Phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 4 tháng
Phi công và các nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.
Đây là nội dung đáng chú ý nhất trong Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác bay mà Bộ GTVT vừa ban hành, có hiệu lực từ 1/10/2015.
Theo đó, nhân viên hàng không trình độ cao (bao gồm thành viên tổ lái, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên, nhân viên điều độ, khai thác bay) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động, bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.
Quy định mới “siết” chặt hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của phi công đối với hãng bay
“Nhân viên hàng không trình độ cao khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động và các thoả thuận liên quan. Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng lao động khi các bên đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng.
Nhân viên hàng không trình độ cao được chuyển đổi người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay theo quy định của pháp luật sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định; Có hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay hoặc tổ chức bảo dưỡng tàu bay mới” – Thông tư 41 nêu rõ.
Video đang HOT
Giải thích về vấn đề trên, lãnh đạo Vụ Pháp chế của Bộ GTVT – cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư 41 cho biết, do đặc thù ngành đang đặt ra yêu cầu phải siết chặt quản lý nhân lực hàng không trình độ cao để đảm bảo an toàn bay và môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, Bộ GTVT đã xin ý kiến các tổ chức, cá nhân và các cơ quan liên quan như Bộ Lao động, Bộ Tư pháp…
“Quy định kể trên không hề trái Bộ luật Lao động vì Điều 37, 38 của Bộ luật này chỉ quy định thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và người lao động khi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là ít nhất 45 ngày chứ không quy định thời gian tối đa”.
Việc quy định thời hạn báo trước trên mức tối thiểu của Bộ luật Lao động nhằm điều chỉnh nguồn lực lao động trình độ cao trong ngành hàng không là phù hợp và đồng bộ giữa hệ thống pháp luật về lao động và hệ thống pháp luật chuyên ngành về hàng không dân dụng” – lãnh đạo Vụ Pháp chế khẳng định.
Giải thích thêm về quy định này, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, tổng thời gian tối thiểu để một phi công mới được thuê có đủ khả năng làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu của nhà khai thác mới vào khoảng 4 tháng – tương đương 120 ngày. Đây cũng là lý do thông tư mới đưa quy định này vào.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Quy định phi công nghỉ việc báo trước 120 ngày gây tranh cãi
"Quy định của Bộ Giao thông Vận tải về việc người lao động trình độ cao phải thông báo thời gian nghỉ việc trước 120 ngày là trái luật", luật sư Phạm Thanh Bình khẳng định.
Bộ Giao thông vừa ban hành thông tư sửa đổi về quy chế an toàn hàng không dân dụng. Theo đó, nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động, bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt. So với dự thảo đưa ra lấy ý kiến cách đây 5 tháng, thời gian báo trước đã giảm xuống 60 ngày.
Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu kết thúc vào tháng 6-7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1-2 của năm thì thời hạn hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó. Ngoài ra, khi những lao động này chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động.
Các nhân viên hàng không trình độ cao bao gồm: phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, nhân viên điều độ, khai thác bay.
Nhiều hãng hàng không Việt Nam thuê phi công người nước ngoài, các thỏa thuận thường được ghi rõ trong hợp đồng lao động. Ảnh minh họa.
Trao đổi với VnExpress, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Giao thông) cho rằng, phi công là lao động đặc thù và điều 70 của Luật Hàng không cho phép Bộ trưởng Giao thông được quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không, nên có thể đưa ra mức thời gian thông báo chấm dứt hợp đồng nhiều hơn 45 ngày.
Ngoài ra, bà Trịnh Thị Hằng Nga nhận định, Bộ luật Lao động không quy định thời gian người lao động phải báo trước tối đa, chỉ quy định thời gian báo trước tối thiểu là 45 ngày. "Chúng tôi xem xét cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Không thể để doanh nghiệp xáo trộn kinh doanh cũng như người lao động thiệt thòi khi nghỉ việc", bà Nga nói.
Trái với ý kiến của lãnh đạo Vụ Pháp chế, luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc), cho rằng thông tư của Bộ Giao thông là trái Bộ luật Lao động vì bộ luật quy định người lao động chỉ phải báo trước tối đa 45 ngày. "Nếu ngành nào cũng viện cớ đặc thù thì thông tư sẽ đứng trên luật, không thể vin vào lý do ngành đặc thù để trái Bộ luật Lao động", ông Bình nói.
Luật sư này cũng cho rằng, khi một người lao động nghỉ việc tất nhiên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, song đó là việc mà doanh nghiệp cần giải quyết và tìm cách khắc phục, không thể vin vào đó để làm trái quy định.
Theo một lãnh đạo Vụ Lao động - Tiền Lương, Bộ Lao động, người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận về thời gian chấm dứt hợp đồng khi ký hợp đồng lao động, hoặc thông qua tổ chức công đoàn để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Vị này cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành không nên quy định thời gian chấm dứt hợp đồng của người lao động để tránh can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Nếu đưa ra quy định thì cần áp dụng theo Bộ luật Lao động là người lao động khi nghỉ việc cần báo trước 45 ngày.
Cuối tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo thông tư an toàn hàng không dân dụng và khai khác tàu bay. Dự thảo quy định lao động trình độ cao phải báo trước thời gian nghỉ việc trước 180 ngày. Nhiều chuyên gia đã cho rằng, thời gian báo trước 180 ngày là không phù hợp với Bộ luật Lao động.
Đầu năm 2015, Vietnam Airlines đã có 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Nhiều người đã muốn chấm dứt hợp đồng để chuyển sang hãng khác, gây khó khăn cho công tác điều hành bay của hãng. Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quy định về thời gian báo trước việc chấm dứt hợp đồng của lao động.
Đoàn Loan
Theo VNE
Chủ công ty biến mất, hàng trăm công nhân bơ vơ Đang hoạt động bình thường, bỗng một ngày, ông chủ Yu Kiun người Hàn Quốc của Công ty TNHH GMIE (KCN mở rộng Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) mất tích bí ẩn. Hơn 400 công nhân hoang mang không biết lý do vì sao và bao giờ được đi làm trở lại. Công nhân ngóng chờ ông chủ công ty quay trở lại...