Phi công Mỹ kể những lần bị tiêm kích Nga áp sát
Phi công trinh sát cơ P-8A Mỹ chỉ có thể giữ nguyên hướng bay, tốc độ mỗi lần tiêm kích Nga nhào lộn, cắt mặt trên không phận quốc tế.
Máy bay quân sự Mỹ thường xuyên bị tiêm kích Nga và Trung Quốc bám sát trên không phận quốc tế. Đây có thể là trải nghiệm đáng sợ với nhiều phi công, đặc biệt trong các trường hợp được coi là “thiếu an toàn và chuyên nghiệp”.
Những tình huống như vậy không xảy ra thường xuyên, nhưng cũng chiếm phần không nhỏ trong những lần chạm mặt trên không giữa lực lượng quân sự các nước. “Tôi trải qua điều đó khá nhiều”, đại tá hải quân Erin Osborne, chỉ huy Phi đoàn Tuần tra và Trinh sát số 10 hải quân Mỹ, cho biết.
Tiêm kích Su-35S Nga kẹp sát trinh sát cơ Mỹ trên Địa Trung Hải hồi cuối tháng 5. Video: US Navy.
Tiêm kích hạng nặng Su-35S Nga đã ba lần tiếp cận trinh sát cơ P-8A hải quân Mỹ trên Địa Trung Hải trong năm nay. Washington cáo buộc những hoạt động này là “thiếu chuyên nghiệp”.
“Phi công Nga có hành động uy hiếp an toàn, đe dọa tính mạng tổ lái Mỹ khi bay với tốc độ cao trong trạng thái lộn ngược ở cách mũi máy bay Mỹ chỉ 7 m”, thông cáo của hải quân Mỹ hôm 15/4 có đoạn viết. Chỉ hơn một tháng sau, Mỹ cáo buộc hai tiêm kích Su-35S Nga áp sát hai bên và hạn chế khả năng cơ động an toàn của máy bay P-8A trong thời gian 64 phút.
P-8A Poseidon là máy bay săn ngầm và tuần thám biển phát triển từ máy bay chở khách Boeing 737-800ERX. Tổ bay của P-8A có 9 người, được trang bị nhiều cảm biến hiện đại, cùng dàn vũ khí gồm ngư lôi, thủy lôi và tên lửa chống hạm Harpoon.
Phi đội P-8A sở hữu khả năng trinh sát, do thám và thu thập dữ liệu tình báo, cũng như năng lực chống tầm ngầm vượt trội mẫu tiền nhiệm P-3C Orion. Điều đó khiến chúng là ưu tiên giám sát hàng đầu trong những chuyến tuần tra gần không phận Nga hay Trung Quốc.
“Chúng tôi biết chắc mình sẽ bị theo dõi. Tôi biết họ sẽ tiếp cận và bám sát để xác định nhiệm vụ của chúng tôi. Phần lớn hoạt động tương tác đều rất chuyên nghiệp”, đại tá Osborne nói.
Các tổ bay P-8A không cất cánh với giả định rằng hành động áp sát của tiêm kích Nga, Trung sẽ gây mất an toàn, nhưng họ luôn được chuẩn bị cho kịch bản đó. “Nếu chưa bao giờ bị tiếp cận, bạn sẽ rất lo lắng vì chưa quen việc tiêm kích nước ngoài bay sát với chiếc P-8A. Chúng tôi thường xuyên huấn luyện để tổ lái quen với điều đó”, đại tá Osborne cho hay.
Hải quân Mỹ thường sử dụng các tiêm kích trong biên chế như EA-18G Growler để tổ lái P-8A làm quen với những động tác cơ động họ có thể gặp phải. Trong quá trình huấn luyện, phi cơ Growler sẽ lập đội hình bám đuôi chiếc P-8A, đồng thời thực hiện nhiều động tác như đột ngột bay xuống phía dưới.
“Chúng tôi muốn họ nắm được thế nào là quá gần, thiếu chuyên nghiệp và mất an toàn. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra nếu chưa từng thấy điều đó”, Osborne nói.
Tiêm kích Su-35S Nga bám sát chiếc P-8A Mỹ trên Địa Trung Hải hôm 26/5. Ảnh: US Navy.
Trong mỗi lần áp sát, tổ lái Mỹ có rất ít lựa chọn vì chiếc P-8A có kích thước lớn, vận tốc chậm, không có khả năng cơ động như tiêm kích chiến thuật. “Chúng tôi không thể dự đoán họ sẽ làm gì. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là giúp họ dự đoán hành động của chúng tôi. Không có giải pháp nào khác. Nếu họ nhào lộn quanh chiếc Poseidon, tổ lái không thể và không nên làm bất kỳ điều gì để né tránh. Phương án an toàn nhất là giữ nguyên tốc độ, hướng bay và độ cao”, Osborne nói thêm.
Phi công hai bên thường không liên lạc vô tuyến trong những chuyến áp sát, dù có khả năng các tổ lái sẽ giao tiếp qua ánh mắt hoặc cử chỉ. Thời gian diễn ra những hoạt động này cũng tùy thuộc vào nhiệm vụ, nhưng các máy bay sẽ chuyển hướng và trở về căn cứ an toàn khi nhiệm vụ hoàn tất.
Dù vậy, vẫn có một số tai nạn thảm khốc từng xảy ra. Năm 2001, biên đội hai tiêm kích J-8 Trung Quốc tiếp cận trinh sát cơ EP-3E Ares II Mỹ ở khu vực cách đảo Hải Nam khoảng 110 km. Trong lúc áp sát, một chiến đấu cơ J-8 Trung Quốc va chạm với máy bay Mỹ, khiến phi công Wang Wei thiệt mạng, còn chiếc EP-3E hư hỏng nặng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Những sự việc như vậy rất hiếm khi xảy ra. Phần lớn hoạt động áp sát, dù là tiêm kích tàng hình F-22 bám theo oanh tạc cơ Nga gần Alaska, hay chiến đấu cơ nước ngoài theo dõi trinh sát cơ Mỹ trên khắp thế giới, đều diễn ra một cách chuyên nghiệp và an toàn.
Trinh sát cơ Mỹ tiếp dầu trước mũi tiêm kích Nga Nga công bố video tiêm kích tàng hình Mỹ áp sát oanh tạc cơ Trinh sát cơ Mỹ được phát hiện áp sát đảo Hải Nam
Ngư lôi vô địch tốc độ của Nga sản xuất từ thời Liên Xô, nay vẫn khiến Mỹ phải "lác mắt"
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã từng có những thời gian rất bị động, khi phụ thuộc nặng nề vào hạm đội tàu ngầm để đối phó với lực lượng hải quân Mỹ.
Để giải quyết thế bí, một loại ngư lôi siêu tốc độ cho tàu ngầm Liên Xô đã được chế tạo. Cho đến nay, thế giới chưa có loại ngư lôi nào có thể so sánh với nó về tốc độ.
Shkval - ngư lôi siêu tốc độ không đối thủ của Nga (ảnh: Editions)
Một trong những vũ khí dưới nước sáng tạo nhất từng được Liên Xô phát triển là ngư lôi siêu tốc VA-111 Shkval. Sự tồn tại của vũ khí này đã được Liên Xô giữ bí mật trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và chỉ được công bố vào giữa năm 1990.
Trang bị động cơ tên lửa, VA-111 Shkval có khả năng đạt tốc độ đáng kinh ngạc, lên tới 200 hải lý mỗi giờ (gần 400 km/giờ). Vào thời điểm đó, những ngư lôi tiên tiến nhất trên thế giới mới chỉ đạt vận tốc trên 92km/giờ. Làm thế nào mà các kỹ sư Liên Xô có thể vươn tới bước đột phá như vậy?
Theo thiết kế truyền thống, ngư lôi thường sử dụng cánh quạt hoặc lực hơi để đẩy. Ngư lôi Shkval được thiết kế theo một cách khác - sử dụng động cơ tên lửa đẩy.
Một vấn đề khác được giải quyết khi chế tạo ngư lôi Shkval, đó là lực cản của nước. Những nhà thiết kế của Liên Xô khi đó, đã giải quyết vấn đề này bằng hệ thống chuyển nhiệt lượng phát ra từ đuôi ngư lôi lên phần đầu.
Trong quá trình phóng dưới nước, Shkval sẽ làm bốc hơi toàn bộ lượng nước cản trước mặt, để di chuyển với tốc độ gần 400km/giờ. Đây là vận tốc được các nhà khoa học ngày nay đánh già là "siêu giới hạn".
Liên Xô còn trang bị cho ngư lôi Shkval đầu đạn hạt nhân, biến nó trở thành loại khí tài đáng sợ nhất trong lòng đại dương.
Shkval được thiết kế từ những năm 1960. Đây được xem là phương tiện tấn công chiến lược của Liên Xô vào các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của NATO lúc bấy giờ.
Ngư lôi Shkval mang theo đầu đạn hạt nhân và di chuyển với tốc độ chưa từng thấy trước đây. Nó tiêu diệt mục tiêu ngay cả khi đã bị phát hiện bởi tốc độ kinh hồn, khiến đối phương không kịp có thời gian xoay xở.
Ngư lôi Shkval có đường kính tiêu chuẩn 533 mm và tải được đầu đạn hạt nhân nặng 230kg. Shkval bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 1978 và phục vụ chính thức trong hải quân Liên Xô kể từ thời điểm đó.
Shkval sẽ làm bốc hơi toàn bộ nước xung quanh khi di chuyển (ảnh: Netnews)
Giống như bất kỳ loại vũ khí nào khác, Shkval cũng có những hạn chế. Vì sử dụng động cơ tên lửa, nên loại ngư lôi này phát ra tiếng ồn rất lớn, dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, đây chỉ là nhược điểm trên lý thuyết, bởi như đã nói, với tốc độ khủng khiếp, Shkval sẽ không cho phép đối phương có thời gian trở tay.
Nhược điểm thứ hai của ngư lôi Shkval, đó là không thể sử dụng các bộ phát tín hiệu dẫn đường truyền thống. Tiếng ồn quá lớn của Shkval phát ra thường gây nhiễu tín hiệu của các hệ thống định vị dẫn đường. Vấn đề đặt ra là phải có một bộ dẫn đường chuyên biệt dành cho loại ngư lôi ồn ào này.
Năm 1997, Mỹ cũng phát triển loại ngư lôi gắn động cơ tên lửa đẩy tương tự như Shkval, nhưng sau đó dự án này bị dừng lại vì "không đáp ứng" được yêu cầu của hải quân nước này.
Hiện những tàu ngầm Nga là tàu ngầm duy nhất trên thế giới được trang bị ngư lôi Shkval, với phiên bản trang bị đầu đạn thường. Nga cũng bán ra nước ngoài một phiên bản khác của Shkval là Shkval E.
Năm 2004, nhà thầu quốc phòng Đức - Diehl-BGT đã công bố Barracuda, một loại ngư lôi có khả năng di chuyển tới vận tốc 194 hải lý/giờ (hơn 350km/giờ). Tuy nhiên, Barracuda chỉ mang tính trình diễn chứ không thể sản xuất hàng loạt và đem bán ra thị trường như Shkval của Nga. Đến nay, Shkval vẫn là loại ngư lôi vô địch về tốc độ.
Theo danviet.vn
Nga hợp nhất hai công ty sản xuất máy bay MiG và Sukhoi Việc hợp nhất hai nhà sản xuất, trung tâm nghiên cứu hàng không quân sự hàng đầu của Nga cho phép thực hiện hiệu quả hơn các chương trình hiện có và phát triển các dự án triển vọng mới. Máy bay MiG-31 của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN) Tập đoàn hàng không thống nhất UCA đã công bố kế hoạch hợp nhất hai nhà...