từ phía Bắc Kinh.
"Những hành vi đó của Trung Quốc không chỉ nhắm mục tiêu tới các máy bay và các tàu của Mỹ, mà còn nhằm vào các quốc gia khác đang hoạt động hợp pháp trong khu vực", ông Schriver nói.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng được hỏi về vụ việc xảy ra hôm 10/8 khi một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ bị quân đội Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu rời đi ngay lập tức trong lúc hoạt động trên Biển Đông.
"Đây là một phần trong cách hành xử (của Trung Quốc). Nó bắt đầu bằng việc đưa ra yêu sách chủ quyền (về đường chín đoạn), sau đó là quân sự hóa các thực thể và bây giờ chúng ta đang thấy những nỗ lực của họ nhằm hạn chế các nước hoạt động hợp pháp trên Biển Đông. Cách hành xử đó đã nói lên mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc, đó là không những không ủng hộ tự do đi lại, mà còn áp đặt quyền kiểm soát và cản trở khả năng duy trì hoạt động của chúng ta trong khu vực", ông Schriver nói.
Cũng theo ông Schriver, Mỹ vẫn theo dõi sự tiến triển của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mà các nước ASEAN đang xây dựng và dành sự "quan tâm lớn" cho vấn đề này. Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông là nỗ lực chung của các nước ASEAN trong việc thiết lập trật tự và cách hành xử chuẩn mực tại vùng biển quốc tế này.
"Chúng tôi sẽ ủng hộ các quốc gia trong khu vực - những nước thực sự muốn nâng cao sự an toàn của các hoạt động trên Biển Đông", ông Schriver nhấn mạnh, đồng thời cho biết Mỹ sẽ vẫn tiến hành các hoạt động ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trước đó, trang tin Washington Examiner ngày 7/8 dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randfall Schriver khẳng định sẽ có thêm nhiều nước cùng tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông với Mỹ. Theo ông Schriver, sự hiện diện của Mỹ và các nước trên Biển Đông là vô cùng quan trọng bởi Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp tại vùng biển này.
"Tôi nghĩ những gì các bạn thấy chắc chắn sẽ là việc tiếp tục tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải", ông Schriver cho biết.
Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 6 tuyên bố sẽ cân nhắc về một chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải mạnh mẽ hơn tại các khu vực Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Chiến dịch này sẽ có sự tham gia của nhiều tàu chiến hơn với thời gian tuần tra dài hơn nhằm thách thức yêu sách của Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/8 đã ký thông qua dự luật chính sách quốc phòng 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn với Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Dantri/Straitstimes
Trung Quốc lớn tiếng cảnh báo máy bay quân sự Philippines bay qua Biển Đông Trung Quốc đã cảnh báo máy bay quân sự Philippines rời khỏi không phận khu vực đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, hoặc sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hậu quả. Máy bay chiến đấu FA-50PH của Philippines (Ảnh minh họa: Inquirer) Hôm 10/8, hải quân Mỹ đã điều động máy bay trinh sát...